Những bài văn cảm thụ lớp 5
Những bài văn cảm thụ lớp 5 Bài văn mẫu lớp 5 dưới đây sẽ giúp các em học sinh lớp 5 học môn Ngữ Văn tốt hơn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện khả năng diễn đạt, có nhiều ý tưởng khi làm văn miêu ...
Những bài văn cảm thụ lớp 5
dưới đây sẽ giúp các em học sinh lớp 5 học môn Ngữ Văn tốt hơn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện khả năng diễn đạt, có nhiều ý tưởng khi làm văn miêu tả với các đề bài quen thuộc như: tả cánh đồng lúa, tả con đường từ nhà đến trường... Các bài văn miêu tả chân thực, diễn đạt mạch lạc sẽ là tài liệu hữu ích dành cho quý thầy cô, quý phụ huynh và các em học sinh.
Một số bài văn tả cảnh lớp 5
Bài tập ôn hè môn Toán cơ bản lớp 5
Đề 1: Trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, nhà thơ Nguyễn Khoa điềm có viết:
Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ
Em ngủ ngoan em đừng làm lưng mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.
Hãy nêu những suy nghĩ của em về hình ảnh mặt trời được diễn tả trong hai câu cuối của đoạn thơ trên.
Gợi ý: Hình ảnh "mặt trời" được diễn tả trong hai câu cuối của đoạn thơ với hai ý nghĩa khác nhau.
Ở câu Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi, hình ảnh "mặt trời" gợi cho ta nghĩ đến nguồn ánh sáng và những tia nắng ấm giúp cho cây bắp lớn lên, hạt bắp thêm chắc mẩy. Vì vậy có thể nói đó là "mặt trời của bắp".
Ở câu Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng, hình ảnh "mặt trời" gợi cho ta liên tưởng đến em bé (người con) đang nằm trên lưng mẹ.
Em bé được mẹ che chở bằng tình yêu thương. Em bé là niềm hy vọng lớn lao và đẹp đẽ của người mẹ. Vì vậy có thể nói: em là "mặt trời của mẹ".
Đề 2:
"Ôi! Lòng Bác vậy cứ thương ta.
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy lặng phù sa"
("Theo chân Bác" - Tố Hữu)
Đoạn thơ trên có hình ảnh nào đẹp gây xúc động nhất với em vì sao?
* Tham khảo: Hình ảnh "dòng sông chảy nặng phù sa" là hình ảnh đpẹ và gây xúc động nhất bởi nó được dùng để so sánh với tấm lòng yêu thương quên mình vì dân vì nước của Bác. Dòng sông quê hương mang nặng phù sa hay tấm lòng của Bác lúc nào cũng chứa chan tình yêu thương dành cho mỗi chúng ta. Bác chia sẻ tình thương cho tất cả mọi người, cho cỏ cây hoa lá mà chẳng nghĩ đến riêng mình. Dòng sông cũng vậy cứ chảy mãi chảy mãi, đem đến cho đôi bờ những hạt phù sa đỏ hồng để làm nên hạt gạo, làm nên cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đoạn thơ là sự thể hiện tình cảm kính yêu, sự biết ơn của tác giả nói riêng và của nhân dân ta nói chung đối với Bác Hồ kính yêu.
Đề 3: Trong bài Cô giáo với mùa thu, nhà thơ Vũ Hạnh Thắm có viết:
Cô giáo đưa mùa thu
Đến với những quả vàng chín mọng
Một mùa thu hy vọng
Tiếng chim ca ríu rít sân trường.
Em hãy ghi lại một vài dòng suy nghĩ của em về hình ảnh Cô giáo và mùa thu được gợi ra từ đoạn thơ trên.
Gợi ý:
Hình ảnh cô giáo thật hiền từ, dịu dàng nên ngỡ như đã đưa được mùa thu mát mẻ đến với những quả vàng chín mọng. Đó là mùa thu đầy hy vọng một tương lai đẹp đẽ với tiếng học trò nô đùa ở sân trường , ríu rít như bầy chim non...
