24/05/2018, 17:06

Nam-Bắc triều (Trung Quốc)

Nam Bắc triều (Chữ Trung Quốc: 南北朝; bính âm Hán ngữ: nánběicháo; 420-589) tiếp sau giai đoạn Thập lục quốc và trước Nhà Tuỳ trong lịch sử Trung Quốc và là một thời đại ...

Nam Bắc triều (Chữ Trung Quốc: 南北朝; bính âm Hán ngữ: nánběicháo; 420-589) tiếp sau giai đoạn Thập lục quốc và trước Nhà Tuỳ trong lịch sử Trung Quốc và là một thời đại của nội chiến và chia rẽ.

Trong thời gian này tiến trình Hán hoá được tăng tốc bên trong những đối thủ không phải Trung Quốc ở miền bắc và bên trong những bộ tộc thổ dân ở miền Nam. Nhiều người Trung Quốc ở phía bắc cũng di cư tới phía nam. Tiến trình này đi cùng với sự lớn mạnh ảnh hưởng của Phật giáo (đã được đưa vào Trung Quốc từ thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên) cả ở phía bắc và phía nam Trung Quốc.

Miền Nam và miền Bắc phát triển vào một giai đoạn khá cân bằng ổn định, nhờ những sự khác biệt về địa lý. Những thảo nguyên phẳng ở phía bắc tạo ưu thế cho kỵ binh, trong khi những vùng đất đai nhiều sông ngòi ở phía nam lại có ưu thế về thuỷ chiến. Một đội thuỷ binh mạnh trên sông Dương Tử có thể bảo vệ phương nam khỏi sự tấn công từ phương bắc, vì kỵ binh không thể sử dụng được tại vùng nhiều sông ngòi. Cũng như vậy, những khó khăn về hậu cần đối với đội quân phương nam vốn không quen dùng ngựa cũng là một trở ngại lớn cho họ trong các chiến dịch nhằm vào phương bắc. Dựa vào sức mạnh đồng đều của các quốc gia, vùng sông Hoài và vùng châu thổ Tứ Xuyên (四川) là những vùng đầu tiên có những sự thay đổi đáng kể về lãnh thổ. Chướng ngại vật này chỉ bị vượt qua bởi vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tuỳ, người đã tung ra một cuộc tấn công thuỷ binh lớn vào châu thổ Tứ Xuyên.

Mặc dù có (hay là có lẽ nhờ ở) tình trạng chia rẽ về chính trị ở thời gian này, vẫn đã có những tiến bộ lớn về kỹ thuật. Phát minh thuốc súng (thời đó chỉ sử dụng để làm pháo) và xe kút kít được coi là xảy ra vào thế kỷ thứ sáu hay thứ bảy. Các tiến bộ trong y học, giải phẫu và nghiên cứu bản đồ cũng được các nhà sử học ghi lại.

Nam triều

Lưu Tống (420-479)

Nam Tề (479-502)

Lương (502-557)

Trần (557 - 589)

Bắc triều

Bắc Ngụy (386 - 534)

Đông Ngụy (535 - 550)

Tây Ngụy (535 - 557)

Bắc Tề (550-577)

Bắc Chu (557-581)

Về y học: có Đào Hoằng Cảnh (457 – 536) với việc chỉnh lý quyển Thần Nông Bản Thảo Kinh. Quyển Thần Nông Bản Thảo Kinh thành sách vào khoảng đời Tần-Hán, là một quyển chuyên về dược vật học xưa nhất hiện còn. Đến thời đại Nam-Bắc triều, do truyền nhau sao chép, không những sai sót liên tiếp, nghĩa chữ thiếu sót[cần dẫn nguồn], mà nội dung lại hỗn loạn, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, ông bèn ra sức chỉnh lý toàn diện quyển sách. Đây là dược điển cổ nhất của Trung Quốc hiện còn tồn tại, luận bàn 365 loại dược vật, 252 loại thực vật, 67 loại động vật, và 46 loại khoáng vật. Trong Thần Nông Bản Thảo Kinh, Đào Hoằng Cảnh liệt kê các dược tính của dược liệu tương tự theo hệ thống hành chính trong vương quốc.

Về nông học: có bộ “Tề dân yếu thuật”, bộ sách bách khoa nông nghiệp đầu tiên ra đời trong thế kỷ thứ 6. Giả Tư Hiệp người Ích Đô, Tề Quận làm quan thái thú Cao Dương đời Đông Ngụy vào năm 544 căn cứ vào kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của nhân dân mà soạn ra, là trước tác khoa học rất có giá trị. Trong sách có ghi nhiều phương pháp cày sâu bừa kỹ, cày phải kịp thời, cày sớm một lượt thì có thể bằng 3 lượt, cày muộn thì năm lượt không bằng một lượt. Mùa thu thì cày cho sâu. Ruộng nhiều cỏ thì nên cho bò dê dẫm trước cho bật gốc rồi đến mùa thu cày luôn cả cỏ như thế ruộng càng tốt thêm. Trong sách còn nêu ra việc chọn giống phải chọn những hạt lúa sai hạt và rặt mầu rồi treo lên chỗ cao ráo. Giống không tốt thì sản lượng sẽ kém, giống tạp thì lúa chín không đều. Kê tốt nhất là trồng trên ruộng mà mùa trước đã trồng lúa mì. Hạt giống dung nước tuyết ngâm nhiều lần thì sản lượng sẽ cao.

