Nghị luận xã hội về thực phẩm bẩn
(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội về thực phẩm bẩn hiện nay. (Bài văn nghị luận của bạn Trần Mai Trang lớp 12A1 trường THPT chuyên Thái Nguyên). Đề bài: Nghị luận xã hội về thực phẩm bẩn BÀI LÀM Trong kì họp Quốc hội ...
(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội về thực phẩm bẩn hiện nay. (Bài văn nghị luận của bạn Trần Mai Trang lớp 12A1 trường THPT chuyên Thái Nguyên).
Đề bài: Nghị luận xã hội về thực phẩm bẩn
BÀI LÀM
Trong kì họp Quốc hội XIII (11/2015), người ta “cười ra nước mắt trước” lời phát biểu chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm của Đại biểu Trần Ngọc Vinh: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”. Sau tiếng cười bi hài, người ta bắt đầu giật mình về tiếng chuông báo động đỏ: chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn đang lại cấp bách và nghiêm trọng như ngày nay.
Tôi tự hỏi, bao nhiêu người trong chúng ta hiểu được chính xác thực phẩm bẩn là gì? Thực phẩm bẩn bao gồm các loại thực phẩm mà chất lượng của nó không đáp ứng được mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm bẩn không chỉ là thực phẩm ôi, thiu, nhiễm khuẩn… mà còn tồn tại trong nó các hóa chất tồn dư không tốt cho sức khỏe.
Tình trạng thực phẩm đang diễn biến hết sức phức tạp ở nước ta. Nguy cơ thực phẩm bẩn có ở khắp mọi nơi từ chợ truyền thống tới siêu thị, trung tâm thương mại… Bộ Y tế công bố số liệu sáu tháng đầu năm 2017 đã cho thấy hơn 80.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về vệ sinh an toàn, khoảng 300 loại thực phẩm đã bị cấm sản xuất và lưu hành sau đó, bắt buộc tiêu hủy hơn 4000 loại thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh và các mặt hàng kinh doanh này thuộc chỉ là phần được phát hiện, trong khi đó có rất nhiều nơi chúng ta chưa kiểm tra hoặc phát hiện. Trong khi đó, con người không tự kiểm soát được vấn đề ăn uống của bản thân. Con người sống quá vội và quá gấp, họ ăn đồ ăn nhanh, ăn vỉa hè, ăn bất chấp mà không quan tâm tới chất lượng hay quy trình chế biến thực phẩm.
Thực phẩm bẩn là “con đường dẫn tới nghĩa địa”. Thực phẩm giúp con người duy trì sự sống và phát triển. Nếu nguồn sống độc hại thì chúng ta chỉ có thể bệnh tật và chết. Nhưng thực phẩm bẩn còn nguy hại hơn bởi nó gây ra cái chết từ từ. Chất hóa học, chất kích thích, biến đổi gen… trong thực phẩm chỉ chứa lượng rất nhỏ, nó ngấm dần vào cơ thể mỗi ngày, nó là những cái “ung nhọt” lâu năm và đến thời điểm, nó phát tác và giết chính bạn. Ung thư chính là hệ quả của việc ăn uống “bẩn”. Một xã hội mà sức khỏe mỗi cá nhân không tốt thì không thể nào bền vững được.
Lý do dẫn đến tình trạng này rất dễ chỉ ra. Đó là từ một nhóm người tham lợi, kinh doanh thực phẩm thiếu an toàn để tăng lợi nhuận. Một bộ phận quan chức còn tiếp tay cho những hành động trái pháp luật đó. Pháp luật cũng chưa có chế tài xử phạt đúng mức với hành vi vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà nước còn thiếu kiểm soát nguồn thực phẩm bẩn từ nước ngoài chạy “lậu” vào Việt Nam. Và khi thực phẩm bẩn tràn lan, chính mỗi chúng ta không có ý thức để sử dụng thực phẩm an toàn.
Như vậy, chống thực phẩm bẩn trước là thức tỉnh bản thân mỗi người biết lo cho sức khỏe bản thân, tự tìm hiểu và chọn lựa thực phẩm an toàn. Các bà nội trợ, những người “chăm sóc” cho “dạ dày” của cả gia đình cần tự trang bị kiến thức nhiều hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà nước cần loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” trong chính bộ máy chính quyền và mạnh tay hơn trong chiến dịch chống thực phẩm bẩn, tuyên truyền tốt để nâng cao ý thức người dân.
Tóm lại, thực phẩm bẩn là vấn đề quan trọng và cấp bách, một trong những nội dung cần giải quyết trong xã hội hiện đại. Nếu có sự ý thức cao và đồng lòng của người dân lẫn chính quyền, nhất định chúng ta sẽ cải thiện được.