Nỗi ưu tư về một chữ “nhàn”- Đọc bài thơ nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chủ đề bài thơ, đồng thời một chủ đề lớn của Bạch Vân quốc ngữ thi tập, là đề cao triết lí nhàn dật - một triết lí nhân sinh mà ý nghĩa tích cực hay tiêu cực của nó phải được thẩm định, xét đoán tùy vào tư cách, nhân cách của người nêu lên nó cùng hoàn cảnh sống cụ thể mà người đó bị hay được đặt ...
Chủ đề bài thơ, đồng thời một chủ đề lớn của Bạch Vân quốc ngữ thi tập, là đề cao triết lí nhàn dật - một triết lí nhân sinh mà ý nghĩa tích cực hay tiêu cực của nó phải được thẩm định, xét đoán tùy vào tư cách, nhân cách của người nêu lên nó cùng hoàn cảnh sống cụ thể mà người đó bị hay được đặt vào.
Nhan đề của bài thơ là do người đời sau đặt. Phần lớn những bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập vốn không có tên, có thể gọi chúng là những bài vô đề - vô đề theo kiểu riêng mà ta thường thấy trong các tập thơ Nôm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, không hoàn toàn giống với vô đề trong thơ cổ Trung Hoa. Vì sao lại vô dề? ít nhất có một lí do là rất khó đặt nhan đề cho chúng, do nội dung các bài tập trong tập thơ khá giống nhau với nhiều môtip được lặp đi lặp lại. Quả có một mô hình cấu trúc ổn định xuyên suốt các bài của BạchVân quốc ngữ thi tập, khiến ta khó bề cường điệu tính độc đáo, đơn nhất của kiểu tổ chức nghệ thuật ở một đơn vị bài cụ thể, như bài Nhàn được nói ở đây. Nếu bài thơ này được gọi là Nhàn thì nhiều bài thơ khác có lẽ sẽ phải được gọi là Nhàn II, Nhàn III, Nhàn IV,... Dù sao, đây cũng là một đặc điểm đáng lưuý của thơ Trạng Trình. Nó hé lộ cho ta biết tâm thế làm thơ của tác giả cũng như sự ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu giáo huấn và triết lí ở thơ ông.
Có thể nói ngay, với trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm, sự đề cao triết lí nhàn dật chủ yếu có ý nghĩa tích cực. Nhà thơ sống trong một thời kì mà chế độ phong kiến dã trở nên mục rỗng, vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan, chiến tranh giữa các tập đoàn thống trị xảy ra liên miên, dân tình lầm than, đói khổ cùng cực. Ông rất muốn ra giúp đời nhưngkhông đủ điều kiện thi thố tài năng. Vốn là con người nhập thế, dưới triều nhà Mạc từng dâng sớ xin chém mười tám tên lộng thần, vậy mà phải chọn lối sống ẩn dật ở quê nhà, ông tự thấy đó là điều bất đắc dĩ. Nhưng do có uy vọng lớn, ông được tất cả các tập đoàn thống trị như Mạc, Trịnh, Nguyễn kính nể. Dẫu sao, tình thế cùa ông cũng không phải là quá bi đát, ý thức được điều đó và biết vận dụng lợi thế có được, ông đã dùng thơ để nêu đạo lí làm người, hi vọng có thể giúp người đời, trước hết là những kẻ cai trị, biết điều chỉnh hành động của mình cho hợp với đạo trung dung, biết dừng ở giữa (không phải ngẫu nhiên mà khi cáo quan về quê, ông lập quán Trung Tân - Trung Tân là bến giữa), không bị cuốn theo vòng lợi danh ô trọc để khỏi làm khổ dân và làm suy vi vận nước. Nhưng ông sáng tác thơ không chỉ để răn đời mà còn để răn mình, hay nói đúng hơn là trước hết để răn mình. Những bài ca ngợi thú nhàn của ông, do vậy, không hẳn được ra đời từ sự thích thú với cảnh nhàn mà trước hết từ tâm nguyện muốn giữ được tâm hồn cao khiết trong cảnh đục lầm, giữ được thái độ tự chủ giữa thời điên đảo, giữ được sự an nhiên giữa muốn đòi hỏi vật dục của một kiếp nhân sinh... Khi những bài thơ ấy đã có tác dụng di dưỡng tinh thần cho tác giả của nó thì hiển nhiên nó cũng có tác dụng giáo dục chung đối với mọi người. Hóa ra thơ nói nhàn mà lòng vẫn đượm nét buồn và vẫn canh cánh một nỗ ưu tư. Điều này phải qua đọc cả tập thơ Bạch Vân quốc ngữ thi tập ta mới thấy rõ.
