Những nền văn minh cổ bí ẩn ít người biết đến
Bên cạnh những nền văn minh nổi tiếng của thế giới hiện đại như Ai Cập, Maya..., trong lịch sử nhân loại còn nhiều nền văn minh bí ẩn khác từng bị lãng quên. Khám phá những nền văn minh cổ bí ẩn bị lãng quên 1. Nền văn minh Harappa Còn được gọi là nền văn minh thung lũng ...
Bên cạnh những nền văn minh nổi tiếng của thế giới hiện đại như Ai Cập, Maya..., trong lịch sử nhân loại còn nhiều nền văn minh bí ẩn khác từng bị lãng quên.
Khám phá những nền văn minh cổ bí ẩn bị lãng quên
1. Nền văn minh Harappa
Còn được gọi là nền văn minh thung lũng Valley, người Harappa sống tại khu vực ngày nay là Pakistan và Ấn Độ. Với ý tưởng xây dựng các thành phố hiện đại, khu đô thị của họ phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng do một trận hạn hán kéo dài hàng thế kỷ, những gì họ xây đắp được dần tàn lụi và không thể khôi phục. Hiện nay đây mới chỉ là một giả thuyết, nhưng giả thuyết này lý giải cho sự thui chột của những nền văn hóa khác trong cùng khu vực.
Các thành phố của người Harappa được quy hoạch một cách khoa học. (Ảnh: Listverse.)
Bắt đầu hình thành từ thế kỷ 25 trước Công nguyên, người Harappa đã phát triển ngôn ngữ và chữ viết riêng lên tới 500 ký tự, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể dịch nghĩa hết được. Cổ vật quan trong nhất của họ là những dấu triện được làm từ đá xà phòng, mô tả nhiều động vật và các sinh vật trong truyền thuyết.
Harappa và Mohenjo-Daro là hai khu khảo cổ chính của nền văn minh Harappa, trong đó Harappa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Khi sụp đổ, nền văn minh Harappa trở thành hình mẫu cho nhiều nền văn hóa khác trỗi dậy.
2. Nền văn minh Dilmun
Từng là khu giao thương quan trọng vào thời hoàng kim, Dilmun bao trùm Bahrain, Kuwait và một phần của Ả Rập Saudi ngày nay. Tuy chưa có nhiều bằng chứng, các học giả tin rằng một số khu vực như Saar và Qal’at al-Bahrain là nơi định cư của người Dilmun cổ đại. Nhiều cổ vật có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên được tìm thấy ở Saar củng cố cho giả thuyết trên.
Người Dilmun kiểm soát các tuyến giao thương ở vịnh Ba Tư và hệ thống liên lạc vươn xa tới tận Thổ Nhĩ Kỳ. Rất nhiều dòng suối chảy qua khu vực này khiến Bahrain huyền thoại được coi là Vườn Địa đàng trong Kinh Thánh. Được mô tả là “vùng đất nơi mặt trời mọc lên”, Dilmun đóng vai trò quan trọng trong truyền thuyết của người Summer.
3. Nền văn minh Elam
Dù tự gọi mình là Haltam, “Elam” xuất phát từ tên trong tiếng Do Thái cổ của từ Haltam. Nền văn minh Elam chủ nếu nằm trên lãnh thổ Iran ngày nay và một phần nhỏ của Iraq. Là một trong những nền văn minh cổ xưa nhất, Elam hình thành từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên và là nền văn minh cổ nhất Iran.
Di tích còn lại của vương quốc Elam cổ xưa. (Ảnh: Amazingbibletimeline.)
Nằm dọc biên giới Sumer và Akkad, địa hình Elam tương tự như những người hàng xóm nhưng có ngôn ngữ độc đáo. Elam đã tồn tại như vương quốc độc lập suốt hơn một thiên niên kỷ nhưng chúng ta biết rất ít về họ vì các tài liệu cổ của người Elam không ghi lại các truyền thuyết, văn học hay thành tựu khoa học mà chủ yếu ca ngợi đức vua và ban bố lệnh. Do đó, họ có tác động không lớn tới sự phát triển của các nền văn minh hiện đại so với Ai Cập và Sumer.
4. Nền văn minh Norte Chico
Bắt đầu hình thành vào thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên và tồn tại trong hơn 1.200 năm, Norte Chico được coi là nền văn minh cổ nhất Nam Mỹ, bao trùm khu vực ngày nay là Peru. Vương quốc Norte Chico có 20 thành phố lớn với kiến trúc và nền nông nghiệp tiên tiến. Họ còn phát triển hệ thống tưới tiêu phức tạp chưa từng có ở châu Mỹ vào thời kỳ đó.
Các hiện vật tôn giáo được tìm thấy khắp khu vực, nhiều nhất là gần các kim tự tháp đá nổi tiếng của người Norte Chico. Nền văn minh này có ảnh hưởng đáng kể tới văn hóa Nam Mỹ sau này, như nền văn minh Chavin hình thành vài trăm năm sau khi Norte Chicos tàn lụi.
5. Nền văn minh Punt
Là đối tác giao thương với Ai Cập cổ đại, vùng đất của người Punt nổi tiếng với hương liệu, gỗ mun và vàng, nằm ở đâu đó trong khoảng từ Nam Phi tới bờ biển Trung Đông. Dù người Ai Cập mô tả kỹ lưỡng địa hình và con người của vương quốc Punt, họ không chỉ rõ vị trí của nền văn minh cổ xưa này.
Người Punt cung cấp hương liệu, gỗ mun và vàng cho Ai Cập cổ. (Ảnh: Harmakis).
Phần lớn các hiểu biết của chúng ta về người Punt có được nhờ thời Hatshepsut, nữ Pharaoh trị vì Ai Cập trong khoảng thế kỷ 15 trước Công nguyên. Các bức phù điêu trong đền thờ bà ghi lại một chuyến giao thương tới Punt, với chi tiết độc đáo như hình ảnh các ngôi nhà hình tổ ong.
Một bức tranh trên tường ngôi đền mô tả cảnh Hatshepsut nhận những món quà tuyệt vời từ vùng đất mê hoặc này. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được vị trí chính xác của vương quốc Punt, dù có nhiều hiện vật của Ai Cập cổ mô tả về nơi này.