Nghị luận xã hội về kỹ năng sống – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về kỹ năng sống – Văn mẫu lớp 12 Nghị luận xã hội về kỹ năng sống – Bài số 1 Trước khi nói tới kỹ năng sống, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm chung về kỹ năng. Kỹ năng là sự thành thạo công việc thể hiện ...
Nghị luận xã hội về kỹ năng sống – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về kỹ năng sống – Bài số 1
Trước khi nói tới kỹ năng sống, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm chung về kỹ năng.
Kỹ năng là sự thành thạo công việc thể hiện qua năng lực thực hiện hay giải quyết thành công một nhiệm vụ hay một vấn đề. Cách hiểu này nghiêng về mặt kĩ thuật hành động.
Theo nghĩa thông thường, kỹ năng là khả năng ứng dụng tri thức khoa học vào thực tiễn. Kĩ năng được hiểu là những phẩm chất trí tuệ đảm bảo cho chủ thể biết cách tư duy đúng để tìm ra được phương thức hành động đúng. Cách hiểu này nghiêng vẽ năng lực của con người.
Chúng tôi dung hòa hai cách hiểu trên và đưa ra khái niệm, kỹ năng là khả năng ứng dụng tri thức/hiếu biết vào thực tiễn, là hành động được thực hiện nhuần nhuyễn/thuần thục/thành thạo và thu kết quả tốt, cụ thể kỹ năng là biết cách làm. Có 3 kỹ năng chính: biết cách tư duy; biết cách diễn đạt; biết cách thao tác.
Con người phải có những kĩ năng nhất định để sống. Ngoài những kỹ năng chung, mỗi người tham gia vào các lĩnh vực hoạt động khác nhau nên những kỹ năng riêng giúp cho họ tồn tại và phát triển. Đó chính là kỹ năng chuyên môn mang tính nghề nghiệp. Con người rất dễ nhận ra kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp và có ý thức học tập, rèn luyện một cách nghiêm túc. Kỹ năng sống là những kỹ năng được nhìn nhận dưới góc độ tâm lí và tâm lí – xã hội không đề cập đến kỹ năng chuyên môn. Con người khó nhận ra kỹ năng sống nên giáo dục kỹ năng sống thực sự chưa được chú tâm nhiều. Có thể nói rằng có không ít người còn hiểu mơ hồ về kỹ năng sống. Kỹ năng nói chung được hiểu như trên, còn kỹ năng sống được hiểu như thế nào? Hiện nay có rất nhiều quan niệm về kỹ năng sống như sau:
Kĩ năng sống là một tập hợp các kỹ năng mà con người có được thông qua giảng dạy hoặc kinh nghiệm trực tiếp được sử dụng để xử lý những vấn đề câu hỏi thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Theo tổ chức y tế Thế giới (WHO 2003): "Kĩ năng sống là các kĩ năng mang tính tâm lý xã hội, là các khả năng để thích ứng và hành vi tích cực cho phép các cá thể giải quyết có hiệu quả nhu cầu và thách thức trong cuộc sống hằng ngày
Theo tổ chức văn hóa, Khoa học và Giáo dục của liên hiệp quốc (UNESCO): "Kĩ năng sống là kĩ năng tự quản bản thân và kĩ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả".
Theo quỹ cứu trợ Nhi đồng Liên hiệp quốc: "Kĩ năng sống là những hành vi cụ thể thể hiện khả năng chuyển đổi kiến thức và thái độ thành hành động thích hợp trong cuộc sống. Kỹ năng sống phải dựa trên nhận thức, thái độ và chuyển biến thành hành vi như một yêu cầu liên hoàn và có hướng đích".
Theo tác giả Xkomni thì kĩ năng sống là khả năng con người thực hiện những hành vi thích ứng thách thức và những đòi hỏi của cuộc sống. Kĩ năng sống thể hiện năng lực sống của con người trong cuộc sống cá nhân, trong mối quan hệ xã hội.
