Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Văn mẫu lớp 9
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Bài làm 1 Trong kho tàng ca dao tục ngữ có nhiều câu nói đến quan hệ nhân – quả như: Gieo gió gặt bão, Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu; Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác… nhằm giáo dục, khuyên nhủ mọi người hãy sống sao cho tốt đẹp; ...
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Bài làm 1 Trong kho tàng ca dao tục ngữ có nhiều câu nói đến quan hệ nhân – quả như: Gieo gió gặt bão, Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu; Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác… nhằm giáo dục, khuyên nhủ mọi người hãy sống sao cho tốt đẹp; đồng thời cũng cảnh cáo những kẻ ích kỉ, độc ác, chỉ biết lợi mình, hại người. Nhưng không phải ai ở hiền cũng gặp lành và lúc nào kẻ ác ...
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Bài làm 1
Trong kho tàng ca dao tục ngữ có nhiều câu nói đến quan hệ nhân – quả như: Gieo gió gặt bão, Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu; Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác… nhằm giáo dục, khuyên nhủ mọi người hãy sống sao cho tốt đẹp; đồng thời cũng cảnh cáo những kẻ ích kỉ, độc ác, chỉ biết lợi mình, hại người.
Nhưng không phải ai ở hiền cũng gặp lành và lúc nào kẻ ác cũng bị trừng trị. Do đó ý nghĩa của câu tục ngữ Ở hiền gặp lành vẫn tiếp tục được đưa ra bàn cãi. Trong cuộc tranh luận ở lớp, em cũng đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.
Ở hiền gặp lành có nghĩa là ta đối xử tử tế, nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách hết lòng, không vụ lợi… thì trước sau gì những điều tốt đẹp cũng sẽ đến với ta. Không nên hiểu đơn giản rằng làm ơn cho ai thì người đó sẽ trả ơn mình một cách sòng phẳng, theo kiểu thực dụng: Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại, hay Bánh ít đi, bánh quy lại. Nét đẹp trong đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam là: Làm ơn há dễ mong người trả ơn.
Thực tế cuộc sống cho thấy nhiều người ở hiền đã gặp lành. Ông bà, cha mẹ sống tử tế, nhân hậu thì con cái cũng được hưởng phúc. Phúc ở đây không phải là những lợi ích vật chất do người khác đem lại, mình chỉ việc ngồi hưởng thụ mà phúc là những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội.
Có thể hiểu nghĩa của từ lành trong câu tục ngữ này là tử tế, tốt đẹp, may mắn. Nếu ta ăn ở (đối xử) với mọi người có nghĩa có tình (Như bát nước đầy, Bán anh em xa mua láng giềng gần, Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau…) thì mọi người cũng sẽ đối xử lại với ta như vậy.
Điều đáng bàn cãi, tranh luận là trong cuộc sống không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành, mà có khi trái ngược. Nhiều người tốt lại lâm vào hoàn cảnh nghèo khó, kém may mắn; còn những kẻ ích kỉ, độc ác thì lại sống đầy đủ, xa hoa. Phải chăng câu tục ngữ trên chỉ là liều thuốc an thần dành cho giai cấp bị trị trong xã hội cũ?!
Thật ra, những điều trái với quy luật nhân – quả ở thời nào cũng có. Mâu thuẫn ấy xuất phát từ thực tế là trong xã hội, những kẻ xấu vẫn tồn tại. Chúng liên kết với nhau, tạo thành thế lực hắc ám, tác oai tác quái, làm hại người lương thiện. Pháp luật nhiều khi chưa trừng trị chúng kịp thời hoặc xử lí chưa đến nơi đến chốn để bảo vệ quyền lợi của số đông người tốt, người hiền. Để cái thiện chiến thắng cái ác, cần phải có rất nhiều điều kiện và điều kiện đầu tiên là phải quyết tâm diệt trừ cái xấu, cái ác; khuyến khích, cổ vũ cái đẹp, cái thiện từ trong mỗi con người, mỗi gia đình và rộng ra toàn xã hội.
