22/08/2017, 15:26

Phạm Văn Đồng và tác phẩm: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Bài viết ra đời nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (3 - 7 - 1888), đăng trên Tạp chí Văn học số 7 năm 1963. Ngay câu mở đầu bài viết, tác giả Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ ...

Bài viết ra đời nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (3 - 7 - 1888), đăng trên Tạp chí Văn học số 7 năm 1963. Ngay câu mở đầu bài viết, tác giả Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này”.

I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Phạm Văn Đồng (1906 - 2000), quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1925, hoạt động trong phong trào học sinh tham gia bãi khoá đòi để tang cụ Phan Chu Trinh. Năm 1926, ông được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội. Năm 1927, Phạm Văn Đồng về nước tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1939 ông ra tù và tiếp tục hoạt động.

Phạm Văn Đồng tham gia Chính phủ lâm thời tháng 8 năm 1945 và sau đó liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1954), Thủ tướng Chính phủ (1955 - 1981), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1987), đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII...
 
2. Văn nghiệp
Trong hơn 40 năm với tư cách là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, Phạm Văn Đồng đặc biệt quan tâm đến mặt trận văn hoá văn nghệ. Năm 1948, ông viết tác phẩm: Hồ Chí Minh, hình ảnh dân tộc, đây là tác phẩm đầu tiên về chủ đề Hồ Chí Minh, giúp cho nhân dân cả nước hiểu biết sâu sắc về vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc.

Về văn học, Phạm Văn Đồng viết nhiều bài nghị luận sâu sắc về Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh.
Với những cống hiến vô cùng to lớn đối với đất nước, ông đã được Nhà nước tặng thường Huân chương Sao vàng và nhiều danh hiệu cao quý khác.
 
II. TÁC PHẨM: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
1. Hoàn cảnh ra đời
Bài viết ra đời nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (3 - 7 - 1888), đăng trên Tạp chí Văn học số 7 năm 1963. Ngay câu mở đầu bài viết, tác giả Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này”.

Như vậy, để tìm hiểu và đánh giá hết nội dung bài viết, ta phải tìm hiểu những sự kiện đã và đang diễn ra của đất nước ta và nhất là ở Nam Bộ, ở Bến Tre, quê hương của nhà thơ Đồ Chiểu lúc bấy giờ. Đó là từ năm 1954 đến 1959, quân Mĩ và chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam thực thi Luật 10/59, bắt bớ tù đày và gây ra nhiều vụ tàn sát đẫm máu đối với nhân dân và những người kháng chiến cũ; từ năm 1960, Mĩ can thiệp sâu vào cuộc chiến ở miền Nam; phong trào đấu tranh chống Mĩ của nhân dân miền Nam nổi lên...

Hoàn cảnh lịch sử trên cho chúng ta hiểu vì sao tác giả bài viết nhấn mạnh thời điểm lịch sử khi ông ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu.
 
2. Bố cục
Văn bản được chia làm ba phần:
- Mở bài: (từ đầu đến “chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm !”). Phần này, tác giả bài viết đã đưa ra luận điểm trung tâm của toàn bài là: Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của dân tộc cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu và đề cao hơn nữa.

- Thân bài: (tiếp theo đến “còn vì văn hay của Lục Vân Tiên”). Nội dung phần thân bài là: giới thiệu những nét đặc sắc về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, về thơ văn yêu nước, về giá trị của tác phẩm Lục Vân Tiên.

- Kết bài: (phần còn lại). Khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.
 
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Về thể loại
Tác phẩm được viết theo thể văn nghị luận. Văn nghị luận là một thể loại nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về văn học hoặc chính trị, đạo đức, lối sống,... nhưng lại được trình bày bằng một ngôn ngữ trong sáng, hùng hồn, với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục. Văn nghị luận không dùng hư cấu, không dựa vào trí tưởng tượng mà dựa vào tư duy lôgic nhằm trình bày tư tưởng, quan điểm nào đó của người viết. Khác với văn hình tượng, văn nghị luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lí lẽ và lập luận.

Để bài văn có sức thuyết phục cao, người viết phải đưa ra những lí lẽ, những lập luận và các bằng chứng tiêu biểu xác đáng; đặc biệt, lí lẽ và lập luận ấy phải xuất phát từ một chân lí hiển nhiên hoặc một ý kiến đã được nhiều người thừa nhận.
 
b. Vẻ đẹp đáng trân trọng, kính phục của con người và quan điểm về thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương chói ngời về tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, cả cuộc đời ông dành trọn cho qêe hương đất nước.
Quan niệm sáng tác văn chương của Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn thống nhất với quan niệm làm người, “văn tức là người”, văn thơ phải là vũ khí chiến đấu của người chiến sĩ.
 
c. Nội dung thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu qua cái nhìn của tác giả Phạm Văn Đồng
Phạm Văn Đồng đặt các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Theo tác giả, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là “ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” là vì thơ văn của ông đã làm sống lại phong trào kháng chiến chống Pháp kiên cường, bền bỉ của người dân Nam Bộ trong thời điểm lúc bấy giờ.

Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là những bài ca ngợi ca những người chiến sĩ dũng cảm, đồng thời cũng là lời than khóc cho những anh hùng thất thế đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu vì nước, vì dân.

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu phản ánh hơi thở nóng hổi của cuộc chiến chống Pháp giai đoạn đầu. Tác phẩm của ông có sức cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống thực dân. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tác phẩm tiêu biểu của mảng thơ văn Đồ Chiểu khi đất nước có giặc ngoại xâm. Với tác phẩm này, lần đầu tiên trong văn học thành văn, hình tượng người nông dân nghĩa sĩ đi vào văn học với tất cả phẩm chất tốt đẹp vốn có của họ.

Phạm Văn Đồng hiểu rất rõ rằng, tác phẩm văn chương lớn chỉ có thể sinh ra từ những tâm hồn lớn. Vì thế, khi nói đến thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả luôn chú ý làm cho người đọc nhận ra rằng, những câu văn, vần thơ đó chính là bầu nhiệt huyết của nhà thơ trào ra thành chữ nghĩa: “Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu”.
 
d. Truyện thơ Lục Vân Tiên qua cái nhìn của tác giả Phạm Văn Đồng
Theo tác giả, Lục Vân Tiên là “Một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những điều trung nghĩa !”. Tác giả cũng không phủ nhận: “Những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm chúng ta thì có phần đã lỗi thời”. Văn chương của Lục Vân Tiên có những chỗ lời văn không hay lắm. Tuy nhiên, Phạm Văn Đồng cũng đã nói rõ đó là những hạn chế không thể tránh khỏi và không phải là cơ bản.

Truyện Lục Vân Tiên vẫn mãi là một bài ca hào hùng mà thiết tha về lí tưởng đạo đức của nhân dân, ca ngợi những con người trọng nghĩa, khinh tài, luôn phấn đấu vì nghĩa lớn. Bằng cách nhìn, cách phân tích mới, tác giả có sự nhìn nhận lại, đánh giá lại giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

Như vậy, Phạm Văn Đồng đã xem xét giá trị của Truyện Lục Vân Tiên trong mối quan hệ mật thiết với đời sống của nhân dân. Tác phẩm có giá trị bởi lẽ đó là một công trình nghệ thuật mà nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật đều được đông đảo quần chúng nhân dân yêu quý và đón nhận nồng nhiệt.
0