Cảm nhận về hai bài ca dao sau: Em nghiêng vành nón Gò Găng. Để anh sửa lại vầng trăng đêm rằm. (Ca dao Trung Bộ) và Đưa tay ngắt một ngọn ngò Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ! (Ca dao Nam Bộ)
Cảm nhận về hai bài ca dao sau: Em nghiêng vành nón Gò Găng Để anh sửa lại vầng trăng đêm rằm. (Ca dao Trung Bộ) Đưa tay ngắt một ngọn ngò Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ! ...
Cảm nhận về hai bài ca dao sau:
Em nghiêng vành nón Gò Găng
Để anh sửa lại vầng trăng đêm rằm.
(Ca dao Trung Bộ)
Đưa tay ngắt một ngọn ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ!
(Ca dao Nam Bộ)
Bài ca dao thứ nhất ở vùng Bình Định, miền Trung nước ta. Gò Găng ngày nay là một thị trấn thuộc huyện An Nhơn. Vùng này có nhiều danh lam thắng cảnh, địa chỉ văn hoá. Ở cách đó không xa trên Quốc lộ I là thị trấn Bình Định, nơi đó có Bến Mi Lăng của Yến Lan và ngược lên là thành Đồ Bàn, kinh đô cuối cùng của vương quốc Chiêm Thành. Gò Găng không xa nơi phát tích nhà Nguyễn – Quang Trung là bao.
Trở lại với bài ca dao trên. Không biết xưa ở Gò Găng chiếc nón lá cógì đặc biệt hơn những nơi khác mà ca dao lại sosánh như thế. Có thể là rất đẹp! Nhưng chắc chắn đây không phải là sự ngợi ca chiếc nón. Nhân chiếc nón, nói đến người đó thôi.
Em nghiêng vành nón Gò Găng
Để anh sửa lại vầng trăng đêm rằm.
Câu ca không nói gì về vẻ đẹp của cô gái, song ai cũng biết cô xinh đến độ nào. Trăng đêm rằm sáng nhất, tròn nhất, nhưng vành nón của em còn tuyệt hơn! Chàng trai khen cô gái rất tế nhị và hết lời. Nhưng ở đây, ta thấy anh là người “đáo để” lắm. Em nghiêng vành nón Gò Găng nhưng để anh sửa lại vầng trăng đêm rằm, chứ đâu phải em – chủ nhân chiếc nón quý kia. Cũng như em, làm duyên là để cho người khác, mà thật ra là anh. Cách nói vòng sâu sắc chẳng khác gì cách hỏi khéo léo của chàng trai để quên chiếc nón trên cành hoa sen ở một bài ca dao khác.
Còn đây là một chàng trai khác, cũng hết sức đáng yêu:
Đưa tay ngắt một ngọn ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ!
Bề ngoài âm thầm (giả đò ngó lơ) nhưng bên trong thiết tha đến cháy bỏng (thương em đứt ruột). Câu sau cho thấy tính cách thường thấy ở những người mới yêu và đang yêu hết mình! Kín đáo mà dữ dội. Vì thế, xưa nay người ta biết chàng trai có nói quá một chút (thương em đứt ruột), nhưng vẫn cảm thông và yêu thích bài ca dao. Chàng trai ấy còn là người thanh lịch và phong nhã biết bao, bởi có bông ngò đứng ra giúp anh làm cớ ngó lơ trong phút giây bối rối của lòng mình.
Hai bài ca dao ở hai vùng quê khác nhau nhưng không khác biệt nhau về màu sắc biểu hiện. Nội dung bai ca dao rất dễ thương, khó có thể có câu ca nào hay hơn để biểu hiện tâm trạng đang yêu của chàng trai, bởi đây là tâm tình rất chân thật của tất cả những người trai trẻ Việt Nam hồn nhiên và nhiệt thành.