25/05/2018, 09:14

Mục đích vai trò của Công đoàn

Mục đích của Công đoàn Hoạt động của công đoàn vừa có mục đích kinh tế vừa có mục đích xã hội . Mục đích kinh tế của công đoàn thể hiện ở chỗ hoạt động của tổ chức công đoàn gắn với việc bảo đảm đời sống và điều kiện lao ...

Mục đích của Công đoàn

Hoạt động của công đoàn vừa có mục đích kinh tế vừa có mục đích xã hội. Mục đích kinh tế của công đoàn thể hiện ở chỗ hoạt động của tổ chức công đoàn gắn với việc bảo đảm đời sống và điều kiện lao động cho giới lao động, như đòi tăng lương, giảm giờ làm, bảo đảm các phúc lợi xã hội... Mục đích xã hội của công đoàn thể hiện ở chỗ bên cạnh các mục tiêu kinh tế, tổ chức này còn nhằm bảo vệ các quyền gắn liền với việc bảo vệ nhân phẩm của người lao động và nâng cao địa vị của người lao động trong mối tương quan lao động và xã hội của giới chủ.

Vai trò của Công đoàn

Trong xã hội tư bản, các nghiệp đoàn có vai trò rất quan trọng. Ở đó, các tổ chức nghiệp đoàn có tư cách như là “lực lượng quân bình”, kéo cân lại vị thế vốn nhỏ bé của người lao động làm thuê so với thế lực “vạn năng” của nhà tư bản. Nhà nước tư sản đã dùng công cụ pháp lý để xác lập quyền thành lập và hoạt động nghiệp đoàn của người lao động, và cũng bằng công cụ pháp lý giữ cho các nghiệp đoàn hoạt động trong khuôn khổ của trật tự xã hội tư bản.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng, công đoàn cũng có một vị trí, vai trò rất quan trọng. Ngoài tính chất là một tổ chức nghề nghiệp của người lao động, công đoàn ở Việt Nam còn được xác định là một tổ chức chính trị xã hội. Chính tính chất nghề nghiệp và tính chất chính trị xã hội đã khiến cho tổ chức công đoàn có vị trí, vai trò, chức năng đặc biệt: không chỉ đại diện cho lực lượng tự mình, công đoàn còn đại diện cho mọi người lao động trong xã hội; không chỉ bảo vệ cho lợi ích của người lao động, công đoàn còn đại diện cho họ tham gia quản lý kinh tế xã hội.

0