Theo Fred Luskin và kenneth R.Pelletier: "Kĩ năng sống là các công cụ cần thiết để làm chủ sự căng thẳng do sự thay đổi, ốm đau, mất mát, làm việc quá độ, li dị , đi lại kéo dài và những trải nghiệm bình thường khác của cuộc sống, kĩ năng sống là những kế hoạch, chương trình thực tế nhanh chóng và hiệu quả mà bạn có thể sử dụng bất kỳ lúc nào để trở nên lạc quan ứng xử và hưởng thụ trong công việc và khi vui chơi".
Theo Ngô Thị Tuyên: "Kĩ năng sống là những kỹ năng giúp con người sống bình thường trong xã hội hiện đại".
Các quan niệm trên cho thấy quan niệm về kĩ năng sống của UNESCO có nội hàm rộng hơn các quan niệm khác. Những năng lực để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày sẽ bao gồm: Những kĩ năng cơ bản như: kĩ năng đọc, viết, làm tính…; Những kĩ năng mang tính tâm lý xã hội và năng giao tiếp để giải quyết có hiệu quả những tình huống trong cuộc sống (kĩ năng tự nhận thức, đặt mục tiêu, xác định giá trị, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề; kĩ năng giao tiếp; kĩ năng cảm thông; Kĩ năng làm việc theo nhóm; kĩ năng điều chỉnh cảm xúc; kĩ năng ứng phó với sự căng thẳng) là những kĩ năng phức tạp đòi hỏi sự tổng hợp các yêu cầu kiến thức, thái độ và hành vi.
Kĩ năng sống là những kỹ năng tâm lí, kỹ năng tâm lý – xã hội cơ bản giúp cho cá nhân tồn tại và luôn thích ứng với sự biến đổi của cuộc sống. Nói cách khác: Kĩ năng sống là khả năng vận dụng tri thức, kinh nghiệm của cá nhân vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống một cách thành thạo, đảm bảo việc xử sự đạt hiệu quả.
Nghị luận xã hội về kỹ năng sống – Bài số 2
Trong những năm gần đây vấn đề kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống đang là vấn đề “nóng” được giới nghiên cứu và xã hội quan tâm, nhất là trước tình trạng báo động về nhân cách, đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ đương đại. Thế nhưng tình hình chung ở các trường phổ thông hiện nay là phần lớn thời gian dạy học đều dành hết cho các môn học chính khóa còn kĩ năng sống ít được quan tâm, hoặc là lồng ghép với các hoạt động khác như ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Giáo dục cần phải hướng đến một chương trình toàn diện, dạy học là dạy cả tri thức, kỹ năng và thái độ sống để học sinh có thể hội nhập, thích nghi với cuộc sống tương lai. Chính vì vậy chúng ta phải suy nghĩ đến ý kiến sau: “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”.
Kĩ năng sống là khả năng thích nghi, ứng phó và giải quyết các tình huống thực tiễn. Kiến thức là những hiểu biết có được từ sách vở và đời sống thông qua quá trình học tập và trải nghiệm. Ý kiến trên đã khẳng định việc rèn luyện kĩ năng sống và tích lũy kiến thức đều cần thiết.
