Về bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”.
Về bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”. Hướng dẫn Âm điệu chủ đạo của bài ca là tiếng hát sầu hận, tiếc, xót xa, cảm hoài về một cảnh ngộ trớ trêu, éo le ngoài ước nguyện vẫn gặp trong đời thường muôn thuở: yêu nhau chẳng lấy được nhau. Dù sao, trong cuộc sống ...
Về bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”.
Hướng dẫn
Âm điệu chủ đạo của bài ca là tiếng hát sầu hận, tiếc, xót xa, cảm hoài về một cảnh ngộ trớ trêu, éo le ngoài ước nguyện vẫn gặp trong đời thường muôn thuở: yêu nhau chẳng lấy được nhau. Dù sao, trong cuộc sống đối đáp lần này, cái nghĩa cho nhau của đôi bạn tình một thuở vẫn được hồi tưởng lại và cả hai vẫn cứ ngậm ngùi nuôi tiếc nên bài ca vẫn chưa mất hẳn tính chất giao duyên. Nhưng còn cao hơn cả sự nuôi tiếc tình yêu, bài ca là lời xót xa cho thân phận bất hạnh của cả hai con người.
Bài ca chỉ 10 câu, mang hình thức đối đáp nam nữ quen thuộc trong ca dao dân ca. Mở đầu là tâm trạng chàng trai:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!
Trên báo Giáo dục và Thời đại số 4 ngày 22/4/1991, Nguyễn Xuân Châu cho rằng chàng trai ở đây phải trèo lên… bước xuống… biết bao khó nhọc vất vả cất công lặn lội đi tìm người thương (Về bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa). Thực ra không phải thế. Trong thi pháp ca dao cổ truyền, nhất là cao dao trữ tình, câu mở đầu thường được viết theo thể hứng: trông thấy cảnh mà nảy sinh tình. Ở đây cũng vậy Trèo lên cây bưởi hái hoa chủ yếu nhằm gợi hứng và có tác dụng đưa đẩy bắt vần. Ta thường gặp những câu như thế trong ca dao dân ca:
– Trèo lên cây bưởi hái hoa
Người ta hái hết đôi ta bẻ cành
– Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này khế ơi!
– Trèo lèn Quán Dốc ngồi gốc cây đa…
Và ngay cả bài này, câu mở đầu cũng có một dị bản:
Trèo lên cây gạo cao cao
Bước xuống vườn đào hái nụ tầm xuân (Sách Trẻ con hát trẻ con chơi của Nguyễn Văn Vĩnh) Như thế, Trèo lên cây bưởi… và Trèo lên cây gạo… có thể thay thế cho nhau mà nội dung lời ca vẫn không thay đổi.
Nhưng vì sao lại trèo lên… bước xuống…Vì sao lại đi tìm nụ tầm xuân trong vườn cà là nơi tầm xuân ít khi mọc? Vì sao hoa tầm xuân màu đào hay nắng nhạt, lại thấy nở ra xanh biếc? Tất cả đều không có trong thực tế, đều sai với thực tế, hoặc ít ra cũng không bình thường. Phải chăng đó là tâm trạng của một con người ngơ ngẩn, không còn đủ tỉnh táo để làm chủ được mình: một chàng trai thất tình đến mức có thể nhìn gà hoá cuốc? Vậy thì khung cảnh thiên nhiên ở đây có giá trị gì, có mối quan hệ như thế nào với nhân vật trữ tình? Nguyễn Văn Hùng đã lý giải điều đó như sau: Tất cả là hư cấu, hư cấu một cách rối, luẩn quẩn nhưng lại góp phần diễn tả rất đạt tâm trạng rối bời, nhưng mất cả phương hướng của chàng trai bị thất tình. Giữa các chi tiết tưởng như ngẫu nhiên, lộn xộn trong lời chàng trai ta vẫn thấy có sự minh bạch, thống nhất, đó là sự muộn màng. Từ lòng người đến thiên nhiên đều có dấu hiệu của cuối xuân trễ tràng: hoa bưởi, hoa cà, hoa tầm xuân, người mình yêu đã có chồng và chàng nuôi tiếc một cơ may bị bỏ qua… Và Nguyễn Xuân Kinh, dưới góc độ tiếp cận theo thì thi pháp ca dao, cũng có ý kiến tương tự: Trong ba dòng mô tả thiên nhiên, dòng đầu chủ yếu có tác dụng đưa đẩy, bắt vấn. Hai dòng sau gắn với ý nghĩa nội dung của lời người con trai: Thiên nhiên cũng trớ trêu, ngược đời như cô gái mà anh mơ ước đã có chồng rồi! ở đây không hề có chuyện chàng trai đi tìm người thương như Nguyễn Xuân Châu nói, mà chỉ có một chàng trai thất tình giữa cảnh thiên nhiên cũng mang sắc màu trớ trêu như vậy. Cái ý vị của bài ca, cái tài hoa của người nghệ sĩ dân gian, phải chăng là đã tạo ra khung cảnh thiên nhiên này?
