03/06/2017, 18:04

Nghị luận: "Những thói xấu ban đầu là người khách lạ qua đường, sau đó là người bạn thân ở chung nhà và kết cục trở thành ông chủ khó tính" (Bài 4)

Hôm qua, ngày nay và mai sau, việc hoàn thiện “cái nhân ”, “cái đức ” trong con người luôn là vấn đề chưa có cách giải quyết, là câu hỏi khó chưa có câu trả lời đầy đủ và chính xác. Nói về thói quen xấu của con người trong nhiều môi trường khác nhau, trong hoàn cảnh tác động của xã hội, có ý kiến ...

Hôm qua, ngày nay và mai sau, việc hoàn thiện “cái nhân ”, “cái đức ” trong con người luôn là vấn đề chưa có cách giải quyết, là câu hỏi khó chưa có câu trả lời đầy đủ và chính xác. Nói về thói quen xấu của con người trong nhiều môi trường khác nhau, trong hoàn cảnh tác động của xã hội, có ý kiến cho rằng:

“Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành người bạn ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính"
 
Ý kiến ấy phải chăng là kinh nghiệm, là nhận định của người trước đối với cái xấu trong thực tại, và phải chăng, đó cũng là lời báo hiệu để con người cảnh giác trước những điều không tốt có thể dần len lỏi trong tâm hồn và phá đi những nét đẹp vốn ngự trị đã lâu?
 
Nói đến vẻ đẹp của con người, đó là một đề tài phong phú khó diễn tả hết được. Nhưng bàn về khía cạnh đối lập, mặt phản diện, cái chưa tốt, chưa hoàn thiện của con người lại càng khó nói một cách thẳng thắn, rõ ràng hơn gấp bội. Có lẽ vì cái xấu thấm vào một cách quá êm dịu, con người không cảm thấy được nó từ đâu đến và đến như thế nào? Ý kiến trên đã nêu lên như một lời giải thích “Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường... Tập quán, ấy là những thói quen, những cách sống sẵn có hoặc được hình thành qua một quá trình lâu dài. Vậy “tập quán xấu” có thể hiểu là những thói quen không tốt, là cách sống không lành mạnh, là những thói ích kỷ, đố kỵ, tham lam, đua đòi, lười biếng... Những thói xấu ban đầu là khách qua đường tức là chỉ thoáng qua chốc lát, không có gì liên hệ chặt chẽ. Sau nó thành người bạn thân ở chung nhà nghĩa là đã trở nên gắn bó thân thiết, khó thể thiếu. Ở hai thời điểm này con người vẫn làm chủ được mình. Đến khi nào đó, thói quen xấu trở thành ông chủ nhà khó tính chi phối, điều hành bản thân ta, bắt ta lệ thuộc hoàn toàn vào nó. Nói chung, cả câu tục ngữ đã nêu trên là: Những thói quen xấu ban đầu chỉ thoáng qua, sau trở thành quen thuộc, tồn tại bên cạnh mình, sống cùng với mình và cuối cùng chi phối, quyết định mọi hoạt động, suy nghĩ của con người một cách rất gay gắt. Thật vậy, những tính cách xấu ban đầu chỉ là do một hoàn cảnh, một điều kiện tác động đến, nhưng càng về sau, càng không thể dứt bỏ được và từ đó, ngấm sâu vào tâm trí và hành động. Có thể lấy ví dụ như một bạn trẻ lúc đầu chỉ thử chơi game một chút. Rồi thích thú, ngày nào cũng ngồi trước máy. Bị cấm thì chơi lén hoặc ra dịch vụ internet. Thời gian dán mắt vào màn hình tăng lên. Cuối cùng bạn đó trở nên nghiện, bỏ cả học hành. Hoặc có người trở thành nô lệ mù quáng cho tham vọng, mới đầu chỉ là việc ước muốn những thứ nhỏ nhặt, bình thường... nhưng những mong muốn đó mãi không dừng lại, đi từ những hành động có thể chấp nhận đến những việc làm phi pháp, không thể tha thứ. Tiêu biểu là Hít-le muốn thâu tóm cả thế giới và muốn cuộc sống cả vũ trụ. Con người, mới sinh ra không phải có bản chất xấu xa, nhưng tập quán xấu sẽ xâm chiếm toàn bộ tâm hồn, lấn át cả những cái đẹp trong tính cách. Ý kiến này đã nêu lên một nhận xét đúng về đường đi và hướng phát triển của những tập quán xấu.
 
