Nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển đại học?

Nên đăng kí bao nhiêu nguyện vọng? Những băn khoăn của thí sinh tập trung vào hướng ra đề thi sẽ có tỉ lệ nội dung kiến thức lớp 11 và 12 như thế nào, những lưu ý khi làm bài thi tổ hợp, nên đăng kí bao nhiêu nguyện vọng tuyển sinh, kì thi và tuyển sinh ĐH-CĐ có gì mới so với năm trước không? ...

Nên đăng kí bao nhiêu nguyện vọng?

Những băn khoăn của thí sinh tập trung vào hướng ra đề thi sẽ có tỉ lệ nội dung kiến thức lớp 11 và 12 như thế nào, những lưu ý khi làm bài thi tổ hợp, nên đăng kí bao nhiêu nguyện vọng tuyển sinh, kì thi và tuyển sinh ĐH-CĐ có gì mới so với năm trước không?

Đáp lại băn khoăn này, PGS.TS Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT đã có chủ trương ổn định kỳ thi đến 2020 nên kỳ thi 2018 không có sự xáo trộn môn thi, chỉ có nội dung kiến thức được mở rộng hơn trước, ngoài kiến thức lớp 12 thì còn có một phần nội dung kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, kiến thức lớp 12 vẫn là chủ yếu.

Ông Tuấn cũng đặc biệt lưu ý đến việc điền thông tin đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển của thí sinh, tránh việc khai thông tin sai, sẽ gây khó trong quá trình thi, xét tuyển. 

Năm 2017, sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng. Thống kê chung của Bộ GD-ĐT năm 2017 cho thấy đây là khâu mà thí sinh thường mắc phải sai sót. Vì vậy, thí sinh phải lưu ý điền đầy đủ, chính xác các thông tin theo hướng dẫn.

Riêng với việc đăng ký xét tuyển đại học, ông Tuấn khuyến cáo thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, vừa tốn kém cho bản thân, vừa không nhiều ý nghĩa với việc xét tuyển, lại gây khó khăn chung cho hệ thống. 

Đăng ký xét tuyển: không nên tham nguyện vọng - Ảnh 2.

Học sinh đặt câu hỏi cho tổ tư vấn tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2018 ở Nghệ An - Ảnh: CHÍ TUỆ

"Từ năm 2017, thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng vào các trường xét tuyển. Năm ngoái, có trường hợp đăng ký hơn 40 nguyện vọng, rất lãng phí. 

Các em chỉ nên đăng ký nguyện vọng phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và điều kiện gia đình. Kinh nghiệm là mỗi thí sinh nên chọn một số nguyện vọng cao hơn mức điểm thi, một số ngang bằng điểm thi và một số nguyện vọng thấp hơn điểm thi", ông Tuấn nhấn mạnh.

Các ngành kinh tế, y dược, báo chí, đặc biệt là khối trường công an, quân đội vẫn là những ngành có nhiều thí sinh ở Nghệ An quan tâm hơn.

Nhiều thí sinh ở Nghệ An vẫn đang cân nhắc về việc nên vào học các trường phía Nam hay ra Bắc. 

Đáp ứng mong muốn của các em, ban tư vấn chương trình tại Nghệ An có sự tham gia của đại diện các trường khu vực miền Bắc, Trung và Nam. Các thầy cô sẵn sàng giải đáp cho học sinh không chỉ về đặc điểm ngành nghề đào tạo mà cả những việc mà các em cần chuẩn bị cho những lựa chọn học tập ở xa nhà.

Nghệ An là nơi mà nhiều trường ĐH lớn tại Hà Nội và TP.HCM coi là vùng tuyển sinh quan trọng nên chương trình năm nay có gần 20 trường cũng tham gia với các gian tư vấn riêng ngay trong khuôn viên trường THPT Phan Bội Châu.

Băn khoăn học nghề

Ở khu tư vấn khoa học tự nhiên-kĩ thuật công nghệ-y dược, một thầy giáo dạy phổ thông đặt câu hỏi liên quan tới việc phân luồng học nghề sau THCS, THPT. 

"Học sinh học hết THCS chưa thể đủ kiến thức để sau này bước ra cuộc sống. Vậy nếu học sinh chọn học trường nghề chứ không học lên THPT thì các trường nghề phải bổ sung kiến thức văn hóa như thế nào?

Một số câu hỏi của học sinh tại khu vực này cũng muốn biết cơ hội việc làm ngay tại địa phương nếu các em không chọn con đường thi đại học mà học trung cấp, cao đẳng tại Nghệ An.

Cô Trần Thị Nhung, Phó phòng tuyển sinh, trường trung cấp Y Miền Trung đã chia sẻ với các bạn học sinh nhiều ngành học ở các trường trung cấp, cao đẳng tại địa phương. 

"Các em sẽ có lợi thế vì gần nhà, không tốn kém kinh phí sinh hoạt và di chuyển. Bên cạnh đó, nhiều trường trung cấp, cao đẳng hiện nay đào tạo các ngành nghề theo địa chỉ đặt hàng của doanh nghiệp hoặc căn cứ vào nhu cầu nhân lực tại địa phương vì thế cơ hội việc làm cao. 

Rất nhiều ngành học nếu không làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thì có thể khởi nghiệp với những kiến thức, kĩ năng được học. Các em có thể làm trình dược viên, làm trong các công ty dược, cơ sở y tế, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe", cô Nhung chia sẻ.

Yêu thích sư phạm nhưng lo thừa giáo viên

"Em là học sinh chuyên văn Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và có nguyện vọng học sư phạm. Nhưng đầu ra ngành sư phạm thời gian gần đây quá hạn chế. Em thấy băn khoăn với chính quyết định của mình", một thí sinh bày tỏ lo lắng. 

TS Trần Bá Tiến - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Vinh, cho biết năm 2018, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu sẽ được tuyển thẳng vào trường. 

 "Điều tra, khảo sát mới đây về nhu cầu giáo viên ở ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cho thấy tình trạng giáo viên ở một số nơi thừa nhưng vẫn còn một số nơi thiếu, thường là thiếu người giỏi mà thừa những người chưa giỏi lắm. 

Học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu là những học sinh ưu tú, nên tin chắc khi các em tốt nghiệp, sẽ nhiều nơi giang tay. Ngoài ra, các em còn có cơ hội học ngành hai để nhân đôi cơ hội việc làm", ông Tiến nói.

Theo TTHN

0