Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Văn mẫu lớp 11
Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Văn mẫu lớp 11 Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Bài số 1 Dân tộc ta từng tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước thì thương ...
Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Văn mẫu lớp 11
Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Bài số 1
Dân tộc ta từng tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Thế nhưng cùng với sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất thì điều đáng buồn là những biểu hiện của truyền thống tốt đẹp ấy lại mai một dần và chúng ta đang phải đối mặt với một căn bệnh tinh thần đáng sợ. Đó là “bệnh vô cảm” hay còn gọi là “makeno” (mặc kệ nó).
“Bệnh vô cảm” như một bệnh dịch lây lan trong toàn xã hội và rất nhiều người mắc phải, không nặng thì nhẹ. Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các sự vật, hiện tượng xung quanh, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực đáng phê phán vì nó trái ngược với truyền thống đạo đức nhân ái, vị tha đã có từ bao đời của dân tộc ta. Vô cảm vốn là một trạng thái tâm lí, nhưng hiện nay nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa. Có thể nói thứ “vi rút” nguy hiểm của căn bệnh này đã và đang xâm nhập vào tất cả các tầng lớp, lứa tuổi mà tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn có lối sống hiện đại.
Sự phát triển của xã hội ngày nay một mặt mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ cho con người nhưng mặt khác nó lại làm nảy sinh tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn “cái tôi” mà quên mất “cái ta”. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực… là những cám dỗ khiến con người đam mê đời sống vật chất mà coi nhẹ đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh khách quan. Với không ít người, “bệnh vô cảm” bắt nguồn từ tính ích kỉ, từ nhận thức hạn hẹp, lệch lạc.
“Bệnh vô cảm” có rất nhiều biểu hiện khác nhau. Đó là sự thờ ơ trước niềm vui hoặc nỗi buồn của những người xung quanh hay thản nhiên trước một câu chuyện buồn trong sách báo hoặc trên phim ảnh. Nhưng đáng sợ hơn cả là thái độ lạnh lùng đến tàn nhẫn trước những đau thương, mất mát của đồng loại như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân của thiên tai bão lụt… Trái tim của những kẻ mắc ‘bệnh vô cảm” không hề băn khoăn, rung động trước những gì liên quan tới lĩnh vực tinh thần. Họ không hiểu rằng lời mắng nhiếc, nhục mạ của họ sẽ khoét sâu nỗi đau trong lòng một đứa trẻ bất hạnh như thế nào. Một ánh mắt dửng dưng, khỉnh bỉ của họ trước một người khuyết tật sẽ làm tăng thêm mặc cảm và nỗi buồn khó nguôi ngoai.
“Bệnh vô cảm” còn biểu hiện qua thái độ dửng dưng hoặc cố tình né tránh khi chứng kiến người gặp nạn trên đường. Không ít kẻ vội vã bỏ đi, mặc kệ nạn nhân vì sợ mất thời gian, sợ liên lụy tới mình. Ở trường, ở lớp, “bệnh vô cảm” thể hiện qua thái độ thiếu quan tâm đối với các bạn yếu kém hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Vô cảm còn thể hiện trong cung cách ứng xử lạnh nhạt, thiếu hòa đồng với bạn bè và người thân. Điều đó dẫn tới sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ và ngày càng đẩy kẻ mắc “bệnh vô cảm” vào tình trạng cô độc, héo hắt về mặt tinh thần. Cuộc sống nhạt nhẽo của họ thực ra chỉ là sự tồn tại vô nghĩa mà thôi.
Câu chuyện ngụ ngôn Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại xuất hiện từ thuở xa xưa kể về một anh chàng khi nhà hàng xóm liền vách bị cháy mà vẫn thản nhiên kéo chăn trùm đầu nằm ngủ, còn tặc lưỡi tự nhủ là cháy nhà người khác chứ có phải cháy nhà mình đâu mà sợ! Rốt cuộc, lửa cháy lan sang nhà anh ta, mọi thứ tan thành tro bụi. Lúc đó, anh ta mới tỉnh ngộ, ân hận vò đầu, bứt tai kêu khóc. Thờ ơ, lạnh nhạt đến ích kỉ như thế là tự chuốc họa vào thân.
