28/02/2018, 07:30

Khả năng phi thường về nhận diện khuôn mặt

Một số người nói họ không bao giờ quên bất kì khuôn mặt nào từng gặp; tuyên bố này giờ đây đã được lí giải bởi các nhà tâm lí học tại Đại học Havard. Họ đã phát hiện ra nhóm người “siêu nhận diện” - những người có thể dễ dàng nhận ra ai đó họ đã gặp trong quá khứ, dù là từ nhiều năm ...

Một số người nói họ không bao giờ quên bất kì khuôn mặt nào từng gặp; tuyên bố này giờ đây đã được lí giải bởi các nhà tâm lí học tại Đại học Havard. Họ đã phát hiện ra nhóm người “siêu nhận diện” - những người có thể dễ dàng nhận ra ai đó họ đã gặp trong quá khứ, dù là từ nhiều năm trước.

Nghiên cứu mới cho rằng kĩ năng nhận ra khuôn mặt rất khác nhau ở mỗi người. Các nghiên cứu trước đây đã xác định khoảng 2% cư dân trên hành tinh chúng ta mắc chứng “mù khả năng nhận diện”, hay còn gọi là prosopagnosia. Đây là tình trạng một người gặp khó khăn lớn trong việc nhận diện khuôn mặt. Lần đầu tiên trong giới khoa học, nghiên cứu mới này chỉ ra rằng những người khác xuất sắc trong việc nhận diện khuôn mặt, và miêu tả khả năng này giống như một dãy, với người mù khả năng nhận diện ở đầu thấp và người siêu nhận diện ở đầu cao.

Nghiên cứu được công bố trên tờ Psychonomic Bulletin & Review. Đứng đầu nhóm nghiên cứu là Richard Russell, một tiến sĩ thuộc khoa Vật lý tại đại học Havard; đồng tác giả là các giáo sư Ken Nakayama và Edgar Pierce thuộc khoa Vật lý Đại học Oxford, và Brad Duchaine thuộc Đại học Luân Đôn.

Nghiên cứu bao gồm các bài kiểm tra khả năng nhận diện khuôn mặt theo chuẩn. Kết quả cho thấy, những người “siêu nhận diện” ghi được điểm cao vượt hơn hẳn mức trung bình.

“Giả thuyết mặc định cho rằng có hai tình trạng: một là khả năng nhận diện thông thường, hai là rối loạn khả năng nhận diện,” Russel nói. “Nghiên cứu này kết luận rằng thực tế không phải vậy – có một chuỗi bao gồm nhiều mức khả năng khác nhau. Nó chỉ ra một mô hình hoàn toàn khác – một cách nhìn nhận mới về khả năng nhận diện khuôn mặt, và có thể cả các khía cạnh khác của nhận thức nữa. Nghiên cứu mới nhìn nhận khả năng nhận diện là một chuỗi với nhiều mức khác nhau, chứ không chỉ có mức thông thường và mức rối loạn.”

Một số người nói họ không bao giờ quên bất kì khuôn mặt nào từng gặp; tuyên bố này giờ đây đã được lí giải bởi các nhà tâm lí học tại Đại học Havard. Họ đã phát hiện ra nhóm người “siêu nhận dạng”: những người có thể dễ dàng nhận ra ai đó họ đã gặp trong quá khứ, dù là từ nhiều năm trước. (Ảnh: iStockphoto/Jacob Wackerhausen)

Những người “siêu nhận diện” cho biết họ thường xuyên nhận ra người khác chứ ít khi được người khác nhận ra. Chính vì lí do này, Russel nói, họ thường cố tình vờ như không nhận ra một số người họ đã từng gặp, để tránh bị coi là quá quan trọng hóa những lần gặp gỡ thoáng qua.

“Người có khả năng siêu nhận diện có rất nhiều câu chuyện thú vị xung quanh việc nhận ra người khác,” Russel nói. “Ví dụ, họ thậm chí nhận ra cả những người đã cùng mua sắm ở một cửa hàng hai tháng trước đó, mặc dù họ chưa từng nói chuyện với người đó. Đây không nhất thiết phải là một lần gặp gỡ với ấn tượng đặc biệt, chỉ đơn giản họ có khả năng ấy – ghi nhớ được những người không hề quan trọng.”

Một phụ nữ trong nghiên cứu kể rằng khi đi trên phố bà từng nhận ra một phụ nữ khác đã từng làm bồi bàn phục vụ ở một thành phố khác. Một cách chắc chắn, bà khẳng định được người phụ nữ kia thực sự là bồi bàn đã từng phục vụ bà ở thành phố nọ. Thông thường, những người siêu nhận diện có thể nhận ra người khác bất kể những thay đổi lớn về ngoại hình, ví dụ như tuổi tác hay màu tóc.

Nếu như khả năng nhận diện khuôn mặt là khác nhau ở mỗi người, thì việc kiểm tra là rất quan trọng để đánh giá được mức độ đáng tin cậy của nhân chứng trong một vụ án, hoặc trong phỏng vấn khi tuyển dụng một số vị trí nghề nghiệp, ví dụ như người làm công tác bảo vệ hay kiểm tra thẻ căn cước.

Russel đưa ra lí thuyết rằng đến tận ngày nay con người mới quan tâm tới khả năng siêu nhận diện và hiện tượng mù khả năng nhận diện, nguyên nhân là do cộng đồng của chúng ta giờ đây đã khác những cộng đồng người cách đây hàng ngàn năm trước.

“Trước đây, hầu hết mọi người sống trong những cộng đồng nhỏ hơn, với ít tương tác thường xuyên trong cộng đồng,” Russel nói. “Thậm chí ngày nay trong xã hội còn xuất hiện một nhu cầu mới – nhu cầu cần ghi nhớ và nhận ra nhiều người.”

Nghiên cứu được hỗ trợ kinh phí bởi Viện nghiên cứu Nhãn khoa Quốc gia Hoa Kỳ và Hội đồng nghiên cứu Kinh tế Xã hội Anh.

0