14/01/2018, 18:17

Nghị luận xã hội về hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

Nghị luận xã hội về hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục Tài liệu ôn thi THPT quốc gia môn Văn Để phục vụ việc ôn tập và củng cố lại kiến thức môn Ngữ Văn chuẩn bị cho ...

Nghị luận xã hội về hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

Để phục vụ việc ôn tập và củng cố lại kiến thức môn Ngữ Văn chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2017, chúng tôi đã sưu tầm và gửi đến bạn tài liệu: . Mời các bạn tham khảo.

Nghị luận xã hội về nạn bạo hành trẻ em

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng của con người

Dàn ý nghị luận xã hội về hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

1. Giải thích

  • "Tiêu cực trong thi cử": Là những hành vi gian lận trong thi cử như: Thí sinh mang những tài liệu hoặc những thiết bị không được cho phép vào phòng thi.
  • "Bệnh thành tích trong giáo dục": Là hiện tượng chạy theo những danh hiệu thi đua của giáo viên, học sinh, các lớp, các trường và các phòng ban thuộc ngành giáo dục... gây nên hiện tượng điểm ảo, thành tích ảo, không phản ánh đúng khả năng và trình độ.

2. Nguyên nhân và hậu quả của bệnh thành tích

a. Nguyên nhân

  • Học sinh học kém nhưng vẫn mong có tiếng là "học giỏi"
  • Thầy cô muốn có tiếng tăm là "thầy giỏi"
  • Nhà trường, các phòng ban muốn có thành tích nhưng không có thực lực.
  • => Căn bệnh "thành tích" xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu đó

b. Hậu quả của căn bệnh thành tích: Đây là hiện tượng xấu để lại hậu quả nghiêm trọng cho ngành Giáo dục

  • Đối với học sinh: Tạo tâm lí học sinh ỷ lại, không phát huy được năng lực học tập, không có động lực học, không tiếp thu được tri thức, ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học
  • Đối với giáo viên: Đánh mất lương tâm nghề nghiệp; không có động lực để dạy, không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học.
  • Đối với ngành giáo dục: Nền giáo dục trì trệ, chậm phát triển.

3. Giải pháp chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

  • Tất cả cần nhận thức đây là việc cần thiết làm mang lại lợi ích cho ngành giáo dục, tạo kỉ cương trong môi trường sư phạm.
  • Đối với học sinh: Phát huy năng lực học tập, bỏ đi tính ỷ lại, học sinh không còn tình trạng "chọi nhau" trong các kì thi tập trung.
  • Đối với giáo viên: Sẽ không còn những việc làm không đúng với lương tâm, cố gắng tìm tòi phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
  • Phê phán những hành vi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

4. Bài học

  • Rút ra bài học cho bản thân và kêu gọi mọi người nói không với bệnh "thành tích". Tương lai do mình quyết định, hãy sống như thế nào để không hổ thẹn với mình với những thành quả mình đạt được trong học tập.
  • Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xứng đáng với lời Bác "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không đó là nhờ phần lớn công học tập của các cháu" hãy quyết tâm đẩy lùi căn bệnh "thành tích"...

Bài văn mẫu nghị luận xã hội về hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục

1. Bài văn mẫu 1

Trong cuộc sống đang bộn bề, biến chuyển hằng ngày như hiện nay thì xã hội, đất nước đang cần đến một lực lượng thanh niên học sinh giỏi giang, tài đức. Ngay từ bây giờ, học sinh được xem là những mầm non tương lai, là người kế thừa công cuộc phát triển đất nước đang ra sức học tập, rèn luyện hết sức mình. Nhưng trái lại bên cạnh đó, lại có một số học sinh đang học không đúng với khả năng của mình, và điều này đã tạo điều kiện cho một "căn bệnh" xâm nhập vào học đường hoành hoành, gây xôn xao ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục cùng với những tiêu cực trong thi cử.

Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.

Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trong các lĩnh vực hoạt động: Thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ... vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển, đời sống nhân dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh. Nhưng đến một lúc nào đó, khi chính những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt và cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội lại trở thành một căn bệnh, mà ngày nay chúng ta gọi nó là bệnh thành tích.

Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta, không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng lại mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Xét từ phía ngành giáo dục, thành tích giáo dục là thước đo sự thành công trong nghề nghiệp của giáo viên nói riêng, của nhà trường và địa phương nói chung. Đáng tiếc thay, trong thời gian qua, chính ngành giáo dục lại "thiết kế" ra thước đo trên bằng các chỉ tiêu giáo dục khô cứng. "Bệnh thành tích giáo dục" chính là việc nhà trường và địa phương cố gắng đạt được các chỉ tiêu giáo dục bằng mọi giá. Chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có chân tài thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.

Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục' ngay từ khi mới phát động đã được xã hội quan tâm, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bởi ai cũng biết rằng, nếu cứ để 'nạn tiêu cực trong thi cử' hoành hành và 'bệnh thành tích trong giáo dục' trở thành một căn bệnh 'mãn tính" thì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, sức lực, tuổi đời của học sinh; lãng phí tiền bạc, công sức chăm sóc con cái của phụ huynh; của thầy cô và lãng phí của cải xã hội. Điều đó sẽ là hệ quả tất yếu của những suy thoái đạo đức trong học sinh; đạo đức trong quan hệ thầy, trò và sẽ góp phần làm suy thoái những mối quan hệ xã hội khác. Cuộc vận động này là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. Điều đáng mừng là nhân dân, xã hội đều quyết liệt tham gia chống lại những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sẵn sàng lên tiếng phê phán những cá nhân hoặc tổ chức có thái độ không hưởng ứng. Sự khởi đầu tốt đẹp báo hiệu sự thành công của một cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc.

Trên tiến trình đổi mới giáo dục, bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng. Điều trước nhất là phải thay đổi từ những sai phạm của ngành giáo dục, phải kiên quyết thực hiện cuộc vận động đã đề ra, vì đó sẽ làm gương để thế hệ trẻ ngày nay tin tưởng và noi theo. Học sinh chúng ta, ngay từ bây giờ phải hết mình phấn đấu học tập bằng chính bản thân, tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử đồng thời giúp sức với nhà trường khuyên bảo và ngăn chặn các hành vi tiêu cực ấy.

Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới đề giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên thao trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối chủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì bất kì văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn nào. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những chân tài thực học hay không. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức để đẩy lùi những tiêu cực và bệnh thành tích ấy, để đưa nước Việt Nam ta ngày càng phát triển vững mạnh.

2. Bài văn mẫu 2

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, một số người đã quên đi những chuẩn mực đạo đức để chạy theo những tiêu cực trong xã hội mà bệnh thành tích trong học tập là một ví dụ. Trước tình hình đó, Bộ Giáo Dục nước ta đã vận động nhân dân "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"

"Tiêu cực" là những biểu hiện không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. "Thành tích" là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng "bệnh thành tích" lại là kết quả của sự "nỗ lực" giả dối, ngụy tạo. Sự khác nhau căn bản giữa "thành tích" và "bệnh thành tích" chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thề là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương. Còn những tiêu cực và bệnh thành tích cần phải lên án và xoá bỏ.

Căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhà trường vì muốn đạt chỉ tiêu của bộ đề ra, giáo viên muốn hoàn thành tốt thi đua của nhà trường nên đã lờ đi đạo đức nghề nghiệp mà cho điểm ảo. Phụ huynh vì muốn con em mình là học sinh giỏi, học sinh thì muốn lên lớp, có danh hiệu mà không cần phải tốn sức học bài. Vì những lý do đó mà ngày nay mới có hiện tượng chạy theo thành tích mà không cần quan tâm đến chất lượng. Đối với các vị phụ huynh, chắc chắn rằng chẳng ai muốn con mình học kém hay học mà không có chất lượng. Họ là những người đã bỏ ra tiền của thật, công sức thật, thời gian thật và những hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình khi lo cho chúng được ăn học đến thành tài. Vì thế, chẳng có lý do gì họ lại mong muốn nhận sự giả dối từ kết quả học tập của con em mình. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất mà chúng ta đã được biết qua báo chí, để con em họ qua được một kỳ thi, có một tấm bằng đề tìm việc sau này. Có một tấm bằng đi đã, vì đó là tấm bằng được xã hội thừa nhận, rồi sau này khi có điều kiện sẽ cố mà học tiếp một cách chân thực. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh và học sinh chính là những người đã tiếp tay, để cho bệnh thành tích ngày càng lan rộng và nặng hơn.

Đầu năm 2006, tại trường trung học cơ sở Trần Phú, huyện miền núi Sông Hinh tỉnh Phú Yên đã phát hiện hai mươi sáu học sinh lớp sáu đọc chưa thông, viết chưa thạo nhưng vẫn cứ được lên lớp. Trong những kì thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, hiện tượng mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vất trắng cả sân trường sau buổi thi đã từng được báo chí đề cập tới. Khi biết những thông tin này, bản thân chúng ta có suy nghĩ gì? Cả một thế hệ, cả một tương lai đất nước nay phải để những con người như thế gánh vác thì chẳng có gì kinh khủng hơn. Nếu những con người giữ những chức vụ cao trong xã hội là những người "hữu danh vô thực" thì đó là những hạt sạn của xã hội, là nguyên nhân kéo nước ta chậm lại trên con đường phát triển.

Chúng ta đều hiểu rằng, một xã hội muốn phát triển phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có năng lực thực sự, là nguyên khí của quốc gia. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thinh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục thực sự tốt sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích ấy sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển. Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới đề giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên chiến trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối thủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì có một văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không.

Chúng ta cần phải học tập thật tốt, ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức để sau này có thể giúp ích cho xã hội và cho bản thân. Cần phải đẩy lùi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Đó không phải là việc quá khó nếu chúng ta cùng có quyết tâm "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

0