Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp và giữ thi đại học năm 2015
Bỏ thi tốt nghiệp, giữ thi đại học Trước đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay từ 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và làm cơ sở giúp các trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh. Vừa qua, Bộ cũng đưa ra 3 phương án tổ chức kỳ thi Quốc ...
Bỏ thi tốt nghiệp, giữ thi đại học
Trước đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay từ 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và làm cơ sở giúp các trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh. Vừa qua, Bộ cũng đưa ra 3 phương án tổ chức kỳ thi Quốc gia năm 2015.
Ý kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu về việc tổ chức 1 kỳ thi quốc gia năm 2015 như sau:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một kỳ thi chung của quốc gia thay cho các kỳ thi trước đó, quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi, việc tổ chức một kỳ thi chung cần phải cân nhắc kỹ càng. Ngoài tính đến kinh phí tổ chức các kỳ thi, phải đặc biệt cân nhắc đến vấn đề chất lượng.
Ở Việt Nam, mức độ chênh lệch về trình độ của học sinh giữa các vùng miền là rất lớn, nhất là giữa học sinh miền núi và thành phố. Chúng ta có thể thấy học sinh ở các thành phố như Hà Nội, TP HCM và nhiều thành phố lớn có điều kiện học hành tốt hơn. Nếu như thi chung, tất cả học sinh trong cả nước cùng làm một bài thi sau đó lấy kết quả này để tuyển sinh đại học thì rõ ràng học sinh miền núi, nông thôn sẽ thiệt thòi hơn.
- Ông đánh giá thế nào về mô hình thi chung này?
- Về lý thuyết thì mô hình này hoàn toàn đúng và nhiều nước trên thế giới đã sử dụng. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì từ trước tới nay các kỳ thi THPT ở Việt Nam còn rất nhiều tiêu cực như xem bài nhau, đưa tài liệu vào phòng thi, giáo viên giải hộ đề thi... Do vậy, tâm lý chung của người dân là họ sẽ không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính khách quan của kỳ thi này. Trong khi đó kỳ thi ĐH của Việt Nam hiện vẫn đảm bảo được vấn đề chất lượng và tính nghiêm túc, trung thực trong thi cử. Tôi nghĩ rằng những nhà làm giáo dục nên ngồi lại tính xem có nên tổ chức lại các kỳ thi hay không.
Không những vậy, kỳ thi chung này còn “tước quyền” tự chủ trong vấn đề tuyển sinh của các trường ĐH. Nói như vậy không phải là kỳ thi ba chung sẽ có tiêu cực, song Bộ sẽ khó kiểm soát khi ôm hết việc tuyển sinh của các trường ĐH. Trong khi đó kỳ thi ĐH mặc dù thi đề riêng hay đề chung thì các trường vẫn có quyền tự quyết và họ sẽ có trách nhiệm hơn khi đang tuyển sinh cho chính mình, trường nào cũng muốn tuyển cho mình những sinh viên tốt nhất.
Giáo sư Ngô Bảo Châu
- Ở các kỳ thi tốt nghiệp PTTH tỷ lệ đậu thường rất cao, thậm chí nhiều trường đạt 100%. Ông thấy chuyện này thế nào?
- Ngoài việc kỳ thi này tương đối nhiều tiêu cực thì kinh phí tổ chức rất lớn trong khi hầu hết học sinh đều đậu. Điều này làm cho người ta có cảm giác thi vậy là không có thực chất. Việc tất cả các em đều đậu là một chuyện mừng nhưng khi mà tỷ lệ đó quá lớn và tăng dần theo từng năm thì nó không còn giá trị nữa. Bởi thi là để đánh giá học sinh và chất lượng giảng dạy.
Đã qua nhiều năm mà chúng ta không thực hiện được một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc theo quy trình cũ thì phải tìm ra được một mô hình kỳ thi mới. Theo tôi, Việt Nam nên giữ lại kỳ thi ĐH. Nếu chúng ta muốn nó tốt hơn nữa thì phải thay đổi nhưng thay đổi phải rất dè dặt chứ không nên bỏ hẳn.
- Về 3 phương án mà Bộ đưa ra, giáo sư thấy thế nào?
- Nhìn qua thấy đây là ba phương án khác nhau, nhưng theo tôi thực ra nó chỉ khác nhau về mặt kỹ thuật, còn trên nguyên tắc thì giống nhau. Chỉ khác là thi theo môn hay thi theo bài mà thôi. Chọn phương án nào cũng không quá quan trọng, quan trọng là ở cách tổ chức kỳ thi như thế nào và chất lượng ra sao.
- Nước ngoài tổ chức các kỳ thi như thế nào và hiệu quả ra sao thưa ông?
- Tôi sống chủ yếu ở Pháp, họ cũng tổ chức một kỳ thi chung như cách mà Bộ Giáo dục Việt Nam sắp làm. Nhưng để giảm tải áp lực cho học sinh, kỳ thi được tổ chức ở hai lớp 11 và 12. Đây là một kỳ thi rất quan trọng ở Pháp và nó được tổ chức rất chặt chẽ. Sau đó các trường ĐH sẽ tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi này.
