16/01/2018, 12:44

Những điều kiêng kỵ trong đám cưới bạn nên biết

Những điều kiêng kỵ trong đám cưới bạn nên biết Những điều cần tránh trong đám cưới (Phần 1) Cưới hỏi là một trong những việc trọng đại của đời người. Để đám cưới được diễn ra suôn sẻ và vợ chồng sau ...

Những điều kiêng kỵ trong đám cưới bạn nên biết

Cưới hỏi là một trong những việc trọng đại của đời người. Để đám cưới được diễn ra suôn sẻ và vợ chồng sau này sống với nhau hạnh phúc thì bạn nên tránh những điều kiêng kỵ trong đám cưới nhé.

Bí quyết chụp ảnh cưới đẹp nhất

Kinh nghiệm chọn váy cưới chuẩn nhất

Nhiều bạn trẻ hiện nay thường quan niệm rằng: kiêng kỵ ngày xưa trong đám cưới là không cần thiết, quan trọng là vợ chồng thương yêu nhau, hiểu nhau là sẽ chung sống hạnh phúc trọn đời. Đó là một quan niệm đúng đắn, văn minh và hiện đại. Tuy nhiên, trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, có rất nhiều những nét văn hóa hay, ý nghĩa để răn dạy con cháu, tôn trọng và đề cao tình cảm gia đình, trong đó không thể thiếu những điều kiêng kỵ. "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số những điều kiêng kỵ trong đám cưới để đám cưới diễn ra thật thuận lợi và suôn sẻ nhé!

1. Kiêng kỵ chọn ngày giờ làm lễ dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu

Người Việt Nam rất cẩn trọng trong việc lựa chọn ngày giờ đẹp làm lễ dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu. Mỗi gia đình khi có con cái chuẩn bị cưới hỏi, họ thường đi xem ngày rất kĩ, ngày giờ làm lễ dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được xem phụ thuộc vào tuổi tác của cô dâu chú rể.

Chọn ngày đẹp để tổ chức hôn lễ là quan niệm của ông cha ta từ ngày xưa sẽ cho cô dâu chú rể cuộc sống hạnh phúc dài lâu,thuận lợi làm ăn, sinh con đẻ cái. Ngoài việc chọn ngày hợp tuổi cô dâu chú rể, ngày giờ cưới hỏi còn chọn ngày cưới vào ngày Hoàng đạo, tránh những ngày Hắc đạo, Tam tai, Sát chủ, ngày Rằm, cưới vào ngày có sao Cô thần, Quả Tú, Không phòng, cô dâu sẽ cô quạnh, hiếm con... Ngoài việc chọn ngày giờ đẹp làm lễ dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu, người Việt ta còn chọn giờ để chú rể xuất phát đi đón dâu, chọn giờ đẹp để chú rể vào đón cô dâu.

Đón xong về đến nhà chú rể lại phải chờ giờ Hoàng đạo mới được vào nhà. Tuy nhiên hiện nay, nhiều gia đình đã lựa chọn cưới xin giản tiện hơn, vẫn tuân thủ các quy định ngày giờ đón dâu nhưng được làm nhanh gọn và không rườm rà. Tuổi của con gái khi lấy chồng cũng phải kiêng kị. Con cái ở tuổi kim lâu – tuổi có số đuôi là 1, 3, 6, 8 để tránh những rủi ro (như hôn nhân tan vỡ, con cái hiếm muộn, khó nuôi...). Thường con gái cưới ở các tuổi 24, 25, 27 là vừa đẹp theo quan niệm của thời xưa. Ngoài ra tháng 7 Âm lịch, với tích Ngưu Lang Chức Nữ chia ly, cộng với thời tiết mưa bão nên ít gia đình lựa chọn tháng 7 âm lịch để tổ chức cưới hỏi.

2. Kiêng kỵ trong lễ ăn hỏi

Đối với cô dâu

Khi nhà trai đến nhà gái ăn hỏi, người ta kiêng cô dâu ló mặt ra trước để gặp chú rể, như vậy cô dâu sẽ bị đánh giá là vô duyên, thiếu lễ phép. Cô dâu phải ở trong phòng riêng, khi người lớn thưa chuyện xong xuôi, chú rể phải vào đón cô dâu thì cô dâu mới được ra ngoài để tiếp nước họ hàng hai bên.

