Người xưa chống "bà hỏa" ra sao?
Từ khi loài người bắt đầu biết dùng gỗ để xây nhà thay cho vật liệu đá nặng nề, hỏa hoạn cũng bắt đầu rình rập họ. Hỏa tai luôn là nỗi ám ảnh của các cư dân sống trong những đô thị đông đúc thời xưa, đến mức năm 1254 ở Pháp, vua Saint Louis cho phép cư dân được lập đội ngũ tuần tra hàng đêm để ...
Từ khi loài người bắt đầu biết dùng gỗ để xây nhà thay cho vật liệu đá nặng nề, hỏa hoạn cũng bắt đầu rình rập họ.
Hỏa tai luôn là nỗi ám ảnh của các cư dân sống trong những đô thị đông đúc thời xưa, đến mức năm 1254 ở Pháp, vua Saint Louis cho phép cư dân được lập đội ngũ tuần tra hàng đêm để canh chừng hỏa hoạn.
Làm giàu từ... cứu hỏa
Đội cứu hỏa chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử loài người ra đời vào năm 115 trước Công nguyên.
Tranh cổ mô tả trận hỏa hoạn ở thành phố New York năm 1869 - (Ảnh: Wikimedia).
Thấy thành phố Rome không có đội ngũ chuyên chữa cháy, một phú hộ tên Marcus Licinius Crassus đã thành lập một lực lượng cứu hỏa 500 người.
Điều thú vị là Crassus đã làm giàu nhờ sáng kiến này, bởi mỗi lần có hỏa hoạn, ông ta sẽ thương lượng giá cả để chữa cháy với khổ chủ của ngôi nhà đang bị cháy.
Nếu đạt được thỏa thuận về chi phí, đám "lính cứu hỏa tư nhân" mới bắt tay vào việc, bằng không là bỏ mặc cho cháy. Sau đám cháy, Crassus lại đến hỏi mua với ngôi nhà đã cháy rụi với giá rẻ mạt.
Mãi đến năm 60 của thế kỷ 1, hoàng đế Nero mới thành lập một đội cứu hỏa chuyên nghiệp cho thành Rome.
Hỏa tai luôn là nỗi ám ảnh của các cư dân sống trong những đô thị đông đúc thời xưa, đến mức năm 1254 ở Pháp, vua Saint Louis cho phép cư dân được lập đội ngũ tuần tra hàng đêm để canh chừng hỏa hoạn.
Ở Anh, sau trận đại hỏa hoạn năm 1666 ở thủ đô London, các công ty bảo hiểm đã phải bồi thường những khoản tiền rất lớn.
Do nhà nước không tổ chức đội ngũ cứu hỏa chuyên nghiệp, các công ty bảo hiểm đã thành lập những đội cứu hỏa riêng của họ để tránh nguy cơ phá sản khi xảy ra hỏa hoạn lớn như lần trước. Chỉ có điều là họ chỉ chữa cháy cho những cơ sở có mua bảo hiểm của họ mà thôi.
Những thiết bị chữa cháy đầu tiên
Xe cứu hỏa tự hành đầu tiên chạy bằng động cơ hơi nước - (Ảnh: Fireengineering.com).
Thiết bị bơm nước để chữa cháy đầu tiên ra đời ở thành phố Alexandria (Ai Cập) vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Nhưng phát minh này đã bị lãng quên cho đến mãi thế kỷ 16, con người mới "tái phát minh" lại thiết bị này.
Vào thời kỳ này, dụng cụ chữa cháy còn rất thô sơ: dùng bơm nước bằng tay và không có ống dẫn nước đi xa.
Mãi đến những năm cuối thế kỷ 17 mới có bước đột phá quan trọng trong thiết bị bơm nước cứu hỏa, hai nhà phát minh Hans Hautsch (Đức) chế tạo được bơm hút-đẩy và Jan Van der Heyden (Hà Lan) chế ra ống dẫn nước cứu hỏa cơ động.
Xe chữa cháy tự hành gắn động cơ hơi nước đầu tiên ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 19, nhưng không phổ biến lắm. Sau đó, với sự ra đời của động cơ đốt trong, xe chữa cháy có động cơ mới phổ biến khắp nơi.
Từ thập niên 1970 về sau, với nhiều sáng chế trong các lĩnh vực luyện kim, máy bơm nước, động cơ, hệ thống điện và truyền động, cũng như giải pháp kỹ thuật chống nghiêng lật hiệu quả, xe chữa cháy trang bị máy bơm nước công suất lớn và thang nâng đã trở thành thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Xe chữa cháy năm 1720 - (Ảnh: Drivezing.com).
Các nhà khoa học bắt đầu chế tạo nhiều loại xe cứu hỏa thế hệ mới được chuyên biệt hóa với các trang thiết bị khác nhau dùng vào các trường hợp: chữa cháy công trình xây dựng dân dụng, chữa cháy máy bay (ở các sân bay) và chữa cháy tàu biển.
Để chữa cháy ở những cao ốc hiện đại hàng vài chục tầng trở lên ngoài tầm với của máy bơm và xe thang (tối đa 30m), phải sử dụng cầu thang dành cho riêng đội cứu hỏa, kết hợp với hệ thống chữa cháy nội bộ của cao ốc đó, có khi phải dùng đến máy bay trực thăng cứu hỏa.
Trong tương lai, với mật độ giao thông dày đặc ở đô thị lớn, làm thế nào để xe cứu hỏa có thể di chuyển thông suốt trong điều kiện đường xá đô thị chật hẹp, xe cộ đông đúc là một khó khăn lớn cho ngành cứu hỏa.