05/06/2017, 00:08

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Thơ hay là thơ giản dị … là điều bí mật”. Anh (chị) hãy bình luận nhận định trên. Liên hệ với thực tế Thơ mới 1932 - 1945 để làm rõ ý kiến của anh (chị).

Có những bài thơ khi đi qua đời ta, giản dị và mong manh, với những nhịp đập rất mực mảnh mai êm ái của trái tim, những rung động mơ hồ của cảm xúc... nhưng đã để lại trong ta một nốt nhấn cứ ngân nga, ngân nga mãi... Những nốt nhấn cảm xúc, ấy đeo đẳng, ám ảnh suốt một đời, làm ta xúc động và trăn ...

Có những bài thơ khi đi qua đời ta, giản dị và mong manh, với những nhịp đập rất mực mảnh mai êm ái của trái tim, những rung động mơ hồ của cảm xúc... nhưng đã để lại trong ta một nốt nhấn cứ ngân nga, ngân nga mãi... Những nốt nhấn cảm xúc, ấy đeo đẳng, ám ảnh suốt một đời, làm ta xúc động và trăn trở.

Phải chăng đó là những câu thơ hay, những câu thơ đã đạt được những phẩm chất đích thực và phải chăng đó cũng chính là những day dứt băn khoăn của người nghệ sĩ suốt một đời sống chết với thơ.

Trần Đăng Khoa, nhà thơ đã từng đem lại cho tuổi thơ chúng ta một thế giới hồn nhiên, trong trẻo, tươi nguyên của trẻ thơ, đã tâm sự rất chân thành về thơ: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Để đạt được ba điều ấy đối với thi sĩ vẫn là một điều bí mật”.

Vâng, thơ luôn luôn là một sự bí mật, một thế giới luôn đem đến cho ta những giây phút ngạc nhiên mới lạ đến ngỡ ngàng, một thế giới khác, nhưng không hề xa lạ với cõi đời rất thực của chúng ta. Thơ mãi mãi là một sự bí mật nhưng không phải là thứ bí mật mặc chiếc áo huyền bí, cao siêu, mà trái lại nó rất giản dị, giản dị mà vẫn gây xúc động ám ảnh đến không ngờ.

Có những nhà thơ, khi bước vào con đường thơ ca, đã trải lên trên đó không biết bao nhiêu mĩ từ lóng lánh, những ngôn từ óng chuốt hoa mĩ, những cách đặt từ câu dáng dấp tân kì... mà quên mất rằng cái lỏi đích thực của thơ ca không nằm ở cái bề ngoài chải chuốt ấy, nó đọng lại ở bề sâu cảm xúc, ở sự chân thật của trái tim, tâm hồn của nhà thơ. Khi nhà thơ xúc động chân thành đến tận đáy tâm hồn, anh sẽ sáng tạo nên được được những vần thơ hay, những vần thơ ấy đôi khi không cần đến vẻ cầu kì bên ngoài mà vẫn rung động lòng người. Đó là thơ giản dị. Để đạt được đến độ “giản dị” có lẽ nhiều nhà thơ đã phải trả giá bằng cả cuộc đời mình.

Giản dị là một yêu cầu, một phẩm chất không thể thiếu đối với nhà thơ hay và đó cũng là một quá trình lao động nghệ thuật hết sức cay cực của bao nhà nghệ sĩ. Cái giản dị của thơ cũng như cái duyên thầm của một người con gái đẹp, nó không trang sức mà vẫn lấp lánh ánh sáng của vẻ đẹp toát ra từ bên trong. Nhà thơ không thể đánh lừa độc giả bằng những ngôn từ hoa mĩ hào nhoáng bên ngoài để che đậy sự trống rỗng vô hồn trong cảm xúc và trong suy tưởng. Cái lớp vỏ sặc sở bên ngoài chỉ là sản phẩm của những người thợ khéo tay, những người thợ thơ mà thôi. Trong khi đó, thơ không phải là một thứ nghề, một thứ công việc đơn thuần. Chỉ riêng những tỉa tót khéo léo, những kĩ xảo thì không thể làm nên thơ và càng không phải làm nên thơ hay. Những bài thơ hay phải đạt đến độ giản dị, độ trong suốt, thứ ánh sáng trong suốt đã được tinh lọc qua bảy sắc cầu vồng. Nhà thơ, khi đứng trước trang giấy trắng chỉ có thế làm nên thơ với những xúc cảm chân thật hết mình, của chính mình. Cảm xúc chân thật, tự nó sẽ gợi nên thơ, nó không cần sự hào nhoáng giả tạo, không cần kêu gọi, ồn ã. Thơ tự đến khi nhà thơ sống hết mình với bao nhiêu xúc cảm đang bề bộn trong lòng. Có phải thế chăng mà mỗi khi đọc lên bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên, dù không hề tìm thấy dấu vết của một sử dụng nghệ thuật nào, lòng ta bỗng như chùn xuống, một nỗi buồn thật thâm thìa, len lỏi trong ta. Nỗi buồn ấy tỏa ra trên những lời thơ thật chân phương hồn hậu:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già"


Và lắng lại trên những cảnh tưởng xót xa, ám ảnh:

"Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”...