Chúng ta cũng không nên hiểu ở hiền chỉ cổ nghĩa là nhẫn nhục chịu đựng, ngoảnh mặt làm ngơ trước cái xấu, cái ác ; hay là hiền lành, tử tế, không làm hại ai (nghĩa hẹp) mà phải hiểu sâu hơn, rộng hơn: ở hiền là hướng tới điều hay, điều tốt; tích cực chống lại cái xấu xa; là quan điểm sống Mình vì mọi người, mọi người vì mình (Bác Hồ); là đoàn kết giúp đỡ nhau cùng lao động sáng tạo, làm ra của cải vật chất và tinh thần để không ngừng nâng cao đời sống của toàn dân.
Câu tục ngữ trên nằm trong hệ thống tục ngữ giáo dục con người hãy sống hướng thiện (làm lành, lánh ác). Con người có lương thiện thì xã hội mới tốt đẹp. Để đạt được điều đó, chúng ta phải tự tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng đạo đức trên cơ sở của lòng nhân ái và trách nhiệm công dân.
Nhận thức đúng đắn, rạch ròi về cái tốt, cái xấu, về đạo lí ở đời sẽ giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách. Nhiều người tốt sẽ tạo nên sức mạnh đẩy lùi cái xấu. Chắc chắn rằng trong tương lai không xa, ý nghĩa của câu tục ngữ Ở hiền gặp lành sẽ thành hiện thực.
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Bài làm 2
Từ xa xưa, ông cha ta luôn dùng những câu ca dao tục ngữ về mối quan hệ nhân quả như: ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão,..để giáo dục con cái có thái độ sống tốt đẹp. Đến ngày nay, những lời dạy thông qua những câu tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị.
“Ở hiền gặp lành” là câu tục ngữ dạy con người ta cách sống. “Ở hiền” có nghĩa là chúng ta cần biết quan tâm, đối xử tốt với những người xung quanh, giúp đỡ người khác khi có thể, không được làm những điều sai trái hoặc làm hại ai. “Gặp lành” là kết quả khi chúng ta sống tốt thì sẽ được nhận lại những điều may mắn, tốt đẹp.
Đối với các bạn học sinh, chúng ta luôn phải kính trên nhường dưới, sống hiếu thảo với cha mẹ. Trên trường lớp, chúng ta cần nghe lời thầy cô, sống chan hòa với bạn bè. Đối với những người xung quanh ta luôn luôn giữ thái độ tôn trọng và giúp đỡ mọi người. Trên đường đi học, bạn vô tình gặp một em bé bị vấp ngã khi đang chơi bóng, bạn có sẵn sàng đỡ em dạy không? Khi ra vào cổng trường bạn có thường xuyên chào hỏi bác bảo vệ không? Mặc dù đó là những việc làm rất nhỏ nhưng sẽ rèn luyện cho chúng ta thái độ sống tốt, sống có ích. Nói đến đây, có nhiều bạn sẽ nghĩ rằng chúng ta cũng không cần thiết phải làm thế vì những người đó không có mối quan hệ gì với ta và làm như vậy chúng ta cũng không nhận được cái gì. Nếu bạn nghĩ như thế thì bạn đã nghĩ sai rồi. Khi bạn giúp đỡ người khác bạn mong nhận lại được gì? Dù là một lời cảm ơn cùng với một nụ cười nhân ái, tôi nghĩ bạn sẽ cảm thấy vui hơn rất nhiều. Niềm vui chính là món quà lớn nhất bạn nhận được khi bạn giúp đỡ người khác. Một ngày nào đó, khi bạn gặp khó khăn, ví dụ bạn vô tình bị ngã xe khi đang đi trên đường mà mọi người thờ ơ với bạn, không ai giúp đỡ bạn đứng dạy hoặc bạn quên không mang giấy để làm bài kiểm tra, bạn đã hỏi xin bạn bè nhưng không ai cho cả. Những lúc như vậy bạn sẽ cảm thấy thế nào? Câu hỏi đó tôi dành riêng cho bạn.
