04/06/2017, 22:48

"Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường"

Em hiểu câu nói trên như thế nào? Câu nói đã gợi cho em những suy nghĩ nào về quan niệm sống của bản thân hiện nay ? Trong xã hội, có người công thành danh toại, cũng có kẻ suốt đời lao đao, lận đận chẳng làm nên chuyện gì đáng kể. Có người sống không hề băn khoăn về mục đích, tựa như con tàu ra ...

Em hiểu câu nói trên như thế nào? Câu nói đã gợi cho em những suy nghĩ nào về quan niệm sống của bản thân hiện nay ?

Trong xã hội, có người công thành danh toại, cũng có kẻ suốt đời lao đao, lận đận chẳng làm nên chuyện gì đáng kể. Có người sống không hề băn khoăn về mục đích, tựa như con tàu ra biển không xác định hướng đi, sống không biết ai, chết chẳng ai hay.
 
Lại có người ý đồ thì rất lớn mà sự nghiệp rất nhỏ. Chuyện thành công hay thất bại do rất nhiều nguyên nhân tạo nên; trong đó chủ yếu là tính “mục đích". Nhà văn Pháp nổi tiếng Điđơrô đã nhận xét: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường.
 
Câu nói của ông đề cập đến tính “mục đích” của mọi công việc, mọi hoạt động của con người. Con người phải có mục đích sống. Mục đích sống tốt đẹp là nguồn động viên con người phấn đấu để đạt được kết quả tốt đẹp hơn, sống hữu ích hơn trong xã hội.
 
Nhận xét trên của Điđơrô hoàn toàn chính xác. Trong đời sống hàng ngày, thường khi bắt tay vào làm một việc gì, người ta đều đặt ra "mục đích" của công việc đó. Vậy "mục đích" là gì? Mục đích là yêu cầu đặt ra trước khi thực hiện một công việc. Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng "mục đích" chính là cái mà ta cần phải phấn đấu để đạt được trong quá trình thực hiện công việc, là "kết quả cuối cùng' phải đạt được mà con người “xác định” trước khi “hành động. Nó sẽ hướng mọi suy nghĩ, hành động tập trung ý chí, nghị lực của con người để đạt được yêu cầu đã đặt ra.
 
“Mục đích” là kim chỉ nam của con người cho nên con người không thể sống, làm việc mà không có "mục đích' nào cả. Khác với mọi loài thú khác sống theo bản năng tự nhiên, con người có trí tuệ soi sáng nên thường đặt ra yêu cầu cụ thể trước mỗi việc làm hay còn gọi là mục tiêu hành động và trí tuệ chi phối mọi suy nghĩ. Loài người thường dùng lí trí để phân biệt đúng sai, nên hay không nên khi hành động. Hành động thiếu mục đích thường không có hiệu quả. Trước khi làm một việc gì, con người thường đặt ra mục đích ấy. Từ trước tới nay, đã có bao nhiêu nhà bác học nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trên mọi lĩnh vực để đem lại những kết quả tốt đẹp nhất, nhằm mục đích cải thiện đời sống con người.
 
"Mục đích" sẽ mở phương hướng, dẫn dắt mọi hoạt động của con người. Có "mục đích ", con người mới có động lực thúc đẩy trong công việc, có niềm vui và niềm tin vào việc mình làm. Ngược lại, nếu sống không có mục đích, con người sẽ trở nên thụ động, bạc nhược và vô dụng, cuộc đời mất hết ý nghĩa.
 
