Những đặc sản "sởn gai ốc" ở miền Tây
Miền Tây với sông ngòi chằng chịt là vùng đất trù phú nhất miền Nam. Nơi đây không chỉ có những cánh đồng mênh mông bất tận, sự nhiệt tình hiếu khách của con người mà còn là xứ sở của những món ăn ngon và lạ khiến nhiều thực khách lần đầu thưởng thức cảm thấy “sởn gai ốc”. 1. Đuông ...
Miền Tây với sông ngòi chằng chịt là vùng đất trù phú nhất miền Nam. Nơi đây không chỉ có những cánh đồng mênh mông bất tận, sự nhiệt tình hiếu khách của con người mà còn là xứ sở của những món ăn ngon và lạ khiến nhiều thực khách lần đầu thưởng thức cảm thấy “sởn gai ốc”.
1. Đuông dừa
Miền Tây rợp bóng dừa. Người dân ở đây hầu như không bỏ qua bất kỳ bộ phận nào trên cây dừa để làm thành các sản phẩm phục vụ cho đời sống. Trong đó các món ăn từ dừa rất phổ biến và được nhiều người ưa thích. Trên thân dừa còn có một món ăn đặc sản là con đuông.
Đuông dừa là ấu trùng dạng sâu của bọ kiến dương. Loại côn trùng này rất thích ăn củ hũ dừa. Đuông là một trong những món ăn quý của dân sành ẩm thực. Tuy vậy, không phải ai cũng dám thử món đặc sản này vì đuông có hình dạng giống con sâu non, thân mềm, màu trắng sữa. Những người yếu tim có thể sợ hãi khi lần đầu nhìn thấy con đuông dừa ngọ ngoạy trong bát nước mắm.
Món ăn từ đuông dừa căn bản nhất là đuông tắm nước mắm, thực khách sẽ được thưởng thức trọn vẹn hương vị của một chú đuông còn sống trên dĩa. Đuông được thả vào bát nước mắm ớt cay, cứ thế gắp bỏ vào miệng sẽ cảm nhận được vị béo bùi đặc trưng của nó.
Đuông còn được chế biến thành nhiều món đa dạng khác như nướng, chiên bơ, hấp nước dừa, nấu cháo. Nhìn chung, các món chế biến từ đuông đều có vị béo, thơm. Bởi vậy, người sành ẩm thực đánh giá đuông dừa là đặc sản quý của phương Nam.
2. Chuột đồng
Miền Tây với những cánh đồng rộng lớn thích hợp cho loài chuột đồng sinh sản và phát triển. Là loài động vật gây hại, thịt chuột đồng cũng là một đặc sản nổi tiếng ở vùng sông nước này. Mới nghe qua, hầu như mọi người đều cảm thấy e ngại, song khi đã thưởng thức món ăn chế biến từ chuột đồng không ít người lại tấm tắc khen "tuyệt cú mèo".
Nguồn thức ăn chính của chuột là lúa, gạo cùng hoa màu theo các mùa nên thịt thơm ngon. Đơn giản nhất là chuột đồng nướng trui ngay ngoài đồng. Thịt chuột hun trong rơm rạ thơm mùi nắng ngon tuyệt. Ngoài ra người nội trợ bình dân còn sáng tạo ra những món ăn khác như chuột luộc cơm mẻ, xào lăn, quay lu hoặc khìa nước dừa…
Ngày nay, thịt chuột đồng đã xuất hiện phổ biến ở các quán ăn, nhà hàng cao cấp, cách chế biến cũng đa dạng hơn.
3. Rắn mối
Ở miền quê Tây Nam Bộ có nhiều rắn mối, nhất là vào những tháng 11, tháng Chạp sau khi con nước lũ rút dần.
Rắn mối to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái, dài khoảng một gang tay, có lớp vảy đen óng ánh trên mình. Bình thường chúng rất dạn dĩ, bò dọc theo vách lá trong nhà hay nền đất ngoài vườn, chạy rất nhanh khi gặp nguy hiểm nên rất khó bắt.
Người miền Tây có tuyệt chiêu câu rắn mối khá độc đáo. Người ta lấy ít hột cơm nguội trộn cám hay lột vài ba con tép trấu móc vô lưỡi câu đặt dọc hè nhà. Chỉ cần nhẹ nhàng thả mồi ngay trước mặt chú rắn mối, thế nào nó cũng táp gọn con mồi.
Rắn mối mang về, nấu nước sôi đổ vào xô, rồi bắt từng con ra cạo sạch vảy, chặt bỏ đầu, chân, bỏ ruột. Bằng mọi giá phải giữ lại chiếc đuôi của loài bò sát này vì theo lời dân nhậu thì đuôi là món bổ nhất, nhưng đuôi rất dễ bị đứt khi bắt hoặc làm thịt.
