Những phát hiện về vạn vật /P 14 - Chương 73
“Đánh thức người chết” Trọn một thế kỷ đã qua đi trước khi Winckelmann tìm ra người nối gót mình để thông báo cho thế giới những gì thực sự đã được khám phá. Heinrich Shliemann (1822-1890), tuy cũng đi từ nghèo nàn tới vinh quang giống như ...
“Đánh thức người chết”
Trọn một thế kỷ đã qua đi trước khi Winckelmann tìm ra người nối gót mình để thông báo cho thế giới những gì thực sự đã được khám phá. Heinrich Shliemann (1822-1890), tuy cũng đi từ nghèo nàn tới vinh quang giống như Winckelmann, nhưng lại đối chọi với ông về gần như mọi mặt. Schliemann tự mình bỏ vốn thực hiện các công trình của mình. Ông là chủ của chính mình. Ông đưa vào khảo cổ học sự năng nổ và nhiệt tình hành động, nhờ đó ông đã tạo cho mình một tài sản lớn về thương mại. Đối với ông, khai thác quá khứ trở thành một thành tích điền kinh và một cuộc mạo hiểm ngoai giao, để nuôi dưỡng một thời đại mới đang đói khát thông tin. Và tình yêu của ông đối với vẻ đẹp phụ nữ đã giúp cho công chúng tập trung vào đối tượng đào bới của ông.
Con trai một mục sư Tin Lành ở một làng miền Bắc nước Đức, “lòng say mê bẩm sinh của Heinrich Schliemann đối với cái mầu nhiệm và cái kỳ diệu” đã được thổi bùng lên nhờ niềm say mê của cha cậu đối với lịch sử thời cổ. Mẹ cậu chết khi cậu 9 tuổi. Vì cha cậu nghèo, không có mấy hi vọng cho cậu học lên đại học, cậu phải bỏ dở trung học mà lẽ ra có thể giúp cậu phát triển những sở thích cổ điển của cậu, để đi học nghề. Lúc 14 tuổi, cậu học nghề với một chủ tiệm tạp hóa và qua năm năm làm việc từ 5 giờ sáng tới 11 giờ đêm, chỉ quanh quẩn với công việc xay khoai tây, đóng gói cá, đường, dầu và đèn cầy. Cậu bỏ trốn làm phụ việc trên một boong tàu đi Venezuela. Khi chiếc tàu bị đắm ở Biển Bắc, cậu tìm được một việc làm người đưa thư và sau làm người giữ sổ sách cho một công ty thương mại Amsterdam.
Trong những năm lao đao vất vả này, Heinrich không bao giờ để mất niềm đam mê lãng mạn của mình. Với quyết tâm một ngày nào đó khám phá ra thành phố Troa thực sự, mỗi phút rảnh rỗi, cả trong khi đi đưa thư hay xếp hàng chờ đợi ở bưu điện, ông đều học hỏi thêm nhờ đọc sách. Ông tạo ra phương pháp riêng cho mình và đã học được hàng chục ngoại ngữ và không bỏ cơ hội nào để học hỏi hay thực tập những gì mình đã học. Chỉ trong sáu tháng ông đã học thông thạo tiếng Anh. Các tiếng khác như Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và một số tiếng nữa, ông chỉ cần sáu tuần cho mỗi thứ tiếng là đã có thể viết và nói thành thạo. Khi đi du khảo bên Trung Đông, ông đã học được tiếng Ả Rập.
Ông quan tâm nhiều nhất tới ngôn ngữ nói. Ông không bao giờ quên được âm điệu trầm bổng của tiếng nói Hi Lạp, mà ông đã được nghe từ miệng một cậu học sinh say rượu trốn học chạy vào cửa tiệm tạp hóa mà Schliemann đang làm việc. Cậu học sinh này đã ngâm nga những dòng thơ Homer bằng một giọng rất du dương. Nhưng Schliemann đã đợi đến nửa cuộc đời mới đến với tiếng Hi Lạp mình yêu dấu. “Lòng ao ước học tiếng Hi Lạp của tôi quá lớn, tôi không dám liều học ngôn ngữ ấy khi đã tạo được một tài sản kha khá; vì tôi sợ rằng ngôn ngữ này sẽ mê hoặc tôi làm tôi xa lìa công việc kinh doanh của mình”.
