02/06/2018, 11:27
Người Huế kiêng ăn tôm đầu năm
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…”. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hai câu thơ mà mẹ tôi thường đọc cho các con nghe mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bà thường răn chúng tôi, cho dù 365 ngày có xô bồ đến thế nào, trong 3 ngày Tết cũng phải biết kiêng kỵ từ cách chọn ...
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…”. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hai câu thơ mà mẹ tôi thường đọc cho các con nghe mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bà thường răn chúng tôi, cho dù 365 ngày có xô bồ đến thế nào, trong 3 ngày Tết cũng phải biết kiêng kỵ từ cách chọn đồ cúng trên bàn thờ, đến sắp các món ăn ra sao để tránh xui xẻo vào đầu năm mới. Vậy nên, cho dù có muốn đến mấy, nhất định đầu năm bà không cho chúng tôi ăn măng tre. Bà giải thích, cây tre phục vụ bà con làm nhà. Mùa xuân, cây măng bắt đầu sinh trưởng nên người miền Trung, nhất là người Huế, không ăn măng dịp Tết để thể hiện lòng biết ơn. Đó là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Trần Đình Sơn (hậu duệ của cụ Trần Đình Bá, Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn), vì đất Huế gắn liền với các triều đại vua chúa nên một số điều cấm kỵ trong triều đình xưa, sau này trở thành tín ngưỡng kiêng kỵ trong dân gian. Ban đầu, những kiêng kỵ này chỉ ở kinh đô Huế, sau lan dần ra cả miền Trung. Chẳng hạn ngày xưa, vua cấm sát sinh trong ngày lễ, Tết nên sau này, người Huế thường không sát sinh, không giết hại các con vật vào ngày đầu năm để thể hiện sự nhân đạo. Vì thế, mâm cơm ngày Tết của người Huế cũng có những khác biệt so với người miền Bắc, miền Nam. Thông thường ở Huế, con cháu quy tụ trong gia đình và làm mâm cơm cúng chiều 30 tháng Chạp để rước ông bà về ăn Tết. Từ đó đến giao thừa, các thành viên trong gia đình không ra khỏi nhà. Và đặc biệt, các gia đình ở Huế thường làm cỗ chay cúng gia tiên chứ không cúng xôi gà như các nơi khác.
Mâm cỗ cúng của người miền Bắc thường có bánh chưng, của người miền Nam là bánh tét. Người Huế cúng cả hai nhưng riêng trong hoàng gia lại không được cúng bánh tét. Đặc biệt, cả hai món bánh này đều được dùng trong dân gian nhưng không được biếu nhau vì từ đồng âm “đòn”- “tét” có nghĩa không hay trong ngày Tết.
Ở Huế, người ta cũng không ăn cá lóc và ếch trong ngày Tết. Theo ông Sơn, cách chế biến hai loại thực phẩm này rất dã man, như hình phạt khi xuống địa ngục (đập đầu, lột da…), nếu thực hiện vào đầu năm sẽ không hay. Đặc biệt, có những người còn kiêng ăn trứng vịt lộn, kiêng ăn mực và tôm tươi vì sợ đen đủi, phú quý trong năm cũng đi giật lùi như tôm...
Không biết tự bao giờ những tập tục kiêng kỵ ngày đầu xuân này đã chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa cũng như tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo ông Trần Đình Sơn, con người hiện đại ngày nay, đặc biệt giới trẻ đang dần bỏ những tục kiêng kỵ các món ăn trong ngày Tết. Điều đó phụ thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng riêng của từng người, từng gia đình. Và trên thực tế, chưa ai chứng minh được tính đúng sai của việc kiêng kỵ. Theo ông Sơn, ăn uống cũng là một nét đạo. Việc kiêng cữ ngày Tết chính là cách hành “đạo ăn” ra sao để giúp con người hướng đến cái thiện.
Theo nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà (Giám đốc nhà hàng Cung đình Tịnh Gia Viên - Huế), trong Hoàng gia Huế thường kiêng ăn thịt gà ngày Tết vì quan niệm gà là xa nhau. Mâm cơm ngày Tết trong gia đình của nhiều người dân Huế chủ yếu có các món: Giò chả, xào đậu bong bóng, cá kho/rán và canh bún. Đặc biệt, người Huế chuộng ăn rau muống, canh bún nấu mướp ngọt trong ngày đầu năm vì đồng âm của từ “muống” nghĩa là muốn gì được nấy, còn canh bún là để mọi việc hanh thông, trôi chảy.
Hạnh Nguyên