Đề 3: Đọc bài thơ sau của tác giả Cao Xuân Sơn:
Cả nhà đi học
Đưa con đến lớp mỗi ngày
Như con mẹ cũng "thưa thầy", "chào cô"
Chiều qua bố đón tình cờ
Con nghe bố cũng "chào cô", "thưa thầy"...
Cả nhà đi học vui thay
Hèn chi điểm xấu buồn lây cả nhà
Hèn chi điểm mười hôm qua
Nhà mình như thể được... ba điểm mười.
Em cảm nhận được niềm vui đi học của cả nhà qua khổ thơ thứ hai trong bài thơ trên như thế nào?
Gợi ý: Niềm vui đi học của cả nhà được diễn tả qua khổ thơ thứ hai thật hồn nhiên và đáng yêu. Khi cả nhà đều đi học, đều là học trò của các thầy giáo, cô giáo thì ai cũng được chia sẽ niềm vui, nỗi buồn trong học tập. Khi có "điểm xấu" thì "buồn lây cả nhà". Khi được "điểm mười" thì niềm vui cũng được nhân lên. Kết quả học tập tốt đã thật sự làm cho cả nhà sung sướng và hạnh phúc...
Đề 4:
Bóng mây
Hôm nay trời nóng như nung
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày
Ước gì em hóa đám mây
Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm
Đọc bài thơ trên em thấy được những nét gì đẹp về tình cảm của người con đối với mẹ?
Đề 5: Đọc đoạn thơ dưới đây trong bài Khi mẹ vắng nhà của nhà thơ Trần Đăng Khoa, em có những suy nghĩ gì về câu trả lời của tác giả đối với mẹ?
Mẹ bảo em: Dạo này ngoan thế!
-Không, mẹ ơi! Con đã ngoan đâu!
Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Mẹ ngày đêm khó nhọc
Con chưa ngoan, chưa ngoan!
Gợi ý: Câu trả lời của tác giả đối với mẹ trong đoạn thơ cho ta thấy: người con chưa thể yên lòng nhận lời khen của mẹ, bởi vì sự cố gắng chăm sóc của con dù to lớn đến đâu cũng không thể sánh bằng công sức khó nhọc của mẹ dành cho con. Một khi mẹ vẫn còn ngày đêm vất vả, khó nhọc:
Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Tác giả luôn cảm thấy mình "chưa ngoan" vì chưa đến đáp được công ơn trời biển của mẹ. Qua câu trả lời, qua những suy nghĩ của tác giả, đã cho ta thấy tình cảm yêu thương và lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ kính yêu của mình.
Đề 6: Kết thúc bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão, Nhà thơ Đặng Hiển viết:
Thế rồi cơn bão qua
Bầu trời xanh trở lai
Mẹ về như nắng mới
Sáng ấm cả gian nhà
Theo em, hình ảnh nào đã làm nên vẻ đẹp của đoạn thơ trên? Vì sao?
Gợi ý: Hình ảnh "Mẹ về như nắng mới. Sáng ấm cả gian nhà" đã làm nên vẻ đẹp của đoạn thơ trên. Đó chính là hình ảnh gây ấn tượng đẹp trong lòng người đọc và nêu bật được ý nghĩa bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão". Người mẹ trở về nhà khi cơn bão đã qua được so sánh với hình ảnh "nắng mới" hiện ra khi bầu trời xanh trở lại sau cơn bão. Sự so sánh đó giúp ta hiểu được một điều sâu sắc: mẹ cần thiết cho cả gia đình chẳng khác nào ánh nắng cần thiết cho sự sống! Chính vì vậy, khi người mẹ trở về, cả gian nhà trở nên "sáng ấm" bởi tình yêu thương đẹp đẽ. Vai trò của mẹ trong gia đình thật quan trọng và đáng quý biết bao nhiêu!