Ngoài kia còn có 1 cuộc sống
Đã bao lần bạn chuyển chế độ Invisible, không muốn chat? Đã bao nhiêu lần bạn tắt điện thoại di động và nhờ mẹ trả lời điện thoại bàn, rằng bạn đang đi vắng? Đã bao giờ thay vì ăn một bát phở sáng nóng hổi, bạn quyết định mua một gói xôi vò từ gánh xôi bé con bên vệ đường, mỉm cười với bà cụ ...
Đã bao lần bạn chuyển chế độ Invisible, không muốn chat? Đã bao nhiêu lần bạn tắt điện thoại di động và nhờ mẹ trả lời điện thoại bàn, rằng bạn đang đi vắng?
Đã bao giờ thay vì ăn một bát phở sáng nóng hổi, bạn quyết định mua một gói xôi vò từ gánh xôi bé con bên vệ đường, mỉm cười với bà cụ phúc hậu dịu dàng như bà của bạn ở nhà? Đã bao giờ bạn dừng xe lại, giúp một người bị ngã trên đường?
Những hoạt động nào sau đây nằm ngoài sự quan tâm của bạn: chăm sóc người già neo đơn, hiến máu nhân đạo, giúp đỡ một người bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, bênh vực quyền trẻ em…? Nếu tất cả đối với bạn đều xa lạ – bạn không quan tâm – thì lần gần nhất bạn đi mua sắm hay đi du lịch là khi nào ?…
Những câu hỏi dành cho bạn đấy – những bạn trẻ đang bận rộn với nhiều cơ hội để nắm bắt, nhiều công việc cần làm, nhiều tri thức cần tiếp nhận…
Nhưng bất cứ khi nào thông điệp giản dị này đến với bạn, hãy đừng thờ ơ delete (xóa) nó đi: đừng biến mình trở thành kẻ xa lạ với chính cuộc sống tràn ngập tình yêu và niềm tin ngoài kia!
Sau Tết Nguyên đán, tuổi trẻ Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới vẫn nhộn nhịp gửi cho nhau những tin nhắn, kiểu như: “Bạn hãy đến 186 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đóng góp những tờ lịch cũ hay giấy bìa, để dùng làm sách chữ nổi cho các bạn khiếm thị…”. “Bạn hãy góp vào tủ sách từ thiện của chúng tôi một vài cuốn sách truyện – đóng góp nhỏ, nhưng niềm vui các bạn đem đến cho những đứa trẻ bất hạnh là rất lớn…”. “Đang rất cần lòng hảo tâm của các bạn để giúp đỡ một em nhỏ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có chi phí mổ tim…”.
Và, trong những forum đông đảo các thành viên trẻ, nơi diễn đàn chung đang sáng lên một vài lời kêu gọi “chắc nịch” của các admin: “Hey, cả nhà mình cùng out, đi với tớ đến chỗ này hay lắm nhé!”.
Chỗ – này – hay – lắm – nhé ấy, là một nơi nào đó ở ngay xung quanh chúng ta, đang cần lắm và trân trọng lắm những tấm lòng thấu hiểu, những đôi bàn tay đỡ đần…