Nữ giới ghen nhiều hơn khi bạn cùng giới mặc đồ đỏ?
Quần áo màu đỏ có thể là một sự lựa chọn thời trang đầy thu hút đối với nữ giới. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng khi phụ nữ nhìn thấy người cùng giới đang mặc trang phục có màu đỏ, họ sẽ cảm thấy "không an toàn" thậm chí là có xu hướng ghen tuông đối với bạn trai hoặc chồng của ...
Quần áo màu đỏ có thể là một sự lựa chọn thời trang đầy thu hút đối với nữ giới. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng khi phụ nữ nhìn thấy người cùng giới đang mặc trang phục có màu đỏ, họ sẽ cảm thấy "không an toàn" thậm chí là có xu hướng ghen tuông đối với bạn trai hoặc chồng của mình.
Thoạt nghe có vẻ hơi vô lý một tý nhưng trên nghiên cứu được thực hiện bởi Adam Pazda, nhà nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Rochester thì màu sắc có ảnh hưởng lớn đến cảm xúc và hành vi của con người. Theo Adam Pazda thì các cô gái sẽ tỏ ra khá miễn cưỡng khi giới thiệu một cô gái khác đang mặc một chiếc váy đỏ với bạn trai của họ. Về cơ bản, đây chính là một hành vi mang tính phòng thủ có thể hiểu nôm na rằng "tôi không muốn bạn trai của mình đến gần cô gái này!".
Trang phục màu đỏ
Trong văn hóa phương Tây, màu đỏ là màu có mối liên hệ mật thiết với sự lãng mạn và tình dục. Điển hình như màu đỏ của trái tim ngày lễ tình nhân, son môi màu đỏ và thậm chí là "khu phố đèn đỏ". Trong nhiều nghiên cứu, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng ý định sâu xa của việc nữ giới chọn trang phục màu đỏ là để thu hút sự chú ý của đàn ông.
Nhà nghiên cứu Pazda cho biết khi nam giới cảm thấy bị thu hút hơn đối với những cô gái có trang phục đỏ và có xu hướng sẵn sàng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho các cô gái nói trên. Trong một nghiên cứu công bố hồi năm 2010 trên tạp chí tâm lý học thực nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nữ giới cũng cảm thấy những người đàn ông sử dụng trang phục màu đỏ hấp dẫn hơn so với các màu sắc khác.
Bức ảnh được sử dụng trong thí nghiệm 1 và 2
Do đó, trong nghiên cứu mới đây, Pazda đã tiếp cận vấn đề trên phương diện màu đỏ giữa nữ giới với nhau so với các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào cánh mày râu. Để thực hiện nghiên cứu, nhóm đã đặt ra 3 cuộc thử nghiệm đơn giản. Đầu tiên, nhóm tuyển chọn 196 người phụ nữ trên internet và cho họ xem một bức ảnh. Đó là bức ảnh của cùng một người phụ nữ trẻ tuổi với sức hấp dẫn vừa phải và đang mặc một chiếc váy.
Một nửa tình nguyện viên được xem bức ảnh cô gái với váy màu trắng và nửa còn lại được cho xem bức ảnh với váy màu đỏ. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ đề nghị các tình nguyện viên đánh giá mức độ quyến rũ của cô gái trong bức ảnh theo thang điểm từ 1 đến 100. Kết quả cho thấy, cô gái váy đỏ sẽ được người cùng giới đánh giá là quyến rũ hơn (trung bình 49,26 điểm) so với cùng một người nhưng mặc váy trắng (trung bình 41,06 điểm)
Thử nghiệm thứ 2, nhóm nghiên cứu tiếp tục tuyển chọn 327 tình nguyện viên phái nữ trên internet và cũng được cho xem bức ảnh một cô gái mặc váy đỏ. Nhưng lần này câu hỏi đặt ra là thử tưởng tượng tình nguyện viên và cô gái trong ảnh cùng đang theo đuổi một chàng trai khác. Một lần nữa, cô gái váy đỏ được đánh giá là có sức quyến rũ cao hơn (46,02/100 điểm) so với cô gái mặc váy trắng chỉ có 38,23 điểm.
Thêm vào đó, các tình nguyện viên còn cho rằng "đối thủ váy đỏ" có nhiều khả năng giành ưu thế hơn trong "cuộc chiến bạn trai" so với "đối thủ váy trắng". Dù vậy, nếu chỉ dừng lại ở thử nghiệm trên thì vẫn chưa đủ tính phổ quát để kết luận rằng tất cả phụ nữ đều chịu ảnh hưởng của hiệu ứng này.
Màu sắc của sự ghen tuông
Bức ảnh được sử dụng trong thí nghiệm thứ 3
Một trong những nguyên nhân khiến cho nhóm nghiên cứu của Pazda lo ngại về tính chính xác của 2 thử nghiệm trên chính là có thể màn hình máy tính của các nữ tình nguyện viên không hiển thị đúng màu sắc của chiếc váy trắng. Và trong thử nghiệm thứ 3, bài toán trở nên khốc liệt hơn khi các tình nguyện viên được cho xem ảnh chụp của một người với 2 màu áo là đỏ và màu xanh. Xanh lá là một màu khác với màu trắng vốn thường được liên tưởng đến sự trinh nguyên hoặc tinh khiết.
Trong thử nghiệm lần này, nhóm nghiên cứu đã tuyển dụng 143 nữ sinh viên tại trường đại học. Đồng thời, một tiêu chí tuyển chọn cũng được đặt ra để đảm bảo rằng các nữ sinh viên trên không hề có các mối quan hệ đồng tính trong đời sống. Nhóm tình nguyện viên cũng được cho xem bức ảnh một cô gái mặc áo đỏ hoặc áo xanh lá và cũng được hỏi câu hỏi đánh giá mức độ quyến rũ, khả năng thu hút bạn trai của họ trên thang điểm từ 1 đến 9.
Mặc dù đã chuyển từ màu trắng sang màu xanh lá, nhưng kết quả cuối cùng vẫn cho thấy rằng cô gái áo đỏ có sức quyến rũ mạnh mẽ hơn (điểm 4,11/9) so với màu xanh lá cây (chỉ đạt 3,4/9 điểm). Và các nữ tình nguyện viên cũng cho rằng họ sẽ cảm thấy khó chịu và ít có khả năng cho phép cô gái trang phục đỏ tiếp cận với bạn trai của họ.
Dù vậy, cuối cùng nhà nghiên cứu Pazda vẫn lưu ý rằng kết quả trên chỉ mang tính trung bình và không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn với tất cả những người phụ nữ. Không phải lúc nào một cô gái mặc áo đỏ cũng bị người cùng giới kỳ thị. Tuy nhiên, kết quả trên đã phản ánh được một xu hướng chung của nữ giới với sự ghen tuông do tác nhân màu đỏ gây ra.
Bước tiếp theo của nghiên cứu, nhóm sẽ tiếp tục đưa ra các bài kiểm tra khắt khe hơn như cho tình nguyện viên đối mặt với các cô gái khác có trang phục màu đỏ lẫn màu trắng trong cùng một căn phòng và xem xét cảm nhận cũng như hành vi của họ. Nhóm hy vọng rằng với các bài kiểm tra mang tính chất khốc liệt hơn trong tương lai sẽ giúp đưa ra được kết luận chính xác hơn về ảnh hưởng của màu đỏ đối với suy nghĩ và hành vi của nữ giới. Hy vọng rằng bí ẩn sẽ được giải mã trong thời gian không xa trong tương lai.