Ngữ văn lớp 6: Cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn Đeo nhạc cho mèo
Ngữ văn lớp 6: Cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn Đeo nhạc cho mèo Ngữ văn lớp 6 học kì I Cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn Đeo nhạc cho mèo được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các em học sinh tham khảo hiểu rõ ...
Ngữ văn lớp 6: Cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn Đeo nhạc cho mèo
Cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn Đeo nhạc cho mèo
được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các em học sinh tham khảo hiểu rõ về việc tả các loại chuột trong truyện rất sinh động, hóm hỉnh, vừa diễn tả được không khí chung của họ hàng nhà chuột vừa thể hiện được tính cách sắc nét của từng nhân vật giúp học tốt môn Ngữ văn lớp 6 và chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình
Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn nêu Cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn Đeo nhạc cho mèo
Bài tham khảo 1
Truyện đeo nhạc cho mèo là một truyện ngụ ngôn hay đã tạo cho người đọc tiếng cười thoải mái bởi những câu chuyện hài hước của loài chuột bày mưu để buộc vào cổ mèo một cái chuông to để báo hiệu.
Đeo nhạc cho mèo là một truyện ngụ ngôn chưa đựng những ý nghĩa phê phán xã hội phong kiến xưa tàn ác và mục rỗng. Cùng tồn tại trong đó là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn giữa nói và làm. Từ xưa tới nay loài chuột luôn sợ mèo, chuột là một loài động vật luôn đi phá hoại mùa màng hay là không có ích gì cho con người mà nó chỉ là những loài đi phá hoại. Mèo là một loài có ích biết bắt chuột để giúp cho người dân có một mùa màng bội thu, từ khi sinh ra lũ chuột đã sợ mèo, vì mèo ăn thịt chuột, để tránh khỏi sự nguy hiểm các loài chuột từ chuột cống chuộc trù, chuột nhỏ, bé đều tụ nhau vào bày mưu đeo cho mèo chuông để khi mèo đi đến đâu báo hiệu đến đó.
Họ nhà chuột vừa giận và vừa tức họ nhà mèo nhưng không làm cách nào được chỉ biết bày mưu tính kế. Trong lễ hội làng chuột chúng đã tụ họp nhau lại để bàn cách chống lại mèo, chuột cống đã đưa ra ý kiến đeo nhạc cho mèo để mèo đi đến đâu kêu đến đó để ta biết mà tránh sự nguy hiểm, ý kiến đó trông có vẻ khả thi, đang bàn đến lợi ích của cả họ chuột là tránh khỏi sự nguy hiểm của mèo vì vậy chúng đã hô nhau tán thưởng. Nhưng khi đến việc phân công người đi đeo nhạc cho mèo thì ai cũng từ chối và lấy đủ mọi lý do để không nhận, cuối cùng đã phải dồn trách nhiệm này cho chuột Chù vì thân phận của con chuột này thấp hèn cũng không có lý do gì để từ chối vì vậy chuột Chù đành phải nhận đi, nhưng khi đi và gặp mèo chuột Chù đã sợ và bỏ chạy và làm bay ra cả nhạc. Tất cả đều muốn lợi ích cho mình nhưng lại không ai dám nhận trách nhiệm cao cả đó, chúng thật là một lũ nhút nhát và khi đi làm nhiệm vụ đeo nhạc vào trên cổ mèo thì chuột Chù cũng sợ điều đó thể hiện công lý ánh sáng luôn thắng, vì vậy cho đến nay loài chuột vẫn luôn sợ loài mèo.
Qua câu chuyện này thể hiện một điều trong cuộc sống rằng không nên nhút nhát, và đã nói là làm, khi lý thuyết của lũ mèo đưa ra cho lũ chuột là một bài bản rất công phu nhưng trên thực tế lũ chuột lại không làm được những điều đó do ai cũng đều sợ sệt, chính chuột cống là người nảy nở ra ý tưởng đó nhưng khi đến việc phân công người đi làm nhiệm vụ thì lại trốn tránh sợ sệt, sợ nguy hiểm sợ ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng khi nhắc đến lợi ích thì lại hân hoan sung sướng, người chỉ biết hưởng thụ chứ không chịu hi sinh, chỉ nghĩ tới lợi ích mà không nghĩ gì đến việc mình phải đáp ứng những nhiệm vụ đó mới có được lợi ích, nhút nhát của tất cả các loài chuột khi trốn tránh trách nhiệm để đùn đẩy cho chuột Chù. Chuột Chù tuy không từ chối nhưng lại nhút nhát khi gặp mèo. Do vậy từ xưa tới nay lũ chuột rất sợ mèo.
