24/05/2018, 21:55

Nguyên nhân và những ảnh hưởng của việc bán phá giá và

Hành động bán phá giá xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến những nguyên nhân chính sau đây: - Do có các khoản tài trợ của Chính phủ hoặc cơ quan công cộng nước ngoài. Chính sách tài trợ nhằm đạt được hai mục đích chính sau đây: ...

Hành động bán phá giá xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến những nguyên nhân chính sau đây:

- Do có các khoản tài trợ của Chính phủ hoặc cơ quan công cộng nước ngoài. Chính sách tài trợ nhằm đạt được hai mục đích chính sau đây:

  • Duy trì và tăng cường mức sản xuất xuất khẩu
  • Duy trì mức sử dụng nhất định với các yếu tố sản xuất như lao động và tiền vốn trong nền kinh tế. Các khoản tài trợ có thể được cấp cho người sản xuất cũng như cho người tiêu dùng, nhưng về mặt tác động kinh tế thì chúng đều như nhau và đều đưa đến những hệ quả kinh tế tương tự.

Các hình thức tài trợ chủ yếu là: trợ cấp, ưu đãi về thuế, tín dụng ưu đãi, sự tham gia của Chính phủ vào các chi phí kinh doanh cũng như các hỗ trợ xuất khẩu.

Các khoản tài trợ giúp các ngành thực hiện công nghệ mới, trang bị máy và thiết bị hiện đại, nghĩa là giúp cho các ngành mới gia nhập thị trường và đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, tăng cường xuất khẩu. Do đó mà chi phí sản xuất giảm xuống dẫn đến việc hạ giá bán.

- Do nhập siêu lớn, vẫn phải có ngoại tệ để bù đắp cho thiếu hụt này. Khi đó có thể áp dụng biện pháp bán phá giá để giải quyết cho vấn đề thiếu hụt ngoại tệ.

- Do trong một nước có quá nhiều hàng tồn kho, không thể giải quyết theo cơ chế giá bình thường.

Bán phá giá được sử dụng như là công cụ cạnh tranh. Sau khi đã chiếm lĩnh được thị trường nội điạ của nước nhập khẩu, triệt tiêu được sự cạnh tranh của hàng nội địa thì các hãng sẽ tìm cách thao túng thị trường nội địa để thu được lợi nhuận tối đa.

Cũng có thể có một số nước làm ra sản phẩm với giá thành rất thấp do sử dụng lao động trẻ em, tiền lương thấp và sử dụng lao động của tù nhân làm hàng xuất khẩu. Việc sử dụng lao động trẻ em ngoài việc mang lại siêu lợi nhuận còn là cách để cạnh tranh với đối thủ cạnh tranh. Nhờ giá nhân công rẻ mạc, người ta có thể hạ giá thành sản phẩm , xuất khẩu hàng hoá bán phá giá ở nước ngoài.

- Đối với mặt hàng ngoại nhập khẩu, do thu được lợi nhuận siêu ngạch có được từ trốn thuế nhập khẩu, hàng ngoại sẽ điều tiết và chiếm lĩnh được thị trường với giá cạnh tranh so với hàng hoá sản xuất trong nước. Ví dụ: hàng vải trên thị trường Việt Nam, thực tế hàng vải nội chỉ giữ 20% thị phần còn 80 % thị phần là hàng vải ngoại nắm giữ, trong đó hàng Trung Quốc chiếm 60% thị phần, phần lớn số vải từ Trung Quốc là do nhập lậu, trốn thuế nên được bán với giá dù chỉ bằng 1/3- 1/2 hàng sản xuất trong nước.

Hành động bán phá giá có thể có lợi trong một số trường hợp ,nhưng nếu lạm dụng quá thì sẽ gây nhiều tác hại đối với nước nhập khẩu cũng như nước xuất khẩu.

Đối với nước xuất khẩu

Mặt tích cực

Bán phá giá giúp cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng thu được ngoại tệ, giúp tiêu thụ được lượng hàng tồn kho, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, quần áo lỗi mốt...Tiêu biểu như ở Pháp, ngay từ khi mới vào mùa đã có lượng hàng tồn đọng như: thực phẩm sắp hết thời hạn sử dụng, quần áo , giầy dép hết mốt...lên tới 50% số dự trữ bán ra. Hàng tồn kho này được mang bán với mức giá thấp hơn 30% giá thị trường. Đến cuối mùa, hàng tồn đọng chỉ còn vài phần trăm lại đựơc bán lại cho những người chuyên nghiệp với giá bằng 1/10 giá cũ, họ sẽ đẩy số hàng hoá này ra nước ngoài bán phá giá.

Ngoài ra biện pháp bán phá giá còn là công cụ quan trọng trong chính sách Ngoại thương của đất nước nhằm giúp cho việc thực hiện những mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước đó.

Mặt tiêu cực

Người tiêu dùng trong nước phải chịu thiệt do phải chịu giá cao hơn so với trước đây do có sự thoả thuận về giá giữa các doanh nghiệp.

Việc các doanh nghiệp bán phá giá, lượng hàng hoá đó lại được bán cho chính các doanh nghiệp trong nước mình, do đó lại quay lại lũng đoạn thị trường trong nước.

Do việc bán phá giá nhằm mục đích thu được siêu lợi nhuận nên một vài nước đã sử dụng lao động trẻ em, phụ nữ, lao động tù nhân với giá rẻ mạt. Hậu quả là người lao động bị ngược đãi nặng nề. Trung Quốc là một trong những nước tiêu biểu sử dụng lao động tù nhân.Theo số liệu mới đây của văn phòng Quốc tế về lao động trẻ em (BIT) thì trên toàn thế giới có trên 250 triệu trẻ em từ 5-14 tuổi đang tham gia hoạt động kinh tế.

Đối với nước nhập khẩu

Tác động tích cực

Người tiêu dùng có cơ hội để lựa chọn , tiêu dùng những mặt hàng mới, lạ giá cả dễ chấp nhận.

Đối mặt với những mặt hàng từ nước ngoài đưa vào với giá rẻ, buộc các dịch vụ trong nước phải tìm cách cải tiến mẫu mã hàng hóa, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng nguồn nhân lực để hạ chi phí sản xuất nhằm giữ vững vị trí trên thị trường và thu được lợi nhuận tối ưu.

Tác động tiêu cực

Bán phá giá hàng hoá cũng gây ra không ít những khó khăn cho nước nhập khẩu, nhất là đỗi với các nước đang phát triển, có thị trường hẹp.

Trước hết với người tiêu dùng của nước nhập khẩu họ phải sử dụng những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, đôi khi cả hàng quá thời hạn sử dụng, không đảm bảo về an toàn về an toàn thực phẩm, vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân.

Các chủ doanh nghiệp, những người kinh doanh do hám lợi, thu được lợi nhuận cao, do đó tìm mọi cách nhập lậu hàng hoá, trốn thuế gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước. Hơn nữa do không thể cạnh tranh đựơc với hàng nước ngoài nên nhiều xí nghiệp trong nước bị đình trệ sản xuất, bị phá sản hoàn toàn. Khi đó nó là nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng trì trệ, hạn chế tốc độ phát triển nền kinh tế của nước nhập khẩu.

Về mặt xã hội, việc các xí nghiệp bị đóng cửa sản xuất hoặc ở bên bờ của sự phá sản hoạt động cầm chừng đã làm cho nhiều công nhân không có việc làm, đời sống khó khăn, thất nghiệp tăng, kèm theo nó là các tệ nạn xã hội cũng gia tăng gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước nhập khẩu.

0