Kỳ thi này của Pháp nghe thì rất hay và mang tính nhân văn khi bất kỳ học sinh nào vượt qua được kỳ thi chung đều có thể học ĐH. Nhưng chính vấn đề này cũng đang làm cho chất lượng của các trường ĐH ngày càng suy yếu bởi học sinh không được phân loại qua các kỳ thi riêng, còn các trường thì mất đi quyền quan trọng nhất đó là quyền tuyển sinh. Việt Nam cũng có thể sẽ đi vào “vết xe đổ” này.
Còn ở Mỹ, một số bang cũng tổ chức thi nhưng phần lớn các trường thay vì tổ chức thi tú tài hay các kỳ thi khác, họ tiến hành một cuộc kiểm tra học sinh đỡ tốn kém hơn nhiều và mang lại hiệu quả cao. Đó là sát hạch. Cứ 3 tháng một lần các trường lại tổ chức sát hạch học sinh sau đó đưa ra những đánh giá. Đặc biệt ở Mỹ, việc học, dạy và sát hạch đều làm rất nghiêm túc nên người ta hoàn toàn tin tưởng vào kết quả từ những cuộc sát hạch này.
Và các trường ĐH, bằng cách tuyển chọn kiểm tra riêng của mình, được sử dụng tuyệt đối quyền tự chủ tuyển sinh.
- Vậy Việt Nam nên tổ chức các kỳ thi như thế nào để mang lại hiệu quả?
- Đó là việc của Bộ Giáo dục. Cá nhân tôi cho rằng dù tuyển sinh theo hình thức nào đi nữa thì cũng nên lưu ý đến hai vấn đề mà tôi đã đề cập là trình độ chênh lệch của học sinh ở các vùng miền và quyền tự chủ cũng như trách nhiệm của các trường ĐH trong vấn đề tuyển sinh.
- Hiện chất lượng giáo dục của Việt Nam không được đánh giá cao so với khu vực và thế giới. Vậy vấn đề then chốt nằm ở giáo dục phổ thông hay ĐH thưa ông?
- Công bằng mà nói, trình độ học sinh phổ thông của Việt nam không thua kém nhiều so với thế giới. Nhưng khi tốt nghiệp ĐH thì trình độ cũng như kỹ năng mềm và tính chủ động trong công việc lại thua kém hơn nhiều so với mặt bằng chung của sinh viên thế giới.
Ở kỳ thi ĐH Việt Nam đã tổ chức tốt, song việc đào tạo trong ĐH thì còn cả một đề. Qua tiếp xúc với sinh viên, tôi cho rằng vấn đề của giáo dục Việt Nam nằm ở ĐH nhiều hơn là phổ thông.
Rất nhiều bạn đọc đồng ý vơí ý kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu:
Bạn đọc Phạm Thăng cho biết: "Bằng tốt nghiệp là cái đánh giá cả một quá trình học tập. Thật nực cười khi có em học sinh bị trượt tốt nghiệp trong khi năm nào cũng đủ điểm lên lớp, thi hết học kỳ vẫn qua đều đều, điểm tổng kết các môn đều đạt. Haizzzz. Không cần thi TN làm gì cả! Cứ dạy thật, học thật, và... lên lớp thật là đủ rồi!"
Bạn có nick name Dream đồng ý: "Tôi rất đồng ý với GS là ĐH có nhiều vấn đề hơn Cấp 3. Thường thì tâm lý của các tân sinh viên là ăn mừng chiến thắng sau khi đỗ ĐH, và coi như đỗ ĐH là một chiến thắng vinh quang và say mê ăn mừng chiến thắng đó trong 1 tgian dài, thậm chí quên cả nhiệm vụ học tập. Sau đó là đến tiêu cực của vc chạy điểm với các Thầy Cô để đc hoàn thành môn học và nhiều vđ tiêu cực khác nữa....Vì vậy cta cần chấn chỉnh nhiều hơn ở bậc ĐH"
Bạn Tú nhiệt tình hưởng ứng: "Hoan hô Giáo Sư Ngô Bảo Châu đã có cái nhìn rất chính xác về kỳ thi Quốc Gia."
Bạn Lưu Thanh Trà cho rằng: "Tôi là giáo viên cấp 3 nên tôi biết thực chất của thi TN là gi. Đồng ý bỏ TN nhưng nhất thiết phải có kì thi ĐH. Đồng ý với giáo sư!"
Bạn Hạnh cho biết: "Tôi đồng ý với ý kiến của giáo sư Ngô Bảo Châu . Nếu bỏ qua kì thi đại học thì sẽ có hai hệ lụy xảy ra : Chất lượng học sinh vào đại học sẽ kém đi và tiêu cực sẽ xẩy ra ."
Còn các bạn có đồng ý với việc bỏ thi tốt nghiệp và giữ thi đại học hay không? Comment phía dưới bài viết nhé!
Theo Nguyễn Loan - báo vnexpress
>> Năm 2015 chỉ còn duy nhất 1 kỳ thi Quốc Gia
>> Tổ chức một kỳ thi Quốc gia từ 2015 có nên hay không?
>> 3 phương án tổ chức kỳ thi Quốc gia năm 2015
>> Những đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015