“Bệnh vô cảm” hiện nay khá phổ biến trong xã hội và biểu hiện dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Một thanh niên không nhường chỗ cho cụ già trên xe buýt. Một học sinh lớn thấy một em nhỏ té ngã mà không đỡ dậy. Đường bị kẹt mà nhiều người cứ cố tình luồn lách, không biết nhường nhau, vi phạm luật lệ giao thông. Thấy người bị tai nạn mà không giúp đỡ. Quay lưng ngoảnh mặt trước tình cảnh đau thương của đồng bào bị thiên tai, bão lụt, trước số phận bất hạnh của hàng ngàn trẻ thơ mồ côi, người già không nơi nương tựa… Đó là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt đến tàn nhẫn. Thái độ ấy rất đáng phê phán và lên án. Nếu không, nó sẽ thành hiện tượng bình thường được xã hội chấp nhận và cứ thế lan rộng mãi như một bệnh dịch nguy hiểm.
Ở mức độ cao hơn, bệnh vô cảm đồng nghĩa với thái độ vô trách nhiệm, gây ra tác hại không nhỏ cho xã hội, cho đất nước. Có thể lấy một vài ví dụ trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế… Đó là những người có chức có quyền kí duyệt những dự án công trình lớn mà không nghĩ tới hậu quả sau mười năm hai mươi năm, người dân trong vùng sẽ sống ra sao. Chỉ vì một mối lợi nhỏ, họ có thể xóa sạch nhiều khu rừng nguyên sinh, biến thành trang trại trồng cà phê… nhưng cà phê chưa thu hoạch được thì lũ đã tràn về, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.
Rất nhiều công trình lớn xây dựng trên khắp đất nước lâm vào tình trạng dở dang, hoang phế vì những quyết định sai lầm của các vị lãnh đạo thừa nhiệt tình nhưng thiếu tài năng và kinh nghiệm, gây ra sự lãng phí ghê gớm, làm thâm hụt ngân quỹ quốc gia. Hiện tượng “rút ruột công trình” đến mức nguy hiểm là hậu quả không chỉ của thói tham lam mà còn là hậu quả của thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước con người. “Đại công trường” ở tỉnh Hà Giang, cầu Văn Thánh, cầu Dần Xây, công trình nạo vét, cải tạo kênh Nhiêu Lộc… ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt nhà máy đường ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ xây xong “trùm mền" để đấy… chứng minh cho sự thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở của những người có trách nhiệm quản lí. Rốt cuộc là “cha chung không ai khóc”, chỉ có nhân dân, Nhà nước là chịu thiệt thòi.
Vụ án tiêu cực PMU 18 làm chấn động dư luận trong và ngoài nước xảy ra cách đây chưa lâu là bằng chứng chứng minh cho “bệnh vô cảm” đã đến mức đồng nghĩa với tội ác. Những quan chức tham nhũng, mất phẩm chất đã liều lĩnh tham ô hàng triệu đô la để cờ bạc, cá độ bóng đá và ăn chơi sa đọa. Bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu con đường do PMU 18 chỉ đạo thiết kế và thi công đều có vấn đề về chất lượng. Chắc chắn là họ luôn nghĩ đến quyền lợi cá nhân, tìm mọi cách để “vinh thân phì gia” chứ không nghĩ đến lợi ích to lớn và lâu dài của nhân dân, đất nước.
Trong tĩnh vực giáo dục, những hậu quả khôn lường xảy ra trước mắt và lâu dài do thói thờ ơ, lạnh nhạt gây ra cũng không phải là ít. “Bệnh thành tích”, nạn gian lận trong thi cử, nạn mua bán bằng cấp… rồi tình trạng học sinh vùng sâu vùng xa phải học ba ca, thậm chí không có trường để học, không có kí túc xá tử tế để ở như báo chí thường phản ánh đã gây bức xúc và bất bình trong nhân dân. Bộ Giáo dục – Đào tạo biết rất rõ những hiện tượng tiêu cực đó và đã có những biện pháp hữu hiệu, nhằm hạn chế và dần dần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực ấy.