Bài thơ kết lại trong một nỗi buồn thật u hoài và có lẽ nỗi buồn ấy sẽ sống mãi với chúng ta bởi nó được thốt lên từ một tấm lòng thật sự thành tâm, nén tâm hương mà thi sĩ Vũ Đình Liên dâng lên lớp người như ông đồ có lẽ dễ làm cay mắt tất cả chúng ta. Mà nào có nhiều nhặn gì đâu, một bài thơ thật giản dị, một giây phút xúc động của nhà nghệ sĩ mà tại sao nó cứ ám ảnh mãi trong lòng người? Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên có lẽ là một minh chứng thật sống động cho sức sống của những vần thơ giản dị, những vần thơ được cất lên với tất cả tấm lòng thành tâm, với tất cả nỗi đau, niềm thương tiếc của nhà nghệ sĩ nên ta cảm thấy như nó không cần những kĩ xảo, những thủ thuật khéo léo nào. Giản dị trong thơ đâu phải là một “kĩ thuật”, nó tự nhiên đối với những nhà thơ thật sự có tâm huyết, và có tài.

Và chúng ta cũng không nên hiểu giản dị là một sự hời hợt, sự thô sơ. Giản dị, chứ không giản dơn, tầm thường. Giản dị trong thơ như một thứ ánh sáng được lọc qua bảy sắc màu rực rỡ. Nó được biểu hiện ở những vần thơ thật cô đọng hàm súc: giản dị trong thơ không những là sự chân thật của cảm xúc mà còn ở bề mặt của ngôn từ. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói “Người làm thơ, phải biết dùng im lặng, tức là phải biết viết một cách hàm súc”. Thơ không cần sự dài lời, sự dông dài, lòe loẹt. Có những vần thơ như những thoáng mong manh êm ái của cảm xúc, những rung động rất mơ hồ mà vẫn ngân lên trong tâm hồn người đọc bao nhiêu nỗi niềm:

“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”


Sự giản dị thoát ra từ cái lắc đầu thật đáng yêu của nhà thơ:

“Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”

Câu thơ không hề có một phép tu từ nào để người ta phải mổ xẻ, phải tìm kiếm, thế mà mỗi khi đọc lên, ta vẫn thấy đằng sau đó ẩn chứa rất nhiều nỗi niềm, những nỗi niềm không thể toát lên thành lời.

Những nhà thơ lớn, những bút pháp lớn bao giờ cũng tâm niệm về sự giản dị trong thơ. Sự giản dị ấy chính là sự giản dị chân thật của tình cảm được biểu hiện trên bề mặt ngôn ngữ súc tích và cô đọng. Trong thơ, sự dài dòng là điều kiêng kị. Sự ồn ào, khoa trương luôn đi liền với thứ chủ nghĩa tình cảm to tướng mà hời hợt, không sâu. Sự tiết kiệm ngôn từ cho thơ, theo tòi cũng là một sự giản dị trong thơ, và đó cũng chính là một băn khoăn, một yêu cầu rất nghiệt ngã đặt ra đối với nhà thi sĩ.

Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, có những người khi đau khổ. Họ khóc rất to, ồn ào nhưng sau đó, họ quên đi như chưa bao giờ từng biết đến, nhưng cũng có những người, trước đau khổ biết nén chặt nước mắt lại không cho nước mắt trào ra, và lúc ấy, nỗi đau càng nhân lên gấp bội. Nước mát không trào ra nhưng nó mãi mãi gây xúc động trong lòng người. Sự giản dị trong thơ, xét cho cùng cũng chính là một con đường để nhà thơ khiến cho người đọc phải rung động, phải khóc, cười với những điều viết ra trên trang giấy. Nhà thơ khi sáng tạo nên những đứa con tinh thần của mình, đều khao khát hướng tới người đọc, đi tìm tri kỉ, tri âm, để từ những con chữ sẽ biến thành những nhịp cầu đồng điệu.

