06/05/2018, 10:06

Nghị luận xã hội về câu nói: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động – Văn mẫu hay lớp 12

Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về câu nói: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Bình Danh ngôn có câu: "Ý nghĩa là nụ hoa Lời nói là ...

Xem nhanh nội dung

Nghị luận xã hội về câu nói: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Bình

Danh ngôn có câu: 

"Ý nghĩa là nụ hoa 

Lời nói là bông hoa 

Việc làm là quả ngọt".

Thật đúng như vậy, cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa như thế nào là tùy thuộc vào cách thể hiện của mỗi con người. Một quan niệm có nội dung tương tự: " Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".Vậy "đức hạnh" là gì? Và tại sao hành động lại là nơi chứa đựng mọi phẩm chất của đức hạnh? 

Trước hết cần phải hiểu " đức hạnh" là những đức tính tốt đẹp của con người. "Phẩm chất" có thể hiểu nôm na là những tính cách, tính chất bên trong của con người. Nó có ý nghĩa trái ngược hoàn toàn với "hành động", là những cử chỉ việc làm bên ngoài. Như vậy, ta có thể hiểu nói trên như là một lời nhân xét, một kinh nghiệm của M. Xi-xê-rông: những đức tính tốt đẹp của con người đều được thể hiện qua hành động. Nếu những cử chỉ và hành động của bạn là đúng, điều đó đồng nghĩa với việc bạn là người có nhân cách tốt, có đức hạnh. Ngược lại, nếu bạn có những cử chỉ, hành động không đẹp, thì có thể lắm bạn là một người chưa hoàn thiện về nhân cách, bạn còn cái lối sông ích kỉ, chỉ nghĩ cho riêng mình. 

Nhiều người đã tự hỏi làm thế nào để có thể làm được như câu nói trên. Thật ra câu trả lời rất đơn giản. Bạn không cần phải làm những việc lớn lao hay hy sinh những thứ quí giá của mình thì mới gọi là nhưng cử chỉ, hành động đẹp. Mỗi buổi sáng đi học, bạn không sợ trễ học mà dắt một cụ già qua đường. Mỗi tháng, bạn gom góp báo cũ đem bán để ủng hộ "Quỹ vì người nghèo". 

Ở nhà, bạn quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc cho những người thân của mình. Khi đến trường, bạn cố gắng học tập và cư xử lễ phép với thầy cô, quan tâm đến bạn bè. Tất cả những điều đó thể hiện bạn là một người có những đức tính tốt và cao đẹp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt phải còn có những mặt trái của vấn đề. Đôi lúc, những hành động, cử chỉ đẹp lại không chứa đựng những đức tính tốt đẹp. Có những người làm những điều đó vì những mục đích không tốt, để qua mặt người khác. Lại cũng có những người không hề có những đức tính tốt đẹp, nhưng họ giả vờ có những cử chỉ hành động cao đẹp để chiếm lấy trái tim của người khác. Những việc làm của họ không nói lên họ là những người có đức tính tốt mà ngược lại họ còn làm cho người khác cảm thấy khinh bỉ và ghê tởm. Những con người đó rất đáng bị phê phán vì nếu cứ để họ tồn tại như vậy sẽ gây nên những tổn hại không đáng có cho người khác và cho xã hội. 

Tóm lại, mỗi học sinh chúng ta phải cố gắng rèn luyện đạo đức và trau dồi kiến thức. Hãy nhìn mọi người bằng con mắt yêu thương, trìu mến. Bạn sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn và muốn hành động, cư xử đẹp hơn. Qua đó, bạn sẽ cảm nhận được những đức tính tốt đẹp của mình.

Nghị luận xã hội về câu nói: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động – Bài làm 2

Khi mỗi người trong chúng ta làm một việc tốt, bất kể là việc gì, có ai biết rằng chúng ta đang thể hiện đức hạnh của chính mình. Hay nói cách khác những lời của nhà văn Pháp M. Xi-xê-rông: "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".

