24/05/2018, 21:39

Nhiệm vụ hạch toán chi phí sản xuất và tính Z sản phẩm xây lắp

Vai trò của kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm: Kế toán nói chung và kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm nói riêng là một công cụ quản lý kinh tế, phục vụ cho hoạt động quản lý giám sát ...

Vai trò của kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm:

Kế toán nói chung và kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm nói riêng là một công cụ quản lý kinh tế, phục vụ cho hoạt động quản lý giám sát bằng việc thực hiện quan sát đo lường, tính toán ghi chép các hoạt động sản xuất kinh doanh. Kế toán là phương pháp đo lường và thông tin của những người có liên quan, đặc biệt là các nhà quản lý.

Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm cung cấp những thông tin sinh động về sự tuần hoàn của tài sản, toàn bộ bức tranh của quá trình sản xuất từ khâu đầu tiên cung cấp nguyên vật liệu (vật tư) cho đến khâu cuối là tập hợp chi phí và tính giá thành đều được phản ánh thật đầy đủ và sinh động qua thông tin kế toán.

Thông tin kế toán mang tính chất hai mặt là chi phí và kết quả. Nhờ đó mà người ta xác định được hiệu quả của một thời kỳ kinh doanh và tình hình tài chính của Doanh nghiệp.

Nó có ý nghĩa rất lớn đối với việc ứng dụng hạch toán kinh doanh với nội dung cơ bản là độc lập về tài chính lấy thu bù chi. Hơn nữa thông tin kế toán có hai đặc trưng cơ bản là thông tin và kiểm tra. Thông tin về hoạt động đồng thời kiểm tra về tiến độ, đơn giá, định mức sử dụng lao động, vật tư hay dự toán chi phí. Ví dụ như: Thông tin kế toán trong sổ kế toán chi tiết vật tư cung cấp cho nhà quản lý mức vật tư đã tiêu hao đồng thời cho phép kiểm tra xem mức sử dụng như thế đã khớp với dự toán hay không? Hay nói cách khác việc sử dụng có lãng phí không?

Một trong các bí quyết giúp các nhà quản lý kinh tế thành công trong việc lựa chọn và ra các quyết định kinh doanh chính xác là sử dụng thông tin do kế toán cung cấp. Theo quan điểm truyền thống xưa nay người ta thường so sánh giữa giá bán và giá thành của sản phẩm. Trong đó nhân tố giá bán không do Doanh nghiệp định đoạt mà phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường (trừ mặt hàng độc quyền). Bởi vậy các hoạt động kinh doanh, các thương vụ nào đó có mức lợi nhuận cao theo cách so sánh trên thị trường không được tính đến, thậm chí còn bị loại bỏ. Các nhà quản lý do vậy thường ra quyết định trên cơ sở giá thành do kế toán cung cấp mà chi phí lại là cơ sở để tạo nên chỉ tiêu giá thành sản phẩm. Vì vậy việc hạch toán chính xác chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm có ý nghĩa rất lớn đối với Doanh nghiệp, nếu không được tính đúng tính đủ chi phí sản xuất vào giá thành sẽ có thể dẫn đến các quyết định kinh doanh sai lầm làm Doanh nghiệp chẳng những bỏ lỡ mất thời cơ kinh doanh mà còn có thể đi đến phá sản. Đồng thời thực hiện tốt công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm còn là cơ sở để thực hiện giám đốc các hoạt động, phát hiện và khắc phục kịp thời các tồn tại, phát hiện tiềm năng mới đảm bảo cho Doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong cơ chế tự hạch toán kinh doanh trong nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Hơn nữa, XDCB là nghành sản xuất tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế quốc dân, hàng năm chiếm 30% vốn đầu tư của cả nước. Sản phẩm của ngành là những công trình có giá trị lớn, thời gian sử dụng lâu dài nên có ý nghĩa kinh tế quan trọng. Hiện nay khối lượng công việc XDCB của ngành tăng nhanh và song song với nó là vốn đầu tư XDCB cũng tăng nhanh. Vì vậy việc hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp càng trở nên có ý nghĩa quan trọng góp phần đắc lực vào việc quản lý, sử dụng vốn một cách có hiệu quả, khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát vốn trong điều kiện sản xuất kinh doanh xây lắp qua nhiều khâu. Có thể nói hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm vốn đã là một phần hành cơ bản trong công tác kế toán lại càng có ý nghĩa quan trọng đối với Doanh nghiệp xây lắp và xã hội. Bên cạnh đó nó cũng là cơ sở để Nhà nước kiểm soát vốn đầu tư XDCB và thu thuế.

Nhiệm vụ của công tác kế toán chi phí sản xuất và tính Z sản phẩm:

Để thực hiện được mục tiêu phấn đấu tiết kiệm chi phí sản xuất hạ giá thành sản phẩm thì đơn vị kinh doanh xây lắp phải sử dụng vào sản xuất nhiều biện pháp khác nhau. Đứng trên giác độ quản lý, cần phải biết nguồn gốc hay con đường hình thành của nó, nội dung cấu thành của giá thành, để từ đó biết được nguyên nhân cơ bản nào, những nhân tố cụ thể nào đã làm tăng hoặc giảm giá thành và chỉ có trên cơ sở đó, người quản lý mới đề ra được biện pháp cần thiết để hạn chế loại trừ ảnh hưởng của nhân tố tiêu cực tác động nên và phát huy được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tích cực, khai thác khả năng, tiềm năng trong việc quản lý, sử dụng nguồn vật tư, lao động và tiền vốn. Một trong những biện pháp quan trọng và không thể thiếu được, phải kể đến biện pháp quản lý công cụ kế toán. Bởi vậy phải tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất vào giá thành mới đảm bảo phát huy công dụng của công tác kế toán trong quản lý sản xuất. Do đó nhiệm vụ chủ yếu của công tác kế toán hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp là: xác định chính xác đối tượng tập hợp chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành phù hợp với điều kiện thực tế của Doanh nghiệp, thoả mãn yêu cầu quản lý đặt ra, vận dụng phương pháp hạch toán chi phí sản xuất và phương pháp tính giá thành một cách khoa học, hợp lý.

Đảm bảo cung cấp một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ các số liệu cần thiết cho công tác quản lý cụ thể là:

- Phản ảnh đầy đủ, chính xác, kịp thời toàn bộ chi phí thực tế phát sinh cho từng đối tượng.

- Kiểm tra tình hình chi phí về vật tư, lao động, chi phí sử dụng máy thi công và các chi phí khác, phát hiện kịp thời các khoản chênh lệch so với định mức, các chi phí khác ngoài kế hoạch, các khoản thiệt hại mất mát hư hỏng... trong sản xuất từ đó đề xuất các biện pháp ngăn chặn và khắc phục kịp thời.

- Thực hiện phân tích tình hình thực hiện dự toán chi phí sản xuất để có những kiến nghị cho các nhà quản trị Doanh nghiệp ra các quyết định phù hợp.

- Tổ chức tập hợp phân bổ từng lọai chi phí sản xuất theo đúng đối tượng hạch toán chi phí sản xuất đã xác định bằng phương pháp thích hợp, xác định đúng giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ.

- Vận dụng phương pháp tính giá thành thích hợp để tính giá thành theo đối tượng thích hợp, tính đúng theo các khoản mục đã quy định và kỳ tính giá thành đã xác định.

- Thực hiện phân tích tình hình thực hiện giá thành và kế hoạch hạ giá thành sản phẩm, kịp thời có những biện pháp tích cực để phấn đấu không ngừng tiết kiệm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm.

0