Bởi thế nên, thơ của họ luôn khiến cho người ta phải xúc động. phải trăn trở, nghĩ suy. Ai đó nói rằng: “Nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, trái tim mới là thi sĩ”. Quả vậy, thơ hay là thơ phải khiến cho con người ta phải xúc động tận đáy lòng, khiến cho tâm hồn người đọc cũng bắt nhịp đồng điệu với trái tim thi sĩ. Và muốn như thế, nhà thơ phải sống hết mình cho thơ với bao nhiêu bộn bề cảm xúc của mình. Thơ muốn cho người ta khóc, trước hết mình phải khóc, muốn làm cho người ta cười, mình phải cười trước đã... có xúc động mãnh liệt, có tâm huyết với từng dòng chữ, từng lời thơ của mình buông ra trên tờ giấy trắng, nhà thơ mới có thể viết nên những vần thơ bất tử. Sự hời hợt cằn khô, giá lạnh của cảm xúc chỉ làm nên những trang viết cao đạo, giáo huấn khô khan, xa vời với cảm xúc thơ. Thơ chỉ đến khi trong tim thi sĩ xúc cảm dâng trào mãnh liệt. Đó là những lúc thăng hoa, những phút giây thần hứng, có khi sáng tạo được những câu thơ hay không ngờ. Có lẽ Hàn Mạc Tử cũng trải qua những phút giây như vậy để viết nên được những dòng thơ tuyệt vời mà đến nay vẫn ám ảnh chúng ta:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”


Câu thơ đau đáu một nỗi niềm mong đợi, một tia hi vọng mong manh trong sự tuyệt vọng đến quặn lòng của thi nhân. Liệu rồi con thuyền chở đầy trăng ấy có neo đậu được bến bờ ước vọng và liệu rồi tình yêu thiết tha nồng hậu của thi nhân có tìm được ai chia sẻ? Con thuvền ấy có kịp chở về những hẹn hò, mong nhớ; những đợi chờ khắc khoải mà thi nhân muốn gửi gắm đến người con gái mình yêu? Câu thơ cứ như xoáy vào hồn ta đau đáu một nỗi niềm! Có lẽ những vần thơ khắc khoải ấy đã thoát thai từ một trái tim yêu đang tuyệt vọng không cùng của thi nhân. Những giây phút ấy, Hàn Mạc Tử đã “vắt kiệt” bao đau đớn, bao mong nhớ, bao yêu thương tha thiết của mình để dâng cho đời những vần thơ làm xao lòng người đến vậy!

Bản chất của thơ chính là sự bộc lộ sâu sắc của thế giới nội tâm. Thơ, suy cho cùng là tiếng lòng của thi nhân được cất lên từ một sự dồn nén cảm xúc đến cao độ. Nhà thơ lắng nghe những nhip đập của trái tim mình và viết. Khi anh ta đi tận cùng mình, sống hết mình với những gì mình định viết, anh ta sẽ tìm gặp được tri âm sẽ làm cho người ta xúc động.

Dĩ nhiên thơ không chấp nhận sự xúc động giây lát, thoáng qua, hời hợt, mà cao hơn nó phải vươn tới sự “ám ảnh”. Để đạt được sự ám ảnh trong thơ, của thơ, thật chẳng giản đơn chút nào đối với người nghệ sĩ. Có những bài thơ đi qua đời ta mà chẳng để lại một dấu vết gì, nó trôi tuột theo dòng chảy thời gian và chìm vào sự quên lãng. Trái lại có những bài thơ, mới đọc một lần đã thấy có cái gì mới lạ, càng đọc càng bị cuốn hút, càng bị ám ảnh.

Một câu thơ, một bài thơ ám ảnh là một câu thơ, một bài thơ đã để lại trong tâm hồn ta những xúc động sâu xa, có thể niềm vui rạo rực, có thể là nỗi buồn mênh mang, nhưng tất cả đều đầy ấn tượng. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Bài thơ hay làm cho người ta không còn nhìn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người. Quên rằng đó là tiếng nói của ai, người ta cảm thấy như là tiếng ca cất lên từ lòng mình, như là của mình vậy”. Đó cũng là một cách nói về những câu thơ, bài thơ đạt được mức “ám ảnh”, đến và “làm tổ” được trong tâm hồn độc gia. Trong đời tôi, cũng đã từng có những phút giây như thế. Tôi cứ bị hai câu thơ của Xuân Diệu trong bài thơ Đây mùa thu tới ám ảnh hoài:

“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì...”