Về mặt trồng cây, Tề dân yếu thuật cũng giới thiệu nhiều sáng tạo như mười mấy cây bầu trồng trong một lỗ lấy vải túm thân cây buộc lại thành một bó ngoài bọc đất, sau ít ngày bầu sẽ mọc thành một tụm, lúc ấy mới ngắt bỏ những cây nhỏ yếu đi chỉ để lại những cây to và tốt lại. Về chăn nuôi, sách có nêu cách chọn giống, cải tiến giống, cách chữa bệnh cho súc vật, cách coi tướng ngựa. ngoài ra sách còn có các phần nói về đánh bắt cám trồng rừng. Tổng cộng sách có 92 chương, 10 tập, 12 vạn chữ. Đến đời Đường, sách được truyền bá sang Nhật bản và đến đời Tống được coi là cuốn sách gối đầu giường của nhà nông.

Trong sản xuất nông nghiệp có những sáng tạo đáng kể. Cuối đời Đông Hán sau những cuộc chiến loạn, ngựa bị hao hụt nhiều nên xe bò trở thành công cụ giao thông chủ yếu. Phần vai của con bò rộng nên dụng cụ đặt lên vai có vứng vàng hơn. Đến thời Nam triều thì xuất hiện những chiếc vòng tròn tròng vào cổ ngựa làm cho sức kéo của những cỗ xe ngựa được nâng cao hơn. Phát kiến này sớm hơn châu Âu 500 năm.

Về địa lý: Bùi Tú (Tây Tấn) hoàn thiện kỹ thuật vẽ bản đồ, đề xuất lý luận bản đồ theo nguyên tắc chế độ lục thể. Đến thời Bắc Ngụy, Lê Đạo Nguyên biên soạn Thủy kinh chú, ghi chép về 1.252 con sông, núi cao, đồng bằng, thành thị, bến đò, phong thổ, con người là quyển sách vĩ đại nhất thời cổ về mặt địa lý.

Về thiên văn học: Dưới thời Đông Tấn nhà thiên văn học Ngu Hỷ đã phát hiện 1 năm hằng tinh hoàn toàn không nhất trí với 1 năm mặt trời cho nên thời gian khoảng 50 năm thì sai biệt nhau 1 độ. Việc phát hiện hiện tượng này đã giúp cho các nhà tính lịch pháp có thể soạn lại bộ lịch mới. Sau này Tổ Xung Chi đã dựa vào thành quả đó để làm ra lịch Đại Minh.

Tổ Xung Chi (429–501) là nhà toán học nổi tiếng và thiên văn–lịch pháp thời Nam-Bắc triều. Ông là người đã tính toán chính xác các ngày Hạ chí, Đông chí hàng năm thông qua việc đo độ dài bóng của một cây gậy cắm thẳng đứng trên mặt đất. Từ đó hình thành cơ sở cho việc tính một loại lịch mới chính xác hơn âm dương lịch mà các vị vua đang dùng. Năm 462, ông đưa ra loại lịch mới gọi là Đại Minh lịch pháp, tính được độ dài năm giữa hai lần xuân phân kế tiếp là 365,24281481 ngày (sai lệch 50 giây so với tính toán hiện đại), và độ dài của tháng mặt trăng là 27,21233 ngày (lệch 9 giây). Lịch Đại Minh là bộ lịch chính xác nhất trong vòng hơn 700 năm sau. Ông phát hiện thấy sự tiến động của ngày xuân phân khiến cho năm chí tuyến ngắn hơn so với năm mặt trời thực 21 phút, cũng như thấy rằng sau 7 chu kỳ 12 năm, sao Mộc lại dôi ra khoảng 1/20 quỹ đạo của nó.

Phát hiện đặc biệt quan trọng của ông trong Toán học là cách tính số pi bằng phân số 355/113, chính xác đến 6 số thập phân, và khá giản tiện. Sau một đo đạc chính xác khác, ông tuyên bố một vòng tròn có đường kính 10 triệu trượng thì có chu vi lớn hơn 31.415.926 và nhỏ hơn 31.415.927 trượng (tức là 3,1412516 < p < 3,1415927). Tên của ông được đặt cho một ngọn núi trên Mặt trăng.

Ngoài ra Tổ Xung Chi còn phát minh ra loại thuyền cơ khí chuyển động bằng sức người gọi là Thiên lý thuyền. Con trai ông là Tổ Hằng cũng là nhà số học, phát hiện ra công thức tính thể tích của hình cầu.

0