“Bệnh vô cảm” biểu hiện thường xuyên và rõ nét trong tĩnh vực y tế đến mức gần như là một tệ nạn khó dẹp. Lời thề Hy-pô-cơ-rát và những quy định về y đức đã bị không ít thầy thuốc coi nhẹ hoặc lãng quên trước ma lực ghê gớm của đồng tiền thời kinh tế thị trường. Trái tim họ chai đá, không còn rung động bởi nỗi đau đớn về thể xác, về tinh thần của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Vì thế mới xảy ra những chuyện đáng lên án như bỏ mặc bệnh nhân nghèo đến chết vì không có tiền đóng viện phí. Hiện tượng bác sĩ khám bệnh qua loa chỉ bằng một hai câu hỏi trong vòng vài phút có thể nói là ở bệnh viện nào cũng có. Rồi việc kê đơn vô tội vạ, móc ngoặc với các nhà thuốc, các hãng dược để hưởng lợi bất chính trên sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Gần đây, báo chí đưa tin Ban Giám đốc bệnh viện ở một tỉnh phía Bắc thản nhiên lấy xe cấp cứu đi dự tiệc cưới, trong khi bệnh viện thiếu xe để cấp cứu bệnh nhân. Những hiện tượng tiêu cực đó cần phải bị lên án trước dư luận, không thể để ngang nhiên tồn tại trong một xã hội văn minh, hiện đại.
Tuy không gây chết người như nhiều bệnh lí khác nhưng “bệnh vô cảm” cũng dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Nó ảnh hưởng xấu tới quá trình học tập và làm việc của mỗi cá nhân. Một người khó có thể làm việc đạt chất lượng khi không giữ mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện với đồng nghiệp. Cũng như một học sinh nếu hằng ngày đến lớp chỉ biết chỗ ngồi của mình mà thờ ơ với bạn bè, trường lớp thì cũng khó mà học tốt vì không được sưởi ấm bởi niềm vui và tình cảm chân thành của thầy cô, bè bạn. Đáng buồn hơn cả là “bệnh vô cảm” đang dần dần làm mai một truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Làm thế nào để có phương thuốc đặc biệt chữa trị “bệnh vô cảm"? Trước hết vẫn phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân. Chúng ta hãy sống có lí tưởng, mục đích đúng đắn, sống tử tế và hãy luôn nhớ rằng mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình đều phải xuất phát từ lòng nhân ái. Hãy làm giàu tâm hồn bằng các tác phẩm văn chương nghệ thuật hoặc tích cực tham gia vào những phong trào, những hoạt động mang ý nghĩa xã hội rộng lớn… Chỉ cần có một tâm hồn cởi mở và một trái tim nhân hậu, biết thương người như thể thương thân là bạn sẽ chữa dứt được “bệnh vô cảm” đáng ghét và đáng phê phán ấy. Chúng ta hãy sống theo quan điểm đúng đắn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy và nêu gương sáng: Mình vì mọi người, mọi người vì mình thì chắc chắn mọi bi kịch của số phận sẽ lùi xa.
Có một giai thoại cảm động về Các Mác mà nhiều người trên thế giới đều biết. Đó là một lần trò chuyện cùng con gái, khi con gái hỏi điều gì làm cho ba quan tâm nhất, Mác đã trả lời: Tất cả những gì liên quan đến con người đều không xa lạ đối với ba. Quả thật, phải có sự quan tâm sâu sắc và tình thương yêu nhân loại vô bờ bến thì Mác mới viết được những tác phẩm bất hủ để bênh vực giai cấp bị bóc lột trong xã hội tư bản đầy áp bức, bất công.
Nếu như lòng vị tha và tình đoàn kết được mọi người ca ngợi và cổ vũ bao nhiêu thì bệnh vô cảm, thói thờ ơ, lạnh nhạt với con người bị phê phán và lên án bấy nhiêu. Cái thiện, điều tốt cần được nhân rộng; cái ác, cái xấu phải bị diệt trừ. Cả hai vấn đề trên nếu thực hiện đồng bộ và triệt để thì tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa, đất nước Việt Nam sẽ tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong ước và hi vọng.
Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Bài số 2
Xã hội đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế… Chính sự phát triển như vũ bão này lại là tác nhân khiến cho thái độ sống của con người với nhau trở nên xa lạ, không còn thân thiết. Bởi guồng quay cuộc sống kéo họ vào những bận rộn, hối hả đời thường. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành nên.
