Nhận xét về nhân vật Tnú (Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành), có ý kiến cho rằng: Tnú là nhân vật đậm màu sắc sử thi mà vẫn có tính cách riêng biệt, độc đáo. Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
a) Tầm vóc sử thi toát lên từ hình ảnh chàng trai Tây Nguyên gan góc, dũng cảm, một lòng trung thành với cách mạng – Ngay từ nhỏ, Tnú đã không sợ gian khổ, nguy hiểm khi làm liên lạc cho anh Quyết. Tnú nhanh nhẹn, dũngcảm, luồn rừng nhanh như con sóc, ...
a) Tầm vóc sử thi toát lên từ hình ảnh chàng trai Tây Nguyên gan góc, dũng cảm, một lòng trung thành với cách mạng
– Ngay từ nhỏ, Tnú đã không sợ gian khổ, nguy hiểm khi làm liên lạc cho anh Quyết. Tnú nhanh nhẹn, dũngcảm, luồn rừng nhanh như con sóc, vượt suối chỉ chọn nơi thác dữ để tránh ổ phục kích của giặc. Khi bị giặc bắt, Tnú nuốt luôn cái thư và không thốt lên một lời khai dù bọn lính tra hỏi. Cụ Mết và người Xô Man rất tự hào về đứa con dũng cảm của làng: "Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta".
– Bị giặc bắt, bị giam cầm, Tnú vẫn vượt ngục trở về làng đúng vào lúc kẻ thù khủng bố dữ dội hòng dập tắt cuộc đấu tranh giành tự do của đồng bào Xô Man: anh Quyết đã hi sinh, dân làng nhiều người bị giặc giết hại. Tnú đã nhận lấy trách nhiệm thiêng liêng: cùng cụ Mết lãnh đạo dân làng chuẩn bị vũ khí đánh giặc. Anh lên núi Ngọc Linh lấy đá mài về để dân làng mài vũ khí. Hằnh động ấy thể hiện ý chí bất khuất của những con người yêu tự do, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh vì tự do.
– Trong những giờ phút đau thương nhất (vợ con bị giặc sát hại, bản thân cận kề cái chết,…), Tnú vẫn giữ vững tinh thần bất khuất của người cộng sản. Anh chỉ lo lắng cho số phận của buôn làng, cho cuộc chiến đấu còn dang dở: "Đến khi có lệnh Đảng cho đánh, ai sẽ làm cán bộ lãnh đạo dân làng Xô Man đánh giặc?". Tnú chỉ tiếc không được tiếp tục sống để cầm vũ khí cùng dân làng chiến đấu.
– Lúc bị ngọn lửa đốt cháy mười đầu ngón tay, Tnú đau đớn đến cùng cực: "Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi" nhưnơ Tnú vẫn nhớ lời anh Quyết: "Người cộng sản không thèm kêu van".
– Khi đốt cháy hai bàn tay Tnú, kẻ thù không chỉ muốn giết anh mà còn muốn dùng máu lửa để dập tắt khát vọng tự do của người Xô Man. Thằng Dục muốn họ phải khiếp sợ mà chấp nhận sống kiếp nô lệ: "Số kiếp chúng mày không phải số kiếp cầm giáo mác. Bỏ cái mộng cầm giáo mác đi, nghe không!". Nhưng Tnú đã không chịu khuất phục. Với hai bàn tay tàn tật "ngón tay còn hai đốt", "không mọc ra được nữa", anh vẫn cầm súng lên đường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Chiến công anh kể cho dân làng nghe đêm về thăm làng đã khẳng định sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên và chân lí của thời đại mà cụ Mết muốn truyền cho các thế hệ sau: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!".
b) Tính cách riêng biệt, độc đáo được thể hiện rõ nét nhất qua cách biểu hiện tình yêu thương, gắn bó sâu nặng với gia đình, quê hương
– Yêu buôn làng, núi rừng:
+ Ngay từ khi còn là một cậu bé, Tnú đã sớm có ý thức về trách nhiệm với buôn làng. Tnú làm liên lạc cho anh Quyết trước hết vì lời dạy của cụ Mết: "Cán bộ là Đảng. Đảng còn,núi nước này còn". Học chữ thua Mai, cậu bé lấy đá đập vào đầu để tự trừng phạt mình, đập vỡ cả tấm bảng… Nhưng nghe anh Quyết nói phải biết chữ mới làm được cán bộ giúp dân làng đánh giặc, Tnú lại kiên trì học… Lúc cận kề cái chết, nỗi băn khoăn duy nhất của anh là ai sẽ lãnh đạo dân làng đứng lên cầm vũ khí đánh giặc.
+ Rời làng Xô Man đi chiến đấu, Tnú nhớ da diết tiếng chày giã gạo vang lên mỗi buổi chiều. Nó gắn liến với hình ảnh những người phụ nữ Strá dịu dàng, tần tảo như mẹ anh, như Mai, Dít (khác với niềm tự hào của cụ Mết về rừng cây xà nu: "Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta […] Đố nó giết hết rừng xà nu này!"…). Nó mang theo cả nhịp sống bình yên, đầm ấm của quê nhà. Tnú thuộc từng gốc cây trên lối đi, nhớ từng khuôn mặt của người già. Dường như anh cảm nhận được cả hương vị của dòng nước chảy ra từ máng nước làng mình. Dù đã rửa mặt ở suối rồi nhưng Tnú vẫn để cho dòng nước ấy xối lên khắp người mình như những ngày xưa.
+ Tnú mồ côi cha mẹ từ nhỏ và lớn lên trongtình thương yêu, đùm bọc của làng. Ngày trở về, dẫu không còn gia đình riêng nhưng anh không hể có cảm giác lẻ loi, đơn độc vì làng Xô Man là ngôi nhà, là tổ ấm tràn ngập niềm yêu thương, trìu mến của anh. Những tình cảm yêu thương ấy chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh phi thường của Tnú, giúp anh vượt qua mọi thử thách, mọi mất mát, hi sinh trên con đường chiến đấu.
– Yêu thương vợ con:
+ Tnú đã không thể nghe theo tiếng gọi của lí trí, lời khuyên của cụ Mết khi anh chứng kiến cảnh vợ con bị hành hạ. Dù biết sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của mình, Tnúvẫn xông vào giữa vòng vây của bọn lính, dang đôi cánh tay "như hai cánh lim chắc" ôm lấy mẹ con Mai.
+ Trở về thăm làng, từng kỉ niệm xưa lại trỗi dậy. Anh nhớ từ lúc Mai còn là một cô bé hồn nhiên, nhanh nhẹn, tiếng nói lanh lảnh đến khi cô là một thiếu nữ để rơi trên tay anh những giọt nước mắt "vừa xấu hổ vừa thương yêu". Qua nơi gặp gỡ Mai ngày xưa, kỉ niệm cũ lại "cứa vào lòng anh". Nỗi đau mất Mai còn nguyên vẹn trong tâm hồn Tnú dù bao nhiêu năm tháng đã trôi qua.
+ Ngồi bên bếp lửa, nhìn thoáng qua gương mặt Dít, anh đã bàng hoàng ngỡ Mai còn sống: "Tnú bất chợt nghe một luồng lạnh rân rân ở mặt và ở ngực. Mai! Trước mắt anh là Mai đấy!".
c) Tnú là người con ưu tú nhất của làng Xô Man, cũng là hiộn thân cho vẻ đẹp của một thế hệ, một thời đại. Cùng với tầm vóc sử thi, những nét cá tính độc đáo, riêng biệt khiến cho nhân vật Tnú càng trở nên sống động, chân thực.