Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang năm học 2016 - 2017 Đề thi HSG cấp thành phố môn Văn lớp 8 có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 8 có đáp án đi kèm. ...
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 8
có đáp án đi kèm. Đây là tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 8, giúp các bạn luyện tập và nâng cao kiến thức, ôn thi học sinh giỏi hiệu quả.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 trường THCS Thái Thụy, Thái Bình năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 trường THCS Hội Nga, Nghệ An năm học 2016 - 2017
PHÒNG GD & ĐT TP BẮC GIANG |
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP THÀNH PHỐ Năm học: 2016-2017 Môn: Ngữ văn lớp 8 Thời gian làm bài: 150 phút |
Câu 1: (4,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Nhưng, ô kìa! Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm, tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa là hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ.
(Chiếc lá cuối cùng- O Hen-ri)
a. Chỉ rõ thán từ trong đoạn văn trên.
b. Tìm các từ cùng trường từ vựng trong câu văn sau và nêu tác dụng của trường từ vựng đó: Ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa là hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ.
c. Nêu ý nghĩa của hình tượng chiếc lá trong đoạn văn trên.
Câu 2: (6,0 điểm)
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giáo sư Vũ Khiêu đã nói:
Để giàu sang, một người có thể chỉ mất vài ba năm, nhưng để trở thành người có văn hóa có thể phải mất hàng chục năm, có khi cả cuộc đời.
Hãy trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Câu 3: (10,0 điểm)
Nhà văn A-na tô-li Phơ-răng nói: Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ một tâm hồn con người.
Em hiểu gì về câu nói trên của nhà văn Pháp? Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản qua hai bài thơ Ngắm trăng (Hồ Chí Minh) và Khi con tu hú (Tố Hữu).
......................Hết......................
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 8
Câu 1: (4 điểm)
a. Thán từ: ô kìa (0,5 điểm)
b. - Trường từ vựng màu sắc: xanh sẫm, vàng úa. (0,5 điểm)
- Tác dụng: Miêu tả chiếc lá giống như thật: một chiếc lá thường xuân vừa trải qua một đêm mưa gió tưởng như sắp rụng vẫn dũng cảm đeo bám vào cành. (0,5 điểm)
c. Ý nghĩa của hình tượng chiếc lá trong đoạn văn trên: (2,5 điểm)
- Tác dụng trong việc xây dựng tình huống truyện (thắt nút, mở nút bất ngờ mà hứng thú). (0,5 điểm)
- Gợi nhiều liên tưởng:
- Gợi liên tưởng đến số phận con người. Vì nghèo đói và bệnh tật mà Giôn-xi tuyệt vọng, bi quan về cuộc sống. (0,5 điểm)
- Chiếc lá còn gợi liên tưởng đến ý chí, nghị lực của con người. (0,5 điểm)
- Đặc biệt, chiếc lá cuối cùng là hình tượng đẹp thể hiện tình yêu thương giữa những người nghèo khổ. (1 điểm)
Câu 2: (6 điểm)
a. Về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
- Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Về kiến thức:
Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
1. Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề (0,5 điểm)
2. Giải thích ý kiến (1 điểm)
- Văn hóa: Một khái niệm rộng bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống, từ khoa học cho đến nghệ thuật, từ đời sống tâm hồn, tâm linh đến thói quen sinh hoạt, thị hiếu thẩm mĩ, giao tiếp ứng xử,... của con người.
- Khái niệm văn hóa trong câu nói của Vũ Khiêu bàn đến văn hóa của một người. Bằng những mệnh đề tương phản: giàu sang - có văn hóa; ba năm - chục năm, cả cuộc đời, nhà văn hóa Vũ Khiêu muốn khẳng định sự dày công trong việc dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện để một con người trở nên có văn hóa.
3. Bàn luận, mở rộng vấn đề (3 điểm)
- Khẳng định ý kiến hoàn toàn đúng đắn và xác đáng.
- Để giàu sang, một người có thể chỉ mất vài ba năm: Với một con người, việc tạo lập một sản nghiệp, một cuộc sống đủ đầy có thể chỉ mất một thời gian ngắn. Sự cần cù và sáng tạo trong lao động có thể khiến họ nhanh chóng trở thành người giàu có. Để trở thành một người có văn hóa, có thể phải mất hàng chục năm, có khi cả cuộc đời:
- Để hình thành nền tảng văn hóa tri thức, con người cần rèn luyện, tích lũy trong khoảng thời gian hàng chục năm khi ngồi trên ghế nhà trường và trong suốt cả cuộc đời, Học, học nữa, học mãi (Lênin).
- Mỗi người phải mất cả cuộc đời để hoàn thiện những giá trị văn hóa tinh thần: Đó là vẻ đẹp tâm hồn với các giá trị đạo đức như: tình yêu thương, nhân ái, lòng vị tha, khoan dung, sự sẻ chia, đồng cảm; lòng yêu nước, ý thức dân tộc, cộng đồng; thái độ trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ; văn hóa giao tiếp ứng xử giữa người với người trong cuộc sống...