Điều đầu tiên chúng ta cần khẳng định việc tích lũy kiến thức giúp con người tăng vốn hiểu biết để khám phá thế giới, khẳng định bản thân. Thế nhưng, chỉ tích lũy kiến thức là không đủ để chuẩn bị cho tương lai. Nhà tâm lí học Ba Lan Krytyna Skarzyska đã khẳng định: “Sự thành công của mỗi người chỉ có 15% là dựa vào kĩ thuật chuyên ngành, còn 85% là dựa vào những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế của người đó”. Xã hội hiện đại có những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội và lối sống, một mặt sự phát triển của xã hội hiện đại làm cho chất lượng cuộc sống của con người ngày càng tốt hơn, những mặt khác làm nảy sinh những vấn đề mới mà trước đây con người chưa gặp, chưa trải nghiệm, chưa biết cách đương đầu, đồng thời mức độ phức tạp, khó khăn của những vấn đề cũ đã gặp trước đây cũng có xu hướng tăng lên. Như vậy trong xã hội hiện đại con người càng cần có kĩ năng sống để thích nghi tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng và hòa nhập với môi trường một cách tốt nhất. Tại Mĩ, từ những năm 1916, người ta đã nhận ra rằng tri thức nhân loại là rất lớn nhưng để thực hành thành thạo và áp dụng, ứng dụng vào cuộc sống thì thường không như mong muốn. Cho nên mỗi người dân lao động tại Mĩ phải đảm bảo thực hành và phải được các tổ chức công nhận là đã qua 13 kĩ năng bắt buộc. Kĩ năng sống góp phần thúc đẩy cá nhân và xã hội, ngăn ngừa được các vấn đề tiêu cực nảy sinh trong xã hội, bảo vệ sức khỏe và quyền con người. Các cá nhân thiếu kĩ năng sống là một nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề lệch chuẩn. Người có kĩ năng sống biết cách bảo vệ mình trước những yếu tố bất lợi của cuộc sống, biết xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, nhân văn và từ đó góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, làm cho xã hội phát triển, văn minh.
Rèn luyện kĩ năng sống và tích lũy kiến thức có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại: tích lũy kiến thức làm nền tảng cho việc hình thành, rèn luyện kĩ năng sống; rèn luyện kĩ năng sống là điều kiện để vận dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế. Kĩ năng sống như một phản xạ, xuất phát từ chính vốn sống, tính cách của mỗi người. Kĩ năng sống không tự nhiên mà có. Đó là một quá trình học tập, tích lũy và rèn luyện của chính bản thân mỗi người. Mỗi người cũng có thể tự trang bị kĩ năng sống bằng cách quan sát, học hỏi những điều hay, điều tốt từ những người xung quanh mình, tự trải nghiệm cuộc sống với những hoạt động như đi du lịch, tham gia các chương trình, hoạt động đoàn thể, cộng đồng. Do vậy chúng ta cần phê phán những lối suy nghĩ một chiều, chỉ chú trọng vào những kiến thức sách vở mà quên đi việc rèn luyện những kĩ năng sống, từ đó khi đối mặt với khó khăn sẽ không có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề thực tiễn. Hơn thế, giáo dục kĩ năng sống cần cả một quá trình giáo dục từ gia đình đến nhà trường và cả xã hội. Trong đó có thể nói giáo dục kĩ năng sống trong nhà trường theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong nhiều con đường hình thành kĩ năng sống ở mỗi người, nhưng giáo dục kĩ năng sống theo con đường giáo dục nhà trường sẽ đảm bảo vai trò chủ đạo của giáo dục và có thể đem lại hiệu quả cao hơn nhờ tính khoa học và tính chuyên nghiệp của nó.
Lewis L. Dunmington từng nói: “Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nó đem đến cho ta điều gì mà ở chỗ ta có thái độ đối với nó ra sao, không phải ở chỗ điều gì xảy ra với ta, mà ở chỗ ta phản ứng với những điều đó như thế nào”. Nhìn lại ý kiến trên, chúng ta có thể khẳng định việc cân bằng giữa kiến thức và kĩ năng sống giúp cuộc sống con người không chỉ thuận lợi hơn mà còn có thể tạo ra nhiều giá trị thực sự trong cuộc sống. Chính vì vậy mà việc nhận thức được tầm quan trọng và biết kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa rèn kĩ năng sống với tí ch lũy kiến thức sẽ giúp mỗi người hoàn thiện bản thân và giúp cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn.
Nghị luận xã hội về kỹ năng sống – Bài số 3
Trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, thách thức tiềm ẩn. Những khó khăn, thử thách ấy là môi trường để rèn luyện chúng ta. Để có thể rèn luyện được trong môi trường ấy, chúng ta cần rèn luyện các kĩ năng sống. Việc này cũng quan trọng như việc tích lũy kiến thức của chúng ta vậy.