Trước hết chúng ta cần hiểu rõ vô cảm là như thế nào? Và tại sao lại gọi vô cảm là "bệnh". Người ta chỉ gọi bệnh ho, bệnh lao, bệnh ngoài da… có thể dùng thuốc để chữa nhưng vô cảm cũng là một loại bệnh. Chắc hẳn có ý ẩn dụ gì đằng sau câu chữ đó. Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác.
Hiện nay khi đất nước ngày càng phát triển thì vô cảm càng dễ dẫn đến thành một loại bệnh. Cần phải tìm "phương thuốc" để chữa trị, xích gần hơn nữa tình cảm giữa người với người, phương pháp ấy sẽ xóa bỏ được lối sống lãnh đạm, thờ ơ này ở con người trong xã hội này.
Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người.
Bệnh vô cảm xuất hiện trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều, đó chính là thái độ, cách ứng xử giữa người với người. Họ không còn thân thiết, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện mà đã trở nên vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ, không còn quan tâm nhiều đến cuộc sống của nhau nữa.
Những người con xa nhà lâu ngày, bị cuốn vào guồng quay của công việc nên việc hỏi thăm cha mẹ thường xuyên cũng thưa dần. Rồi những lần gọi điện, những lần về thăm cứ cạn vơi theo năm tháng. Như thế chúng ta đang vô tình khiến cho trái tim mình, cho bản thân mình vô cảm với những người thân yêu nhất. Vô cảm thật đáng trách, đáng giận nhưng nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết sửa chữa, biết hỏi thăm cuộc sống của nhau thì thật đáng quý. Con người ai cũng có lỗi lầm, chỉ cần biết nhận sai và sửa sai.
Hiện nay, có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khi con người cứ lạnh nhạt, vô tâm với nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống; có người giàu sang, có người khốn khó, biết trách ai được.
Chiều nay khi đi trên phố, tôi thấy có một đôi vợ chồng trẻ đi trên chiếc xe Sh sang chảnh. Họ đi qua khu chợ ồn ào, náo nhiệt, cười nói rất vui vẻ. Họ bắt gặp một bà lão già mắt kèm nhem dắt theo một đứa cháu nhỏ chân không đi dép mặc bồ quần áo rách rưới. Họ ngả chiếc nón trước mắt hai vợ chồng kia xin vài ba đồng. Nhưng hai bà cháu nhận lại là ánh mắt khinh khỉnh, không quan tâm. Hai vợ chồng ấy mang theo hương nước hoa thơm lừng, bỏ lại sau lưng thái độ lạnh lùng đến vô tâm. Như vậy đó, vô cảm chỉ là những biểu hiện nhỏ nhặt trong cuộc sống như vậy nhưng chúng ta đâu phải ai cũng có đủ tâm để nhận ra.
Con người ta sống ở trên đời cần phải yêu thương, chia sẻ cho nhau những lúc khốn khó. Thấy nỗi khổ của người khác như nỗi khổ của bản thân mình thì mới có thể giúp đỡ một cách thực tâm được. Cũng bởi vì thái độ sống thờ ơ, lạnh nhạt nên cuộc sống của họ thiếu đi tình yêu thực tâm nhất.
Đối với thế hệ trẻ thì thái độ sống vô cảm cần phải ngăn chặn trước. Vì tương lai đất nước cần những con người tài giỏi và biết sẻ chia, biết yêu thương đồng loại. Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta có thể dùng chính trái tim mình để sưởi ấm những trái tim khác đang đầy những vết xước hơn.
Vô cảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ sự phát triển quá nhanh của xã hội khiến cho con người không bắt kịp được. Cũng từ đó họ bị cuốn sâu vào sự bộn bề, lo toan mà quên mất đi tấm lòng yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh mình.
Vô cảm có thể sẽ thành thói quen nếu như chúng ta không kịp ngăn chặn và từ bỏ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức được suy nghĩ của bản thân mình. Rằng khi yêu thương và sẻ chia thương yêu thì chúng ta sẽ thấy bản thân mình sống có ích, sống tốt đẹp hơn.
Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Bài số 3
Trong y học không có bệnh vô cảm. Đó là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống.