Công ty thương mại mà ông làm việc cho có những vụ giao dịch tại St. Petersburg và gửi ông đến đó làm đại diện. Tại St. Petersburg, với việc buôn bán của công ty, ông không ngờ đã mau chóng tạo được một tài sản. Thế là ông không còn sợ sự hấp dẫn của những ngôn ngữ cổ điển nữa. Ông bỏ ra sáu tuần lễ học tiếng Hi Lạp mới và dành thêm ba tháng nữa để nghiên cứu các tác giả cổ điển. Sau cuộc chiến tại Crimê, ông đi du lịch khắp thế giới để nghiên cứu lịch sử.
Khác với Winckelmann, Schliemann tin rằng thiên hướng của mình là trong công việc đào bới. Lãnh vực đặc thù của ông không phải là những từ ngữ mà là những sự vật. Nhưng công việc mà ông ưa thích đòi ông phải giám sát những công nhân nói những ngôn ngữ xa lạ. Và thiên tài ngôn ngữ của ông, trong khi giúp ông tổ chức công việc đào bới, thì đồng thời cũng giúp ông thuyết phục được những người hoài nghi và quảng cáo cho những khám phá của ông.
Giờ đây nhà mạo hiểm quá khứ phải quên đi thư viện và viện bảo tàng của mình, để đi đến những nơi xa xôi và đào bới để đưa những đồ vật nặng nề từ dưới đất lên cho công chúng xem. Thành công của ông sẽ không chỉ có những học giả đánh giá, mà sẽ được hàng triệu người nóng lòng muốn xem.
Schliemann tin chắc rằng thành Troa nằm ở một ngôi làng mới không có tiếng tăm là Hissarlik thuộc miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ phía châu Á, chỉ cách mũi Dardanelles bốn dặm. Khi ông so sánh địa điểm này với Bunarbashi cách đó khá xa về phía Nam, là địa điểm được các học giả khác để ý, thì niềm tin của ông lại càng chắc chắn hơn bao giờ. Nhưng phải có thật nhiều tiền. Địa điểm ông chọn là một vùng đất tư nhân. Các viên chức quan liêu và tham nhũng của Thổ Nhĩ Kỳ lúc đầu cấm ông, nhưng sau đã đòi ông đưa hối lộ và cho phép ông đào bới. Công việc đào bới nàu tự Schliemann phải bỏ tiền ra trả hoàn toàn, nhưng ông không phàn nàn gì, trái lại còn cảm thấy hãnh diện vì được đổ tiền vào một công trình đáng giá như thế.
Tháng 9, 1871, ông thuê một đoàn công nhân 80 người và bắt đầu đào gò đất ở Hissarlik. Chính xác theo sơ đồ, ông tìm thấy những tầng thành phố và pháo đài nằm tầng này bên dưới tầng kia. Ông biết rằng khi đào như thế, ông sẽ phá hỏng những di tích của những thời kỳ gần đây hơn, nhưng mục tiêu của ông là Troa! Hai mươi ba feet bên dưới mặt đất và chạy sâu xuống ba mươi ba feet, ông tìm thấy những phế tích của một thành phố mà ông tin là Troa.Tự động ông xác định ra mọi thứ mà ông đã hi vọng tìm thấy - những di tích của Đền Athena, bàn thờ chính để tế lễ, Tháp Lớn, nhà cửa và những đường phố - tất cả đều giống hệt như mô tả trong Illiad.
