06/05/2018, 10:09

Nghị luận xã hội về câu nói: Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội – Văn mẫu hay lớp 12

Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về câu nói: Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Trị Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: 'Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời ...

Xem nhanh nội dung

Nghị luận xã hội về câu nói: Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Trị

Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: 'Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Theo qui luật tuần hoàn của thiên nhiên, ta thấy mùa xuân vừa là cái kết thúc cho một năm cũ vừa mở đầu một năm mới. Mùa xuân mang lại sự ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, tốt tươi đầy sức sống. Và con người thời trai trẻ khi bước vào mùa xuân cũng cảm thấy mình lớn hớn, cơ thể, trí tuệ, tư duy cũng phát triển hơn và cả ước mơ khát vọng của tuổi trẻ cũng tràn đầy mãnh liệt hơn.

Như vậy sự liên tưởng giữa mùa xuân và tuổi trẻ trong câu viết của Bác là hết sức logic và thực tiễn, ở đây Bác đã rất đề cao vai trò của thanh niên trong hội, chính họ sẽ là những người sẽ làm đất nưóc tươi đẹp như mùa xuân. Điều đó được chứng minh trong những trang sử chống ngoại xâm của dân tộc biết bao thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tại sao họ có thể hoàn thành được sứ mệnh vinh quang đó bằng xương máu mà không chút e ngại, bởi họ có lý tưởng sống đúng đắn và cao đẹp: Tất cả cho Tổ quốc quyết sinh. Nhưng với hoàn cảnh sống, một môi trường sống khác tốt hơn, hạnh phúc hơn, yên bình hơn thì tư tưởng của thanh niên ngày nay là gì?

Có người nói rằng lý tưởng của thanh niên là làm giàu và điều đó đã được một số ngươi hưởng ứng cổ vũ cho rằng là lẽ sống của thanh niên. Thật ra đều là một điều sai lầm, lý tưởng luôn là một cái gì đó cao cả, hướng con người cái khát vọng lớn lao mà không nằm ngoài mục đích mang lại lợi ích cho dân tộc mình. Mỗi thanh niên luôn có quan niệm riêng về lý tưởng, tùy thuộc vào hoàn cảnh, trình độ, cách sống của mình nhưng nếu lý tưởng đó phục vụ cho riêng lợi ích cá nhân của mình thì chỉ là lối sống vị kỉ cá nhân. Còn lý tưởng phải phù hợp với xu thế chung của đại đa số thanh niên và vì mục đích trên thì đó chính là lý tưởng. Cũng giống như cái chung và cái riêng, lý tưởng riêng mỗi thanh niên phong phú hơn lý tưởng chung nhưng lý tưởng chung bao quát và sâu sắc hơn. Và lý tưởng chung đó chính là xây dựng, phát triển và vệ đất nước vững mạnh cũng như tự gắn mình vào nhiệm vụ chống đói nghèo, lạc hậu, nuôi dưỡng bản thân, gia đình, đưa đất nước phát triển và hội nhập cùng quốc tế.

Nhưng thực tế hiện nay, khi đất nước có nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng thì thanh niên chưa chứng tỏ đầy đủ vai trò, trọng trách của mình trước sứ mệnh của đất nước. Đó là một bộ phận thanh niên sông mờ nhạt. Dưới tác động của cơ chế thị trường, nhiều thanh niên đã chạy theo lối sống thực dụng của đồng tiền, lo ăn chơi, hưởng thụ, lao vào các tệ nạn xã hội. Và điều đó đã được phản ánh qua thông số thống kê trong tổng số người nghiện ma tuý thì thanh niên chiếm hơn 70%; cá nước có 63000 người nhiễm HIV thì thanh niên chiếm hơn 61% . Mỗi năm trong cả nước có 1,2 triệu đến 1,4 triệu ca nạo phá thai thì lứa tuổi thanh niên chiếm hơn 25%; 70,1% sinh viên nam và 62% sinh viên nữ ở thành phố coi sinh hoạt tình dục là cách giải trí; 30% – 40% nam nữ thanh niên từ 15-25 tuổi thừa nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Một điều không khỏi phải nhắc đến là tội phạm trong con cái những người có chức quyền có nguy cơ gia tăng, những thanh niên này thường được bố mẹ nuông chiều, thiếu sự giáo dục lại cậy quyền thế giàu có nên sống buông thả.

