06/05/2018, 09:15

Nghị luận xã hội về tác hại của thuốc lá – Văn mẫu hay lớp 10

Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về tác hại của thuốc lá – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lâm Đồng Xã hội đang phát triển từng ngày kéo theo nhiều nhu cầu mới phát sinh và các tệ nạn cũng theo đó mà ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mỗi người. Hút thuốc lá ...

Xem nhanh nội dung

Nghị luận xã hội về tác hại của thuốc lá – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lâm Đồng

Xã hội đang phát triển từng ngày kéo theo nhiều nhu cầu mới phát sinh và các tệ nạn cũng theo đó mà ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mỗi người. Hút thuốc lá chưa phải là tệ nạn nhưng nó là vấn đề gây nhức nhối đối với tất cả mọi người. Bởi nó đặt ra nhiều thách thức chưa thể tháo gỡ được.

Tình trạng hút thuốc lá hiện nay diễn biến rất phức tạp và ngày càng gia tăng, chưa thể kìm hãm lại. Mặc dù các công ty sản xuất thuốc lá vẫn có dòng chữ “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” nhưng họ bỏ qua, mặc kệ vẫn hút.

Thuốc lá là một chất gây nghiện, khi dính vào thì rất khó mà thoát ra. Ngày nay ai cũng biết rằng hút thuốc lá chỉ có hại không có lợi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút thuốc mà còn ảnh hưởng rất lớn đến những người xung quanh. Thuốc lá vừa ảnh hưởng trực tiếp vừa ảnh hưởng gián tiếp đến mọi người.

Khi xã hội phát triển từng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp trên bàn làm việc, trong các buổi gặp gỡ trò chuyện vẫn có những bao thuốc lá. Vậy nguyên nhân của việc hút thuốc lá do đâu? Nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn là do giao tiếp. Một số khác do mượn thuốc để giải sầu, hoặc hiện nay có một số phần tử thanh niên hư hỏng tập hút thuốc để tự khẳng định mình. Chính vì sự đua đòi đó đã làm hỏng một con người.

Thuốc lá có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta, gây ra nhiều bệnh cho người hút như ung thu phổi, ung thư vòm họng. Nó để lại nhiều hệ lụy mà sau này chúng ta mới nhận ra hoặc nếu nhận ra rồi thì cũng làm ngơ, vẫn cứ hút như một thói quen.

Thuốc lá còn là “kẻ giết người” gián tiếp. Bạn có biết rằng khi mình hút thuốc đã mang đến rất nhiều nguy hiểm cho những người xung quanh. Chỉ là khói thuốc lan tỏa ra nhưng nó lại là tác nhân gây bệnh cho mọi người, đặc biệt phụ nữ mang thai nếu hít phải nhiều khói thuốc độc hại này thì có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

Hằng năm có biết bao nhiêu người nhập viện vì bệnh ung thư phổi mà theo xét nghiệm thì nguyên nhân chính là hút thuốc lá. Chỉ vì hút thuốc lá mà suốt quãng đời còn lại họ chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này. Liệu rằng có quá nghiệt ngã không.

Hút thuốc lá ngày càng gia tăng, mặc dù các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền nhưng dường như chỉ hạn chế được một thời gian, sau đó nó lại tiếp tục tái diễn.

Hút thuốc lá rất khó bỏ, bởi rằng trong đó có chất gây nghiện nhưng không phải không thể. Sự nỗ lực của bản thân mình sẽ giúp cho bạn kiềm chế được cơn thèm muốn đó. Mỗi người hãy tự nhận thức được hành vi sai trái, ảnh hưởng đến sức khỏe một cách ghê gớm này mà kìm hãm lại.

Đối với những cơ sở sản xuất thuốc lá và cơ quan chức năng cần có kế hoạch để giảm thiểu tỷ lệ người hút thuốc lá. Như thế chúng ta đang tạo nên một môi trường lành mạnh hơn. Không khói thuốc thì xã hội sẽ không ngừng phát triển.

