12/01/2018, 16:38

Những biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

Những biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước V.I.Lênin đã từng nhấn mạnh rằng sự liên minh cá nhân của các ngân hàng vốn công nghiệp được bổ sung bằng sự liên minh cá nhân của ngân hàng và công nghiệp với chính phủ ...

Những biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

V.I.Lênin đã từng nhấn mạnh rằng sự liên minh cá nhân của các ngân hàng vốn công nghiệp được bổ sung bằng sự liên minh cá nhân của ngân hàng và công nghiệp với chính phủ

a)            Sự kết hợp về nhân sự giữa tổ chức độc quyền và nhà nước

V.I.Lênin đã từng nhấn mạnh rằng sự liên minh cá nhân của các ngân hàng vốn công nghiệp được bổ sung bằng sự liên minh cá nhân của ngân hàng và công nghiệp với chính phủ: "Hôm nay là bộ trưởng, ngày mai là chủ ngân hàng, hôm nay là chủ ngân hàng, ngày mai làm bộ trưởng".

Sự kết hợp về nhân sự được thực hiện thông qua các hội chủ xí nghiệp mang những tên khác nhau, thí dụ: Liên đoàn công nghiệp Italia. Tổ chức liên hợp công nghiệp Đức, Liên đoàn công thương Anh... Các hội chủ xí nghiệp này trở thành lực lượng chính trị, kinh tế to lớn, là chỗ dựa cho chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Các hội chủ này hoạt động như là các cơ quan tham mưu cho nhà nước, chi phối đường lối kinh tế, đường lối chính trị của nhà nước tư sản nhằm "lái" hoạt động của nhà nước theo hướng có lợi cho tầng lớp tư bản độc quyền. Vai trò của các hội lớn đến mức mà dư luận thế giới đã gọi chúng là những chính phủ đằng sau chính phủ, một quyền lực thực tế đằng sau quyền lực của chính quyền. Thông qua các hội chủ, một mặt các đại biểu của các tổ chức độc quyền tham gia vào bộ máy nhà nước với những cương vị khác nhau; mặt khác, các quan chức và nhân viên chính phủ được cài vào các ban quản trị của các tổ chức độc quyền, giữ những chức vụ trọng yếu chính thức hoặc danh dự, hoặc trở thành những người đỡ đầu các tổ chức độc quyền. Sự thâm nhập lẫn nhau này còn gọi là sự kết hợp đã tạo ra nhũng biểu hiện mới trong mối quan hệ giữa các tổ chức độc quyền và cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

b) Sự hình thành và phát triển sở hữu tư bản độc quyền nhà nước

Sở hữu tư bản độc quyền nhà nước là sở hữu tập thể của giai cấp tư sản độc quyền có nhiệm vụ ủnng hộ và phục vụ lợi ích của tư bản độc quyền nhằm duy trì sợ tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Nó biểu hiện không những ở chỗ sở hữu nhà nước tăng lên mà còn ở sự tăng cường mối quan hệ giữa sở hữu nhà nước và sở hữu độc quyền tư nhân, hai loại sơ hữu này đan kết với nhau trong quá trình tuần hoàn của tổng tư bản xã hội.

Sở hữu nhà nước không chỉ bao gồm những động sản và bất động sản cần cho hoạt động của bộ máy nhà nước, mà gồm cả những xí nghiệp nhà nước trong công nghiệp và trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông vận tải, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội,... trong đó ngân sách nhà nước là bộ phận quan trọng nhất.

Sở hữu nhà nước được hình thành dưới nhiều hình thức khác nhau: xây dựng xí nghiệp nhà nước bằng vốn của ngân sách; quốc hữu hóa các xí nghiệp tư nhân bằng cách mua lại: nhà nước mua cổ phần của các xí nghiệp tư nhân; mở rộng xí nghiệp nhà nước bằng vốn tích lũy của các xí nghiệp tư nhân...

Sở hữu nhà nước thực hiện các chức năng quan trọng sau:

Một là, mở rộng sản xuất tư bản chủ nghĩa, bảo đảm địa bàn rộng lớn cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điều này liên quan đến những ngành sản xuất cũ không đứng vững được trong cạnh tranh và có nguy cơ thua lỗ, cũng như các ngành công nghiệp mới nhất đòi hỏi vốn đầu tư lớn và trình độ nghiên cứu khoa học, thiết kế và thử nghiệm cao được nhà nước đầu tư phát triển.

Hai là, giải phóng tư bản của tổ chức độc quyền từ những ngành ít lãi để đưa vào những ngành kinh doanh có hiệu quả hơn.

Ba là, làm chỗ dựa về kinh tế cho nhà nước để nhà nước điều tiết một số quá trình kinh tế phục vụ lợi ích của tầng lớp tư bản độc quyền.

Sở hữu nhà nước phản ánh xuyên tạc bản chát của chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Vì nó biểu hiện ra như "có tính xã hội". Song trong thực tế nó không vượt được khuân khổ của sở hữu tư bản chủ nghĩa, vì trong các xí nghiệp nhà nước, công nhân vẫn là người lao động làm thuê. Các xí nghiệp nhà nước được sử dụng như những công cụ chủ yếu phục vụ lợi ích của tầng lớp tư bản độc quyền, vì vậy công nhân vẫn không phải là người chủ đối với tư liệu sản xuất của xí nghiệp nhà nước.

c) Sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản

Một trong những hình thức biểu hiện quan trọng của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự tham gia của nhà nưức tư sản vào việc điều tiết quá trình kinh tế. V.I.Lênin viết: "Sự tập trung hóa và quốc tế hóa của tư bản ngày càng có quy mô rất lớn. Chủ nghĩa tư bản độc quyền biến thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước; do tình thế thúc bách nên trong nhiều nuớc đã phải thi hành việc điều tiết xã hội đối với sản xuất và phân phối".

Hệ thống điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản là một tổng thể những thiết chế và thể chế kinh tế của nhà nước. Nó bao gồm bộ máy quản lý gắn với hệ thống chính sách, công cụ có khả năng điều tiết sự vận động của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, toàn bộ quá trình tái sản xuất xã hội theo hướng có lợi cho tầng lớp tư bản độc quyền. V.I.Lênin đã nói về sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản Đức thời kỳ đầu thế kỷ XX như sau. "ở Đức, người ta đạt tới chỗ là việc lãnh đạo sinh hoạt kinh tế của 66 triệu người là từ một trung tâm; việc tổ chức nền kinh tế quốc dân của 66 triệu người là do một trung tâm, làm cho tuyệt đại đa số nhân dân phải chịu những hy sinh lớn nhất để cho "30.000 phần tử thuộc tầng lớp trên" có thể bỏ túi hàng tỷ lợi nhuận chiến tranh và khiến hàng triệu người bị đưa vào lò sát sinh vì lợi ích của những đại biểu "thượng lưu và ưu tú" trong dân tộc".

Các chính sách kinh tế của nhà nước tư sản là sự thể hiện rõ nét nhất sự điều tiết kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Chúng bao gồm nhiều lĩnh vực như: chính sách chống khủng hoảng chu kỳ, chống lạm phát: chính sách tăng trưởng kinh tế, chính sách xã hội, chính sách kinh tế đối ngoại. Các công cụ chủ yếu nhà nước tư sản dùng để điều tiết kinh tế và thực hiện các chính sách kinh tế là ngân sách, thuế, hệ thống liền tệ - tín dụng, các doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch hóa hay chương trình hóa kinh tế và các công cụ hành chính - pháp lý.

soanbailop6.com

0