27/02/2018, 22:57

Những bức tranh phật giáo cổ đại tại Bamiyan được vẽ bằng sơn dầu

Cả thế giới đều sửng sốt trước hành động phá hoại những bức tượng Phật cổ của Taliban ở vùng Bamiyan thuộc Afghanistan năm 2001. Đằng sau những bức tượng có những hang động được trang trí bằng các tranh vẽ quý giá có từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 9 sau Công nguyên. Những hang động này cũng chịu ảnh ...

Cả thế giới đều sửng sốt trước hành động phá hoại những bức tượng Phật cổ của Taliban ở vùng Bamiyan thuộc Afghanistan năm 2001. Đằng sau những bức tượng có những hang động được trang trí bằng các tranh vẽ quý giá có từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 9 sau Công nguyên.

Những hang động này cũng chịu ảnh hưởng từ hành động phá hoại của người Taliban cũng như của môi trường tự nhiên, nhưng ngày nay chúng khởi nguồn cho một khám phá quan trọng. Thông qua các thí nghiệm được thực hiện tại Phòng nghiên cứu phóng xạ synchrotron châu Âu (ESRF), các nhà khoa học đã chứng minh rằng các bức họa trên được vẽ bằng sơn dầu hàng trăm năm trước khi kỹ thuật này được phát minh ở châu Âu.

Trong nhiều quyển sách về lịch sử và nghệ thuật châu Âu, tranh sơn dầu được cho là bắt nguồn từ thế kỷ thứ 15 ở châu Âu. Nhưng các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu chế phẩm văn hóa ở Tokyo (Nhật), Trung tâm Nghiên cứu và Phục chế Bảo tàng Pháp – CNRS (Pháp), Viện Bảo tồn Getty (Mỹ) và ESRF gần đây đã xác định có dầu khô trong các mẫu vật lấy từ hang động Bamiyan. Được vẽ vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, những bức tranh trên thành động mô tả cảnh Đức Phật trong bộ áo choàng màu đỏ son ngồi bắt chéo chân giữa lá cọ và các sinh vật huyền bí. Các nhà khoa học khám phá 12 trên 50 hang được vẽ bằng kỹ thuật sơn dầu, có lẽ sử dụng dầu khô của cây óc chó và cây anh túc.

Chi tiết của một bức họa trong hang động. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Quốc gia về Di sản văn hóa, Tokyo – Nhật)

Sự kết hợp của các kỹ thuật synchrotron như vi quang phổ hồng ngoại, vi tia X huỳnh quang, vi quang phổ thẩm thấu tia X hoặc vi nhiễu xạ tia X có vai trò quan trọng đối với kết quả công trình. Marine Cotte, nhà khoa học nghiên cứu tại CNRS và cộng tác với ESRF, giải thích “Một mặt, những bức họa được sắp xếp gồm nhiều lớp, có thể rất mỏng, chồng lên nhau. Các tia siêu nhỏ từ các nguồn synchrotron rất cần thiết để phân tích tách biệt các lớp này. Mặt khác, những bức họa này được tạo từ các chất nhuộm vô cơ trộn lẫn với chất kết dính hữu cơ, vì vậy chúng tôi cần nhiều kỹ thuật khác nhau để có được cái nhìn toàn cảnh.”

Kết quả thể hiện tính đa dạng cao của màu nhuộm cũng như các chất kết dính. Từ đó các nhà khoa học đã xác định được thành phần căn bản cùng những hợp chất thay thế. Ngoài các lớp sơn từ dầu, một số lớp được tạo từ nhựa thông tự nhiên, protein, gôm, và trong một số trường hợp là lớp nhựa cây tương tự như véc-ni. Chất liệu từ protein có thể là do việc sử dụng keo dính từ da sống hoặc trứng. Trong số các màu nhuộm khác nhau, các nhà khoa học phát hiện liều cao màu trắng làm từ chì. Những phân tử cacbonat chì thường được sử dụng từ thời cổ đến hiện đại không chỉ trong mỹ thuật mà còn trong mỹ phẩm với vai trò chất làm trắng.

Theo Yoko Taniguchi, chỉ huy nhóm nghiên cứu, “Đây là bằng chứng rõ ràng sớm nhất về tranh sơn dầu trên thế giới, mặc dù dầu khô vốn được người La Mã và Ai Cập cổ sử dụng, nhưng chỉ trong dược phẩm và mỹ phẩm.”

Những bức họa này có lẽ là tác phẩm của những họa sĩ đi trên Con đường tơ lụa, con đường thương mại cổ giữa Trung Quốc, băng qua vùng sa mạc Trung Á để đến phương Tây. Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu về khu vực này. Taniguchi cho biết “Vì những lý do chính trị, nghiên cứu về những bức tranh ở Trung Á rất hiếm. Chúng tôi may mắn có được cơ hội từ UNESCO để nghiên cứu những mẫu vật này như một phần của dự án bảo tồn cho vùng Bamiyan – di sản thế giới, và chúng tôi hy vọng rằng các công trình trong tương lai có thể cung cấp nhưng hiểu biết sâu hơn về kỹ thuật vẽ tranh trên Con đường tơ lụa và vùng Âu-Á.”

Kết quả được trình bày tại một hội thảo khoa học tháng 1 vừa qua ở Nhật và được đăng tải trên tờ Journal of Analytical Atomic Spectrometry số ngày 22 tháng 4.

0