Sự giúp đỡ của mọi người dành cho người hút thuốc lá cũng vô cùng quan trọng, vì nó tác động và ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của họ. Bởi vậy mọi người hãy cùng nhau bài trừ hành vi hút thuốc lá đáng trách này để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nghị luận xã hội về tác hại của thuốc lá – Bài làm 2

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những tác hại của thuốc lá liên tục được cập nhật bởi những hiểm họa mà nó gây ra cho cuộc sống con người có thể nói đã ở mức báo động. Tuy nhiên, không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt những người đang hút thuốc thường chậc lưỡi cho rằng: chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Điều đó thực sự trở nên nguy hiểm vì nếu chính những người hút thuốc không có kiến thức sơ đẳng về tác hại của thuốc lá họ sẽ vô tình gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của mình mà còn tới những người xung quanh và môi trường sống. Bài viết sau đây xin được bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt mà những người hiện đang sử dụng thuốc lá chưa quan tâm đến, đặc biệt đối với lứa tuổi học đường đây sẽ là những kiến thức hành trang cần thiết đối với các bạn trước ngưỡng cửa cuộc sống với những cám dỗ khó vượt qua trong đó có thuốc lá.

Hút thuốc lá là có hại, nhưng bằng những con đường nào? Chúng ta có thể viết được nhiều cuốn sách nói về những tác hại của thuốc lá nhưng ở đây chúng ta chỉ có thể đề cập trong phạm vi nhỏ. Nhưng trước tiên tôi muốn cảnh báo các bạn: Hãy hít thở thật sâu để giữ bình tĩnh nếu không bạn sẽ bị ngất đấy!

Có rất nhiều con đường mà thuốc lá có thể làm hại bạn: hút thuốc lá, nhai cau với lá thuốc lào, hít thở khói thuốc lá từ những người quanh bạn. Thuốc lá gây tử vong cho 3 người trong tổng số 10 người chết vì bệnh tim và 9 trong số 10 người chết vì bệnh ung thư phổi.

Hút thuốc là nguyên nhân dẫn đến bệnh khí thủng: Khí thủng là bệnh mà các bọc khí trong phổi bị phá hủy dần dần, gây khó khăn cho quá trình hô hấp. Người bị bệnh sẽ có cảm giác vô cùng khó chịu khi hô hấp. Hầu hết nguyên nhân của bệnh này là do hút thuốc lá. Hút thuốc là nguyên nhân ung thư miệng và họng. Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh ung thư, bao gồm ung thư miệng và họng. Căn bệnh này làm cho những sinh hoạt hàng ngày của bạn như ăn uống, giao tiếp trở nên khó khăn, trầm trọng hơn nó dẫn tới những biến dạng vĩnh viễn nơi miệng và họng. Hút thuốc là nguyên nhân của bệnh hoại tử: Thuốc lá là tác nhân quan trọng phá hoại các mạch máu, cản trở quá trình lưu thông máu của bạn. Hút thuốc còn dẫn tới tình trạng đông máu, nhiễm độc máu và bệnh hoại tử. Từ đó, phá hủy hoàn toàn đôi bàn chân. Nếu như bạn hút thuốc lá trước tuổi 18, phổi của bạn sẽ không phát triển và bị co lại, dẫn tới những vấn đề về hít thở và rủi ro bệnh tật sau này. Những người hút thuốc lá chịu rủi ro cao hơn những người không hút thuốc khi bị những khối u trong hệ tiêu hoá và những vấn đề kinh niên về đường ruột. Thêm vào đó những người hút thuốc lá mắc những bệnh này khó điều trị hơn và rủi ro bị mắc lại cùng cao hơn. Hút thuốc sẽ làm tăng rủi ro bệnh loãng xương. Hút thuốc làm giảm khả năng lưu thông của máu trong cơ thể, tăng nhịp tim và làm suy giảm sức khoẻ của bạn. Chất phụ gia nicotin có trong thuốc lá đương nhiên sẽ làm cho bạn xấu hơn bởi ngón tay và răng của bạn sẽ bị vàng, hơi thở có mùi hôi và chóng có nếp nhăn.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút thuốc, khói thuốc là còn là mầm móng đặc biệt nguy hiểm đối với những người không hút thuốc nhưng phải sống trong môi trường có khói thuốc lá. Họ phải chịu rủi ro cao hơn hoặc bị mắc các bệnh kinh niên và cấp tính về họng, tai và trí tuệ cũng như sức khoẻ thể chất bị ảnh hưởng. Phụ nữ có thai mà hút thuốc sẽ chịu rủi ro bị sảy thai cao hơn, sinh con nhẹ cân, hoặc con bị ốm, tử vong. Trẻ sơ sinh của những người cha hút thuốc trong những tháng trước và trong thời gian mang thai của người mẹ có nguy cơ gấp đôi bị hở hàm ếch, bạch cầu và chịu mức rủi ro bị ung thư não cao hơn tới 40% so với những trẻ em có cha không bao giờ hút thuốc.

Vì sao thuốc lá lại nguy hiểm đến vậy, nếu không đọc những thông tin dưới đây về một số hóa chất có trong khói thuốc trên tổng số hơn 4000 hóa chất có trong thuốc lá hẳn bạn sẽ không tin:

Axêton (sử dụng để tẩy và sơn móng tay)
Amonia (dùng để hoà tan chất nhuộm tóc)
Cadmium (dùng trong ắc quy ô tô)
DDT (thuốc trừ sâu)
Monoxitcacbon (khói xả từ ô tô)
Fomadêhit (sử dụng để bảo quản xác chết)
Napthale (chất độc để diệt gián)
Nhựa đường (để lát đường)
Phenol (để diệt khuẩn)
Thạch tín (chất cường độc)
Butan (loại chất lỏng nhẹ)
Metannol (nhiên liệu sử dụng cho lên lửa)
Nicotin (hoá chất gây nghiện nhiều hơn là heroin hoặc cocain làm cho rất nhiều người khó bỏ thuốc lá).

Với những tác hại khủng khiếp như trên, tại sao thuốc lá vẫn được tiêu thụ mạnh đến vậy? Thực tế các công ti sản xuất thuốc lá đã tung ra những phương thức quảng cáo lừa bịp để người sử dụng có những cái nhìn sai lệch về thuốc lá. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc lá mang nhãn mác phương Tây, nhiều người cứ nghĩ rằng người phương Tây hút thuốc nhiều. Thực ra không phải như vậy. Tại Hoa Kì và Canada, tỉ lệ người hút thuốc lá đang giảm một cách nhanh chóng, ở nhiều nước phương Tây, giờ đây việc hút thuốc lá ở những nơi công cộng như nhà hàng, bệnh viện và trường học là phạm pháp. Vì thuốc lá đang bị tẩy chay tại những nước này, các công ti thuốc lá đã để mắt tới những nước đang phát triển như Việt Nam. Nhiều người Việt Nam đã bị mắc bay quảng cáo do các công ti thuốc lá này cài đặt. Bạn nghĩ gì về nghịch cảnh đó?

Các công ti thuốc lá muốn chúng ta tin rằng hút thuốc là “cao sang". Thực ra hút thuốc là một thói quen của người nghèo. Người nghèo dễ dẫn tới hút thuốc nhất và cũng là người có ít khả năng tiền bạc để mua thuốc nhất. Số tiền mà người ta dùng để mua thuốc lá thay vì mua những đồ vật cần thiết cho cuộc sống là mối hiểm hoạ nghiêm trọng tới tài sản của mình và gia đình. Tiền tiêu tốn vào thuốc lá thay vì những thứ cần thiết cơ bản khác cho cuộc sống như thực phẩm, đồ dùng gia đình, chăm sóc súc khỏe, tu sửa nhà cửa cho tốt hơn.,, Tại Việt Nam, rất nhiều người tiêu tốn tiền bạc vào thuốc lá hơn là cho chăm sóc sức khoẻ và giáo dục. Trong thực tế, đối với nhiều gia đình thì chi phí cho hậu quả của việc hút gây ra còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí để mua thuốc. Khi một thanh niên trong gia đình bị ốm do thuốc lá thì gia đình này phải chịu những chi phí điều trị chăm sóc. Những chi phí này gồm: Mất thời gian đi làm để chăm sóc người ốm, mua các loại thuốc đắt tiền, thanh toán hoá đơn điều trị. Giới trẻ ngày nay thông minh và được học hành vậy còn hút thuốc làm gì khi bạn biết quan tâm tới sức khoẻ, tương lai và hạnh phúc của chính bạn và những người gần gũi với bạn?

Nếu bạn hoặc người thân của bạn đã lỡ hút thuốc rồi thì phải làm thế nào để từ bỏ thuốc lá? Thứ nhất, đừng hút thuốc và hãy động viên bạn bè mình không dùng thuốc lá! Áp lực phụ cũng có thể tích cực! Tiếp đó bạn có thể động viên họ hàng và bạn bè cai thuốc và giúp đỡ họ trong quá trình này, cố gắng giữ cho ngôi nhà của bạn là nơi “không hút thuốc”, hãy treo những biển hiệu và khẩu hiệu đề nghị khách không hút thuốc hoặc lí giải rằng nhà của bạn là nơi không hút thuốc. Hãy vứt bỏ những gạt tàn thuốc mà bạn có và hãy lịch sự đề nghị khách hút thuốc ở ngoài. Hãy nói chuyện với bạn bè cùng lớp, thầy cô và ban giám hiệu nhà trường về việc biến trường học của bạn thành một nơi “không hút thuốc”. Mức tối thiểu cũng phải là học sinh không nên hút thuốc hoặc không phải ngửi khói thuốc khi học tại trường. Trường học sẽ trở thành nơi sạch sẽ hơn, môi trường an toàn hơn và có những học sinh mạnh khoẻ hơn, hạnh phúc hơn. Nếu bạn là người hút thuốc và muốn cai, sau đây là 5 bước giúp bạn từ bỏ thuốc (Trích "Năm bước để cai thuốc lá nhanh” nhà xuất bản ETR);

1- Tìm được nguyên nhân bạn hút thuốc: Có thể bạn muốn viết ra những lý do khiến bạn hút thuốc; Điều gì làm cho bạn hút thuốc?

2- Quyết định cai thuốc: Trước khi bạn cai thuốc, bạn phải quyết định bạn thật sự muốn gì chứ không phải chỉ gia đình, bạn bè của bạn muốn gì. Cai thuốc không phải là việc dễ dàng nhưng nhiều người vẫn làm được và bạn cũng có thể làm được!

3- Học những thói quen mới: Một số người nhai kẹo cao su mỗi khi họ cảm thấy thèm thuốc. Hãy chọn cho mình một thói quen có lợi cho sức khoẻ và hãy thay thế việc hút thuốc bằng thói quen này.

4- Hãy nghĩ cách đối phó với những cơn thèm: Sau khi cai thuốc sẽ có nhiều lúc bạn cảm thấy rất thèm hút thuốc. Vì vậy, bạn hãy lên kế hoạch trước cho những lúc như vậy và quyết định bạn sẽ làm gì vào những lúc như vậy.

5- Lên kế hoạch cho tương lai: Hãy đưa ra các mục tiêu cho mình và lập kế hoạch để thực hiện và hãy tập chung vào các mục tiêu đó. Hút thuốc có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện mục tiêu và đó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hoặc tử vong. Hút thuốc còn rất tốn kém và bạn sẽ trở thành nô lệ của sự nghiện ngập và tất nhiên hút thuốc sẽ làm bạn trông xấu mã!

Có thể thấy, trong khi các nước trên thế giới hằng ngày, hằng giờ tuyên truyền tác hại của thuốc lá thì tại Việt Nam, một nước mà theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là nước có mức tiêu thụ thuốc lá tăng nhanh chóng mặt cỏ khả năng 10% dân số hiện nay tức là hơn 7 triệu người sẽ chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá thì những biện pháp ngăn chặn việc hút thuốc đưa ra chưa thật triệt để. Bất cập nằm ngay trong chính các biện pháp của các hàng thuốc, các cơ quan chức năng. Hiện nay hầu hết các loại thuốc lá được sản xuất tại Việt Nam đều được in những hình ảnh, dòng chữ cảnh báo gây ấn tượng sợ hãi cho người sử dụng nhưng cũng không ngăn được tình trạng hút thuốc lá ngày càng tăng lên.

Không thể chần chừ thêm nữa, ngay bây giờ mỗi chúng ta hãy cùng nhau nói “Không" với thuốc lá để bào vệ sức khỏe bản thân và sức khỏe cộng đồng.

Nghị luận xã hội về tác hại của thuốc lá – Bài làm 3

– Trong khói thuốc lá có tới hơn 4000 chất hoá học, phần lớn là chất độc hại, trong đó 43 chất được biết là tác nhân gây ung thư. Khi hút thuốc, tất cả các chất này sẽ đi vào cơ thể, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

– Người không hút thuốc lá nhưng sống chung với người hút thuốc, do hít phải khói thuốc nhiều khi cũng bị tác hại đến sức khỏe như người hút thuốc lá .

– Nicotin là một chất gây nghiện và rất độc trong thuốc lá. một điếu thuốc có từ 1 đến mg nicotin. 1 giọt nicotin có thể làm chết 1 con thỏ, 7 giọt làm chết một con ngựa. Khi bắt đầu hút thuốc lá là làm cho cơ thể dần dần phải phụ thuộc vào nicotin. Nicotin gây cảm giác thẻm đối với người sử dụng giống như thuốc phiện và heroin làm người nghiện rất khó bỏ thuốc lá.

– Khi hút thuốc, chất nhựa trong khói thuốc lá sẽ bám vào phổi như bồ hóng bám vào ống khói. nếu hút 10 điếu thuốc lá một ngày, cơ thể của bạn sẽ phải hít vào 105g nhựa mỗi năm.

– Gần đây Tổ chức y tế thế giới đã công bố báo cáo ” Thuốc là và quyền trẻ em”. Báo cáo này đưa ra những quyền của trẻ em không bị đe dọa bởi thuốc lá, phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em , gồm

Quyền được biết thông tin về thuốc lá và các ông ty thuốc lá
Quyền tránh làm việc độc hại ở các công ty thuốc lá
Quyền được tồn tại và phát triển không bị ảnh hưởng khi người lớn chi tiền cho thuốc lá
Quyền được bảo vệ khỏi khói thuốc do người lớn thải ra.

Báo cáo nêu rõ : “Các nước phải có trách nhiệm ban hành những luật pháp và quy định cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá, đảm bảo tôn trọng quyền trẻ em”,”Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng của thuốc lá bao gồm việc chi tiền cho thuốc lá mà lẽ ra chúng phải được chi cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe con cái; nỗi đau mất mát người thân trong gia đình bị chết do sử dụng thuốc lá và tổn hại tài chính khi những người thân đau ốm hoặc mất sớm vì thuốc lá”.

Rõ ràng phòng chống thuốc lá cũng là một trong những việc để bảo vệ quyền trẻ em.

– Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới, hàng năm số người hút thuốc lá ở các nước phát triển : nam chiếm 30-40%, nữ chiếm 20-40%. Ở các nước đang phát triển : nam chiếm 40-70%, nữ chiếm 2-10%.

– Hàng năm trên thế giới có khoảng 3 triệu người chết có nguyên nhân do thuốc lá, tính trung bình cứ 10 giây có một người chết vì thuốc lá.

– Những người hút thuốc lá sẽ chết sóm hơn so với những người không hút thuốc lá không phải là một ngày, một tháng mà là hằng năm, thậm chí tới 23 năm. Đổi 23 năm cuộc đời là quá nhiều cho một sở thích tốn tiền.

– Toàn bộ số tiền mà những người hút thuốc lá tại Việt Nam dùng để mua thuốc lá năm 1998 khoảng 6000 tỷ đồng. Số tiền này có thể mua được 1.5 triệu tấn gạo hoặc 300.000 chiếc xe máy Super Dream.

– Sau khi Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam năm 1994, các công ty thuốc lá là những công ty đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1994, Bộ Thương mại đã cho phép các công ty : Phillip Morris, Rothmans of Paul Mall, BAT và RJ Reynolds mở chi nhánh tại Việt Nam. Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hảo sản xuất thuốc lá Malboro, nhà máy thuốc lá Sài Gòn sản xuất thuốc lá 555, nhà máy thuốc lá Đà Nẵng sản xuất thuốc lá Carmel, Salem, Winston, More. Tháng 6 năm 1997, Chính phủ Việt Nam đã thông báo ngừng cho phép liên doanh với các công ty thuốc lá nước ngoài, tuy nhiên vẫn phải tôn trọng những hợp đồng đã ký trước đó.

Nghị luận xã hội về tác hại của thuốc lá – Bài làm 4

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trong thuốc lá có chứa Nicôtin là một chất gây nghiện. Vậy nên nhiều người lúc ban đầu chỉ là hút chơi, hút thử nhưng về sau lại thành thói quen khó bỏ. Hút thuốc lá có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra các bênh về tim mạch, phổi và hệ hô hấp. Nếu để tình trạng hút thuốc lâu dài và liên tục, có thể dẫn đến tử vong. Theo nghên cứu cũng như trên thực tế đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ con người. Không chỉ gây tác hại cho chính người sử dụng, hút thuốc lá còn ảnh hưởng tơi những người xung quanh. Những người hít phải hơi thuốc lá thường xuyên và liên tục cũng có khả năng cao mắc các bệnh giống như người hút thuốc lá. Không những thế, thuốc lá cũng gây ảnh hưởng tới môi trường. Việc hút thuốc lá sẽ tạo ra khói thuốc lá – vốn chứa nhiều chất độc hại – ra môi trường sẽ làm ô nhiễm môi trường không khí.

Hút thuốc lá có nhiều tác hại nhưng càng ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các thanh niên – coi đó như một thói quen thường ngày. Nguyên nhân ở đây có thể là do từ chính những người thân trong gia đình. Cha mẹ hút thuốc lá tác động tới hành vi của con cái, kích thích con cái sự tò mò và muốn được hút theo. Bên cạnh đó, tính đua đòi cũng là nguyên nhân dẫn đến thói quen xấu này. Nhiều người cho rằng hút thuốc lá mới thể hiện là “dân chơi”, là “đẳng cấp”.

Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm giảm thiểu số lượng người hút thuốc. Ngoài bao thuốc nào cũng ghi “hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ” như một lời nhắc nhở tới người sử dụng. Việc nhập khẩu thuốc lá cũng được đánh thuế rất nặng nhằm giảm thiểu số lược thuốc lá ngoại nhập. Khu vực công cộng như bến xa, nhà hát … cũng có các biển báo cám hút thuốc nhằm giảm thiểu những tác hại khsoi thuốc đem lại. Các hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cũng được đẩy mạnh và diễn ra trên diện rộng.

Vì một môi trường trong sạch và lành mạnh, vì sức khỏe của cộng đồng, mỗi chúng ta cùng chung tay góp sức nói không với hút thuốc lá. Mọi người nhắc nhở nhau, khuyên nhủ nhau … sẽ giúp cho người thân và gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thu Thủy (Tổng hợp)

0