Lời dạy của cha ông ta "Thương người như thể thương thân" từ lâu đã trở thành đạo lý của người Việt Nam. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta với những con người luôn biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít kẻ sống ích kỷ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức.
Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, "máu lạnh" với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại…
Trước đây, vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhưng bây giờ đang có chiều hướng lây lan, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh có tính xã hội. Trong cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại thì lối sống hưởng thụ và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một bộ phận người Việt Nam.
Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng; một vụ làm nhục người khác… như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt. Từ những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt nhưng không ai lên tiếng can ngăn và thế là dẫn tới án mạng.
Tại sao người ta không can thiệp? Bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi người ta sợ liên lụy, mang vạ vào thân.
Một bệnh nhân, hay nạn nhân được đưa tới bệnh viện, cho dù đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, nhưng không được cứu chữa ngay vì còn chờ người nhà đến làm các thủ tục cần thiết, trong đó có cả thủ tục "đầu tiên", đến khi xong mọi thủ tục thì đâu còn người nữa để mà cứu chữa. Một vụ tai nạn trên đường vắng, nạn nhân nằm trên vũng máu, xe gây ra tai nạn đã bỏ chạy mất tăm, còn bao nhiêu xe khác vẫn vun vút lao qua vì "quá bận", "quá vội"…
Hằng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, người ta thấy tràn ngập các vụ việc thuộc loại " cướp, giết, hiếp" hay "tiền, tình, tù tội", nhiều vụ kinh hoàng, sởn gai ốc. Báo chí có tác dụng cảnh báo, nhưng đọc mãi thành quen, rồi chai sạn, thờ ơ trước những chuyện tày trời như thế. Không ít vụ việc phơi bày sự vô cảm đến tàn nhẫn của những người chứng kiến. Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng, nhưng ai đó không phản ứng được tức là đã bị tê liệt về tinh thần xã hội. Đó là sự suy đồi về lối sống, suy thoái về đạo đức.
Như vậy, trên bình diện xã hội, bệnh vô cảm đã phản ánh sự suy giảm nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội. Khi sự gắn kết giữa người với người trong xã hội bị rạn nứt, thậm chí bị đứt gãy thì nó làm cho con người không dám tin vào điều thiện, không dám đứng lên chiến đấu chống cái xấu và cái ác. Vô cảm triệt tiêu tính tự phản ứng như một lẽ tự nhiên trước những tiêu cực, bất công, ngang trái.
Khi căn bệnh này không được ngăn chặn thì xã hội sẽ không tránh khỏi bị sụt lở nền tảng đạo đức và tinh thần, gây hoang mang, làm nảy nở cái xấu, cái ác. Trong những hoàn cảnh nhất định, cái thiện và cái tốt sẽ bị cái xấu, cái ác tấn công, xâm hại; lẽ phải bị triệt tiêu, công lý bị đẩy lùi.
Không chỉ người dân mà tầng lớp cán bộ – những "công bộc của dân" cũng mắc phải bệnh này. Trong hệ thống công quyền, nó thể hiện ở sự thờ ơ, ở các chiêu "đánh võng", gây khó khăn, gây cản trở, thấy việc cần phải làm nhưng không làm hoặc đặt ra những đòi hỏi trái khoáy, cố tình kéo dài để vụ lợi… khiến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khi đến hệ thống công quyền đều không hài lòng, thậm chí bất bình. Không thiếu những "công bộc" buộc dân phải đến trình bày lần này lượt khác, tìm cách vòi vĩnh rồi mới giải quyết. Thậm chí, có những người đang tâm ăn chặn của thương binh, gia đình chính sách, người tàn tật, hộ nghèo. Dư luận gần đây nóng lên sự vô cảm, tắc trách của nhân viên y tế dẫn đến những cái chết oan uổng của người dân. Muốn chữa bệnh thì phải trả tiền trước, có chút lót tay thì tiêm đỡ đau hơn, thay băng nhẹ nhàng hơn… Những vụ bảo mẫu ngược đãi, hành hạ trẻ thơ tại một số cơ sở nuôi dạy trẻ và bao nhiêu chuyện đau lòng khác trong ngành giáo dục, những tiêu cực trong ngành y tế, những vụ oan sai nghiêm trọng trong ngành tư pháp cho thấy bệnh vô cảm đang diễn ra cả trong những lĩnh vực cứu người, dạy người, bảo vệ công lý.