Mỗi con người khi sinh ra đều co mặt tốt và mặt xấu. Trong mặt tốt, một phần chính là đức hạnh của mỗi người. Đức hạnh là đạo đức, là phẩm chất, là những đức tính tốt đẹp của con người, có sẵn hay phải trải qua quá trình rèn luyện mới có được. Hành động có thể được định nghĩa là những việc làm có thể được bộc lộ hằng ngày, và quan trọng hơn đó là sự thể hiện của đức hạnh. Đó cũng chính là phần còn lại của mặt tốt trong mỗi người. Cả câu nói của nhà văn M. Xi-xê-rông mang ý nghĩa như chính nghĩa gốc của nó. Mọi phẩm chất tốt đẹp cần được thể hiện ở trong những hành động cụ thể.

Một người không phải tự nhiên được biết đến là có đức hạnh, mà điều đó còn phụ thuộc vào những việc làm ý nghĩa mà người ấy đã làm. Đơn giản hơn, đó chỉ là những công việc bình thường, như giúp đỡ người già qua đường nhường chỗ cho phụ nữ và trẻ em trên xe buýt hay biết quan tâm đến người khác và đối xử tốt với mọi người xung quanh. Đó chi là những công việc nhỏ hằng ngày được xuất phát từ một tâm hồn trong sáng, luôn hướng về cái đẹp, cái thiện, điều đó sẽ chính là sự thể hiện của đức hạnh.

Người ta thường nói rằng:

"Ý nghĩa là nụ,

Lời nói là bông hoa,

Việc làm mới là quả ngọt."

Khi ta có ý nghĩa về một việc làm tốt, ta cần nói ra để xem xét. Nhưng không phải là nói suông, ta cần phải thực hiện điều đó. Chúng ta làm điều đó bằng tất cả tấm lòng, biến những điều ấy từ suy nghĩ, lời nói thành vệc làm như thế, như vậy mới tạo thành "quả ngọt".

Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp cần được xem xét trong từng hoàn cảnh. Nói dối được xem là một hành động xấu và sai. Nhưng trong trường hợp một bác sĩ phải nói dối về bệnh tình của bệnh nhân để người ấy yên tâm tiếp tục điều trị, đó lại là một hành động cao cả. Thế nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều những kẻ thiếu đức hạnh. Họ nói ra những điều lớn lao, cao cả nhưng hành động thì ngược lại, vì thực chất, họ làm vậy vì những mục đích ích kỉ riêng cho chính họ. Chúng ta không loại bỏ họ mà phải làm thay đổi được những con người ấy.

Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có những con người làm nhiều việc tốt, biết tu dưỡng bản thân, hoàn thiện tâm hồn. Điều đó được xuất phát từ đức hạnh ta hay cũng chính là sự thể hiện của một con người có mọi phẩm chất tốt đẹp từ đức hạnh.

Nhạc sỹ thiên tài người Đức Beettoven có nói "Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác". Ý kiến đó có còn nguyên giá trị trong cuộc sống của ngày hôm nay? "Hạnh phúc" chính là cuộc tốt đẹp; niềm vui, sự thỏa mãn về mặt tinh thần, tình cảm của con người… Còn "cao quý" và "tốt đẹp" là những cụm từ có ý tôn vinh, ca ngợi. Câu nói "Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác" của Beettoven thể hiện quan niệm sống đẹp, khẳng định, ca ngợi quan niệm sống hướng về cống hiến, vị tha… Trong cuộc sống, ai cùng tìm kiếm hạnh phúc nhưng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Có người coi sự thỏa mãn vật chất, tình cảm của riêng mình là hạnh phúc. Nhưng cũng có không ít người quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng. Đối với họ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. Beethoven quan niệm như thế. Những người biết sống vì người khác, đem lại hạnh phúc cho người khác, là những người có tấm lòng nhân hậu; có cuộc sống đầy ý nghĩa cao cả, đáng trân trọng.. Thật vậy, trong cuộc sống nếu chúng ta đem lại được hạnh phúc cho người khác thì quả là tuyệt vời. Hạnh phúc đó có thể dễ dàng có được khi ta giúp đỡ một cụ già qua đường, hay nhường chỗ cho một phụ nữ có thai trên xe buýt… Tất cả những điều đó thật đơn giản nhưng đã mang lại hạnh phúc cho người khác, làm mọi người vui vẻ. Và không dừng ở đó, hạnh phúc cũng ở tại với chúng ta khi ta làm được một điều tốt đẹp, có ích cho người khác, cho xã hội. Hành động cao cả và tốt đẹp hơn, to lớn hơn chính là hạnh phúc của sự bình yên mà các anh bộ đội, các chiến sỹ Cách mạng đã đem lại cho chúng ta. Tất cả những hy sinh của các anh chỉ để đem lại hạnh phúc cho chúng ta, cho dân tộc. Hạnh phúc ở đây là sự độc lập, tự do cho cả dân tộc. Thật cao quý và tốt đẹp đáng tôn vinh nhường nào!