Cùng với việc gia tăng tội phạm trong thanh niên, thì nạn chảy máu về chất xám trong giới trí thức thanh niên hiện nay cũng đang trở thành một vấn đề bức xúc. Nhiều thanh niên sau khi được nhà nước cho di du học bằng tiền nhân dân đã định cư nước ngoài không trở về, hoặc có trở về thì cũng đi làm cho lien doanh nước ngoài để thu nhập cao. Có lẽ nguyên nhân do hoàn cảnh kinh tế, do ta chưa biết trọng nhân tài, thì điều quan trọng phải là do chính họ chạy theo lý tưởng sống thực dụng của đồng tiền mà quên đi đất nước – chính là nơi mình đã được sinh ra và nuôi dưỡng nên người. Thay vì họ phải chung sức lực, trí tuệ cùng nhân dân xây dựng, phát triển đất nước thì họ lại chạy theo lối sống cá nhân, hưởng thụ.

Hồ Chí Minh đã từng dạy thanh niên: “ Chúng ta không một phút nào được quên lí tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, chủ nghĩa xã hội hoàn toàn được thắng lợi trên đất nước ta…" Vì vậy, kế thừa lời dạy về lý tưởng cho thanh niên của Bác, kết hợp với thực tiễn ngày hôm nay của đất nước, thanh niên có thế xây dựng cho mình một lý tưởng: Không ngừng phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành nước "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Tất nhiên sự nghiệp to lớn này là toàn dân tộc nhưng thanh niên giữ vai trò quan trọng, bởi sự nghiệp này không phải một sớm một chiều mà đạt được; cần có thời gian, ngắn hay dài phụ thuộc vào sự phấn đấu của chúng ta. Thanh niên là lớp ngươi trẻ tuổi sẽ kế tục và biến sự nghiệp này thành hiện thực.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội – Bài làm 2

Dòng chảy của thời gian cứ thế trôi nhanh và rồi con người cũng phát triển dần theo dòng chảy ấy. Góp phần vào sự phát triển đó phải nhắc đến những thế hệ thanh niên luôn nổ lực để đạt được những điều tốt đẹp nhất cho quê hương. Chăm chỉ học tập, luôn ra sức xây dựng quê hương,… chính là những phẩm chất tốt đẹp lớp trẻ ngày nay. Bởi lẽ đó mà trong thư gửi thiếu niên nhi đồng năm 1946, Bác Hồ có viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là tương lai của đất nước”.

Có lẽ Bác muốn gửi đến ta một triết lý sống sâu sắc. Câu câu nói như được Bác chia thành ba phần. Mỗi phần đều được liên kết với nhau bằng tiếng trước của phần trước, tạo nên một kết cấu vô cùng chặt chẽ. Phần thứ nhất “một năm khởi đầu từ mùa xuân”. Mùa xuân là một mùa đẹp nhất trong năm, muôn hoa đâm chồi nảy lộc, chim muôn hót ca ríu rít. Sang phần tiếp theo “một đời khởi đầu từ tuổ trẻ”. Cách nói này như so sánh hai phần với nhau. Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của một đời người. Trong những giây phút ấy, ta có thể làm gì mà bản thân ta cảm thấy thích nhờ vào sức khỏe và ý chí của bản thân. Cuối cùng Bác nói rằng “tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước”. Đây như là một sự tóm lại ý nghĩa của hai phần trước. Qua câu nói ấy, Bác như muốn dạy ta rằng tuổi trẻ hôm nay như một mùa xuân tươi đẹp, bởi vậy mà ta phải biết trân trọng nó và làm cho dất nước ngày càng phát triển.

Như vậy, tại sao chúng ta phải giúp ích cho đất nước như câu nói của Bác? “Tuổi trẻ” hai tiếng vang lên làm ta cảm thấy được sự nhiệt huyết của lứa tuổi đẹp nhất của đời người này. Phải chăng vì lẽ đó mà ta phải biết giúp ích cho đất nước. Vì trải qua một quá trình dựng nước, giữ nước đầy gian khổ, qua biết bao cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đầy gian nan. Nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ tăm tối. Khi hòa bình thì tuổi trẻ chúng ta phải biết trân trọng và khôi phục lại sự phát triển cho đất nước.

Ông cha ta ngày xưa đã cố gắng dựng nước và giữ nước thì chúng ta là những chủ nhân tương lai của đất nước phải biết đền đáp công ơn to lớn ấy của cha ông mình bằng cách bảo vệ và đưa đất nước đến một tầm cao mới. 

“Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”

Câu nói ấy của Bác đã được bao lớp thanh niên từ ngàn đời ghi nhớ và học tập. Dường như câu nói ấy đã đi vào tâm trí của tuổi trẻ chúng ta khiến mỗi lần nhắc đến thì chúng ta lại muốn giúp ích cho đất nước nhiều hơn. Hãy là một mùa xuân có nghĩa để cho đất nước ngày càng phát triển.

“Trong ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thì giặc dốt là thứ giặc đáng lo sợ nhất” – Bác đã dạy các chiến sĩ. Điều đó như đồng nghĩa với mối đe dọa cho tương lai của đất nước. Bởi lẽ giặc dốt không biết đâu là đúng, đâu là sai nên hành động một cách thiếu suy nghĩ. Và chính điều đó sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước. Biết được điều này chúng ta phải cố gắng học tập và còn rèn luyện để đưa đất nước ngày một sánh vai với các đất nước khác.

