Người bảo thủ thích sạch sẽ
Nếu một người luôn nhăn mặt khi nhìn thấy côn trùng hoặc buồn nôn khi giẫm phải máu thì người đó có xu hướng theo đuổi những quan điểm bảo thủ trong cuộc sống. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa hành vi và quan điểm của con người. Chẳng hạn, một thử nghiệm được tiến hành vào năm ...
Nếu một người luôn nhăn mặt khi nhìn thấy côn trùng hoặc buồn nôn khi giẫm phải máu thì người đó có xu hướng theo đuổi những quan điểm bảo thủ trong cuộc sống.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa hành vi và quan điểm của con người. Chẳng hạn, một thử nghiệm được tiến hành vào năm ngoái cho thấy, chúng ta sẽ phán xét mọi thứ công bằng hơn khi cơ thể sạch sẽ. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, không gian sống của những người bảo thủ về chính trị thường sạch sẽ và ngăn nắp, trong khi người theo quan điểm cấp tiến thích không gian sống màu mè và bừa bộn.
Trong một nghiên cứu mới, giáo sư tâm lý David Pizarro và cộng sự phỏng vấn 181 người trưởng thành tại nhiều bang của Mỹ về các vấn đề xã hội bằng thang đo mức độ mức độ ghê tởm (Disgust Sensitivity Scale hay viết tắt là DSS). DSS đưa ra các tình huống có thể gây cảm giác ghê tởm ở con người, chẳng hạn như cảnh chim ăn xác thối, trẻ em tắm trong mương nước bẩn hay những kẻ côn đồ chảy máu do đánh nhau. Kết quả phân tích cho thấy những người có mức độ ghê tởm cao luôn phản đối hôn nhân đồng tính và nạo phá thai – những biểu hiện được cho là bảo thủ.
Sau đó nhóm nghiên cứu phỏng vấn 91 sinh viên của Đại học Cornell về quan điểm của họ đối với nhiều vấn đề xã hội như vai trò của công đoàn, kiểm soát súng, giảm thuế, nạo phá thai. 91 sinh viên cũng được yêu cầu bày tỏ mức độ ghê tởm của họ trước các tình huống trong thang DSS. Kết quả cho thấy những người có mức độ ghê tởm cao cũng theo đuổi quan điểm bảo thủ, như ủng hộ việc kiểm soát súng và lệnh cấm hôn nhân đồng giới.
Pizarro cho rằng sự ghê tởm có vai trò khác nhau trong cách nhìn nhận vấn đề giữa người bảo thủ và người cấp tiến. Người bảo thủ chịu sự tác động của cảm giác ghê tởm khi đánh giá sự việc. Vì thế, ngay cả khi chẳng có lý do cụ thể và hợp lý, họ vẫn nhìn nhận mọi vấn đề theo cảm tính. Trong khi đó, quan điểm của người cấp tiến không phụ thuộc vào cảm tính. Họ chỉ phản đối một hiện tượng nào đó (như hôn nhân đồng giới) nếu có bằng chứng cho thấy hiện tượng ấy thực sự gây hại cho xã hội. Nghiên cứu mối liên hệ giữa cảm giác ghê tởm và quan điểm sống có thể giúp giới tâm lý giải thích những khác biệt lớn trong việc đánh giá vấn đề trên phương diện đạo đức.
“Trong suốt nhiều năm qua giới khoa học nhất trí rằng các giá trị đạo đức của con người chịu tác động của cảm xúc. Có vẻ như ghê tởm là một trong những trạng thái tình cảm tham gia vào quá trình đánh giá sự việc của chúng ta”, Pizarro kết luận.