Bạn ạ! Cuộc sống này còn nhiều điều chúng ta chưa trải qua lắm, có rất nhiều khó khăn ở phía trước. Chúng ta không thể làm mọi thứ một mình mà chúng ta sẽ cần đến sự hỗ trợ và giúp đỡ của những người xung quanh. Vì vậy, chúng ta hãy luôn sống thật tốt, hãy luôn giúp đỡ người khác khi chúng ta có thể. Bởi một ngày bạn sẽ được nhận lại rất nhiều điều, có thể không phải từ chính họ mà từ những người khác xung quanh bạn.
Bàn về câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” chúng ta sẽ nhận thấy hai mặt của cùng một vấn đề, có phải lúc nào chúng ta cũng “ở hiền” không? Và có phải chúng ta cứ “ở hiền” là sẽ gặp lành và không bao giờ gặp ác không? Đó lại là một vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ thêm. Thực ra, bạn nên nghĩ rộng ra một chút, tức là chúng ta cần có sự khéo léo và tinh tế trong cách sống và cách cư xử. Để ta có thể nhận ra ai là người thực sự tốt với ta, ai là người có thể sẽ làm hại ta, từ đó ta sẽ có cách cư xử phù hợp. Trong cuộc sống cũng có những người không tốt, họ có thể làm hại ta bất cứ lúc nào mà không cần biết lý do là gì. Đối với những người như vậy chúng ta cần đề phòng và tránh tiếp xúc.
Câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” dạy ta cách sống, dù cuộc sống có khó khăn thì ta vẫn luôn phải sống tốt với tất cả mọi người, không được làm hại người khác để đạt được những thứ mình muốn. Tuy vậy, chúng ta cần tỉnh táo để phân biệt được người tốt, người xấu, có như vậy chúng ta mới điều chỉnh được thái độ, hành vi và làm hài hòa các mối quan hệ xung quanh ta.
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Bài làm 3
Trong cuộc sống, đã và đang có những người luôn tình nguyện giúp đỡ người khác mà không quản ngại khó khăn, để rồi sau đó, bằng cách này hay cách khác, cuộc đời lại trả ơn họ một cách hậu hĩnh… Người ta gọi những con người trong câu chuyện đó là “ở hiền gặp lành”.
Có một bà mẹ trẻ đơn thân luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn vì không đủ tiền mua sữa cho con, có những ngày chị thậm chí còn phải nhịn ăn từ sáng đến tối để tiết kiệm chút tiền lẻ. Thế nhưng, người phụ nữ đáng thương đó vẫn không quên giúp đỡ bà hàng xóm già yếu, ốm đau phải sống một mình vì đứa con trai đi làm ăn xa xứ. Chị thường xuyên lui tới để nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho bà. Năm tháng trôi đi, một ngày kia đứa con trai bà trở về và mang theo một món tiền lớn. Cậu giờ đây đã trở thành một ông chủ trên thành phố, biết ơn người hàng xóm tốt bụng vì đã chăm sóc mẹ già, cậu liền giới thiệu cho chị một công việc tốt. Nhờ công việc đó mà cuộc sống của hai mẹ con ngày càng dư dả.