Trước hết, chúng ta cần phải biết được rằng kĩ năng sống là những công cụ mà chúng ta tự trang bị để có thể giải quyết vấn đề khó khăn, những tình huống hàng ngày như: kĩ năng sơ cứu vết thương, kĩ năng sinh tồn, kĩ năng làm việc tập thể,…Việc rèn luyện kĩ năng sống đòi hỏi một quá trình tích lũy kinh nghiệm sống, vốn sống. Chúng ta có được kinh nghiệm sống nhờ vào những trải nghiệm thực tế. Còn kiến thức là những tri thức, vốn hiểu biết của con người tích lũy được trong quá trình học tập và rèn luyện. Để sở hữu vốn kiến thức phong phú, không phải ngày một ngày hai mà có thể có được mà chúng ta phải tích nhặt, trau dồi hàng ngày thông qua sách vở cũng như cuộc sống. Nói việc rèn luyện kĩ năng sống cũng như việc trau dồi, tích lũy kiến thức từc là khẳng định rằng trong cuộc sống, chúng ta đều cần phải rèn luyện, tích lũy kiến thức và kĩ năng sống, tránh lối sống lệch lạc, chỉ tích lũy kiến thức mà không trau dồi kĩ năng sống của mình. Cũng như việc học đi đôi với việc hành, kiến thức gắn liền mật thiết với kĩ năng sống.
Vậy tại sao chúng ta lại khẳng định rằng việc rèn luyện kĩ năng sống có vai trò quan trọng như việc tích lũy kiến thức? Có lẽ ai cũng mong muốn mình đạt được thành công trong cuộc sống. Để có thể thành công, việc chắt nhặt, tích lũy kiến thức là điều không thể thiếu. Có vốn kiến thức phong phú, chúng ta sẽ biết cách giải quyết tình huống khó khăn để đặt chân trên con đường thành công. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cách giải quyết vấn đề, nếu chúng ta muốn biến nó thành ứng dụng thực tế thì không gì hơn bằng việc thực hành và rèn luyện kĩ năng sống. Kết hợp vốn hiểu biết và vống sống, chúng ta đều có thể ứng phó được những “vạn biến” của cuộc sống. Trang bị cho mình kĩ năng sống thiết thực, chúng ta sẽ luôn tự tin, luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như việc bạn đang du ngoạn trên đại dương mênh mông nhưng chẳng may thuyền của bạn bị hỏng và trôi dạt đến đảo hoang. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tồn tại được. Kết hợp với kiến thức hiểu biết về thiên nhiên cùng các kĩ năng sinh tồn sẽ giúp chúng ta có thể sống được trên đó trong một khoảng thời gian nhất định. Hay như việc thuyết trình trước đám đông. Làm cách nào để có thể thuyết phục được mọi người.tin tưởng vào bài nói của mình? Để làm được điều đó chúng ta cần có vốn hiểu biết rộng cùng những kinh nghiệm sống mà chúng ta tích lũy được,
Như vậy, ta có thể thấy, trong mọi tình huống của cuộc sống, chúng ta đều cần đến vốn hiểu biết và kĩ năng sống. Tuy nhiên, trong thời đại xã hội ngày nay, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ được điều này. Có những người chỉ chăm lo tích lũy kiến thức mà không trau dồi kĩ năng sống cho mình. Đến khi gặp phải khó khăn, họ lúng túng, chưa tự tin trong việc giải quyết vấn đề. Đặc biệt là các bạn học sinh ngày nay, dù có trong mình một vốn kiến thức phong phú nhưng lại thiếu thực tiễn, không chịu rèn luyện kĩ năng sống dẫn đến việc khó khăn trong giải quyết vấn đề.