Hãy trở lại với cái màu xanh biếc của hoa tầm xuân, vì đây vẫn là vấn đề còn chưa thống nhất ý kiến. Vì sao lại có sự nhầm lẫn đến vậy? Một nhà nghiên cứu đã cho biết, trong dân ca tình yêu các dân tộc ít người, có hiện tượng khi tình duyên trắc trở thì các màu sắc được miêu tả đều trái ngược với màu sắc trong thực tế. Và không chỉ ở dân tộc ít người mà dân tộc Kinh cũng thế. Cái sắc màu của hoa cúc trong bài ca đối đáp nam nữ dưới đây đã biến đổi một cách thật là phi lí:
– Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím,
Em có chồng rồi trả yếm cho anh!
– Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh,
Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi?
Nhưng chính cái phi lí này lại nói lên điều hữu lí của tình yêu trong sự trớ trêu của nó. Lẽ ra nụ tầm xuân nở ra phải chúm chím ửng hồng. Sao ở đây lại xanh biếc, lại vô lí đến thế, cũng vô lí như là ta chẳng cưới được nhau, như là em đã có chồng. Người nghệ sĩ dân gian đã sử dụng phạm trù cái phi lí để đặc tả tâm trạng thông qua biểu tượng là như vậy. Nhưng hình ảnh nụ tầm xuân nở ra xanh biếc ở đây, phải chăng, còn nói với ta điều này nữa: dù em đã có chồng, lòng yêu em xưa ở trong anh vẫn nguyên vẹn. Em vẫn đẹp như thuở nào và đẹp mãi trong anh. Cái bông hoa kia dù có phải nở non chín ép, thì cái xanh nguyên, xanh biếc của nụ hoa vẫn còn đọng mãi trong mắt người đã từng thương nhớ. Nỗi nuối tiếc khôn nguôi làm cho nỗi đau hiện tại của chàng trai càng thêm thấm thía. Một con người thất tình nhưng lại chung tình biết bao! Âm điệu câu thơ từ lục bát chuyển sang song thất da diết hơn đã góp phần bộc lộ nỗi đau – thất tình và nỗi nuôi tiếc – chung tình đó:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!
Trong lời than như còn bốc lửa của tình yêu, và đằng sau lời than hiện lên một nhân cách đẹp, một con người đáng trọng, cho dù có phải lâm vào cảnh ngộ trớ trêu này.
Tiếp theo là tâm trạng và sự giãi bày của cô gái. Nỗi đau của cô gái trong lời đáp là nỗi đau trong sự trách cứ và than thở. Trách cứ mà vẫn yêu. Than thở mà vẫn chịu đựng.
Cô trách chàng trai:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không!