Câu chuyện trên đã phần nào minh chứng cho câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” là có thật. Người “ở hiền” ở đây không có nghĩa là một người nhẫn nhịn hay luôn e thẹn tỏ vẻ hiền lành, “ở hiền” có nghĩa là luôn hướng thiện, làm nhiều việc tốt, biết giúp đỡ người khác mà không mong báo đáp và sẽ không làm hại ai cả. “Gặp lành” chính là kết quả cho việc “ở hiền”, một người “gặp lành” thường hay nhận được nhiều may mắn – đó chính là sự báo đáp công bằng từ cuộc sống. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều người làm việc tốt đã khiến không chỉ mình mà ngay cả con cháu được hưởng phúc lây. Vậy nên, có thể nói câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” khuyên con người ta nên sống tử tế, tốt đẹp bởi mình đối xử với mọi người thế nào thì họ sẽ đối xử với mình y như vậy. Để làm được điều này thì trước hết mỗi người cần tự mình trau dồi đạo đức cá nhân, tìm hiểu những giá trị nhân văn đích thực trong cuộc sống, tránh xa những điều xấu đang tồn tại trong xã hội và không ngừng cố gắng để hoàn thiện mình theo hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến xoay quanh câu tục ngữ này, nhiều người cho rằng nó không hoàn toàn thực tế bởi có rất nhiều người sống hiền lành, tốt bụng nhưng lại luôn gặp trắc trở trong mỗi bước đi của cuộc đời. Thật ra, lời khuyên vẫn chỉ là lời khuyên, nếu ta không đưa ra hành động bằng cách cùng nhau góp sức để loại trừ những thói hư, tật xấu trong xã hội thì có những người dù có ở hiền đến đâu cũng dễ bị xã hội đẩy đến tận cùng của cái khổ. Pháp luật đôi khi cũng không thể trừng trị kịp thời những kẻ xấu, vậy nên chúng cứ tung hoành và cố tình cướp đi cái gọi là “gặp lành” của biết bao người khác. Sự chung tay của mọi người sẽ giúp cho xã hội trở nên công bằng hơn. Và khi đó, câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” sẽ được thực thi theo đúng nghĩa.
Cuộc sống hạnh phúc hơn, vận may luôn “rủ nhau” tìm đến, những đứa con, cháu sẽ được hưởng phúc lành… đó là ba trong số rất nhiều những điều “lành” mà người ở hiền sẽ gặp được. Chỉ cần phân biệt được rạch ròi giữa tốt và xấu, đúng và sai, nên hay không nên làm thì dù ở tầng lớp nào trong xã hội hiện đại này con người cũng đều có thể biết cách để cái “lành” luôn ở bên.
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Bài làm 4
Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam cha ông ta bằng những kinh nghiệm thực tế hàng ngày đã gửi gắm vào trong đó những bài học có giá trị đối với mọi thời đại. Bàn về luật nhân quả thì có rất nhiều câu ca dao thể hiện mối quan hệ này như “gieo gió thì gặp bão” hay “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”. Cùng với đó là câu tục ngữ rất quen thuộc đối với chúng ta là câu “ở hiền thì gặp lành” để giáo dục chúng ta phải có cách sống đẹp sống cho hợp với đạo lí cha ông ta đã răn dạy.
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu câu tục ngữ trên có nghĩa là gì. Ở hiền là chúng ta phải biết yêu thương đối xử thật tốt đối với những người xung quanh. Đó là những biểu hiện cụ thể chứ không phải là những lời lẽ sách vở. Người ở hiền không bao giờ làm việc có hại cho người khác, làm việc gì cũng để lợi ích của tập thể chung lên hàng đầu không ích kỉ không tham lam. Gặp lành là khi chúng ta làm những việc tốt không tham lam không trục lợi thì sự may mắn sự tốt dẹp sẽ đến với chúng ta chúng ta sẽ được hưởng những hạnh phúc những niềm vui. Ta ăn ở tốt đẹp sống tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ người khác thì tất cả những điều tốt đẹp sẽ đến với ta chúng ta sẽ được đền bù xứng đáng. Đó chính là nội dung mà câu tục ngữ muốn nhắn nhủ đới với chúng ta cũng là lời răn dậy của cha ông đối với thế hệ con cháu chúng ta cần sống sao cho đúng với lời chỉ dạy của cha ông. Câu tục ngữ khuyên răn chúng ta rất đúng rất hợp lẽ tự nhiên.
