31/05/2017, 13:13

Một con người làm sao có thể nhận thức được chính mình?

Đề bài: Một con người làm sao có thể nhận thức được chính mình? Đó không phải là việc của tư duy mà là của thực tiễn. Hãy ra sức thực hiện bổn phận của mình, lúc đó bạn lập tức hiểu được giá trị của mình. (J.W. Gớt). Anh/ chị suy nghĩ gì về câu nói trên? (Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) là thi ...

Đề bài: Một con người làm sao có thể nhận thức được chính mình? Đó không phải là việc của tư duy mà là của thực tiễn. Hãy ra sức thực hiện bổn phận của mình, lúc đó bạn lập tức hiểu được giá trị của mình. (J.W. Gớt). Anh/ chị suy nghĩ gì về câu nói trên? (Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) là thi sĩ, nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, nhà khoa học, chính khách, nhà triết học Đức lỗi lạc)

Tôn Tử có câu” Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đúng như ông nói, khi ta hiểu rõ vị trí của mình và của người khác thì cơ hội thành công sẽ mở rộng nhiều. Nhận thức được chính mình sẽ khiến ta không chỉ biết được chỗ đứng của mình, khả năng của mình mà còn thấy được giá trị quý giá của bản thân. Ta tự hỏi, liệu nhận thức chính mình là việc của tư duy hay nhận thức? Đối với J.W.Gớt- nhà triết học Đức, ông cho rằng: “Một con người làm có thể nhận thức được chính mình? Đó không phải là việc của tư duy mà là của thực tiễn”.

Trước tiên, ta cần phải hiểu được những khái niệm quan trọng qua các ngôn từ trong câu nói của Gớt. “Nhận thức” là gì? Đây là một động từ thể hiện sự am hiểu về bản thân, nhận biết được trình độ, khả năng của mình. “ Tư duy” là việc vận dụng đầu óc, trí tuệ để giải quyết sự việc. Nó khác với “thực tiễn” là hành  động xảy ra trong thực tế . Còn “bổn phận” có nghĩa là trách nhiệm, nghĩa vụ mà bất kì ai cũng có. Câu nói của Gớt đề cập đến vai trò của việc tự nhận thức đó là giúp con người hiểu được ý nghĩa và giá trị của bản thân. Và ông cho rằng đó là việc của thực tiễn, không phải của tư duy. Tuy nhiên, để tự nhận thức, nhìn ra giá trị của bản thân thì không hề đơn giản và cần sự “ ra sức” thực hiện bổn phận của bản thân.

Với câu nói này,tự nhận thức được xem là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi con người. Bởi vì, chúng ta vốn biết rằng, vũ trụ là một thứ đối với con người là hết sức kì bí, vũ trụ quá to lớn khiến con người không tài nào khám phá hết được nó. Ngay trong trái đất chúng ta, đại dương với muôn màu, sắc thái cũng đủ khiến các nhà khoa học đau đầu bởi nó chứa đựng quá nhiều điều kì diệu không những về loài vật và còn về môi trường sống. Tất cả những điều mà con người am hiểu về đại dương chỉ là lớp mỏng trên cùng của nó, tận sâu dưới đáy biển là vô vàn điều thú vị và cũng rất đáng sợ. Thế nhưng, có một thứ còn ấp nhiều điều bí mật hơn thế nữa đó là con người, con người sẽ và mãi là một đề tài dù ta mổ xẻ, khám phá bao nhiêu cũng không hết. Do đó, dù hiểu biết bản thân là nhu cầu con người ta cần hướng tới nhưng quá trình nhận thức ấy chắc chắn sẽ dài và gian nan. Một điều nữa, đôi khi chính sự nhận thức của bản thân sẽ trở thành tự ngộ nhận, đó là thái độ khách quan, mất sự tỉnh táo để nhận ra chính mình thực sự. Vì vậy, câu hỏi” Làm sao để nhận thức được chính mình?” chẳng hề dễ dàng trả lời chút nào.