Đất nước chúng ta vốn giàu tài nguyên, khoáng sản,… Với thiên nhiên như thế, nếu biết phát huy thì đất nước sẽ rất phát triển. Bởi lẽ đó mà mỗi chúng ta phải cố gắng học tập, rèn luyện để tạo ra mùa xuân cho đất nước. “Rừng vàng, biển bạc”, núi non bạc ngàn, biển cả bao la, rất cần thế hệ trẻ chúng ta áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại để khai thác làm cho đất nước thêm giàu đẹp.

“Một con người ngu dốt cộng thêm sự nhiệt tình sẽ trở thành một kẻ phá hoại”. Tuổi trẻ chúng ta không ai muốn làm kẻ phá hoại cả đúng không? Vì vậy hãy cố gắng học tập thất tốt để con đường thành công công sẽ rộng mở chào đón ta. Từ sự thành côn ấy ta sẽ giúp đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thanh niên tốt thì gia đình và xã hội sẽ tốt. Gia đình lại là tế bào của xã hội nên sẽ làm cho tương lai đất nước cũng như xã hội trở nên vững chắc và phát triển mạnh mẽ. Và rồi chính cái xã hội ấy góp phần cho tuổi trẻ chúng ta hoàn thiện hơn. Mối liên hệ chặt chẽ này đã phần nào cho ta thấy trách nhiệm của mình trước tương lai đất nước nên ta phải ra sức phát huy và rèn luyện.

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải thanh niên nào cũng tốt, cũng chăm chỉ học tập để giúp ích cho đất nước. Một số bạn học sinh hiện nay cho rằng việc đến trường là để giải trí, gặp gỡ, nói chuyện với bạn be cho vui. Một số khác lại cho rằng việc học là do cha, me, thầy, cô bắt ép nên đến trường với một tâm trạng khó chịu, nặng nề. Thử hỏi học như vậy làm sao có hiệu quả được? Như vậy thật không đúng. Đến trường để học bao điều thú vị và mới lạ thế mà các bạn ấy lại như thế thì thật đáng trách. Nếu đến trường với một tâm trạng hứng khỏi thì việc này sẽ trở thành niềm vui mà còn vô cùng có ích nữa. Tất cả đều hướng đến tương lai của ta nên ta phải cố gắng để tạo nên mùa xuân đúng nghĩa cho đất nước.

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là tương lai của đất nước”. Câu nói ấy của Bác như một đạo lí đáng để ta học tập. Ta phải biết chăm lo cho tương lai đất nước. Một đất nước Việt Nam tươi đẹp như mong muốn của Bác trong thư gửi học sinh nhân ngày Tết Trung Thu sẽ không còn xa vời khi ta biết học tập và cống hiến cho đất nước. Hãy ra sức rèn luyện vì đất nước để tương nay của Việt Nam sẽ là một là một chiếc bàn đạp đưa ta lên đỉnh vinh quang.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội – Bài làm 3

Xuân, hạ, thu, đông – bốn mùa trong một năm, có mùa nào đẹp như mùa Xuân? Cuộc đời 100 năm, tuổi trẻ khởi đầu một đời người, tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất. Tuổi trẻ – tuổi thanh xuân của một đời người, cũng là mùa xuân của đất nước, của xã hội. Rất yêu quý và tin cậy tuổi trẻ Việt Nam, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng cả nước, nhân dịp Tết năm 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới. Sau mùa đông tàn tạ, vũ trụ trở lại mùa xuân. Mùa xuân là chúa muôn loài. Nó đem lại sinh khí nhựa sống cho tạo vật, cỏ cây, hoa lá, chim muông, con người, vạn vật như trẻ lại, đẹp lại cùng mùa xuân. Cây đâm chồi nảy lộc, hoa tưng bừng rực nở, nắng xuân ấm áp chan hoà:

“Của ong bướm này dây tuần tháng mật

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này dây ánh sáng chớp hàng mi” 

(Xuân Diệu)

Mùa xuân đem đến sức sống mới cho muôn loài, đem đến niềm vui và hi vọng cho con người, nhất là tuổi trẻ. Mùa xuân khởi động trong thế đi lên của tạo vật. Hoa nở và kết trái. Mùa của sánh bầy, kết đôi, mùa của hạnh phúc, của lễ hội. Con người vào xuân. Đất nước vào xuân: 

“Xuân ơi xuân, em mới đến dăm năm 

Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội” 

(Tố Hũu)

Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Người ta gọi tuổi trẻ là tuổi thanh xuân, tuổi hoa niên. Tuổi tràn trề nhựa sống. Tuổi sục sôi bầu nhiệt huyết. Sinh lực dồi dào, tâm hồn trong sáng, yêu đời, trí tuệ phát triển mạnh mẽ, phong phú. Tuổi trẻ là tuổi đua tranh để thực hiện lí tưởng, ước mơ và hoài bão của mỗi người. Như hoa khoe sắc đua hương, tuổi trẻ đánh dấu con đường học tập thành tài, mở đầu cho một sự nghiệp, xây dựng một nhân cách văn hoá. Tuổi trẻ Việt Nam xuân 1946 là tuổi của độc lập, tự do, của kháng chiến và cách mạng.

Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Là thế hệ trẻ trung, giàu thể chất và tiềm năng, cần cù và hiếu học, dũng cảm và yêu đời. Là lớp người nhạy cảm, ham tiến bộ, giàu tinh thần yêu nước, có tinh thần đổi mới và luôn hướng về cái mới theo sự vận động đi lên của lịch sử. Thời bình, tuổi trẻ là lực lượng chính trong sản xuất, nghiên cứu khoa học để xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lúc đất nước bị xâm lăng thì “người con trai ra trận – người con gái trở về nuôi cái cùng con (Nguyễn Khoa Điềm). Họ đã đem xương máu bảo vệ sơn hà xã tắc, đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thế hệ trẻ là trụ cột của nước nhà: “Thanh niên lay trời, trời phải rung, thanh niên xoay đất, đất phải chuyển” như Phan Bội Châu đã nói. Một Trần Quốc Toản “phá cường địch, báo hoàng ân”, một Lí Tự Trọng, một Võ Thị Sáu hiên ngang bước ra pháp trường, một Cù Chính Lan dùng thủ pháo diệt xe tăng giặc Pháp, những cô gái Đồng Lộc, hàng nghìn hàng vạn chàng trai, cô gái “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” – tất cả là tuổi trẻ Việt Nam anh hùng. Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước vào tuổi 21, đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư Đảng năm 23 tuổi đời, v.v… Các nhà thơ trong phong trào Thơ mới (1930-1945) làm nên một thời đại thi ca đều trong độ tuổi học sinh thanh niên- Nghệ sĩ Pianô Đặng Thái Sơn giật giải nhất cuộc thi Sô-Panh khi trên ngực còn lấp lánh huy hiệu Đoàn Thanh niên Cộng Hồ Chí Minh. Thật vậy, thanh niên là mùa xuân của xã hội, là hình ảnh đep đẽ của dân tộc trong hiện tại và tương lai để bảo vệ và xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Tuổi trẻ là kì vọng của dân tộc, họ sẽ nối bước cha anh gánh vác sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phấn đấu giành được nhiều thắng lợi to lớn trong mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tuổi trẻ – thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh đã đi tiên phong trong sự nghiệp kháng chiến đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mĩ xâm lươc giành lại độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Tự hào thay thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng. Tuổi trẻ Việt Nam là con em của dân tộc anh hùng. Họ mang trong dòng máu mình sức trai Phù Đổng. Để mãi mãi xứng đáng là mùa xuân của xã hội, tuổi trẻ cần tu dưỡng lí tưởng và đạo đức cách mạng, biết “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Con đường của tuổi trẻ Việt Nam đi tới ngày mai đầy ánh sáng và hi vọng. Những mùa xuân đẹp đang chờ đón họ. Con đường học tập, con đường nghiên cứu khoa học, con đường lao động sáng tạo là con đường của tuổi trẻ hai mươi. “Đừng ham chơi, đừng ham mặc, đừng ham ăn”, câu thơ của Phan Bội Châu vẫn là tiếng nói chân thành nhắc nhở chúng ta: Phải biết hướng sức trẻ, trí tuệ tuổi trẻ vào những việc ích nước lợi nhà. Những hiện tượng tiêu cực như sống buông thả, thích ăn chơi hưởng thụ, học hành lười biếng, sa sút về đạo đức,… trong một bộ phận thanh niên, thiếu niên hiện nay đã và đang làm nhức nhối lòng người. Đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực đó là để tâm hồn tuổi trẻ Việt Nam trong sáng hơn, chí khí thanh niên thêm hùng cường hơn, để tuổi trẻ Việt Nam mãi mãi là mùa xuân của xã hội, là trụ cột của nước nhà.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Nếu được làm hạt giống để mùa sau 

Nếu lịch sứ chọn ta làm điểm tựa 

Vui gì hơn làm người lính đi đầu 

Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa.

(Chào xuân 67)

Mỗi một thanh niên chúng ta, các bạn và tôi, ước gì chúng ta “được làm hạt giống để mùa sau”, đem bàn tay, khối óc để giúp ích cho dân tộc,thực hiện đúng lời Bác dạy: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa tìm kiếm

0