Bằng những hình ảnh đặc sắc nhân gian ta đã xây dựng nên những tình huống rất sinh động về loài chuột, để ngầm nói về chế độ phong kiến mục nát xưa, loài chuột tượng trưng cho những cấp làng xã quanh năm không lao động làm ăn mà chỉ tụ họp bàn bạc mà chẳng được cái lợi ích nào cho nhân dân. Truyện cũng phê phán thái độ suy nghĩ viển vông thiếu thực tế, nói mà không làm được
Bài tham khảo 2
Truyện ngụ ngôn được sáng tác nhằm mục đích chính là phản ánh những vấn đề xã hội, đồng thời từ đó rút những bài học cho các thế hệ sau. Đeo nhạc cho mèo là truyện ngụ ngôn được sáng tác với mục đích trên. Truyện không chỉ đem lại tiếng cười giải trí đơn thuần mà là cười ra nước mắt, là nụ cười sâu cay.
Gốc rễ của kế hoạch đeo nhạc cho mèo là nỗi sợ mèo truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ chuột này sang thế hệ chuột nọ của họ nhà chuột. Con giun xéo mãi cũng quằn, vậy nên họ nhà chuột tập trung, họp bàn nhau làm sao để vượt qua được nỗi sợ truyền kiếp ấy, để từ nay chuột hết sợ mèo. Bằng nghệ thuật nhân hóa, dân gian ta đã phác họa nên một làng chuột đầy sinh động: Từng thân phận, cấp bậc có số má như ông chuột Cống cho đến kẻ khù khờ như anh Chù hôi hám. Tác giả dân gian khéo léo lồng ghép các chi tiết nhân cách hóa xã hội loài chuột mang dáng dấp của xã hội loài người, nơi đó cũng đầy đủ các kiểu dạng người khác nhau. Ông Cống béo núc, chễm chệ ngồi trên ông đồ, đủng đỉnh cho ý tưởng như một kẻ bề trên nghĩ mình thông minh hơn người: Sở dĩ mèo bắt được chuột là nhờ cái tài rình mò khéo léo mà ông trời phú cho. Vậy suy ra là chỉ cần có thứ gì đó phát ra tiếng động cảnh bảo mỗi khi mèo đến, cả họ nhà chuột sẽ phát hiện ra và chạy. Muốn thế cần đeo cho mèo một cái nhạc để những lúc mèo tới, nhạc trên cổ mèo sẽ kêu lên báo cho bà con họ hàng chuột có thời gian chạy trốn. Với vị trí cao trong xã hội chuột, cùng ý tưởng và lý giải quá hợp lý, “cả làng chuột nghe nói, dẩu mõm, quật đuôi, đều lấy làm phục cái câu chí lí của ông Cống và đồng thanh ưng thuận”. Cống ta càng được thể vênh váo.