Việc đem hạnh phúc cho người khác thật đơn giản nhưng cũng rất cao quý. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn nhiều người ngay cả việc nhỏ nhất họ cũng không làm. Một số họ chỉ biết có bản thân, toàn đem lại bất hạnh cho người khác. Trong gia đình, chúng ta cần lên án những người chồng vũ phu, đánh đập vợ con hoặc những đứa con bất hiếu chỉ ăn chơi, thoả mãn nhu cầu cá nhân, làm cha mẹ đau lòng. Tại sao những con người ấy lại nhẫn tâm đem lại bất hạnh cho chính những người thân yêu nhất của mình?… Ngoài xã hội, hiện có một lớp thanh niên, thay vì giúp đỡ người già yếu, họ lại lợi dụng để cướp giật, móc túi… Những kẻ lấy sự bất hạnh của người khác làm hạnh phúc của mình cần đáng bị trừng trị!

"Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác". Đó là một quan điểm sống mang tính nhân văn. Nêu có một điều ước thì tôi sẽ ước cho tất cả mọi người trên thế giới này đều được hạnh phúc. Muốn vậy, ngay từ bây giờ mỗi người chúng hãy cố gắng làm thật nhiều điều, dù lớn, dù nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho mọi người, cho gia đình và cũng là cho bản thân chúng ta…

Nghị luận xã hội về câu nói: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động – Bài làm 3

“Ý nghĩa là nụ hoa

Lời nói là bông hoa

Việc làm là quả ngọt”.

Nụ hoa, bông hoa đẹp thật nhưng chỉ để ngắm nhìn. Còn muốn thưởng thức được quả ngọt thì phải hành động. Cũng như vậy, cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa như thế nào là tuỳ thuộc vào hành động của mỗi con người. Nhà triết học La Mã cổ đại M. Xi-xê-rông dã từng nói:

“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.

Vậy “đức hạnh” là gì? Đức hạnh là những gì cao quý nhất, trong sáng nhất trong tâm hồn mỗi con người chúng ta. Còn hành động là gì? Hành dộng là những gì biểu hiện ra bên ngoài, qua đó thể hiện tính cách của mỗi người. Như vậy, ta có thể hiểu câu nói trên như là một lời nhận xét, một kinh nghiệm của M. Xi-xê-rông: những đức tính tốt dẹp của con người đều được thể hiện qua hành dộng. Nếu những cử chỉ và hành động của bạn là đúng, điều đó đồng nghĩa với việc bạn là người có nhân cách tốt, có đức hạnh. Ngược lại, nếu bạn có những cử chỉ, hành động không đẹp, thì có thể bạn là người chưa hoàn thiện về nhân cách.

Làm thế nào để xã hội và những người xung quanh biết một người có phải là người đức hạnh hay không?

Ý kiến của nhà văn Pháp nêu trên đã trả lời cho câu hỏi đó. Hành động là biểu hiện cụ thể, là thước do của “mọi phẩm chất của đức hạnh”. Hành động cụ thể của mỗi người cho mọi người biết người đó có đức hạnh hay không và nếu có thì ở mức độ nào. Đức hạnh là cội rễ, hành động là hoa thơm quả ngọt dâng đời.

