Phân tích bài ca dao: Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ, Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn, Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Phân tích bài ca dao: Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ, Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn, Hỏi ai gây dựng nên non nước này? Gợi ý viết bài Bài ca dao ...
Phân tích bài ca dao:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Gợi ý viết bài
Bài ca dao giới thiệu cho chúng ta một thắng cảnh ở Hà Nội gắn liền với lịch sử của vùng đất này, đó là hồ Hoàn Kiếm.
Bài ca dao mở đầu bằng một từ rất thân thiết, vừa như mời gọi, vừa như níu kéo. Hai tiếng rủ nhau thường sử dụng cho những đối tượng đã thân thiết nhau và cùng trang lứa. Trong nền văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu ca dao bắt đầu bằng hai từ rủ nhau như thế:
Rủ nhau đi cấy, đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu.
Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Trong hai câu ca dao trên, hai từ rủ nhau được sử dụng trong trường hợp đồng trang lứa và cùng cảnh ngộ. Hai từ rủ nhau còn thể hiện sự tự nguyện của cả hai phía. Từ rủ có tác dụng làm cho động tác hài hòa và ăn ý nhau hơn. Trong câu ca dao Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ, từ rủ đã thể hiện sự mong muốn của cả hai phía về việc đi xem cảnh đẹp. Chắc chắn rằng ở Kiếm Hồ phải có điều gì hấp dẫn mới có thể tạo ra tình huống rủ nhau như vậy.
Những địa danh được nhắc đến sau đó đã lí giải cho hành động rủ của hai đối tượng trong câu ca dao. Kiếm Hồ không chỉ là một cảnh đẹp mà còn gắn liền với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm thần sau khi đánh thắng giặc Minh. Không những thế, ở đây còn có hàng loạt các địa điểm vừa là danh thắng vừa là di tích lịch sử của thủ đô như cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, tháp Bút, đài Nghiên. Việc gợi ra hàng loạt các danh thắng đã thể hiện niềm tự hào của người dân thủ đô đối với truyền thống và vẻ đẹp của đất nước. Các danh thắng được nêu ra như một nét chấm phá, hợp với không gian bao la của mặt hồ, tạo thành một bức tranh phong cảnh nên thơ và hữu tình. Câu ca dao chỉ gợi mà không tả. Chỉ gợi ra một vài điểm nhấn thôi nhưng bài ca dao đã gợi lại biết bao giá trị về lịch sử, về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Bài ca dao được kết thúc bằng một câu hỏi nhưng không có câu trả lời.
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Câu ca dao hỏi nhưng không phải để hỏi. Hàm ý của câu ca dao trên là lời nhắn nhủ đối với thế hệ sau về công lao to lớn của những người đi trước trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nhắc nhở lớp con cháu phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị do cha ông để lại, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc ta.
Toàn bộ bài ca dao nói chung và đặc biệt là câu thơ cuối nói riêng đã làm nổi bật tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc của người dân Việt Nam.