Chúng ta hãy cùng nhìn những người xung quanh chúng ta nhìn người vui vẻ người sung sướng người dễ thương người khó tính mỗi người một tính cách và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Người khó tính người ác độc thì hay gặp gian truân chuyện khó. Người vui vẻ tốt bụng thì hay gặp chuyện may mắn nhẹ nhàng. Hiền và lành là đi làm tận tâm thì việc làm trôi chảy vui vẻ giúp đỡ mọi thứ thì có người giúp được việc khi mình gặp khó khăn. Vậy thế nào được gọi là ở hiền. Đó là những hành động phải giúp đỡ người khác không tham tư tham lợi không vì một mục đích riêng nào cả.
Cũng đừng ai nghĩ rằng mình không làm gì không giúp ai cũng chẳng hại ai thì mình là người hiền. Nếu thực sự bạn nghĩ như thế thì tôi khuyên các bạn hãy suy nghĩ lại bởi bạn giống như một ông bụt trong chùa còn đối với xã hội thì bạn đã trở thành một người vô cảm rồi đó. Sống hiền chính là luôn giúp đỡ người khác. Chỉ là một hành động nhỏ thôi như đưa một em bé hay một bà cụ sang đường cũng thật ý nghĩa biết bao. Trong những ngày đông giá rét này những hành động nhỏ nhoi thế thôi cũng khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng và chính những hành động đó tôi chắc chắn rằng bạn sẽ nhận được những tình cảm những niềm vui mà đối với tôi đó chính là cái “lành”cái “quả” mà bạn nhận được chứ đâu cần thiết là những giá trị vật chất mới là cái mà chúng ta đáng nhe được hưởng đâu. Khi bạn không làm điều xấu hại người bạn sẽ cảm thấy tâm hồn bạn không thấy bất an tôi lỗi hay lo lắng mà suy sụp. Không những thế khi làm việc thiện giúp đỡ người khác bạn sẽ cảm thấy rất vui vẻ thoải mái tự hào. Không chỉ thế mà mọi người xung quanh cũng sẽ yêu quý bạn giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn, cuộc sống bạn sẽ tràn đầy hạnh phúc và đó chính là những thứ mà bạn sẽ đạt được khi “ở hiền”theo đúng nghĩa của nó.
Câu tục ngữ đã được nhân dân ta gửi gắm qua rất nhiều chuyện cổ tích như chuyện tấm cám. Tấm sống thật thà tốt bụng nên trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ cũng tìm được hạnh phúc còn mẹ con Cám sông ác độc chuyên đi hại Tấm cuối cùng cũng bị quả báo và nhận lấy cái chết. Đó còn là câu chuyện Thạch Sanh thật thà chất phác luôn giúp đỡ những người xung quanh nên cuối cùng cũng lấy được công chúa và sống cuộc đời ấm no hạnh phúc còn mẹ con Lý thông sống ác độc năm lần bày lượt hại Thạch Sanh nhưng cuối cùng được chàng tha cho nhưng cũng không thể thoát được sự trừng phạt của lưới trời và đã bị ông trời trừng trị hóa thành bọ. Đó là những câu chuyện cho thấy luật nhân quả đã được ông cha ta tích lũy và gửi gắm vào trong câu tục ngữ. Trên thực tế ta cũng bắt gặp không ít những người hiền và đã gặp được lành. Đó chính là Bác hồ của chúng ta bác đã hi sinh hết mình để đem lại được độc lập tự do cho dân tộc, Bác khi nào cũng chỉ nghĩ đến đồng bào đến nhân dân. Bác đâu nghĩ cho mình dù chỉ là một giây một phút, Bác đều dành tất cả cho dân tộc ta. Cuối cùng cái mà Bác có được chính là độc lập cho dân tộc và tôi còn nghĩ đó còn là cả tình cảm của cả dân tộc Việt Nam của bạn bè thế giới dành cho Bác không bao giờ đổi thay. Đó cũng là những hành động đơn giản thôi, khi gặp một tai nạn giao thông nào đó bạn đừng đứng nhìn mà hãy gọi một cuộc điện thoại cấp cưu. Đó cũng chính là những biểu hiện cụ thể của “Ở hiền”đó bạn ạ.