Không có hành động thì đức hạnh không để lại gì, không đóng góp gì cho người thân và xã hội. Đánh giá đức hạnh con người nhất thiết phải thông qua hành động của người đó, không thể chỉ dựa vào lời nói mà kết luận vội vàng.

Biểu hiện cụ thể của đức hạnh là tình yêu thương đồng bào và tinh thần nhân đạo cao cả, thể hiện ở sự đóng góp dù rất ít ỏi cho quỹ người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt, qua hành động giúp cụ già, em bé đi qua đường. Hoặc lòng hiếu thảo, yêu thương cha mẹ phải thể hiện ở hành động chăm học, sống tiết kiệm, biết quý trọng đồng tiền cha mẹ vất vả kiếm được. Lòng yêu thiên nhiên phải thể hiện ở hành động giữ gìn vệ sinh môi trường sống, tiết kiệm điện nước, trồng cây để cho môi trường sống xung quanh ngày càng xanh, sạch, đẹp. Lòng yêu lao động thể hiện ở hành động chăm học, chăm làm. Học tập cũng là một loại hình lao động: lao động trí óc. Học tập suốt đời để sống tốt, lao động tốt, sức khoẻ tốt, tu dưỡng phẩm chất, đức hạnh tốt. Học tập là cơ sở để ta có phẩm chất của đức hạnh và hành động phù hợp với phẩm chất của đức hạnh.

Tấm gương tiêu biểu nhất về “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Lòng yêu thương con người yêu quê hương dất nước của Bác luôn dược thể hiện qua hành động việc làm cụ thể: Bác ra di tìm đường cứu nước, chịu muôn vàn gian khổ để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Bác đã lãnh đạo nhân dân ta chiến đâu chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, thống nhất đất nước.

Vậy, tại sao mọi phẩm chất của đức hạnh lại ở trong hành động? Vì đức hạnh là những phẩm chất cao quý trong tâm hồn, là mục tiêu mà con người chúng ta luôn vươn tới. Những phẩm chất đó tô điểm cho tâm hồn chúng ta, làm chúng ta luôn hoàn thiện bản thân mình. Một người có phẩm chất tốt luôn thể hiện những hành động đàng hoàng, đúng đắn, có những việc làm vì mọi người, có đóng góp cho cộng đồng xã hội. Như vậy, mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” là một nhận định đúng đắn.

“Con người sống nhờ hành động chứ không phải nhờ tư tưởng .

(Anatole France)

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt phải còn có những mặt trái của vân đề.

Đôi lúc, những hành động, cử chỉ dẹp lại không chứa đựng những tình cảm tôt đẹp. Có những người làm điều đó vì những mục đích không tốt. Lại cũng có những người không có đức tính tốt đẹp nhưng họ giả vờ có những cử chỉ hành động đẹp để chiếm lây trái tim của người khác. Những việc làm của họ không nói lên họ là những người có đức tính tốt mà ngược lại, họ còn làm cho người khác cảm thấy khinh bỉ và ghê tởm. Những con người đó rất đáng bị phê phán vì những hành động của họ sẽ gây nên những tổn hại không đáng có cho người khác và cho xã hội.

“Làm tốt tốt hơn là nói hay”.

(Benjamin Franklin)

Nhưng làm thế nào để có được những hành động đẹp tương xứng với phẩm chất của đức hạnh?

Thật ra câu trả lời rất đơn giản. Bạn không cần phải làm những việc lớn lao hay hi sinh những thứ quý giá của mình thì mới gọi là những cử chỉ, hành động đẹp. Mỗi buổi sáng đi học, bạn không sợ trễ học mà dắt một cụ già qua đường. Mỗi tháng, bạn gom góp báo cũ đem bán để ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, ở nhà, bạn quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc cho những người thân của mình. Khi đến trường, bạn cố gắng học tập và cư xử lễ phép với thầy cô, quan tâm đến bạn bè. Tất cả những điều đó thể hiện bạn là một người có những đức tính tốt và cao đẹp.

