Ôn tập phần Tập làm văn
Hướng dẫn I – NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG – Thấy được đặc trưng hai loại văn bản thuyết minh và tự sự. – Thấy được sự kết hợp với các phương thức biểu đạt khác trong hai loại văn bản này: + Trong thuyết minh có sử dụng một số biện pháp nghệ thuật (kể chuyện, tự thuật, đối ...
Hướng dẫn
I – NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
– Thấy được đặc trưng hai loại văn bản thuyết minh và tự sự.
– Thấy được sự kết hợp với các phương thức biểu đạt khác trong hai loại văn bản này:
+ Trong thuyết minh có sử dụng một số biện pháp nghệ thuật (kể chuyện, tự thuật, đối thoại,…).
+ Trong tự sự có biểu cảm, miêu tả nội tâm, nghị luận, đối thoại, độc thoại,…
– Sự kết hợp với các phương thức biểu đạt khác bên cạnh phương thức chính làm cho bài văn sinh động và hấp dẫn.
– Tuy nhiên, vẫn cần phân biệt các loại văn bản trên ở những đặc trưng cơ bản và ở mức độ các yếu tố tham gia. Ví dụ, miêu tả mang nhiều sắc thái chủ quan của người viết, còn thuyết minh phải mang tính khách quan, khoa học; miêu tả ít dùng các con số cụ thể, còn thuyết minh thì dùng nhiều số liệu cụ thể, chi tiết.
II – HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
Câu hỏi 3
Văn bản thuyết minh có yếu tố miêu tả, tự sự khác văn bản miêu tả, tự sự ở nhiều điểm nhưng quan trọng nhất là: Thuyết minh chủ yếu dùng các phương pháp khoa học (dùng thuật ngữ, các số liệu cụ thể, ngôn từ đơn nghĩa) để đảm bảo tính khách quan, khoa học ; miêu tả và tự sự, trái lại chủ yếu dùng các phương pháp nghệ thuật như hư cấu, tưởng tượng, so sánh, phóng đại,… Miêu tả, tự sự trong văn bản thuyết minh chỉ là những yếu tố xuất hiện đơn lẻ, có tác dụng minh hoạ cho nội dung thuyết minh khi cần thiết.
Câu hỏi 4
– Nội dung chính của văn bản tự sự là kểchuyện (gồm có sự kiện, nhân vật và lời kể). Ngoài ra, trong tự sự còn có miêu tả và nghị luận.
– Miêu tả trong văn bản tự sự có tác dụng làm cho sự kiện, nhân vật, cảnh vật trở nên sinh động, hấp dẫn. Riêng miêu tả nội tâm làm cho những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật được bộc lộ trực tiếp, do đó góp phần thể hiện tính cách nhân vật. Ví dụ, đoạn trích sau đây trong Truyện Kiều tả nỗi nhớ người yêu và gia đình của Thuý Kiều:
Đoái thương muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
Xót thay huyên cỗi xuân già,
Tâm lòng thương nhớ biết là có nguôi?
Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Duyên kia dầu nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng tay mang.
Tấc lòng cố quốc tha hương,
Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời.
– Nghị luận trong văn bản tự sự vừa có thể bộc lộ tính cách nhân vật, vừa có thể cho thấy quan điểm của người viết. Ví dụ, phần kết câu chuyện sau thể hiện một nhận xét:
VẼ GÌ KHÓ
Có người thợ vẽ cho vua nước Tề mấy bức tranh. Vua hỏi:
– Vẽ gì khó?
– Vẽ chó, vẽ ngựa khó.
– Vẽ gì dễ?
Vẽ ma quỷ dễ.
– Sao lại thế?
– Chó ngựa ai cũng trông thấy, vẽ mà không giốnhg, thì người ta chê cười cho. Ma quỷ là giống vô hình, không ai trông thấy, vẽ thế nào cũng được, không ai bắt bẻ.
Người bỏ những công việc nhật dụng, chỉ chăm chú làm những việc kìdị, quái gở để loè thiên hạ, thì có khác nào người thợ chỉ vẽ ma quỷ, nghĩa là tránh cái khó mà làm cái dễ vậy.
(Theo Cổ học tinh hoa)
Trong tự sự có thể kết hợp cả miêu tả nội tâm và nghị luận. Đoạn trích sau đây nói về một nhà văn nghèo tự đấu tranh với bản thân để hướng ngòi bút về nhân dân cần lao, dứt khoát từ bỏ những cám dỗ của văn chương lãng mạn:
Vụt cái, Điền thấy không thể nào đi được. Điền không thể sung sướng khi con Điền còn khổ. Chao ôi, trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo, và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái vẻ bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?… Không, không, Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thực tàn nhẫn luôn luôn bầy ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốnh tránh sự thực, nhung trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ.Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa cùng một cảnh khổ như Điền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang dội của đời…
(Nam Cao, Trăng sáng)
Câu hỏi 5
– Về khái niệm đối thoại và độc thoại nội tâm: xem lại Bài 13.