Có phải vì tôi là thiếu nữ mà tôi thích hai câu ấy không? Hay chính là có lúc tôi cũng đã từng đứng tựa cửa nhìn vào một khoảng không vô định trong cái dáng vẻ đám chiêu, buồn buồn, nhất là vào những chiều thu khi gió heo may lành lạnh đã về. Nhà thơ không biết người thiếu nữ ấy đang nghĩ ngợi gì, nhưng kì thực lại là rất biết đấy. Tinh tế là vậy, sâu sắc là vậy, chỉ mấy chữ “buồn không nói”“tựa cửa nhìn xa” là đủ cho ta neo giữ suốt đời những câu thơ như vậy rồi. Câu thơ kết lại một bài thơ, nhưng lại mở ra những chân trời mới bao la, chân trời của sức gợi, của liên tưởng. Không hiểu có cái gì giăng mắc trong hình ảnh thơ, có cái gì ẩn giấu đằng sau ánh mắt nhìn xa xăm vời vợi ấy mà ta cứ cảm thấy một nỗi u buồn ám ảnh, một điệu hồn buồn thương, xao xác không nguôi...

Một câu thơ ám ảnh là một câu thơ có sức gợi, nó kết thúc trên ngôn từ, trên các phần thể phách, nhưng linh hồn của bài thơ, sức ảm ảnh của nó cứ ngân nga mãi trong hồn người đọc. Đạt được điều đó tức cũng là đạt đến chỗ tinh diệu của thơ. Câu thơ ám ảnh cũng đồng thời là câu thơ phải thật sự tiêu biểu cho một trạng huống của cảm xúc nào đó. Và từ cái cảm xúc ấy, người đọc có khi quên đi chủ thể sáng tạo, quên đi các ngôn từ, mà cảm thấy nó như một tấm gương trong suốt, người đọc soi vào và thấy mình trong đó. Đã có ai xa quê nhà mà không từng nhớ một con đường làng, một dòng sông, một bóng hình thôn nữ, một trưa hè. Hàn Mặc Tử nhà thơ yêu thiết tha sự sống, yêu thiết tha cuộc đời này đã nói hộ cho biết bao thế hệ một thoáng chênh chao trong hoài niệm, trong xác cảm về người con gái của quê hương:

“Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”


Người em gái bên bờ sông lấp lóa ánh nắng ấy không còn là của riêng nhà thơ nữa. Hình ảnh thật đẹp ấy đã trở thành một phần trong tâm hồn. Trong kí ức của mỗi người xa quê.

Thơ là như thế, nào có xa lạ gì đâu nhưng vì sao vẫn luôn gây cho ta bao ngỡ ngàng, thích thú, mới lạ. Ta không thể hiểu hết, mà chính những nhà thi sĩ, những chủ thể sáng tạo tràn đầy tâm huyết ấy cũng không thể hiểu nổi mình trên những trang thơ. Có ai làm thơ mà không muốn được nếm trải cái hạnh phúc được bạn đọc xúc động, cảm thông. Có ai làm thơ mà không ao ước thơ mình giản dị, xúc động và ám ảnh? Nhưng để đạt được cùng một lúc ba phẩm chất cao quý ấy. Đối với nhà thơ vẫn còn là một điều bí mật, hoặc là một công việc sáng tạo hết sức nghiệt ngã, khó khăn, chẳng dễ một chút nào nếu muốn đi đến tận cùng của chân lí, của cái đẹp, của thơ, của nghệ thuật thi ca.

Sáng tác thơ ca trong hành trình sáng tạo của nhà nghệ sĩ như một bản khúc ca dang dở, chẳng có bao giờ kết thúc; bởi họ luôn bị đời sống ám ảnh, trái tim họ luôn luôn trăn trở, thao thức, luôn luôn tự vượt mình để hiến dâng cho đời những vần thơ đẹp nhất. Sẽ chẳng có ai đi đến tận cùng của cái đẹp, và cũng chẳng có ai đi tới cái đích tận cùng là của thi ca. Giản dị, xúc động và ám ảnh là ba phẩm chất cao quý nhất của thơ ca và cũng là điểm sáng vẫy gọi nhà thơ trên con đường dẫn đến thơ ca đích thực. Chân lí của thơ ca nói riêng và của nghệ thuật nói chung là sáng tạo.

Giản dị, xúc động và ám ảnh là những cái đích mà nhà thơ cần đạt tới, là một sự bí mật muôn đời đối với nhà thơ trên con dường sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, từ trải nghiệm của bản thân đã có một lời nhận xét thật là thú vị và chuẩn xác vô cùng.

0