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước phát triển và xã hội văn minh ngày nay, ý kiến trên vẫn có mặt còn khá hạn chế. Bản chất xấu chỉ thật sự “trở thành người bạn thân ở chung nhà” khi con người mất đi khả năng đề kháng, khi con người tự cho phép buông lỏng, trôi xuôi theo lối sống thiếu lành mạnh. Bởi lẽ, một người “khách qua đường ” chỉ có thể dừng chân khi được sự chấp nhận của “chủ nhà”. Một khi đã “chấp nhận” những “tập quán xấu ” thì đó là thái độ yếu hèn, dần dần đầu hàng cái xấu, làm mất đi nét đẹp trong con người. Tuy vậy, nếu đã có nhiều trường hợp thờ ơ chấp nhận cúi đầu thì cũng có nhiều trường hợp biết đấu tranh chống lại thói xấu. Lấy ví dụ như một số người trong xã hội cũ, suy sụp, sa vào việc hút sách, bê tha cờ bạc rượu chè hoặc đua đòi dẫn đến sử dụng ma túy, đã gây ra nhiều hậu quả tai hại to lớn. Ma túy như một mũi kim sắc nhọn, lạnh lùng xuyên thủng con người, tàn phá không thương tiếc cuộc sống vật chất và tinh thần của họ. Ma túy sẽ làm cho đất nước suy tàn, xã hội rối loạn. Ban đầu, ma túy đến với con người chỉ là một thứ kích thích mói mẻ, thú vị, họ chỉ thử cho biết. Nhưng liệu có thể thử một lần mà không tìm đến làn thứ hai. Thật vậy, nó dần dần “trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính”. Để có thuốc sử dụng, không ít người đã bán hết tài sản, đánh đổi sự nghiệp với biết bao công sức lao động. Càng ngày, ma túy càng “khó tính ” và con người càng bị lệ thuộc. Thế nhưng, không phải không có cách giải quyết, nếu con người đừng sa đà, đua đòi, buông thả hoặc can đảm chịu đựng những đau đớn, dằn vặt khi cai nghiện để rồi nhìn lại mình sống tốt đẹp hơn sau những cơn vật vã đó. Nếu con người biết tìm đến người thân, tìm đến xã hội để tự tu sửa, hoàn thiện mình thì cái xấu không thể còn chỗ đứng. Nếu con người kiên quyết từ bỏ thì những tập quán xấu sao có thể “trở thành ông chủ nhà khó tính” được. Tóm lại, nhân cách tốt hay xấu là tùy thuộc vào ý chí, quyết tâm và cách suy nghĩ của con người. Không có cái xấu nào có thể có cơ hội ngự trị trong lòng ta nếu ta biết duy trì, giữ vững những nét đẹp, những tính cách, phẩm chất thực sự đẹp của mình. Ý kiến đúc kết rất đúng, rất sâu sắc, đã cho ta một bài học về sự làm chủ bản thân, làm chủ thói quen, cảnh giác và chống trả lại cái xấu và một chân lí về sự phát huy cái đẹp. Khi đã biết được đường đi và hướng đi của cái xấu thì có lẽ, việc khắc phục chúng không phải là điều khó thực hiện.
 
Ý kiến rất hay này đã mở ra cho em một cách nhìn đúng đắn và chính xác hơn về phẩm chất con người, đặc biệt là về mặt phản diện, về mặt xấu. Điều quan trọng là mình có đủ hiểu biết và nghị lực để vượt qua những thử thách, những ham muốn, để tự hoàn thiện mình hay không.

0