Những loại rau đặc sản Sa Pa ăn một lần là nhớ mãi
Rau cải mèo Rau cải mèo ngon, rất dễ ăn. Đây là loại rau chính trong các bữa ăn hàng ngày của người dân vùng cao Sa Pa. Cải mèo có vị ngon và giòn, nên được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, người nấu thường vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì ...
Rau cải mèo
Rau cải mèo ngon, rất dễ ăn. Đây là loại rau chính trong các bữa ăn hàng ngày của người dân vùng cao Sa Pa.
Cải mèo có vị ngon và giòn, nên được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, người nấu thường vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì lấy dao thái, như vậy mới đảm bảo giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của cải.
Rau cải mèo được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: Xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.
Rau cải mèo còn hấp dẫn nếu được xào với thịt bò, đặc biệt là thịt hun khói. Những sợi rau giòn, dai hơi nhặng đắng kết hợp với món thịt hun có vị đậm đà rất riêng tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực vùng cao. Nhiều người còn dùng cải mèo trong danh sách các loại rau để ăn lẩu.
Rau su su
Rau su su ở đâu cũng có nhưng trồng ở Sa Pa có vị ngon hơn. Rau Sapa được trồng nơi cao và dốc song mà người dân Sapa vẫn làm giàn cẩn thận để ngọn su su cứ thế mà leo lên cùng với sự thuận lợi của thời tiết. Đó có lẽ là lý do mà ngọn su su hay quả su su ở Sapa mới giòn, ngọt và thơm hơn những ngọn su su được trồng ở những nơi khác.
Rau chua
Rau chua là một trong những món rau Sa Pa quen thuộc trong những bữa ăn hàng ngày của những người dân địa phương nơi đây. Lá rau chua như đúng tên gọi, có vị chua, mát ăn xong có vị ngọt, thường được dùng ăn như rau thơm của người miền xuôi, dùng ăn kèm các món nhiều mỡ để đỡ cảm giác béo như món thịt ba chỉ luộc, thịt quay, lòng lợn….
Rau ngồng
Rau ngồng cũng là một trong những loại rau Sapa nổi tiếng ở đây. Gọi là rau ngồng bởi phần thân cây đã có hoa của những loại rau đã già rồi, rau ngồng có nhiều loại như ngồng su hào, ngồng su su, ngồng tỏi…
Ngồng thường được xào với tỏi, thịt chứ không luộc hoặc nấu canh. Ngồng xào mềm có vị ngọt dịu ở ngọn, ngọt đậm ở cuộng pha lẫn cái đắng nhẹ rất lạ miệng.
Rau đậu Hà Lan
Rau đậu Hà Lan là loại rau khá lạ với nhiều du khách vì không phải nơi nào cũng có được. Thứ cây thân leo này cũng cho những ngọn rau ngon ngọt vô cùng.
Rau đậu Hà Lan được trồng và mọc theo giàn, ngọn rất nhỏ nhưng mềm mang màu xanh nhạt mà non tơ. Thường người ra dùng loại rau này để nấu canh với thịt băm, xương… hoặc đơn giản chỉ là nấu suông nhưng ngon ngọt vô cùng.
Rau củ khởi
Cái tên rau củ khởi vừa lạ lại vừa khó nhớ nhưng nếu nếm thử một lần rồi đảm bảo bạn sẽ chẳng thể nào quên được hương vị hấp dẫn của thứ rau dại (mọc ở hàng rào) này. Nhờ có vị hơi đắng ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng mà rau củ khởi trở thành đặc sản của các nhà hàng ở Lào Cai.
Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không ngán. Canh rau củ khởi rất tốt cho sức khỏe phụ nữ, trẻ em, là vị thuốc chữa say rượu rất hiệu nghiệm.
Chính vì vậy, du khách khi đến Bắc Hà, Sa Pa đều rất thích ăn rau củ khởi và mua về làm quà tặng người thân.
Châu Anh (th)