02/06/2018, 11:31

Những điều cần biết khi đi xe trong mưa phùn

Chọn áo mưa mềm gọn, để dễ quan sát đường và điều khiển xe khi đi dưới trời mưa. Ảnh: T.G Với xe máy Đi xe máy dưới trời mưa phùn tiềm ẩn nhiều tai nạn, nhất là với phụ nữ tay lái yếu, phản xạ chậm. Để giao thông an toàn, cần lái xe chậm, tránh phanh gấp ...

 1

Chọn áo mưa mềm gọn, để dễ quan sát đường và điều khiển xe khi đi dưới trời mưa. Ảnh: T.G

 
Với xe máy

Đi xe máy dưới trời mưa phùn tiềm ẩn nhiều tai nạn, nhất là với phụ nữ tay lái yếu, phản xạ chậm. Để giao thông an toàn, cần lái xe chậm, tránh phanh gấp để xe không bị đổ, người bị thương. Xe ga trọng lượng chủ yếu ở phần thân sau, nếu phanh bị ướt hiệu quả phanh sẽ giảm đáng kể hoặc độ bám đường của bánh xe giảm, khiến xe dễ bị trượt.

Anh Nguyễn Nam (Trung tâm bảo hành xe Honda – đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho hay, rất nhiều người đã chết hụt vì xe ga đi trời mưa vì phần lớn xe ga dùng phanh đĩa ở phía trước, nhiều người quen phanh trước nên tự gây nguy hiểm cho mình bởi khi phanh gấp sẽ khiến xe xoay ngang. Do đó, hãy luyện thói quen sử dụng đồng thời phanh sau và trước trong mọi tình huống. Một số xe tay ga hiện đã có thiết kế hai phanh đĩa ở trước và sau, nhưng không phổ biến. Bạn cũng nên kiểm tra phanh thường xuyên, nếu phanh sâu mà phanh chưa “ăn” cần tăng phanh để giảm tai họa.

Theo anh Trần Giáp (Autocar Vietnam), mưa ẩm cũng làm phanh hay bị kẹt hoặc trượt hơn, nên cần sử dụng phanh cẩn trọng, chớ đạp hết phanh đột ngột gây bó cứng bánh xe, mất kiểm soát lái. Kỹ năng phanh khẩn cấp là: Giảm hết ga thật nhanh, bóp cả hai phanh với lực tăng dần đều và cần bóp phanh trước với lực mạnh hơn phanh sau bằng cách sử dụng cả bốn ngón tay.

Trời mưa lạnh, ở các khúc cua nên giảm và tăng tốc từ từ, vào cua với góc rộng hơn, xe vuông góc với mặt đường, không nên nghiêng người kẻo độ bám bánh xe xuống mặt đường giảm, dễ bị văng cua. Đi qua đường sắt nên đi gần vuông góc với ray để tránh bánh xe bị trượt. Khi đi qua các đoạn đường bóng láng, các đoạn đường có nhiều hố ga, ổ gà càng phải cẩn thận hơn bởi bánh xe rất khó bám đường hoặc mất kiểm soát.

Khoảng cách an toàn giữa các xe cách nhau khoảng 5m, vừa dễ nhìn đường phía trước, vừa dễ chủ động tránh các tình huống. Mưa phùn trời âm u, lắm sương mù, cần bật đèn cốt (chiếu gần) hoặc đèn sương mù để giúp các xe khác thấy rõ xe mình (đặc biệt là các xe ngược chiều). Không bật đèn pha (chiếu xa) vì có thể làm lóa mắt xe đối diện, gây nguy hiểm.

Với xe đạp điện

“Bệnh” hay gặp khi mưa phùn của xe đạp điện là hấp hơi nước làm giảm tuổi thọ của ắc quy, dễ bị hỏng, chết máy, lốp mòn từng phần làm giảm khả năng bám mặt đường khi phanh gấp...