Gớt cho rằng, giữa tư duy và thực tiễn, thì thực tiễn đảm nhận công việc tự nhận thức ấy. Vì sao ông lại cho như vậy? Vì sao tư duy không làm nên được điều đó dù ai cũng biết rằng “ tổ tiên của mọi hành động là suy nghĩ”- Emerson? Bởi vì  tư duy xuất hiện khi con người rơi vào trạng thái động não và tập trung suy nghĩ cho một vấn đề nào đó nhưng đó chỉ có thể là sự phán đoán, tưởng tượng, hết sức trừu tượng trong đầu óc. Một giá trị, một nhân cách thực sự không thể được phán đoán qua tư duy như cách mà tư duy phán đoán sự việc được. Chỉ khi ta thoát khỏi tư duy và bước vào đời sống thì những nhân cách, giá trị con người mới bộc lộ. Vì khi ta tư duy, không ai biết ta đang nghĩ gì, không ai có thể thấy được con người thực sự của bạn. Lao vào vòng thực tiễn là đối mặt với cuộc sống cũng chính là lúc để hành động ra tay thay tư duy. Chỉ có thực tiễn là hạnh động mới giải quyết được “ sự tự nhận thức”. Ngay cả chính ta, đôi khi ta cũng không biết được ta là người tốt hay xấu.Trong tư duy, luôn có hai thế lực tranh giành hướng suy nghĩ của ta về tốt hoặc xấu khiến ta bị phân vân và mông lung.  Và khi đó, ta không thể nào nhận thức nổi bản thân, thật sự như rơi vào hoàn cảnh của câu nói trên. Rốt cuộc ta là người thế nào? Một khi ta tìm đến thực tiễn, cũng là lúc ta tìm được lối thoát cho sự vòng vây trong suy nghĩ. Ta có thể vận dụng tư duy để tính toán, để sáng tạo,... nhưng nó lại thật vô dụng cho việc giúp ta hiểu được giá trị bản thân.Đứng trước những tình huống trong cuộc sống, bản chất của con người sẽ lộ diện qua cách ta ứng xử, giao tiếp, nói chuyện, cách sống cùng cộng đồng chứ không phải qua tư duy. Ví dụ như bạn là một người cởi mở, hòa đồng và vui tính thì ngay trong cách mà bạn ăn nói sẽ khiến cho người đối diện cảm thấy hài lòng, vui vẻ,cảm mến thậm chí ngay cả bạn cũng nhận được điều đó. Như vậy, qua cách mà bạn giao tiếp với xã hội đã cho bạn nhân thấy mình rất được nhiều người quý mến. Hay trong thái độ học tập và làm việc của bạn, luôn có sự dứt khoát, thẳng thắn, bình đẳng thể hiện qua cách bạn làm bài thi, cách bạn hoàn thành công việc và chuẩn bị tư liệu, tài liệu thế nào..... .

Giữa tư duy và thực tiễn tuy có mối liên hệ với nhau nhưng đôi khi, tư duy có thể bị thực tiễn che lấp mất mà nếu như không có thực tiễn ta có thể sẽ bị hoang tưởng về chính mình. Giả sử, bạn cho mình là một người tốt bởi bạn không hề làm tổn hại đến ai nhưng có một tình huống nào đó đưa đẩy bạn khiến bạn đánh mất tư duy. Bạn tính cờ thấy số lượng tiền rất lớn khi qua nhà bạn chơi trong khi gia cảnh bạn đang khó khăn? Nếu như bạn thấy nó và không quan tâm nó, không bị nó mê hoặc thì chứng tỏ bạn là một người trung thực, đáng tin cậy. Ngược lại, bạn sa vào sự lú lẫn, đánh mất lí trí và thực tiễn đá đánh bại sự tính táo của bạn, hành động quyết định khi bạn lấy số tiền đó là một minh chứng cho thấy thực tiễn đã lật tