06/05/2018, 09:27

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Văn mẫu hay lớp 10

Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lào Cai Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo. Ai cũng mang trong mình những yếu đuối rất con người. Và vì thế ai cũng cần được khoan dung… ...

Xem nhanh nội dung

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lào Cai

Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo. Ai cũng mang trong mình những yếu đuối rất con người. Và vì thế ai cũng cần được khoan dung…

Khoan dung là một phẩm chất đáng trân trọng của con người. Khoan dung là biết tha thứ, bỏ qua cho những sai lầm thiếu sót của người khác; là biết chấp nhận những yếu đuối sai phạm của người khác và giúp họ đứng lên sau vấp ngã. Khoan dung, còn nghĩa là tự tha thứ cho chính mình…

Khoan dung – ấy là khi bạn bỏ qua cho người lạ vừa vô tình dẫm lên chân bạn trên xe buýt. Khoan dung – ấy là khi tôi chân thành đón nhận lời xin lỗi của người bạn vừa khiến tôi buồn. Khoan dung – là khi người mẹ giang rộng vòng tay ôm lấy đứa con trai sau những chuỗi ngày lang thang, nay đã ân hận trở về. Khoan dung, nhiều cách biểu hiện, chung một trái tim: Nhân ái!!!

Vậy… tại sao phải khoan dung?

Trước hết, khoan dung là sự hiểu biết của một nhân cách cao đẹp, thể hiện một tâm hồn rộng mở, giàu lòng yêu thương. Bởi, chỉ khi biết mở rộng tấm lòng, chỉ khi tình yêu được nhân ái hoá, con người ta mới có thể quên đi những thiệt hại, những tổn thất của mình mà tha thứ cho người khác. Hãy xem cách dân tộc Việt Nam tha thứ cho kẻ thù xâm lược để thấy đưọc truyền thông nhân đạo, nhân ái của ông cha ta đáng khâm phục đến nhường nào. Trong "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi viết:

Mã Kì, Phương Chính cấp cho 500 chiếc thuyền

Vương Thông, Mã Anh cấp cho hàng nghìn cỗ ngựa.

Trong "Tuyên ngôn độc lập” Bác đã khẳng định: "Tuy vậy, dân tộc Việt Nam trước sau vẫn giữ thái độ khoan hồng, nhân đạo với kẻ thù thất thế"…

Hẳn là khi viết lại những hành động khoan dung, nhân đạo ấy của dân tộc ta, các tác giả phải tự hào biết bao!

Không chỉ là biểu hiện của một tấm lòng nhân ái cao đẹp, lòng nhân ái đã thấm đượm tình người, khoan dung còn là phẩm chất của một con người biết mình biết ta. Không ai là không phạm sai lầm. Chính khi khoan dung với người khác là bạn đang chuẩn bị cho mình "một lối đi về”… Bởi cũng sẽ đến lượt bạn sa ngã, bạn phạm lỗi. Ai sẽ tha thứ cho bạn nếu bạn không từng biết tha thứ? Ai sẽ chấp nhận bạn nếu bạn từng không đoái hoài đến sự ăn năn hối lỗi của người khác? Và ai sẽ khoan dung với bạn nếu bạn chưa từng khoan dung với kẻ khác đây?

Vậy, không khoan dung với người khác là tàn nhẫn với chính mình…

Không những thế, bất cứ khi nào bạn khoan dung cho người khác là bạn đang rộng mở một đường về cho chính họ. Lòng khoan dung sẽ cảm hoá được lỗi lầm, là động lực thúc đẩy, khuyến khích họ nhận ra sai lầm và sửa chữa. Chỉ cần một ánh mắt thiện cảm thôi cũng đủ cho những người từng là tù nhân cảm thấy được đón nhận, sống có ý nghĩa hơn, chỉ cần một nụ cười khuyến khích cũng đủ đẻ những thanh niên vừa ra trại thấy mình không bị bỏ rơi, lạc lõng..

Tôi cực kì lên án thái độ thờ ơ lạnh nhạt của một số thanh niên hiện nay. Đối với những người đã từng phạm sai lầm giờ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, mòn mỏi sống trong sự ghẻ lạnh của không ít người. Chính sự thờ ơ, lạnh nhạt, chính lòng ích kỷ thiếu khoan dung ấy đang gián tiếp tiếp tay cho tội ác lan rộng. Như thế là đúng sao? Là văn minh, tiến bộ sao?

Những ánh mắt ghẻ lạnh ấy, những con người vô cảm ấy đang khiến xã hội này ngày càng thêm lạnh! Thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn vị tha, lòng khoan dung,… tất cả sẽ chỉ còn là một xã hội vô tri, vô giác, lạnh lùng, vô cảm… Nhưng, vẫn còn đó những tấm lòng nhân ái, sống vì mọi người, biết tha thứ biết khoan dung góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, phát triển hơn, nhân ái hơn,…

Và chắc hẳn những người biết khoan dung đó sẽ luôn nhận được tình yêu thương, sự kính trọng của mọi người.

Khoan dung với người khác, rất cần thiết, nhưng chưa đủ! Tôi đau lòng khi không ít người tự dằn vặt mình, hành hạ tâm hồn và thể xác mình… vì họ cho rằng mình đã làm sai, mình không đáng được tha thứ. Đừng như thế. Biết nhận ra lỗi lầm là điều tốt, nhưng cứ sống mãi trong hoài niệm thế có tốt không? Tại sao không tự tha thứ và bắt đầu lại… một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn…?

Tuy nhiên cần biết phân biệt giữa khoan dung và bao che. Thật đáng buồn khi nhiều người tiếp tay cho tội ác mà cứ nghĩ là khoan dung. Nhìn thấy người bạn thân quay cóp bài, một lần, hai lần, rồi ba lần… làm ngơ bỏ qua, hi vọng bạn tự biết sửa chữa. Khoan dung đây ư?

Xin nhắc lại, khoan dung là tha thứ chứ không là bao che.

Khoan dung – là chấp nhận những yếu đuối của người khác và giúp họ sữa chữa – không có nghĩa là tiếp tay cho họ. Mỗi người hãy học cách khoan dung với bản thân, với người khác bằng lòng nhân ái, bằng đức hi sinh. Không chỉ biết khoan dung, bên cạnh đó, việc giúp người khác (hay chính mình) nhận ra sai lầm, định hướng sửa chữa, cũng là điều rất quan trọng.

Vâng! Tôi cũng không phải là một người hoàn hảo. Bản thân tôi cũng từng mắc sai lầm… đó là khi tôi không học bài và bị điểm kém…. tôi đã vô tình khiến bốmẹ và thầy cô thất vọng… Là khi tôi trách nhầm đứa bạn… là khi tôi đã dửng dưng trước những ánh mắt thơ ngây cầu xin sự giúp đỡ của những em bé đánh giầy tội nghiệp…

Nhưng nhờ đó tôi cũng rút ra bài học cho bản thân mình… đó là khi nhìn thấy ánh mắt buồn của mẹ, tôi biết mình cần cố gắng. Là khi nhận được lời giải thích, cái ôm xiết chặt của nhỏ bạn, tôi biết mình cần suy nghĩ chín chắn hơn. Là khi tôi nhận được sự giúp đỡ của những em nhỏ đánh giầy nhặt giúp tôi chiếc ví mà tôi đã vô ý đánh rơi, tôi biết mình cần rộng lượng… Sau những vấp ngã, tôi vẫn được đón nhận, được yêu thương.

Chính tình yêu, sự tha thứ của mọi người khiến tôi đứng lên sau những thất bại. Và tôi tin là lòng khoan dung có sức mạnh cảm hoá mãnh liệt…

Chính vì vậy, để cuộc sống tươi đẹp và giàu tình người hơn. Mỗi chúng ta hãy sống một cách chân thành, luôn bao dung và độ lượng với những người xung quanh. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật đẹp và ý nghĩa.

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 2

Người xưa thường nói “Nhân vô thập toàn” để muốn nói rằng con người không có ai là hoàn hảo, không có ai là không từng mắc sai lầm. Những lúc này lòng khoan dung, độ lượng là điều cần thiết để có thể giải quyết mọi vấn đề.

Lòng khoan dung chính là một đức tính tốt, là sự thứ tha, biết chấp nhận, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác khi họ biết lỗi. Khi có lòng khoan dung chính bản thân mình cũng thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Thực ra hiểu về lòng khoan dung cũng không phải quá khó khăn hay quá cao siêu. Nó rất gần gũi với đời sống của con người hằng ngày. Khoan dung với bạn bè, với người thân và khoan dung với chính mình là điều cần thiết để tạo nên sự gắn bó, tạo sự hiểu nhau và sống tốt hơn. Lòng khoan dung không chỉ là sự thứ tha mà còn là sự cưu mang, giúp đỡ những người đang đi không đúng đường, đưa họ trở về với cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vốn dĩ chúng ta vẫn nghĩ khoan dung chính là tha thứ, nhưng đôi khi nó lại không như vậy. Khoan dung đôi khi còn là cách nhìn nhận sự việc, sự vật, thái độ của mình đối với những người ở xung quanh chúng ta.

Chúng ta sống trong xã hội này không ai là hoàn mỹ, tuyệt đối; bởi vậy cớ sao không để lòng khoan dung kéo mọi người lại gần với nhau hơn. Ai cũng mắc phải những lỗi lầm, quan trọng là biết lỗi và sửa lỗi thì mọi chuyện vẫn có thể tốt đẹp lên. Chúng ta cần phải độ lượng, phải nhìn vào thái độ của người ta để mở lòng rộng lượng thứ tha.

Trong trường học, có nhiều bạn học sinh cá biệt, chuyên đi gây gổ, đánh nhau với các bạn không còn đi học nữa. Thầy cô đã rất nhiều lần bảo bạn ấy viết bản tự kiểm điểm và không được tái phạm. Nhưng ngựa theo đường cũ nên ngày này qua tháng khác, bạn vẫn không bỏ được thói hư tật xấu đó. Thầy cô vẫn không đuổi bạn ấy ra khỏi trường, tìm mọi biện pháp để đưa bạn trở lại với môi trường học đường lành mạnh hơn. Đây cũng chính là một biểu hiện của lòng khoan dung, độ lượng mà thầy cô đã dành cho bạn ấy.

Nếu không có lòng khoan dung thì xã hội này đã không được tốt đẹp như bây giờ. Khoan dung sẽ khiến cho con người gần nhau hơn, có thể tạo điều kiện và cơ hội để họ có thể trở lại làm người tốt.

Một người mắc sai lầm nhưng một người lại không chịu tha thứ, phải xoi mói, phải tìm điểm hạn chế của người đó để gây khó dễ thì mối quan hệ giữa hai người càng trở nên căng thẳng, mệt mỏi hơn. Không ai được thanh thản vì cứ giữ sự cố chấp ở trong lòng. Nếu có thể thứ tha được thì hãy thứ tha, vì có lẽ khi đó bản thân người được tha thứ và người đồng ý tha thứ sẽ thanh thản hơn rất nhiều.

Khoan dung với người khác, bạn cũng sẽ thấy lòng mình thanh thản và thoải mái hơn rất nhiều. Dù sự tha thứ rất khó khăn nhưng không phải là không thể, chúng ta có thể cởi bỏ ràng buộc cho người khác và cho chính bản thân mình.

Khoan dung không bao giờ là thừa, vì nó sẽ khiến cho tình cảm giữa người với người thêm gắn bó khăng khít hơn.

Không những là khoan dung với người khác và khoan dung cho chính bản thân mình cũng quan trọng không kém. Lúc đó bạn sẽ thấy được rằng ở bất kỳ nơi đâu, ở xã hội nào thì lòng khoan dung là nền tảng của rất nhiều mối quan hệ.

Đối với những người trẻ thì học cách tha thứ, học cách khoan dung là điều cần phải rèn luyện để có thể hoàn thiện bản thân mình hơn.

Để xã hội này tốt đẹp hơn và mối quan hệ giữa mỗi người cũng ngày càng bền chặt thì lòng khoan dung là điều cần thiết mà chúng ta cần phải rèn luyện hằng ngày. Tha thứ cho nhau, tha thứ cho bản thân mình sẽ giúp cuộc sống này tràn ngập tinhg yêu hơn.

Nghị luận về “Lòng khoan dung” – Bài làm 3

Trong cuộc sống của chúng ta, lòng khoan dung, độ lượng là một trong những đức tính tốt đẹp và cũng chính là tài sản của đời người mà ngày nay trong mỗi chúng ta ai cũng cần thiết phải có. Vì thế câu nói trên là hoàn toàn đúng “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”. Vậy chúng ta hiểu “lòng khoan dung” là đức tính như thế nào?

Quả đúng như vậy, lòng khoan dung là sự tha thứ, độ lượng, không khắt khe, có thể tha thứ cho những lỗi lầm mà người khác đã gây ra cho mình, không nóng nảy. Vì thế mỗi người trong chúng ta cần phải có lòng khoan dung để xử sự đúng cách trong cuộc sống và quan hệ xã hội.

Tại sao chúng ta phải có “lòng khoan dung”? Vì nó giúp chúng ta cư xử đúng mực trong cuộc sống, cho ta biết phải quan tâm đến người khác, biết độ lượng, tha thứ cho những việc làm sai trái, giúp ta hiểu hơn những cái đúng, cái sai, những gì nên tha thứ. Giống như Bác Hồ, khi thấy các anh bộ đội làm sai điều gì chỉ khuyên nhủ, nhắc nhở chứ không la mắng. Chúng ta thấy đó, lòng khoan dung chính là tài sản lớn nhất mà con người cần phải có.

Biểu hiện của lòng khoan dung là ta cần phải giúp đỡ, quan tâm người khác, đến người làm sai thì biết tha thứ, khuyên dạy điều đúng đắn. khi ta biết khoan dung, ta sẽ được sự tôn trọng của người khác, yêu mến, quí trọng của mọi người xung quanh. Mặt khác, lòng khoan dung sẽ là một yếu tố quan trọng đem lại sự bình yên, hòa thuận, hạnh phúc cho xã hội và gia đình. Khi thể hiện lòng khoan dung với người khác thì tâm hồn ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng vì đã làm được một điều có ý nghĩa của phẩm chất nhân ái, vì như thế là không phạm vào sự nhỏ nhen, hẹp hòi, trái với phẩm chất quí giá của con người.

Bên cạnh những điều ca ngợi về lòng khoan dung ta cũng phê phán lối sống ích kỷ, cố chấp, thù dai, thờ ơ. Tác hại của những lối sống đó làm cho con người trở nên ganh ghét nhau, có xích mích không thể giải quyết. Con người sẽ không còn sự tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Mà họ chỉ biết hơn thua, đấu đá để chứng tỏ chính mình.

Qua những dẫn chứng trên ta rút ra được lòng khoan dung làm cho tâm hồn ta trở nên độ lượng, cao thượng và giàu có hơn. Vì thế, ta phải lấy sự khoan dung, sự nhường nhịn làm phương châm xử thế “Một sự nhịn, chín sự lành”. Và chúng ta cần rèn luyện nhân cách, phẩm giá, sống là phải biết yêu thương sẻ chia, đồng cảm, biết kiềm chế những cảm xúc nóng giận và học cách yêu thương, vị tha, khoan dung.

Tóm lại, bản thân mỗi chúng ta phải không ngừng tự rèn luyện, phấn đấu bồi đắp cho mình có lòng khoan dung rộng lớn. Lòng khoan dung là tài sản vô giá của con người và cũng là phương châm đối nhân xử thế tốt nhất.

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung – Bài làm 4

Không ai sinh ra là đã hoàn hảo. Bởi vậy, trong cuộc sống, ta đôi khi bắt gặp những người mắc sai lầm với mình và mong muốn được sửa chữa những sai sót. Lúc này đây, họ rất cần sự cảm thông và đặc biệt là tấm lòng khoan dung. Khoan dung là biết tha thứ, bỏ qua cho những sai lầm thiếu sót của người khác; là biết chấp nhận những yếu đuối sai phạm của người khác và giúp họ đứng lên sau vấp ngã. Khoan dung còn là cách thể hiện sự cưu mang, giúp đỡ của bản thân với những người lầm đường lạc lối, giúp cho họ được trở về hòa nhập với cuộc sống hơn. Khoan dung, còn nghĩa là tự tha thứ cho chính mình. Khoan dung với chính mình là tự làm cho bản thân cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn để có thể đưa ra quyết định, mục tiêu đúng đắn hơn. Khoan dung là một đức tính tốt cần thiết trong cuộc sống. Cuộc sống không tránh khỏi những va chạm, xung đột, những gièm pha, bình phẩm không thiện ý. Con người nên chủ động giảng hòa, xoá bỏ hận thù, có hành vi ứng xử thân thiện. Hay như trong cuộc sống gia đình vợ chồng, con cái cũng có lúc nảy sinh mâu thuẫn, sự bất đồng. Khi đó rất cần sự khoan dung của những người thân trong gia đình. Cha mẹ nên vị tha khi con mắc lỗi. Qua đó, chúng ta thấy niềm vui mà khoan dung mang lại là niềm vui lớn, đích thực, khoan dung là biểu hiện của lối sống đẹp, thể hiện nhân cách con người. Ta tha thứ lỗi lầm cho người để cảm hoá người. Bản thân người cảm động bởi lòng khoan dung của ta mà ăn năn, hối lỗi, biết ơn ta, không tiếp tục mắc lỗi lầm. Bản thân ta thấy nhẹ lòng, tránh được những ý nghĩ, hành động hẹp hòi, thiển cận, trái đạo. Trong mỗi con người đều có hai mặt tốt và xấu, sáng và tối, con người luôn phải đấu tranh để chống lại nó, để chiến thắng nó, chính là lòng khoan dung, độ lượng. Bên cạnh đó, cần biết phân biệt giữa khoan dung và bao che. Khoan dung – là chấp nhận những yếu đuối của người khác và giúp họ sữa chữa – không có nghĩa là tiếp tay cho họ. Khoan dung cần phải tỉnh táo: dành cho những cá nhân biết hướng thiện, tránh tạo cơ hội cho cái ác, cái xấu. Đồng thời, cần phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của một số thanh niên hiện nay. Chính sự thờ ơ, lạnh nhạt, lòng ích kỷ, thiếu khoan dung ấy đang gián tiếp tiếp tay cho tội ác lan rộng. Thông qua đây, chúng ta thấy được vai trò to lớn của lòng khoan dung trong cuộc sống. Nếu xã hội thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn vị tha, lòng khoan dung,… tất cả sẽ chỉ còn là một xã hội vô tri, vô giác, lạnh lùng, vô cảm. Khoan dung là một đức tính tốt của con người, nó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, vì vậy, mỗi thanh niên cần phải rèn luyện cho mình đức tính khoan dung ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường. Mỗi người hãy học cách khoan dung với bản thân, với người khác bằng lòng nhân ái, bằng đức hi sinh. Không chỉ biết khoan dung, bên cạnh đó, việc giúp người khác (hay chính mình) nhận ra sai lầm, định hướng sửa chữa cũng là điều rất quan trọng. Để cuộc sống tươi đẹp và giàu tình người hơn, mỗi chúng ta hãy sống một cách chân thành, luôn bao dung và độ lượng với những người xung quanh. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật đẹp và ý nghĩa.

Thu Thủy (Tổng hợp)

0