Món nhanh nhất và dễ chế biến nhất là rắn mối chiên giòn. Chặt rắn mối ra làm 2, ướp gia vị vừa ăn (gốc hành lá, tỏi băm nhỏ, tiêu xay, bột nêm, không được ướp đường vì chiên sẽ bị khét), thêm chút nước mắm ngon. Bắc chảo mỡ lên bếp, cho rắn mối vào chiên vàng là được.
Có thể chế biến đơn giản hơn với món rắn mối nướng mọi. Rắn mối bỏ vô bếp lửa than còn đỏ rực, chờ một chút cho vảy nó cháy sém mỡ vàng ươm. Khi đã chín, lấy cây khều từng con ra, dùng cây cạo sạch lớp vẩy cháy, bẻ từng khúc ăn nóng với muối hột, thịt rắn ngọt lịm vừa thơm vừa ngon.
Rắn mối hiện được xem là một loại đặc sản mới lạ và độc đáo tại các nhà ở Sài Gòn, có thể chế biến thành các món ăn cực kỳ hấp dẫn như sốt đậu, quệt atiso, ôm cua đút lò,... Tất cả món ăn này có hương vị đậm đà và còn có công dụng hỗ trợ điều trị các loại bệnh như đau lưng, nhức mỏi, hen suyễn, tê bì chân tay...
4. Dơi
Dơi là một món ăn khó chế biến, từ công đoạn bắt đến làm thành món ăn và quan trọng là vượt qua cảm giác sợ sệt khi thưởng thức món ăn này.
Dân miền Tây phân biệt 2 loại dơi chính: dơi sen và dơi quạ. Dơi quạ đen và to hơn, dơi sen có màu lông chuột. Theo lời truyền tụng của người dân miền Tây, 2 loại này đều xấu và hôi, nhưng con dơi ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm. Thời điểm bắt dơi rộ nhất là vào mùa trái cây chín, nhất là mùa nhãn. Lúc này, dơi mập và thịt rất thơm ngon do ăn nhiều trái ngọt.
Thao tác làm thịt dơi phải đúng cách, nếu không sẽ mất đi hương thơm và vị ngọt. Đặc biệt, khi làm thịt dơi không được rửa nước. Chỉ cần cầm cánh dơi, lột da, rồi ngắt phía sau rút hết ruột, thế là xong.
Thịt dơi có thể băm nhỏ hoặc xắt miếng, bắc chảo lên khử tỏi cho thơm, rồi để thịt vào xào. Khi thịt vừa chín, lấy ra cho vào nồi cháo nấu tiếp, nêm nếm vừa ngon rồi dùng tô đã chuẩn bị sẵn, rau bắp chuối để dưới đáy tô để múc cháo vào, ăn nóng. Tiêu, ớt, chanh xắt và nước mắm chua ngọt cần chuẩn bị sẵn để tùy theo khẩu vị người ăn có thể thêm vào.
Giống như chuột, dơi cũng có thể chế biến thành món khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải hoặc cuốn bánh tráng. Để làm mồi nhậu, vui miệng nhất là thịt dơi kẹp nướng than tàu, vừa nướng vừa ăn. Xương dơi mềm nên cầm cả miếng thịt chấm với muối tiêu chanh ớt đậm đà hơn cả thịt gà. Ngoài ra, món cháo thịt dơi với đậu xanh vừa mát vừa bổ dưỡng và tăng cường sinh lực.
5. Rắn
Rắn là loài bò sát khiến nhiều người kinh hãi, không chỉ bởi nọc độc chết người mà còn bởi hình dáng. Miền Tây sông nước là nơi trú ngụ của nhiều loại rắn nên từ sợ hãi loài động vật này, người dân ở đây lại biến chúng thành những món ăn khoái khẩu thơm ngon.
Món ăn từ rắn rất phong phú, rắn miền Tây cũng rất đa dạng về chủng loại. Thậm chí bắt về ăn không hết, người dân còn làm sạch đem phơi khô. Các món từ loài bò sát này phổ biến nhất phải kể đến là cháo rắn nấu đậu xanh, xào xả ớt, nướng lèo, hầm xả, gỏi rắn, lẩu rắn… Món nào cũng ngon.
Nếu ăn không quen bạn sẽ thấy thịt rắn rất nhiều xương. Ăn theo cách lột từng thớ thịt như lột vỏ mía thì sẽ dễ dàng có được thịt nạc bùi, ngọt. Thịt rắn là một loại thuốc quý và bổ dưỡng. Mỗi loại rắn có vị hơi khác nhau nhưng đều là món ăn bài thuốc chống đau nhức khớp, chữa bệnh phong thấp và tăng cường sức khỏe.
Theo VnExpress