Nhấn mạnh tính giáo huấn, tính triết lí nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm không có nghĩa là phủ nhận chất thơ của nó.Đối với người đọc, chất thơ là cái đầu tiên mà họ đòi hỏi phải có ở tác phẩm. Thì đây, chất thơ vẫn hiện diện với một số nét đặc thù trên nền tảng cơ bản là cảm xúc cá nhân, là sự trầm từ về các vấn đề của tồn tại. Chính chất thơ đó đã làm cho nội dung giáo huấn đã mang tính chất khô cứng và dễ lột tả. Nó cũng góp phần cải biến mối quan hệ giữa tác giả và độc giả, làm giảm bớt tính truyền dạy - tiếp thu mà gia tăng tính chia sẻ - đồng cảm. Trong trường hợp tác giả làm thơ bằng chữ Nôm, việc cải biến mối quan hệ nói trên càng có điều kiện thuận lợi để thực hiện. Một lối nói giản dị, dung nạp nhiều khẩu ngữ chắc chắn sẽ đưa lại những hiệu quả thẩm mĩ tích cực.
Bài thơ Nhàn ta đang nói đã được mở đầu bằng một giọng hồn nhiên rất gây ấn tượng:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta có cảm tưởng như thấy trước mắt hình ảnh nhà thơ đang chuẩn bị mai, cuốc, cần câu đi ra đồng. Kiểu ngắt nhịp 2/2/3 cùng việc lặp liên tiếp số đếm một ở câu thứ nhất gây ấn tượng rất rõ về một tâm trạng rộn ràng, vui sướng cùng với sự bận rộn và nghênh ngô rất đỗi "trẻ thơ” - cái trẻ thơ của người đạt đạo. Quả thật nhà thơ vui sướng vì được làm cái mình thích, vì thấy cái thích của mình có một giá trị hiển nhiên mà để đánh giá được nó, người ta không thể vận dụng những tiêu chí phàm tục của thiênhạ. Từ một được nhân ba lần như muốn dừng lên một cõi tồn tại riêng đầy sinh thú, thật đáng sống, khiến một khi đã hòa mình vào đó là nhà thơ dám chấp tất cả, dầu ai vui thú nào (nghĩa là mặc cho mình đời có những lựa chọn khác mà theo họ, lựa chọn đó mới đích đáng!). Tính chất của lối sống mà chính cõi tồntại này đòi hỏi (bao trùm lên các hành động một mai, một cuốc, một cần câu) đã được thâu tóm trong từ thơ thẩn với chút thoáng "khiêu khích" và hàm ý tự tôn - tự tôn theo một cách riêng gắn liền với việc cố ý hay giả vờ đánh giá thấpmình (trong cảm nhận của nhiều người bình thường, rất có thể thơ thẩn đồng nghĩa với bông lông, vô tích sự hoặc xa lìa thực tế).
Đến liên thơ thứ hai, ý tự tôn được thể hiện rõ hơn thông qua sự đối lập giữa ta và người trên vấn đề xác định đích nhắm tới của cuộc đời:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Ta hiển nhiên là nhân vật trữ tình - nhà thơ. Còn người là ai? Chắc không phải tất cả thiên hạ còn lại, mà chỉ là những kẻ tất bật đâm bổ vào chốn lao xao, tìm ý nghĩa cuộc đời ở vùng lợi danh nhốn nháo. Cùng với sự đối lập ta - người là sự đối lập dại - khôn, ta dại mà người khôn. Bề ngoài, vấn đề dại khôn có vẻ đã được nhìn nhận thuận theo cách nhìn nhận sự việc của người đời, nhưng thực chất nó đã được soi chiếu từ một góc độ mới. Nói cách khác, nhà thơ đã mượn các từdại, khôn có sẵn rồi thay đổi nội hàm của chúng, mục đích là để khơi dậy sự đối thoại hay ý thức phản tỉnh ở người đọc. Ai được nghe đến các câu thơ này đều cú thể thấy các tiêu chí đánh giá quen thuộc của mình bị đảo lộn. "Chứng kiến" cung cách ứng xử của nhà thơ, người ta hẳn phải nhận ra rằng có nhiều điều cần được suy nghĩ lại. Tại sao sau khi đã thấy rõ cái dại của bản thân, nhà thơ vẫn cứ khăng khăng giữ lại cái dại ấy và "nhường" hẳn cái khôn cho thiên hạ? Ý thức của nhà thơ, tưởng có thể diễn dịch ra là: ừ, nếu cho việc tìm nơi vắng vẻ là dại thì ta xin cứ dại, ta không thể nào hòa được vào chốn lao xao, nơi con người có khả năng bị nhiễm bẩn, không còn giữ được sự trong sạch và tự chủ...
