28/02/2018, 11:04

Những lý do khó tin khiến con người tử vong ngoài vũ trụ

Đó là những thứ nhỏ nhặt nhưng có thể cướp đi sinh mạng của các phi hành gia ngoài vũ trụ bất cứ lúc nào. Cách đây vài thập kỷ, du hành vũ trụ là một trong những sự kiện vô cùng trọng đại của nhân loại. Thế nhưng giờ đây, giấc mơ bay vào không gian đã không còn là quá xa vời. Với sự phát triển ...

Đó là những thứ nhỏ nhặt nhưng có thể cướp đi sinh mạng của các phi hành gia ngoài vũ trụ bất cứ lúc nào.

Cách đây vài thập kỷ, du hành vũ trụ là một trong những sự kiện vô cùng trọng đại của nhân loại. Thế nhưng giờ đây, giấc mơ bay vào không gian đã không còn là quá xa vời. Với sự phát triển của các công ty lữ hành vũ trụ, trong tương lai không xa, con người thậm chí có thể nghỉ hè ở Mặt trăng hay Sao Hỏa.

Tuy nhiên trước khi sẵn sàng cho những chuyến đi như vậy, bạn cần hiểu rõ những nguy hiểm bất ngờ có thể cướp đi sinh mạng bản thân trước khi kịp tận hưởng cảm giác lơ lửng ngoài Trái đất.

1. Bụi không gian

Nếu như trên Trái đất, những hạt bụi nhỏ bé thường không được con người chú ý thì trong không gian, bạn sẽ phải suy nghĩ lại về điều đó.

Qua phân tích, các nhà khoa học phát hiện ra một số loại bụi không gian như ở Mặt trăng có tính chất tương tự như thạch anh hay silic – những chất độc hại gây các bệnh phổi. Loại bụi này rất dễ bị hít phải, dẫn tới dị ứng, tắc nghẽn hô hấp và tổn thương phổi.


Cấu trúc bụi Mặt trăng dưới kính hiển vi

Vào năm 1972, Jack Schmitt và Gene Cernan khi quay trở lại tàu vũ trụ đã quên không lau chân. Hậu quả là bụi Mặt trăng đã bít kín các khớp nối trong bộ đồ không gian và ăn mòn ba lớp vật liệu chống đạn Kevlar trên bộ quần áo.

Trên đường trở về Trái đất, họ đã phải “sinh hoạt” cùng với một lượng lớn bụi Mặt trăng trong tàu, tới mức Schmitt đã bị dị ứng và phải sử dụng các công cụ hỗ trợ hô hấp.

Những khám phá mới nhất cho thấy bụi sao Hỏa còn nguy hiểm hơn nhiều, tới mức NASA đã xếp chúng vào vị trí số một những mối đe dọa khi thám hiểm hành tinh này.

Tuy rằng ta chưa thực sự xác định được loại bụi đỏ này có độc hại hay không nhưng việc chúng liên tục di chuyển, va đập và ăn mòn các vật thể nhanh chóng chứ không chỉ bám lên bề mặt như bụi Mặt Trăng cũng đủ gây nguy hiểm.

2. Rác vũ trụ

Có một sự thật không chối cãi, đó là việc phóng các tàu thăm dò và vệ tinh thám hiểm vào không gian đã vô tình đem theo một lượng rác thải khổng lồ ra ngoài vũ trụ. Ước tính, hiện nay có khoảng 5.500 tấn rác (khoảng 600.000 vật thể) có kích thước lớn hơn 1cm đang tồn tại ngoài Trái đất.

Đó có thể là những mảnh tàu thám hiểm, vệ tinh không còn hoạt động, mảnh vỡ từ các vụ nổ, hay thậm chí những miếng kim loại nhỏ, lớp sơn bong ra từ thân tàu… vẫn đang quay quanh quỹ đạo của Trái đất hàng ngày, hàng giờ.

Và theo tính toán của giới khoa học, các vật thể trên luôn chuyển động không ngừng với vận tốc khoảng 17.000 dặm/h (tương đương 27.358km/h). Vì vậy, chỉ cần một va chạm nhẹ xảy ra với lượng rác thải ấy cũng có thể khiến các con tàu vũ trụ mới nổ tung.


Va chạm với các mảnh rác nhỏ song vận tốc lớn không khác gì đâm vào các thiên thạch cả

Vào năm 1967, phi thuyền Mariner 4 của NASA đã bị kẹt trong một đám rác thải vũ trụ. Các phi hành gia miêu tả lại rằng: “Trận mưa rác đó không kém gì cơn bão sao băng Leonid”. Đám thiên thạch rác ấy sau cùng đã làm vỡ một phần thân tàu, khiến Mariner 4 không thể trở về Trái đất đúng theo đường đi định sẵn.

3. Tĩnh điện

Trên Trái đất, chúng ta đã quá quen với những thí nghiệm như cọ xát bút vào khăn len, vải dạ nhằm tạo ra hiện tượng tĩnh điện. Đó là những dòng điện tưởng chừng như vô hại song nếu ở ngoài không gian, tĩnh điện giống như một tia sét tử thần.

Do không có nước nên không khí ngoài vũ trụ rất khô, dẫn tới hiện tượng tĩnh điện trên bề mặt các hành tinh. Vì vậy, khi các phi hành gia thám hiểm, họ dễ bị nhiễm điện bên ngoài. Tĩnh điện này có cường độ lớn tới mức làm đoản mạch bộ áo quần phi hành gia và làm người bên trong bị giật.

Đặc biệt, khi trang phục phi hành gia tích điện, nó sẽ trở thành vật thu hút rất nhiều bụi vũ trụ ở xung quanh. Và chúng ta đều đã biết thứ bụi ấy đáng sợ tới mức nào.

Vì thế, để tránh tác hại của tĩnh điện, bộ quần áo phi hành gia hiện nay luôn phải có chất giữ ẩm để giữ electron không thoát ra ngoài và ngăn hiện tượng vật lý trên xảy ra.

4. Tàu vũ trụ hết “pin”

Ít ai biết rằng, các phi thuyền di chuyển ngoài không gian sử dụng rất ít nhiên liệu. Theo nguyên lý của Newton, ngoài vũ trụ không có lực ma sát, vì vậy khi tàu vũ trụ đạt được tốc độ cao nhất và thắng lực hút Trái đất, phi hành đoàn có thể tắt động cơ mà con tàu vẫn bay được bình thường.

Tuy nhiên, thực tế các phi thuyền này vẫn cần dự trữ rất nhiều nhiên liệu cho việc đổi hướng di chuyển, xử lý các sự cố. Với các phi hành gia, việc con tàu hết “pin” không khác nào bị Tử thần tới viếng thăm.

Cụ thể, khi tàu vũ trụ hết nhiên liệu, nó sẽ tiếp tục di chuyển mãi mãi ngoài không gian theo một hướng duy nhất mà các phi hành gia không thể kiểm soát.

Nói cách khác, họ sẽ phải nhìn tàu vũ trụ của mình trôi vô định hàng triệu km, mất liên lạc mà không thể thay đổi điều gì. Tàu chỉ dừng lại khi chúng va vào một vật thể nào đó và nổ tung mà thôi.

0