Đầu tháng 5, 1873, khi các công nhân đào xuống tới đỉnh của bức tường cổ, chính mắt Schliemann nhìn thầy một vật bằng vàng lấp lánh. Ông đã kể lại 7 năm sau trong một đoạn tường thuật ly kỳ hấp dẫn như sau:
Để bảo vệ kho báu khỏi đám công nhân và giữ nó cho ngành khảo cổ, không thể bỏ phí thời giờ; vì vậy, dù chưa tới giờ ăn sáng, tôi đã lập tức cho đánh kẻng nghỉ... Và trong khi các công nhân nghỉ ngơi và uống nước, tôi đã dùng con dao to đục thủng kho báu. Phải đục rất mạnh và vì thế rất nguy hiểm, vì bức tường pháo đài mà tôi phải đào ở phía dưới đe dọa sập xuống người tôi bất cứ lúc nào.
Nhưng tôi nhìn thấy quá nhiều đồ vật, mà đồ nào cũng vô giá đối với khảo cổ học, nên tôi không còn biết sợ là gì, không còn nghĩ gì đến nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi đã không thể lấy được kho báu nếu không có sự giúp sức của người vợ yêu dấu của tôi, nàng đứng bên cạnh tôi và sẵn sàng gói ngay vào khăn choàng của nàng những đồ vật tôi moi ra được, rồi đem chúng đi.
Sau một thời gian giữ kín bí mật của mình, ông đã thành công đưa lậu được kho báu (gồm chín ngàn đồ vật) ra khỏi đất Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thận trọng của ông là có cơ sở, bởi vì sau đó một công nhân đào được một đồ bằng vàng đã đem đến thợ vàng bạc ở địa phương để nung chảy lấy vàng. Vàng, chứ không phải thành Troa của Homer, mới là điều mà các viên chức người Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm. Vì vậy, họ đã cấm ông đào bới tiếp và kiện ông để đòi hoàn trả lại kho báu.
Tuy thực chất câu truyện Schliemann kể về cuộc khám phá kho báu của ông là đúng, nhưng các nhà chép sử gần đây tỏ dấu hoài nghi rằng cảm giác ly kỳ của ông đôi khi làm lu mờ sự kiện thực tế. “Người vợ yêu dấu” của ông mà theo ông kể là giúp ông gói những món đồ quí vào khăn choàng, thực ra lúc đó không ở Hissarlik mà đang ở Athen. Dù sao, những chi tiết ly kỳ ông thêm thắt vào đã kích thích nhiều hơn tính tò mò của công chúng trước một nền khảo cổ mới đầy tính chất lãng mạn.
Bất chấp sự phấn khởi, lòng tin tưởng và sự thông thái của Schliemann, những khám phá của ông đã không đúng hẳn như ông nghĩ. Ông cũng chẳng khác gì nhà thám hiểm trước ông đã nhắm tới Nhật Bản, nghĩ rằng mình đã đặt chân lên đất Trung Hoa, nhưng thực ra chỉ là khám phá ra châu Mỹ. Ngày nay chúng ta biết rằng Schliemann đã sai khi kết luận rằng các tầng nằm chồng lên nhau của “năm thành phố tiền sử” chính là thành Troa của Homer. Khám phá ngoạn mục mà ông gọi là những kho báu của vua Priam, đào được từ tầng thứ hai và thứ ba bên trên nền đá, thực ra có xuất xứ một ngàn năm trước Priam. Với quĩ do di chúc của Schliemann cung cấp, Wilhelm Dorpfeld (1853-1940) đã tiếp tục công việc và đã chứng minh rằng thành Troa của Homer phải nằm ở tầng thứ sáu tính từ tầng đáy mà Schliemann đã đào trong lúc vội vàng.
Dù lầm lẫn, Schliemann và Sophia vợ ông cũng đã đẩy mạnh bước tiến của nhận thức quần chúng. Mọi nơi người ta bị thu hút bởi lòng can đảm và sự quyết tâm của hai vợ chồng Schliemann. Đông đảo người ta bắt đầu tin rằng trái đất cất giữ những di tích và những thông điệp của những con người thực trong quá khứ xa xăm.