– Ví dụ đoạn văn tự sự có sử dụng đối thoại: Em tự tìm trong các truyện ngắn Làng, Lặng lẽ Sa Pa, Chiếc lược ngà,… những chỗ có lời thoại giữa các nhân vật.
– Ví dụ đoạn văn tự sự có sử dụng độc thoại:
Tư đặt bát phở lên bàn cho anh, rồi lặng lẽ ra ngoài thềm. Ông cả vừa ăn vừa cắm cảu gắt:
– Gớm! Phở! Ăn như đấm vào họng!
(Kim Lân, Đứa con người vợ lẽ)
– Ví dụ đoạn văn tự sự có sử dụng độc thoại nội tâm:
Tôi càng nghĩ càng thấm thìa trong lòng một niềm ân hận xót xa, mỗi khi nhớ đến bà Ba tôi. Còn bà, bà chỉ thương tôi. Bà thương thằng bé cháu hờ này biết ngần nào. U tôi có kể một chuyện rằng cái năm tôi lên hai, Tết Nguyên đán ấy, bà Ba xách năm chiếc bánh chưng lên tận nhà ông bà ngoại tôi. Bà đi bộ một ngày đường, để đem cho cháu bánh Tết. Ôi bà ơi, cháu còn biết làm thế nào bây giờ. Cháu thường mộng một chút mộng nhỏ. Rằng có một ngày cháu tậu lại được cái mảnh đất yêu quý của bà. Cháu sẽ làm lại nếp nhà nhỏ trên nên đất cũ. Cháu sẽ đan lại cái giàn trầu không, gây lại hàng rào dậu xanh. Cháu sẽ, có khi cháu về ở đấy. Cháu sẽ… cháu sẽ… ôi nhiều thứ lắm. Nhưng những ý nghĩ ngây thơ ấy chỉ như khói vương. Cho đêh bây giờ tôi vẫn nghèo quá. Tôi vẫn chỉ bẫng khuâng mỗi khi chợt nhớ bà và ngậm ngùi mà hi vọng cái điều mơ ước nhỏ mọn ấy.
(Tô Hoài, Cỏ dại)
Câu hỏi 6
a) Ví dụ đoạn tự sự kể theo ngôi thứ nhất:
Dì Hảo là con nuôi của bà tôi. Bố đẻ ra dì chết đã lâu. Mẹ đẻ dì là bà xã Vận, một người đàn bà bán bánh đúc xay, ngon có tiếng khắp làng Vũ Đại. Tôi biết bà là vì hồi còn bé tôi rất ưa ăn bánh đúc. Có lẽ lúc tôi sinh ra, ông trời đã định sẵn cho tôi một cái kiếp chẳng giàu sang, nên phú sẵn cho tôi cái tính thích những món ăn rẻ tiền của những người nghèo túng. Lúc có tôi thì nhà tôi chẳng còn nghèo. Thế mà tôi cứ thấy ăn cơm gạo đỏ, thổi khô khô, với rau muống luộc chấm tương ngon hơn cơm tấm với thịt đông; mà cái bánh đúc xay nấu khéo còn đậm vị gấp nghìn lần cái bún tuy trắng, tuy mềm nhưng nhạt bép.
(Nam Cao, Dì Hảo)
b) Ví dụ đoạn tự sự kể theo ngôi thứ ba:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chang sao: Đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức đến chết đi được mất! Đã thế hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn, cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.
(Nam Cao, Chí Phèo)
Ở đoạn (a), người kể vừa kể vừa đan xen ý nghĩ, cảm xúc một cách khá thoải mái. Các sự việc hiện lên tự nhiên, chân thật, gần với tự truyện (Nam Cao thường dùng cách này để viết về những người thân yêu của mình). Nhưng mọi sự vật, sự việc dưới con mắt của “tôi" đậm màu sắc chủ quan, một chiều.
Ở đoạn (b), nhân vật, sự việc được nhìn bằng nhiều điểm nhìn khác nhau (Chí Phèo dưới cái nhìn của người kể chuyện, của dân làng Vũ Đại và của chính Chí Phèo). Câu chuyện và nhân vật do đó hiện lên nhiều chiều, với nhiều cách đánh giá.
Mai Thu