Như vậy, những hành vi vô cảm không chỉ đơn thuần làm hủy hoại nhân cách con người mà còn làm xói mòn nền tảng đạo đức, làm rối loạn trật tự xã hội và xa hơn nữa là kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Không khó nhận ra bệnh vô cảm, nhưng làm sao để chữa được bệnh thì không hề đơn giản. Sự mất lòng tin trong xã hội, sự ích kỷ, tính thực dụng trong lối sống của một bộ phận xã hội làm cho bệnh thêm nặng.
Để chữa trị căn bệnh "ung thư tâm hồn" này, cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết phải tạo cho xã hội một sức đề kháng. Đó chính là việc xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong xã hội. Một môi trường xã hội tốt, lành mạnh sẽ tạo được sức đề kháng cao với căn bệnh này. Ngược lại, trong một môi trường xã hội xấu, nơi mà tiêu cực lấn át tích cực thì bệnh vô cảm sẽ lây lan. Phải bền bỉ xây dựng văn hóa ứng xử, tạo đời sống tinh thần phong phú, mà ở đó các giá trị tinh thần, đạo đức của xã hội được xác lập rõ ràng, thể hiện mạnh mẽ, để ai làm những điều xấu cũng phải sợ, cũng phải ngại. Nếu cái tốt, cái thiện ở thế thượng phong, nếu ở đâu người tốt cũng biết đoàn kết, hợp lực tạo nên sức mạnh thì ở đó chắc chắn cái xấu, cái ác sẽ từng bước bị đẩy lùi, sự vô cảm sẽ mất dần đi.
Tất cả chúng ta đều phải day dứt trước câu hỏi: Bây giờ đời sống của người Việt Nam mình khấm khá hơn trước rất nhiều nhưng tại sao bệnh vô cảm lại nặng hơn? Như thế càng thấy rõ, không phải cứ nghèo là vô cảm, không phải cứ túng là làm liều. Thuốc chữa bệnh vô cảm nằm ở sự truyền phổ sâu sắc những giá trị truyền thống của dân tộc, thẩm thấu vào trong đời sống xã hội. Xã hội càng hiện đại thì những giá trị đó lại càng cần nhân rộng, không được để cho những làn sóng lai tạp, xô bồ che lấp, lấn át những giá trị truyền thống. Khi bệnh vô cảm trong xã hội càng lây lan thì sự gắn kết, tình người càng bị mai một. Xã hội cần có ngọn lửa nhân ái lan tỏa, những người hoạn nạn càng cần ngọn lửa nhân ái sưởi ấm họ. Đó chính là tiêu chí của một xã hội văn minh, một xã hội có đạo đức. Cuộc chiến chống bệnh vô cảm cần được triển khai trong từng gia đình, trước hết là giáo dục con cháu bằng các hành vi ứng xử mẫu mực của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi. Tôi đã từng được chứng kiến một việc đáng buồn: Hôm đó, chúng tôi đang đi trên đường phố thì thấy một cụ già gầy guộc, quần áo cáu bẩn, ngồi bên vỉa hè chìa tay xin ăn. Một cháu bé chừng 8 tuổi đi cùng với bố mẹ liền đưa cho cụ già gói bánh cháu đang cầm trên tay. Cụ già nói, giọng thều thào: Cảm ơn cháu. Lập tức, người mẹ sẵng giọng nói với cháu bé: "Ăn mày giả vờ đấy con ạ". Cháu bé ngơ ngác không hiểu mình đã làm sai điều gì.
Mặc dù xây dựng nền tảng đạo đức xã hội luôn là điều cốt yếu, nhưng cũng cần có những quy định pháp lý để chống bệnh vô cảm. Nếu thấy bệnh nhân nguy kịch mà nhân viên y tế từ chối việc cứu chữa thì dù với bất cứ lý do gì cũng phải bị xử lý nghiêm minh; nếu gặp người bị nạn trên đường mà không cứu giúp thì sẽ bị truy cứu với những chế tài riêng. Trách nhiệm công vụ thể hiện đạo đức công vụ, đạo đức xã hội. Đối với hệ thống công quyền, để trị bệnh vô cảm, cần cải cách hành chính một cách mạnh mẽ hơn, đưa ra những quy định khoa học, cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của từng người trong guồng máy công vụ để nếu một người không làm đúng chức trách của mình thì lập tức bị bật ra khỏi hệ thống. Nếu một nền hành chính được thực thi một cách khoa học thì dần dần sẽ tạo ra một thói quen, buộc những ai ở trong guồng máy cũng phải làm hết chức phận của mình.