Mỗi học sinh phải luôn luôn gìn giữ và phát huỵ nhưng phâm chất tốt đẹp của mình thông qua việc làm, lôi sống, quan hệ xã hội. Trước hết là hiếu thảo đối với cha mẹ: là người con ngoan, chăm học, giúp cha mẹ việc nhà, giản dị, tiết kiệm… Đối với thầy giáo và người cao tuổi: phải kính trọng và lễ phép. Đối với bạn bè: trung thực, chân thành, quan tâm, giúp đỡ khi cần. Đối với xã hội: thực hiện lối sống văn minh, giữ vệ sinh môi trường, ý thức thực thi pháp luật như luật giao thông, phòng ngừa tệ nạn cờ bạc, ma tuý… Thực hiện phương châm: lời nói đi đôi với việc làm, không ba hoa, hứa hẹn lung tung. Nhất là phải dũng cảm vạch trần các hành vi gian lận, tiêu cực trong học tập và thi cử.

Tóm lại, học sinh chúng ta là thế hệ tương lai và kế cận của xã hội sau này. Chúng ta hãy xây dựng một hình ảnh, một tính cách của mình bằng những hành động của chúng ta, bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất, để xã hội ngày càng tươi đẹp và tốt hơn, “cho bạn và cho tôi, cho tất cả mọi người”. Và hãy nhớ rằng, “mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.

“Sấm thì tốt, sấm thì gây ấn tượng lắm; nhưng sét mới làm nên chuyện”.

Nghị luận xã hội về câu nói: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động – Bài làm 4

Những phẩm chất cao quí trong tâm hồn con người luôn là một mục tiêu mà chúng ta vươn tới. Đó chính là đức hạnh. Những phẩm chất đó tô điểm cho tâm hồn chúng ta, làm chúng ta luôn hoàn thiện bản thân mình.

Muốn thế, chúng ta phải thể hiện qua hành động, qua hành vi cử chỉ hằng ngày của chúng ta. Và vì vậy,"mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".

Đức hạnh là gì? Đức hạnh là những gì cao quí nhất, trong sáng nhất trong tâm hồn của mỗi con người chúng ta. Hành động là gì? Hành động là những gì biểu hiện ra bên ngoài, qua đó thể hiện những tính cách của mỗi người. Những phẩm chất và hành động của con người là khác nhau, tạo nên sự khác biệt trong tính cách của mỗi thành phần trong xã hội. 

Vậy chúng ta phải làm gì để có được những phẩm chất cao quí và trong sáng mà chúng ta gọi là đức hạnh? Thật ra, đức hạnh là một điều không khó để vươn tới. Nó không quá cao siêu, chỉ là những gì nhỏ nhất đủ để đánh giá một con người. Giúp một bà cụ qua đường, tìm mẹ cho một em nhỏ bị lạc, hay đơn giản chỉ là một nụ cười khi ta gặp môt người quen ngoài đường, tất cả đã góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người chúng ta. Như thế, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với mọi người, làm cho quan hệ giữa người với người càng trở nên tươi đẹp và góp phần biến xã hội chúng ta thành một nơi "tốt hơn cho bạn và cho tôi". 

Đức hạnh chỉ đơn giản, không cầu kì, phức tạp để đạt được. Nhưng chúng ta không nên quá đơn giản nó đi. Đừng chỉ nghĩ mà không làm rồi sau đó ru ngủ bản thân rằng: "những gì mình làm đã là tốt nhất". Nghĩ phải đi đôi với hành động, và những phẩm chất đó cũng cần hành động để thể hiện chúng ta. Bây giờ, mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài, nhìn xung quanh và hãy bắt đầu hành động. Không khó để xây dựng đức hạnh trong mỗi con người chúng ta.

Bây giờ, chúng ta là thanh niên, là thế hệ tương lai và kế cận của xã hội sau này. Hãy xây dựng một hình ảnh, một tính cách bằng những hành động của chúng ta, bắt đầu bằng những hành vi nhỏ nhất, để xã hội ngày càng tươi đẹp và tốt hơn. "Cho bạn và cho tôi, cho tất cả mọi người.". Và hãy nhớ rằng, "mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".

Thu Thủy (Tổng hợp)

0