Mưa phùn đường trơn, bình thường đi 25km/h thì trời mưa phùn chỉ nên đi khoảng 20km/h. Khoảng cách từ khi phanh đến khi xe dừng hẳn sẽ tăng lên, do đó cần phanh xe sớm hơn để tránh phanh gấp, bị trượt bánh. Nên chọn xe đạp điện có phanh cơ kiểu xe máy cho phép phanh cả bánh trước và bánh sau an toàn hơn loại xe đạp điện phanh truyền thống.

Các chuyên gia khuyến cáo, trời mưa nên hạn chế sử dụng xe đạp điện. Nếu đang đi mà gặp mưa thì nên tắt nguồn điện và đạp xe. Về nhà cần lau sạch, sấy khô xe ngay, đặc biệt là trên pin và các bộ phận xe kẻo nước mưa làm gỉ sét và bong tróc sơn, rồi mới cất nơi khô ráo. Đợi xe khô ráo hẳn mới sạc hoặc đi tiếp nhằm tránh chập điện nguy hiểm.

Bảo quản xe sau khi đi mưa

Anh Nguyễn Nam cho biết, axit trong nước mưa, bùn bẩn làm xe mất thẩm mỹ, giảm tuổi thọ của xe, nên khi đi mưa về nên rửa xe ngay, đừng cho mưa phùn kéo dài mà ngại rửa. Bạn cần lau khô phần sắt, thép, da... bằng vải thường. Rửa giúp xe luôn hoạt động tốt, giảm chất ăn mòn, tránh gỉ sét. Thường xuyên tra dầu vào xích, các ổ khóa, các khớp nối để xe không bị khô dầu, gây tiếng kêu, vận hành trơn tru.

Hầu hết trục trặc xe ga ở Việt Nam đều liên quan đến mưa, do dây cu-roa truyền động gặp môi trường quá ẩm, hay bị thấm nước sẽ giảm khả năng bám dính đáng kể. Mô-men xoắn quá cao của máy sẽ làm hệ thống truyền động vận hành không bình thường hoặc tê liệt hệ thống thiết bị điện tử khiến xe khó vận hành. Những lúc đó hãy để động cơ hoạt động không tải 2-3 phút để làm khô hơi nước bám vào dây cu-roa (nếu có), rồi hãy cho xe đi bình thường. Nếu xe vẫn chưa đi được thì phải nhờ thợ kiểm tra để động cơ dễ hoạt động trong thời tiết mưa lạnh.

Nếu xe khó khởi động hoặc đi giật cục khi trời mưa lạnh nên:

Kéo le gió (với xe có le gió) cần đạp mồi để dầu bôi trơn xi-lanh và các chi tiết máy, sau đó khởi động lại. Với xe có le điện cần đưa tới thợ để điều chỉnh lại chế độ mở chậm hơn. 

Nếu xe bị giật cục, cần vận hành ở chế độ garanti (nổ máy không tải) 1 - 2 phút. Khi vặn tay ga thấy máy nổ mượt và đều là động cơ và dầu đã đủ nhiệt cần thiết.

Cần bảo dưỡng xe thường xuyên. Vì nếu tay phanh cứng và lạnh sử dụng khó, dễ mất an toàn khi vận hành.
 
Khi đi dưới trời mưa, áo mưa có thể che khuất đèn báo, nếu rẽ cần vẫy tay xin đường. Chọn áo mưa mềm gọn, để dễ quan sát đường và điều khiển xe.
 
Không dùng loại áo mưa cứng, lòe xòe, áo mưa cánh dơi vì vướng víu, dễ gây mất lái và rơi vào tình huống nguy hiểm. Áo mưa hai tà cần ngồi lên tà sau, tà trước kẹp chân giữ chặt để gió không tốc lên đập vào mặt.

Không co chân lên để tránh nước và bùn bắn, vì thăng bằng kém nếu gặp tình huống bất ngờ không kịp đạp phanh hoặc chống chân xuống đất dễ dẫn đến tai nạn.

Trà Giang

0