Trăm ngàn công việc tới trăm ngàn "mục đích" khác nhau, mục đích có lớn, nhỏ, xấu tốt, tầm thường. Mỗi người đều có một mục đích sống riêng mình. Tầm quan trọng của “mục đích” là điều ai cũng phái công nhận nhưng "mục đích" như thế nào là chuyện cần bàn. Điđơrô rất có lí khi nói: "Anh cũng sẽ không làm được gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường".
Thế nào là "mục đích" tầm thường? Một kẻ chỉ nghĩ đến quyền lợi của cá nhân, làm gì cũng chỉ nhằm đạt kết quả cho cá nhân mình, cho gia đình mình mà không nghĩ đến quyền lợi của những người chung quanh thì “mục đích” ấy là mục đích tầm thường, ích kỉ. Cách sống của người đó không có ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, không ít người sống có mục đích cao thượng tốt đẹp. Họ là những con người có ích cho xã hội, gia đình và suốt đời cống hiến cho dân, cho đất nước, không màng gì đến bản thân. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả để đất nước ngày càng giàu đẹp, nhân dân ngày càng sung sướng.
 
Động cơ nào thúc đẩy họ làm việc quên mình nếu không phải là "mục đích" đẹp đẽ và cao thượng? Như vậy, “mục đích" cao thượng chính là ngọn đuốc chỉ đường, là nguồn sức mạnh động viên con người tập trung ý chí, nghị lực và trí tuệ để thực tốt mọi công việc. Nhờ có “mục đích” sống lớn lao, cao cả, Hai Bà Trưng, Hồ Chí Minh .... cùng chung một khát vọng: bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi ngoại xâm, giành chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng cho dân tộc. Công lao to lớn của các vị anh hùng đó đời đời được nhân dân ca tụng và ghi nhớ.
 
Trong hoàn cảnh đổi mới hiện nay, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ngày đêm trăn trờ, tìm đường đi đúng đắn nhất để khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho nhân dân, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn. Đó là “mục đích' tốt đẹp. “Mục đích” đó đã tạo ra sức bật mới cho toàn dàn tộc. Nhân dân ta bước đầu đã gặt hái được những thành công đáng kể.
 
Trong thời đại mới, sức mạnh của mỗi dân tộc không chỉ ở lòng dũng cảm và số lượng đông đảo quân đội như trước đây. Ngày nay, sức mạnh của mỗi dân tộc là sức mạnh của trí tuệ, của khoa học kĩ thuật và kinh tế phồn vinh. Các cường quốc trên thế giới đều là những nước phát triển kinh tế cao. Đối với ta, điều đó chỉ thực hiện được khi chủ nhân của đất nước là những người có trình độ, văn hoá kĩ thuật cao, có khả năng hoà nhập với trình độ của thế giói. Muốn vậy, không có cách nào là ra sức học tập thật tốt, học hỏi không ngừng.
 
Mục đích học tập tốt sẽ có tác dụng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách. Nó làm cho con người ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, hữu ích cho gia đình, xã hội.
 
Là thành viên còn nhỏ tuổi trong gia đình và xã hội, được cha mẹ cho cắp sách đến trường, liệu có ai đặt câu hỏi: “Học để làm gì” hay không? Nếu chúng ta xác định không đúng thì dễ thối chí nản lòng khi gặp khó khăn trong học tập. Quá trình học từ lớp 1 đến lớp 12 phải là quá trình rèn luyện phấn đấu không mệt mỏi của người học sinh.
 
Vậy học để làm gì? Học để ngày mai bước vào đời có một vốn kiến thức tối thiểu để làm người. Học để hiểu được điều hay lẽ phải. Học để khi trưởng thành có thể làm việc tự nuôi mình, giúp gia đình và giúp đời.
 
Nhưng mục đích tốt đẹp của mỗi người không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình rèn luyện và phấn đấu lâu dài của mỗi cá nhân, ở lứa tuổi học sinh chúng ta, mục đích cao đẹp không phải là cái gì xa xôi, khó đạt tới. Chúng ta cần có nhận thức đúng đắn: Học tập là để nâng cao trình độ hiểu biết, nắm vững khoa học kĩ thuật, sau này dùng những tri thức đã học được để phục vụ đồng bào, Tổ quốc. Như vậy việc học tập của chúng ta đã có được mục đích tốt đẹp. Câu nói của nhà văn Pháp ĐiđơRô thật thấu tình đạt lí.

0