Vì vậy, bên cạnh việc tích lũy, học hỏi để trau dồi kiến thức, chúng ta cần phải rèn luyện kĩ năng sống. Hãy mạnh dạn hơn, bước ra môi trường bên ngoài, giao lưu và học hỏi để xây dựng kĩ năng sống cần thiết, Chúng ta có thể học hỏi được những điều có ích từ việc quan sát mọi thứ xung quanh mình. Không chỉ “năng nhặt” kiến thức, rèn luyện kĩ năng sống mà chúng tà còn phải bồi dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách bản thân. Đồng thời, chúng ta cần phê phán lối sống lệch lạc, chỉ chăm lo việc học, trau dồi kiến thức mà không rèn luyện bản thân, thiếu kĩ năng sống.
Tóm lại, nói rèn luyện kỹ năng sống cũng quan trọng như tích lụy kiến thức là điều vô cùng xác đáng bởi lẽ trong thời đại nào, con người muốn thành công được thì đều cần rèn luyện kỹ năng sống và tích lụy kiến thức.
Nghị luận xã hội về kỹ năng sống – Bài số 4
Kỹ năng sống là một trong những kỹ năng rất cần thiết hiện nay mà hầu như tất ai cũng cần phải có. Xã hội phát triển dường như người ta không mấy quan tâm nhiều đến kiến thức lý thuyết mà thường quan tâm đến kỹ năng nhiều hơn.
Trước khi tìm hiểu về kỹ năng. Khái niệm kỹ năng bao là sự thành thạo công việc thể hiện qua năng lực, giải quyết vấn đề. Cách hiểu này nghiêng về mặt mặt kỹ thuật hành động. Kỹ năng chính là áp dụng tri thức khoa học vào thực tiễn, đảm bảo cho chủ thể biết cách tư duy đúng để tìm ra phương thức hành động đúng. Cách hiểu này nghiêng về năng lực của con người.
Tóm lại kỹ năng là khả năng ứng dụng tri thức, hiểu biết và thực tiễn, là hành động được thực hiện một cách thành thục, và thu được kết quả tốt, cụ thể kỹ năng là biết cách làm.
Con người phải có những kĩ năng nhất định để sống, để tồn tại. Ngoài những kỹ năng chung mà ai cũng phải có thì mỗi ngành nghề lĩnh vực khác nhau sẽ có những kỹ năng đặc biệt, phù hợp với ngành nghề của mình. Con người sẽ rất dễ nhận ra kỹ năng chuyên môn của mình, và có ý thức học tập trau dồi để trau dồi kỹ năng của mình. Con người, cần phải trau dồi kỹ năng của mình. Đặc biệt trong xã hội hiện đại thì việc trau dồi kỹ năng sống rất quan trọng. Nó sẽ giúp chúng ta đạt được thành công trong cuộc sống và công việc.
Khi làm bất cứ một ngành nghề gì chúng ta cần trau dồi cho mình một kỹ năng nhất định. Bởi lẽ kỹ năng sống sẽ giúp chúng ta thiên biến vạn hóa để phục vụ cho chúng ta. Đôi khi kỹ năng sống quyết định rất nhiều đến sự thành công nên chúng ta cần chú ý đến việc học kỹ năng sống.
Việc học kỹ năng sống không phải ở đâu cao siêu mà chính là học từ trong cuộc sống, các mối quan hệ, va chạm hằng ngày, dần dần sẽ hình thành được tư duy giải quyết công việc cho chúng ta. Những va vấp trong cuộc sống, sẽ giúp cho kỹ năng sống của chúng ta thêm dạn dày hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Nếu như con người mãi mãi được bao bọc mà không có sự va chạm thì chúng ta không thể trưởng thành được và cũng không thể có được kỹ năng. Chính vì thế hãy luôn luôn tạo sự năng động cho bản thân, tham gia vào tất cả các hoạt động không sợ khó không sợ khổ nó sẽ rất hữu ích cho cuộc sống sau này.
Kỹ năng sống trong thời buổi hiện đại là điều rất cần thiết cho tất cả mỗi chúng ta. Đừng cứ mãi đắm chìm trong lý thuyết mà hãy mở rộng học hỏi bên ngoài thế giới để trau dồi kỹ năng cho mình các bạn nhé.
Vũ Hường tổng hợp