Bên cạnh việc xây dựng một nền hành chính khoa học để quản trị tốt thì cần tăng cường giáo dục để cho những "công bộc" – những người ăn lương của Nhà nước bằng tiền đóng thuế của dân – phải cảm thấy mình có trách nhiệm đạo đức trong việc phục vụ dân; trước những đòi hỏi, những bức bách, thậm chí những bất hạnh của người dân thì không thể quay mặt làm ngơ. Và cần tăng cường thanh tra công vụ thường xuyên, bất chợt, đột xuất dưới nhiều hình thức khác nhau để bắt bệnh thật chính xác, kịp thời, từ đó sẽ thưởng phạt nghiêm minh.
Không gì có thể thay thế việc khơi dậy lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người, tinh thần trách nhiệm và dũng khí của các cơ quan chức năng trước những ngang trái và bất công.
Cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện được triển khai rộng khắp ở các cấp là đang hướng tới một xã hội như vậy.
Một xã hội vô cảm sẽ là một "xã hội chết" – cái chết trước hết từ trong tâm hồn.
Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm – Bài số 4
Trong đời sống đang phát triển mạnh mẽ về công nghệ, máy móc, con người có thể kiếm được nhiều tiền hơn, giàu có hơn, nhưng có một thứ dường như có biểu hiện vơi đi, đó là sự quan tâm giữa người với người? Cuộc sống công nghiệp với những tất bật và tốc độ vận động quá nhanh khiến người ta hẫng hụt đến mức ít quan tâm đến nhau hơn. Phải chăng những tất bật ấy là nguyên nhân khiến “bệnh vô cảm” có cơ hội lan rộng?
Vô cảm là một căn bệnh hiện không có trong danh sách của ngành y học, nhưng nó đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người. Vậy “bệnh vô cảm” là gì? Vô là không, cảm là tình cảm, cảm xúc. Vô cảm là trạng thái con người không có tình cảm. Sống khép mình lại, thờ ơ lạnh nhạt với tất cả mọi việc xung quanh. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, một sô" người chỉ lo vun vén cho đời sống cá nhân và quay lưng lại với eộng đồng xã hội. Một số người tự làm mình trở nên xa lánh, không quan tâm đến ai, không biết đến niềm vui nỗi buồn của người khác. Đó là “bệnh vô cảm”. Chỉ lo chạy theo giá trị vật chất, đôi khi con người ta đã vô tình đánh mất đi vẻ đẹp đích thực của tâm hồn. Cuộc sống dù có sung túc hơn, giàu sang hơn, nhưng khi con người không biết quan tâm yêu thương nhau, thì đó vẫn không được xem là cuộc sống trọn vẹn được. Ngại giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, cuộc sống của chúng ta dần đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân từ xưa “Lá lành đùm lá rách”.
Ngày nay, một số người chi biết sống và nghĩ cho riêng mình. Như khi thấy bao người hành khất bên đường, họ không giúp đỡ, thậm chí còn khinh miệt, dè bỉu chế nhạo trước nỗi bất hạnh của những mảnh đời đáng thương đó. Và cũng như bao tệ nạn, bao việc xấu xa cướp giật giữa đời thường vẫn xảy ra hằng ngày đấy thôi, nhưng không, ai dám can ngăn. Vì sao? Vì sao con người lại vô cảm như vậy? Phải chăng cũng vì họ sợ, sợ sẽ gặp rắc rối liên lụy, cho nên không dại gì lo nghĩ đến chuyện của người khác. Nhưng đó không là “chuyện của người khác”, đó chính là những vấn đề chung của xã hội. Sao con người lại có thể quay lưng lại với chính cộng đồng mình đang sống được kia chứ! Và không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân, bộ phận nhà nước cũng có lối sống ích kỉ như vậy. Một vài cơ quan giàu sang luôn tìm cách bóc lột người dân, như về việc chiếm đất đai, tài sản… Rồi sau đó, họ ngoảnh mặt đi một cách lạnh lùng, bỏ lại sau lưng những mảnh đời khốn khổ cùng bao giọt nước mắt hờn trách cuộc đời không thể sẻ chia cùng ai. Đó không phải là biểu hiện của “bệnh vô cảm” hay sao!