Kế hoạch của chuột Cống đã dấy lên trong lòng làng chuột một hy vọng mãnh liệt, rằng ngày loài chuột chiến thắng nỗi sợ mèo đang đến ngày càng gần. Nhưng khi kiếm được nhạc rồi, mọi việc tưởng chừng như xong xuôi lại phát sinh ra thêm một vấn đề nan giải hết sức, đó là đeo nhạc cho mèo bằng cách nào? Và ai sẽ đảm nhiệm trách nhiệm cao cả ấy? “Cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả”. Thế mới biết từ kế hoạch đến hành động, từ lý thuyết tiến tới thực tế là một quãng đường dài rất dài. Chính điều này đã tạo nên một khung cảnh nực cười trái ngược hoàn toàn với không khí náo nhiệt lúc trước. Cảnh tượng lúc này mang tính đối lập gay gắt cùng cái châm biếm đầy sâu cay. Đứng trước công việc chung, việc hiểm nguy nhưng mang lại lợi ích cho cả cộng đồng lại chẳng ai xung phong đứng lên gánh vác. Tất cả hội đồng chuột, hoặc im lặng, hoặc đùn đẩy nhau. Khi tất cả đồng ý để chuột Cống đi đeo nhạc cho mèo, Cống không khỏi lo sợ bởi không nghĩ tới trường hợp này. Nhưng rồi ông Cống với lý do là người cao nơi cửa quyền không thích hợp làm việc này đã nhẹ nhàng thoát khỏi công việc nguy hiểm. Chuột nhắt lanh lẹ, khôn lỏi, kẻ dở ông dở thằng cũng tự cho mình cái quyền từ chối trách nhiệm. Kẻ ở cao không nhận, kẻ ở giữa đẩy đi, vậy chỉ còn tên dân đen phía dưới gánh chịu. Không ai khác chính là chuột Chù. Nằm dưới đáy xã hội, thuộc phận tôm tép, Chù ta chẳng thể đẩy gánh nặng này cho ai, cũng chằng có tư cách thoái thác, đành nhận vậy. Một chi tiết đáng cười xuất hiện: Lúc đầu việc đeo nhạc cho mèo, tránh tai họa cho làng được xem là việc trọng đại bậc nhất thì nay, từ ông to đến kẻ ở giữa đều đá văng tầm quan trọng của nó, xem nó là việc quá tầm thường so với địa vị của mình trong làng cũng như tài năng, chức trước cá nhân. Chuột Chù là kẻ thấp cổ bé họng trong làng, Chù cũng biết đó là việc nguy hiểm nhưng chẳng thể làm gì khác. Bởi ngay khi chuột Chù thật thà lên tiếng lo lắng cho cái mạng còm cõi của mình liền bị gạt phắt đi, rằng mèo sẽ không ăn thịt một con chuột hôi như chuột Chù.
Cả làng đã quyết, chuột Chù đành vác cả thân mình lẫn cái nhạc đi đeo cho mèo. Cảnh tượng cười ra nước mắt xuất hiện. Giang sơn khó đổi bản tính khó rời, sự sợ mèo của loài chuột chằng thể thay đổi trong bất cứ trường hợp nào. Mới nghe thấy tiếng mèo, Chù ta đã sợ mất mật, bỏ của chạy lấy tấm thân ì ạch khi bị mèo giơ nanh vuốt ra dọa. Cả làng nghe tin cấp báo của chuột Chù cũng chạy loạn tứ phương. Cái nhạc rơi đi đâu thì không kẻ nào còn quan tâm tới nữa. Nhưng có một điều ai cũng phải thừa nhận rằng chuột vẫn muôn đời sợ mèo. Từ một sáng kiến hay biết bao nhiêu liền tan vỡ thành một kế hoạch viển vông. Từ kẻ đưa ra kế hoạch một cách đầy chắc chắn, hy vọng cho đến kẻ thực hiện, kẻ cùng đinh đều ươn hèn, nhát gan không dám làm, không dám cũng không cáng đáng được công việc chung mang ý nghĩa lớn lao cho cả cộng đồng.
Kết hợp giữa trí tưởng tượng phong phú cùng ý nghĩa sâu sắc, dân ta đã mượn câu truyện để mô phỏng lối sống trong cộng đồng làng xã thuộc xã hội phong kiến thời trước. Hội đồng chuột với cuộc họp, quyết sách viển vông cùng ông Cống, Nhắt… chình là hình ảnh thu nhỏ của làng xã xưa. Họp hành liên miên, kẻ địa vị cao thì đưa ra những điều hão huyền, bàn bạc những thứ không thiết thực lại hao tiền tốn của. Và rồi kẻ chịu trận chính là những kiếp người tận cùng cực khổ, phận cùng đinh trong xã hội.
Tuy ra đời từ rất lâu nhưng câu truyện Đeo nhạc cho mèo vẫn còn giữ nguyên giá trị, mang lại bài học lớn lao cho thế hệ trẻ ngày nay soi chiếu và noi theo. Đó là trước khi quyết định thực hiện điều gì, ta cần có một kế hoạch tỉ mỉ, thiết thực, dựa trên các điều kiện thực tế đã được tính toán kỹ lưỡng. Khi gặp khó khăn, nguy hiểm hay những công việc liên quan đến cộng đồng cần phải có quyết tâm, không nên đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.