Nguyên tắc phương pháp luận rút ra từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển

Từ nghiên cứu quan điểm duy vật biện chứng về mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển có thể rút ra phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo hiện thực. Quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta nhận thức về sự vật trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt ...

Từ nghiên cứu quan điểm duy vật biện chứng về mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển có thể rút ra phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo hiện thực.

Quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta nhận thức về sự vật trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật và trong sự tác động qua lại giữa sự vật đó với các sự vật khác, kể cả mối liên hệ trực tiếp và mối liên hệ gián tiếp. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể nhận thức đúng về sự vật. Chẳng hạn, muốn nhận thức đúng và đầy đủ tri thức của khoa học triết học, chúng ta còn phải tìm ra mối liên hệ của tri thức triết học với tri thức khoa học khác, với tri thức cuộc sống và ngược lại, vì tri thức triết học được khái quát từ tri thức của các khoa học khác và hoạt động của con người, nhất là tri thức chuyên môn được chúng ta lĩnh hội.

Đồng thời, quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta phải biết phân biệt các mối liên hệ, phải biết chú ý đến các mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bản chất, mối liên hệ chủ yếu, mối liên hệ tất nhiên … để hiểu rõ bản chất của sự vật và có phương pháp tác động phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong sự phát triển của bản thân. Đương nhiên, trong nhận thức và hành động, chúng ta cần lưu ý tới sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các mối liên hệ ở những điều kiện xác định. Trong quan hệ giữa con người với con người, chúng ta phải biết ứng xử sao cho phù hợp với từng con người. Ngay cả quan hệ với một con người nhất định ở những không gian khác nhau hoặc thời gian khác nhau, chúng ta cũng phải có cách giao tiếp, cách quan hệ phù hợp như ông cha đã kết luận: “đối nhân xử thế”.

Trong hoạt động thực tế, theo quan điểm toàn diện, khi tác động vào sự vật, chúng ta không những phải chú ý tới những mối liên hệ nội tại của nó mà còn phải chú ý tới những mối liên hệ của sự vật ấy với các sự vật khác. Đồng thời chúng ta phải biết sử dụng đồng bộ các biện pháp, các phương tiện khác nhau để tác động nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Để thực hiện mục tiêu : “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, một mặt chúng ta phải phát huy nội lực của đất nước ta; mặt khác phải biết tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách do xu hướng quốc tế hoá mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và toàn cầu hoá kinh tế đưa lại.

Mọi sự vật hiện tượng đều nằm trong quá trình vận động và phát triển, nên trong nhận thức và hoạt động của bản thân chúng ta phải có quan điểm phát triển. Điều đó có nghĩa là khi xem xét bất kì sự vật, hiện tượng nào cũng phải đặt chúng trong sự vận động, sự phát triển, vạch ra xu hướng biến đổi, chuyển hoá của chúng.

Quan điểm phát triển đòi hỏi không chỉ nắm bắt những cái hiện đang tồn tại ở sự vật, mà còn phải thấy rõ khuynh hướng phát triển trong tương lai của chúng, phải thấy được những biến đổi đi lên cũng như những biến đổi có tính chất thụt lùi. Song điều cơ bản là phải khái quát những biến đổi để vạch ra khuynh hướng biến đổi chính của sự vật.

Quan điểm phát triển góp phần khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, định kiến trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của chúng ta. Nếu chúng ta tuyệt đối hoá nhận thức, nhất là nhận thức khoa học về sự vật hay hiện tượng nào đó thì các khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn sẽ không thể phát triển và thực tiễn sẽ dậm chân tại chỗ. Chính vì thế, chúng ta cần phải tăng cường phát huy nỗ lực của bản thân trong việc hiện thực hoá quan điểm phát triển vào nhận thức và cải tạo sự vật nhằm phục vụ nhu cầu, lợi ích của chúng ta và của toàn xã hội.

Quan điểm lịch sử cụ thể đòi hỏi chúng ta khi nhận thức về sự vật và tác động vào sự vật phải chú ý điều kiện, hoàn cảnh lịch sử – cụ thể, môi trường cụ thể trong đó sự vật sinh ra tồn tại và phát triển. Một luận điểm nào đó là luận điểm khoa học trong điều kiện này nhưng sẽ không phải là luận điểm khoa học trong điều kiện khác. Chẳng hạn, thường thường trong các định luật của hoá học bao giờ cũng có hai điều kiện: nhiệt độ và áp suất xác định. Nếu vượt khỏi những điều kiện đó định luật sẽ không còn đúng nữa. Trong lịch sử triết học khi xem xét các hệ thống triết học bao giờ chúng ta cũng xem xét hoàn cảnh ra đời và phát triển của các hệ thống đó.

Với tư cách là những nguyên tắc phương pháp luận, quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử – cụ thể, quan điểm phát triển góp phần định hướng, chỉ đạo hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn cải tạo hiện thực, cải tạo chính bản thân chúng ta. Song để thực hiện được chúng, mỗi chúng ta cần nắm chắc cơ sở lý luận của chúng – nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển, biết vận dụng chúng một cách sáng tạo trong hoạt động của mình.

0