Đối lập với cụm từ chốn lao xao được hiểu theo nghĩa như trên, cụm từ nơi vắng vẻ cũng mang một nghĩa khác với nghĩa thông thường. Nơi vắng vẻ là môi trường sống thuần khiết, ở đó con người không chỉ được nhàn nhã mà quan trọng hơn là được sống vứi mình, có điều kiện để tu tâm dưỡng tính, để tìm được sự hòa hợp với tự nhiên, tìm tới cái tự nhiên. Nơi vắng vẻ không nhất thiết phải là một vùng trời đất có sẵn do thiên nhiên tạo ra. Nhiều khi, nó là một không gian ước lệ do tự ta xác định cho mình, bằng thái độ của mình. Ai cũng có thể sống nhàn, tìm được thú nhàn. Nhàn hoàn toàn không phải là một xa xỉ phẩm chỉ dành cho những kẻ có điều kiện tìm đến non xanh nước biếc. Ngay giữa cuộc đời phồn tạp, cái nhàn vẫn có thể đến cùng người thực sự muốn nhàn và biết cách sống nhàn. Hóa ra, đối tượng có thể tiếp nhận bài học rút ra từ bài thơ là rất rộng rãi!.
Nhìn chung, việc sử dụng các từ dại, khôn chính là một chiêu thức "ngược đời" mà Nguyễn Bỉnh Khiêm dựa vào đó để đề xuất bằng giá trị riêng đầy thách thức với bảng giá trị thông thường của những kẻ không ý thức được cái hay, cái "khôn" của cuộc sống tự do, tự tại. Trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập, rất nhiều lần nhà thơ bàn về chuyện khôn, dại ở đời, và thường là bằng giọng khuyên răn, không bóng gió.
Tranh khôn, ắt có bê lo lắng
Chịu dại, làm chi nỗi thớt thăng.
Hay:
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
Đối chiếu các câu thơ trên với hai câu đang được phân tích, ta dễ nhận ra ý vị riêng của lối diễn đạt lấp lửng: Nào! Những ai đọc tôi, xin hãy tự ngẫm, tự rút ra bài học về chuyện dại, khôn. Còn tôi, tôi sống như thế đấy...
Trong liên thơ thứ ba, cái thú vị của nơi vắng vẻ mà nhà thơ tìm đến được miêu tả rõ.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, được nhắc tới trong hai câu thơ gợi lên ý niệm về thời gian. Đúng là đã động đến chữ nhàn thì phải nói chuyện sử dụng thời gian. Ngoài việc nói tới tâm thế sống và không gian sống (mà bốn câu thơ đầu đã phần nào thể hiện). Kẻ nhàn dật đã làm những gì trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đó? Phải chăng tất cả chỉ có ăn và tắm? Dĩ nhiên là không phải, chẳng qua, đó chỉ là những ví dụ điển hình. Nhưng việc nhấn mạnh chúng cho thấy nhà thơ hạnh phúc biết bao khi được sống với con người tự nhiên của mình và có điều kiện thể hiện nó (ăn và rắm chẳng phải là những nhu cầu tự nhiên bậc nhất của con người?). Khi sống hài hòa cùng nhịp điệu của vũ trụ, của thiên nhiên bốn mùa, tự khắc người ta cảm thấy tự do thoải mái. Tưởng như mọi nhu cầu đều được đáp ứng dễ dàng. Mùa nào thức ấy, thức ăn sẵn có quanh ta, thanh đạm nhưng không phải là không khoái khẩu. Tất nhiên, đã muốn nhàn thì hẳn phải chịu nghèo, bởi đây là cái nhàn thanh cao, không phải cái nhàn tục của hạng người phú quý biếng nhác sống trên đống của họ được do giành giật và tước đoạt từ tay thiên hạ. Rõ là nói chuyện nghèo của cuộc sống tự cấp tự túc mà các câu thơ không gây ấn tượng buồn bực về sự nghèo đói. Chúng đã viết ra nhẹ tênh, như chính bản thân cái nhẹ tênh của một cuộc sống không cần phải gắng gượng.