Bên cạnh đó ta cũng nên nhìn nhận lại câu nói một cách khoa học nhất. Liệu có phải ai ở hiền cũng gặp lành không. Thực tế đã chứng minh không phải bao giờ cuộc sống cũng theo lôgic thuận như trên: Không ít người ở hiền mà lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống hẩm hiu, và ngược lại, có kẻ xấu mà đời sống vẫn đầy đủ, sung sướng. Tại sao lại như thế?đó là vì xã hội còn phức tạp: Những thế lực xấu vẫn tồn tại, bọn làm ăn không chính đáng, gieo thiệt hại cho người xung quanh vẫn chưa hết và trong hoàn cảnh ấy ai cũng có thể là nạn nhân – trong đó có cả người hiền. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội thật công bằng nhưng việc cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đòi hỏi thời gian. Phải dày công đấu tranh xây dựng mới biến được ước mơ thành hiện thực. Hơn nữa, chỉ ở hiền thôi chưa đủ khả năng tạo ra cuộc sống sung sướng (hiền mà lao động chưa giỏi, những năng lực khác còn thiếu )Trước tình hình trên, chúng ta có nên “ở hiền” hay không? Dù thực tế có khi phũ phàng (kết quả không tương xứng) ta vẫn nên giữ cách sống ở hiền: đó là cách sống đạo đức (nhân ái), mang đến cho tâm hồn mình sự thanh thản (giúp ích được mọi người là niềm vui lớn). Lòng tốt của mình có khi lại là một khả năng thức tỉnh, thuyết phục giáo dục kẻ xấu.
Câu tục ngữ “Ớ hiền gặp lành” khuyến khích chúng ta sống theo lòng nhân ái. Đó là một phương châm xử thế tích cực, dù có khi tạm thời cái tiêu cực đang lấn át, người lương thiện bị thua thiệt. Chúng ta mong cho tất cả những người ở hiền đều gặp lành, nhưng cũng phải nhìn trước những khả năng diễn biến phức tạp để tránh những hụt hẫng, bi quan. Mỗi chúng ta không những cần hướng thiện mà còn phải kiên trì đấu tranh cho cái thiện.
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Bài làm 5
Từ khi còn bé thơ, các bà, các mẹ vẫn thường hay kể cho ta nghe những câu chuyện cỏ tích về cô Tấm, Lọ Lem … tuy cuộc sống vất vả nhưng nhờ tấm lòng lương thiện mà luôn được người tốt giúp đỡ, cưu mang. Câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” như một lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta về thái độ sống tốt đẹp đó.
“Ở hiền gặp lành” là câu tục ngữ về một quy luật nhân quả dạy con người ta cách sống. “Ở hiền” có nghĩa là chúng ta cần biết quan tâm, đối xử tốt với những người xung quanh, giúp đỡ người khác khi có thể, không được làm những điều sai trái hoặc làm hại ai. “Gặp lành” là kết quả khi chúng ta sống tốt thì sẽ được nhận lại những điều may mắn, tốt đẹp. Gieo nhân nào gặt quả nấy, bản thân ta sống tốt ắt sẽ có ngày được đền đáp xứng đáng.
Là một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, “ở hiền” được thể hiện qua nhiều góc độ khác nhau. Đó là khi các bạn nghe lời thầy cô, hòa đồng với bạn bè,… Đối với những người xung quanh, ta luôn cư xử tốt, đúng chừng mực, kính trên nhường dưới. Trong gia đình, ta bày tỏ lòng hiếu thuận, kính trọng với cha mẹ, ông bà và yêu quý, nhường nhịn các em. Tuy đó chỉ là những việc làm, cử chỉ rất nhỏ thường ngày như một lời chào, một lời hỏi thăm … nhưng dần dần, nó rèn luyện ta một thái độ sống tốt, sống có ích. Có nhiều người cho rằng dù đã làm như vậy nhưng không nhận được cái gì. Thực chất, khi ta trao yêu thương, cũng chính là lúc bạn tự cảm thấy vui và hài lòng với chính mình.
Câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” đã có từ rất lâu rồi và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay chứng tỏ đó là một bài học thiết thực, có giá trị.
Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Ở hiền gặp lành – Bài làm 6
Ca dao, tục ngữ là một kho tàng những lời khuyên răn bổ ích giúp bạn nhận ra được chân lý và giá trị của cuộc sống. Có nhiều câu nói về luật nhân – quả trong cuộc sống hàng ngày như: gieo nhân nào gặp quả ấy, gieo gió gặp bão, ở hiền gặp hiền, ác giả ác báo; trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.
Những câu ca dao tục ngữ này nhằm giáo dục mọi người hãy sống sao cho phải đạo, luôn hướng đến cái thiện, làm điều thiện đồng thời cũng cảnh cáo những ai sống ích kỉ, độc ác chỉ biết lợi mình mà làm hại người khác.
Thực tế cuộc sống nhiều người có ý kiến cho rằng, không phải ai ở hiền cũng gặp lành, kẻ nào làm điều ác cũng điều bị trừng trị thích đáng. Hiện nay, ý nghĩa của câu ở hiền gặp lành vẫn đang có rất nhiều ý kiến đưu ra bàn cãi. Để nói về vấn đề này, trong cuộc thảo luận ở lớp, em cũng bày tỏ một số ý kiến của cá nhân.
Theo đúng nghĩa thực của câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” nghĩa là những ai đối xử tử tế với người khác, sống nhân hậu, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách chân thành và nhiệt tình, không mảy may vụ lợi thì trước sau cũng sẽ gặp điều tốt lành. Đừng quá nghĩ vấn đề thiệt hơn rằng, mình giúp đỡ ai đó để được mong trả công một cách sòng phẳng . Bởi người Việt ta vẫn thường có câu rằng: làm ơn há dễ mong người trả ơn.
Thực tế cuộc sống cho thấy, ông cha ta từ xưa đến nay, ông bà cha mẹ sống tử tế, luôn giúp đỡ người khác thì sẽ để phúc về sau, con cháu sẽ được hưởng phúc tốt đẹp. Phúc ở đây không có nghĩa là của cải vật chất mà những điều tốt đẹp cho bản thân mỗi người, gia đình và xã hội.
Nhưng điều đáng bàn cãi ở đây là trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành, nhiều trường hợp trái ngược nhau. Ở hiền nhưng lại bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó và kém may mắn. Thay vào đó, những kẻ ác độc, sống thủ đoạn thì lại được hạnh phúc đủ đầy, sống xa hoa, tiền bạc nhiều vô kể. Phải chăng câu tục ngữ chỉ là liều thuốc an thần cho những người bị trị trong xã hội cũ để họ có niềm tin ánh sáng vào cuộc sống tương lai, vào con đường phía trước.
Có thể nói, những điều mâu thuẫn, những điều trái với quy luật nhân quả bao giờ cũng xảy ra trong thực tế xã hội cả xưa và nay. những kẻ xấu vẫn tồn tại và chúng liên kết với nhau tạo thành một thế lực lớn mạnh và nhấn chìm những người lương thiện. Pháp luật có đấy nhưng không chưa kịp thời để xử lý và bảo vệ quyền lợi cho những người lương thiện. Để làm được điều này cần có những điều kiện nhất định, ngoài những điều kiện khách quan, trong tâm mỗi con người cần sự quyết tâm diệt trừ cái xấu, các ác, luôn luôn hướng đến cái đẹp, cái thiện và cổ vũ chiến thắng của cái tốt.
Câu tục ngữ trên nằm trong hệ thống tục ngữ giáo dục con người hãy sống hướng thiện (làm lành, lánh ác). Con người có lương thiện thì xã hội mới tốt đẹp. Để đạt được điều đó, chúng ta phải tự tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng đạo đức trên cơ sở của lòng nhân ái và trách nhiệm công dân.