Nào có tốn kém gì lắm đâu (chỉ ba đồng), và nhà em cũng có đòi hỏi mâm cao cỗ đầy cho cam (chỉ một mớ trầu cay)! Thế mà tan vỡ tất cả. Lời trách móc vẫn nồng nàn ngọn lửa tình yêu và cay đắng, xót xa trong một niềm tiếc nuối. Chỉ tại anh, tại bố mẹ anh không đến ăn hỏi nên giờ đây em mới lâm vào nông nỗi này, vào cảnh tù túng trói buộc này:
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Không như nỗi đau của chàng trai, nỗi đau của cô gái được nhân lên hai lần: vừa đau khổ vì không lấy được người mình yêu, lại càng đau khổ hơn vì tình cảnh hiện tại như chim vào lồng như cá cắn câu. Câu thơ tám chữ trong thể lục bát được gieo vần ở tiếng thứ tư đã gây ấn tượng mạnh mẽ về cái hiện thực phũ phàng mà cô gái phải chịu và người yêu của cô cũng không muốn. Tâm trạng cô gái ở đây hoàn toàn không giống tâm trạng của cô gái trong bài ca dao xứ Nghệ vì nàng không thể chờ đợi hơn được nữa:
Anh đến tìm hoa nhưng hoa đến thì hoa phải nở,
Anh đến bến đò nhưng đò đầy thì đò phải sang sông,
Đến duyên em, em phải lấy-chồng…
và cũng khác xa cái cách trả lời lịch sử mà dứt khoát của một cô thôn nữ đã bằng lòng với duyên phận của mình:
Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.
Đằng này, cô gái đã ý thức được nỗi đau trong cảnh sống tù túng trói buộc hiện tại và chỉ còn biết ngậm ngùi than thở – với mình và với cả người mình yêu:
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Nỗi đau ấy được hình tượng hoá trong hình ảnh chim vào lồng, cá cắn câu vốn đã trở thành một mô-típ quen thuộc và xuất hiện với tần số lớn trong ca dao. Ở bài ca này, nó lại được chính cô láy lại như một âm thanh nhức nhối, như một thực trạng khủng khiếp đày đoạ cuộc đời cô. Nó là biểu tượng cho sự bi thảm, bế tắc tột cùng của những thân phận không làm chủ được cuộc đời mình. Vì vậy, mỗi câu hát của người con gái bất hạnh ở đây được hình dung như là một tầng sâu của nỗi đau chồng chất đến mức không thể giải thoát. Để rồi, cuối cùng dồn nén trong một lời than thở nghẹn ngào, một câu hỏi chua xót, nhức nhối:
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Câu hỏi dường như không có lời giải đáp trong chế độ cũ này, là của riêng cô, hay còn là của cả một lớp người như cô? Chỉ biết cái âm điệu da diết, réo rắt của câu thơ song thất đã làm cho tiếng kêu than thảm thiết của cô gái nhói tận tim gan chúng ta. Và ta hiểu đó là nỗi đau của một thời, của một lớp người trong xã hội cũ. Từ nỗi đau đó vang lên lời tố cáo mạnh mẽ cái lễ giáo phong kiến khắt khe, nghiệt ngã. Đằng sau lời tố cáo ấy là niềm khát vọng thiết tha, cháy bỏng về tự do hôn nhân. Và vượt ra ngoài khuôn khổ của một tâm trạng, khát vọng ấy đã trở thành đòi hỏi của tuổi trẻ mọi thời đại.
Nhưng hãy lắng nghe thêm chút nữa. Có phải rằng trong lời than thở kia, dù phẫn uất đau xót, dù thiết tha khao khát, vẫn có một cái gì như là sự cam chịu của cô gái? Bởi vì, dù sao thì cũng là sự đã rồi, cô cũng đã có chồng, và cô phải có trách nhiệm: Lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng. Người phụ nữ Việt Nam là như thế tuy hạnh phúc riêng tư tan vỡ nhưng lòng vẫn tràn đầy vị tha, ngời sáng đức hi sinh. Bài ca dừng lại ở một lời than thân trách phận là hợp lí. Bởi vì còn biết làm gì hơn được khi mà họ là những người rất trọng nhau vì nghĩa: Thương nhau nhớ lấy lời nhau. Sức sống dài lâu của bài ca cũng là ở cái lẽ ấy.
Thu Trang