Nhưng, nghĩ lại mà xem, mọi lựa chọn đều có nguyên cớ của nó. Việc tìm đến cuộc sống nhàn dật rõ ràng có liên quan tới những trải nghiệm đắng cay về thế sự. Do đời ô trọc, ta phải tìm cách lánh xa nó, tìm cách tự xác lập cho mình một vùng không gian riêng (như trên đã nói). Nhưng điều quan trọng nữa là ta có thể vượt ra khỏi sự truy đổi vềnỗi đắng cay, sự khống chế của niềm bất mãn (vốn rất chính đáng) về xã hội, về thói đời, khi đã tìm được cho mình "con đường đúng" hay không? Nếu không thể, nhàn chỉ còn là câu chuyện nói suông. Trên thực tế, cái nhàn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm có được và miêu tả trong bài thơ không mang tính trọn vẹn. Liên hệ với các chi tiết trong tiểu sử nhà thơ và hoàn cảnh lịch sử - xã hội Việt Nam thế kỉ XVI, ta thấy vấn đề không phải khó giải thích. Có vẻ nhàn hẳn là khác với thực sự nhàn. Nếu tâm nhàn, nhà thơ chắc phải chọn một kiểu kết khác cho bài thơ, không việc gì phải "bận bịu" với chuyện pliú quý tựa chiêm bao nữa (việc quan tâm nhắc tới điều này, dù trên tinh thần khẳng định hay phủ định, làmột dấu hiệu chứng tỏ vấn đề vẫn còn ám ảnh nhà thơ hoặc vẫn còn gây ưu tư không dứt cho một người phải đảm nhiệm cái vai "ông thầy của thiên hạ"!).
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Liên thơ có sử dụng điển Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe, mơ thấy mình bay đến Đại Hòe An quốc, được quốc vương đất ấy cho làm quận thú Nam Kha, tỉnh dậy thấy mình nằm trơ khấc dưới cành hòe phía nam, bên cạnh tổ kiến chỉ có một con kiến chúa. Cái điển ấy gợi những ý nghĩa bi quan về cuộc đời - cuộc đời chẳng khác gì một giấc mộng! Tuy nhiên, vì bài thơ hướng tới việc khẳng định triết lí nhàn dật nên điển xưa đã được dùng rất kín, khiến người đọc ngày nay không cần xem chú giải cũng lĩnh hội được ý thơ. Bởi vậy, tình điệu bi quan tuy rằng có những đã bị mờ đi ít nhiều, dành chỗ cho giọng giễu cợt sự phú quý mong manh mà bao người thèm ước. Từ liên thơ này, độc giả có thể tự suy đoán ra cái giá phải trả cho một hành trình nhận thức nhắm tới việc quán thông mọi lẽ tồn tại. Cũng từ đây, ta hình dung ra hình ảnh một ông già thư thái ngồi nhấp chén rượu dưới bóng cây râm mát, ngửa mặt nhìn những đám phù vân trôi nổi, gối đầu vào gốc cây ngủ một giấc thanh thản, an lành. Mượn cách nói của Thánh Thán, ta có thể bình rằng: Được làm như thế, được sống như thế, chẳng cũng khoái ư!
Có nhiều cách triết lí về chữ nhàn. Cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong số đó. Bài thơ Nhàn đã được viết ra với nỗi lòng nhiều trăn trở, với cái tâm chưa thực sự nhàn. Nghịch lí thay, với toàn bộ đặc điểm đó, nó lại có tác dụng lớn trong việc hướng người ta tới miền thanh tĩnh của tâm hồn, cũng có nghĩa là bồi đắp thêm cho con người ý thức tu thân!.