Nếu cứ mãi tiếp tục như vậy, cuộc sống này sẽ mất hết tình thương, mất hết niềm cảm thông san sả, mất đi cả truyền thống đạo đức quý báu ngày xưa. Sẽ không còn là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ nữa”, mà chỉ còn lại sự lạnh nhạt, sự thờ ơ vô cảm. "Tình thương là hạnh phúc của con người”, liệu cuộc sống này có còn ý nghĩa nữa hay không nếu con người cứ tự khép mình lại và chỉ biết sống cho bản thân? Liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc nếu xung quanh mình chỉ toàn là giọt nước mắt cùng với nỗi bất hạnh của bao người? Thomas Merton đã từng nói: “Nếu chúng ta chỉ biết tìm hạnh phúc cho riêng mình thì có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy. Hạnh phúc đích thực là biết sổng vì người khác”. Bạn giàu sang ư? Bạn thành công ư? Nhưng khi đã trở nên vô cảm, bạn chỉ thấy mỗi bản thân mình mà thôi. Sự giàu sang, sự thành công như vậy có mang lại hạnh phúc cho bạn không khi bạn chỉ sống một mình, hay đúng hơn là bạn tự tách mình ra khỏi cộng đồng, sống không sẻ chia.
Sống đôi khi đơn giản là học cách yêu thương. Hãy thử một lần trải lòng mình ra dù chỉ là chút ít ỏi. Bởi vì, khổ đau được san sẻ sẽ vơi đi một nửa, còn hạnh phúc được san sẻ sẽ nhân đôi. Hãy thử nghĩ xem, cụ già trên đường kia sẽ có thể qua đường nếu bạn chịu bỏ chút ít thời gian dừng xe lại và dắt cụ qua. Em bé sẽ không lạc giữa chợ nếu bạn chịu bỏ chút ít thời gian đưa em về phường công an tìm mẹ… Mỗi ngày đến trường, bạn có thể dành dụm một chút ít tiền cho quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều, rất nhiều những việc bạn có thể làm nếu bạn chịu bỏ “chút ít”. Những đóng góp của bạn đôi khi rất nhỏ nhặt nhưng quan trọng hơn hết, đó là tình thương, là sự quan tâm chia sẻ, là cả một tấm lòng. Hãy làm những gì có thể để giúp cho nỗi đau của bao người được vơi đi. Sự trao đi yêu thương đôi khi cũng là điều mang lại hạnh phúc. Phải nói rằng, xã hội càng văn minh, thì con người đối xử với nhau nhân ái hơn, văn minh hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại đâu đó lối sống thực dụng, ích kỉ là làm tổn thương đến truyền thống “nhiều điều phủ lấy giá gương” của dân tộc ta. Vì vậy, chúng ta không nên nói đời sống công nghiệp đã làm nảy sinh ‘bệnh vô cảm”, mà căn bệnh ấy xuất phát từ việc giáo dục con em và công dân chúng ta chưa thật nghiêm túc. Thật khó tìm nguyên nhân đầy đủ, nên xin trao câu hỏi này cho các nhà giáo dục và xă hội học, tâm lí học,…
Trong ca khúc “Mưa hồng”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Vâng, đừng sốhg quá vội vã! Đừng để dòng đời hối hả có thể cuốn bạn đi! Đừng quay lưng lại với tất cả! Đừng để dòng màu đỏ chảy trong con người bạn trở nên lạnh đen. Đừng để một khi nào đó dừng lại, bạn chợt nhận ra mình đã vô tình đánh mất quá nhiều thứ! Hãy nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình thương của mình cùng mọi người đẩy lùi “căn bệnh vô cảm” kia. Và cũng bởi vì: ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến nên hãy cho và nhận những gì bạn có trong ngày hôm nay.
Vũ Hường tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm
- nghị luận về vô cảm