Năng lực tự do của tâm hồn
Đọc sách triết giống như một kẻ lữ hành đi trên sa mạc, ốc đảo ở ngay trước mắt mà đi mãi không tới. Huống chi sách triết của I. Kant (1724-1804) trĩu nặng tư tưởng và dằng dặc câu chữ. Bạn đọc Việt “nghiệp dư” nhất dẫu sao cũng có cái may ...
Đọc sách triết giống như một kẻ lữ hành đi trên sa mạc, ốc đảo ở ngay trước mắt mà đi mãi không tới. Huống chi sách triết của I. Kant (1724-1804) trĩu nặng tư tưởng và dằng dặc câu chữ.
Bạn đọc Việt “nghiệp dư” nhất dẫu sao cũng có cái may được thử một lần mạo hiểm với bộ ba phê phán của một triết gia đại thụ bắc nhịp cầu tư tưởng sang thời hiện đại, qua các bản dịch và chú giải của Bùi Văn Nam Sơn.
Bằng Phê phán lý tính thuần túy (NXB Văn Học 2004), Kant vạch ra giới hạn của nhận thức để con người có thể tự hào về khả năng hiểu biết của mình trước tự nhiên. Với Phê phán lý tính thực hành (NXB Tri Thức sắp xuất bản), Kant vạch ra giới hạn của luân lý để con người có thể khát khao tự do bằng ý chí mãnh liệt. Còn Phê phán năng lực phán đoán (NXB Tri Thức) có nhiệm vụ vạch ra giới hạn của xúc cảm thẩm mỹ, thiết lập điều kiện cho mỹ học và nhân học với tính cách là một khoa học nhằm trả lời câu hỏi tối hậu: “Con người là gì?”.
Đối với Kant, “năng lực phán đoán” là cầu nối giữa hiểu biết và ham muốn, những lĩnh vực vừa vô tận vừa hữu hạn. Con người có thể dùng sự hiểu biết để đạt đến tự do không nếu ham muốn luôn phải chế ngự? Con người có thể dùng sự khao khát tự do để đạt đến nhận thức toàn thể không nếu hiểu biết là có giới hạn?
Trong nghệ thuật, hiểu biết và ham muốn hòa quyện, chẳng hạn thi ca, nó “tăng sức mạnh cho tâm hồn bằng cách làm cho tâm hồn cảm nhận được năng lực tự do”. Đấy là lý do Kant soạn công trình phê phán thứ ba này và cũng là lý do để chúng ta đọc nó (với một sự lao tâm cần thiết) như một tác phẩm nghệ thuật đã “đặt cơ sở mới mẻ thật sự có ý nghĩa vạch thời đại cho mỹ học”.