Kiêng kỵ cắt cau trong lễ ăn hỏi

Người Việt Nam, đặc biệt là người miền Bắc không bao giờ dùng dao/kéo để cắt cau mà phải dùng tay để xé cau. Sở dĩ có điều kiêng kỵ như vậy vì người Việt ta quan niệm, cắt cau bằng dao sẽ khiến tình cảm vợ chồng bị chia cắt sau này. Ở miền Nam lại có kiểu kiêng kỵ khác: chú rể sẽ là người xé cau, cô dâu xếp trầu để thắp hương trên bàn thờ, ai làm nhanh hơn được coi là về sau sẽ "nắm quyền" nhà.

Kiêng chuẩn bị bàn thờ gia tiên sơ sài

Người Việt Nam ta rất coi trọng việc làm sạch, trang trí bày biện bàn thờ gia tiên thật chu đáo trong ngày ăn hỏi. Thường mỗi nhà sẽ lau dọn thật sạch bàn thờ gia tiên, bày biện những vật phẩm đẹp mắt, đầy đủ mâm cỗ cúng gia tiên, các vật phẩm tối thiểu như gà luộc, xôi, rượu, hoa quả, vàng mã... thật đẹp mắt trong lễ ăn hỏi hay lễ cưới. Tới giờ đón dâu, cô dâu chú rể sẽ cùng bố mẹ hai bên thắp hương để báo cáo tổ tiên chuyện kết hôn của hai con, mong được tổ tiên phù hộ cho hạnh phúc hai người.

Bàn thờ tổ tiên chính là thể hiện sự chu đáo của gia đình mỗi nhà, đa số các bậc phụ huynh đều lo liệu chu đáo, để tới giờ đón dâu, cô dâu chú rể sẽ cùng bố mẹ hai bên cùng thắp hương trên bàn thờ báo cáo với tổ tiên. Ngoài ra ở miền Trung khi nhà trai đến phải có người làm mai đi đầu. Lễ vật bao gồm: Trái cây, bánh kẹo, trầu cau và cặp đèn trùng với kích thước chân đèn trên bàn thờ.

3. Kiêng kỵ khi đón dâu

Kiêng kỵ cô dâu ngoái lại nhìn nhà mẹ đẻ khi đón dâu

Người Việt quan niệm, cô dâu lúc lên xe về nhà chồng không được ngoái nhìn lại nhà mẹ đẻ bởi hành động đó sẽ tương đương với việc cô dâu sẽ khó bảo, không lo chu đáo chuyện nhà chồng trong tương lai.

Kiêng kỵ mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng

Người ta quan niệm rằng khi mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng sẽ khiến con gái và mẹ đẻ quyến luyến nhau không rời, khóc lóc sẽ khiến chuyện cưới xin không tốt, không may mắn.

Kiêng kỵ đi hai đường khi đón dâu

Nhiều gia đình kiêng kỵ đi đón dâu cả lúc đi và lúc về phải đi một đường, không đi đường khác để tránh điều không may quay về nhà.

Kiêng kỵ khi qua cầu, qua ngã 3, ngã 7

Khi đi qua các cây cầu, ngã 3 ngã 5, ngã 7 cô dâu phải vứt gạo muối, tiền lẻ xuống. Phong tục này hàm ý, đoạn đường sắp tới của đôi uyên ương sẽ luôn suôn sẻ, giàu sang..

Kiêng kỵ cho cô dâu mang bầu đi vào từ cửa chính

Người xưa thường nghĩ rằng, cô dâu mà mang bầu trước, đi từ cửa chính sẽ khiến gia đình nhà chồng làm ăn lụi bại. Vì vậy, cô dâu mang bầu phải đi vòng cửa sau để vào nhà. Điều này hiện nay đã được nhiều gia đình bỏ đi vì không cần thiết phải kiêng kỵ như vậy.

Kiêng kỵ mẹ chồng đứng chờ con dâu

Kiêng mẹ chồng đứng ở cửa đón con dâu, điều này lý giải là để cô dâu không đòi bỏ về nhà theo mẹ đẻ, và mẹ chồng nàng dâu không xung khắc sau này. Khi đoàn rước dâu về, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi (bình vôi là biểu hiện tiền của, quyền hành trong nhà, không muốn con dâu thay thế). Ngày nay không có bình vôi, mẹ chồng cầm chùm chìa khóa thay thế. Khi hai họ đã yên vị được một lúc, mẹ chồng mới xuất hiện để đón con dâu và đi chào, cảm ơn hai họ.

0