- Văn hóa tri thức và đạo đức nhân cách của con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Những người có trình độ văn hóa cao thường là những nhân cách đáng trọng. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp bởi trên thực tế, nhiều người có trình độ văn hóa cao vẫn có thể có những suy nghĩ ấu trĩ, vẫn có thể mắc những sai lầm trong giao tiếp ứng xử.
- Vì vậy song song với việc bồi đắp tri thức văn hóa, con người ta còn phải học làm người, tăng cường rèn luyện kĩ năng sống.
4. Bài học nhận thức và hành động (1.5 điểm)
- Việc rèn luyện để trở thành con người có văn hóa là quan trọng, cần thiết.
- Để đào luyện một con người có văn hóa cần có sự chung tay của cả gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên yếu tố quyết định là ở mỗi người, ở việc trau dồi ý thức làm người.
Câu 3: (10 điểm)
A. Yêu cầu chung:
- Về hình thức: trình bày, diễn đạt, liên kết câu...
- Về nội dung: làm rõ vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ cộng sản trong hai bài thơ.
I. Mở bài: (0,5 điểm)
Dẫn dắt, đưa nhận định
II. Thân bài:
1. Giải thích: (0,5 điểm)
Đúng như nhà văn A-na tô-li Phơ-răng đã nói: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ một tâm hồn con người”. Có nghĩa là đọc một câu thơ, chúng ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ mà còn cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ gửi gắm trong đó. Bởi thơ là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm con người. Mỗi câu thơ ra đời là kết quả của những trăn trở, suy tư, nung nấu ở người nghệ sĩ.
2. Chứng minh: (8 điểm)
HS tìm các phương diện vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ của cả hai bài thơ để phân tích. (Hoặc có thể phân tích vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ theo từng bài thơ). Sau đây là gợi ý:
a. LĐ 1: Dù sống trong ngục tù nhưng những người chiến sĩ vẫn dành cho thiên nhiên một tình yêu sâu sắc:
- Trong bài thơ “Khi con tu hú”, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống khiến người tu tưởng tượng một mùa hè chan hoà ánh sáng, rực rỡ sắc màu rộn ràng âm thanh và ngọt ngào hương vị (dẫn chứng)
- Bài thơ “Ngắm trăng”:
- Bác nghĩ đến trăng và việc ngắm trăng ngay cả khi bản thân bị giam cầm, đày đọa. Người thấy thiếu mọi nghi thức thông thường. Cái thiếu “ rượu” và “hoa” là cái thiếu của một thi nhân chứ không phải là cái thiếu của một tù nhân (dẫn chứng)
- Sự xốn xang, bối rối rất nghệ sĩ trước cảnh đẹp đêm trăng của Bác (dẫn chứng)
- Sự giao hoà tự nhiên, tuyệt vời giữa con người và vầng trăng tri kỷ. Qua nghệ thuật đối và nhân hoá làm nổi bật tình cảm song phương, cho thấy mối quan hệ gắn bó tri âm giữa trăng và người (dẫn chứng)
b. LĐ 2: Họ luôn khao khát tự do mãnh liệt:
- Niềm khao khát mãnh liệt về với tự do còn được bộc lộ trực tiếp trong những câu cuối: d/c. Cách ngắt nhịp độc đáo, kết hợp với những từ ngữ mạnh (đập tan phòng, chết uất) và những từ cảm thán (ôi, làm sao, thôi) làm nổi bật cái cảm giác ngột ngạt cao độ, niềm khao khát cháy bỏng muốn thoát ra khỏi cảnh ngục tù để trở về với cuộc sống tự do bên ngoài. Tiếng chim tu hú mở đầu và kết thúc bài thơ đã tạo nên một sự hô ứng. Tiếng chim ban đầu là âm thanh đẹp của tự nhiên gợi lên trong tâm hồn người tù cách mạng trẻ tuổi một mùa hè tự do, khoáng đạt đầy sức sống. Còn tiếng chim tu hú ở cuối bài thơ lại là âm thanh giục giã, như thúc giục những hành động sắp tới.
- Còn Bác luôn hướng ra ánh sáng. Đó là vầng trăng, là bầu trời, là tự do và đó cũng là hy vọng, là tương lai.
c. LĐ 3: Người chiến sĩ cộng sản ấy cũng mang một phong thái ung dung, lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào: Hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà tù Tưởng Giới Thạch không trói buộc được tinh thần và tâm hồn người tù, không làm mất đi nét thư thái ung dung vốn sẵn có ở Bác. Bác tự do rung động với vầng trăng, với cảnh đẹp bất chấp hoàn cảnh, bất chấp cái song sắt tàn bạo - biểu tượng cụ thể của nhà tù (cuộc vượt ngục tinh thần).
3. Tổng hợp: (0,5 điểm)
- Như vậy, qua hai bài thơ, người đọc sẽ hiểu hơn về tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản khi ở trong tù. Và vẻ đẹp tâm hồn của họ là cội nguồn tạo nên vẻ đẹp, giá trị tác phẩm.
- Đọc thơ hay, gặp gỡ tâm hồn người nghệ sĩ, người đọc thơ được thanh lọc, hoàn thiện tâm hồn mình.
III. Kết bài: (0,5 điểm) Khẳng định lại nhận định và cảm nghĩ, liên hệ…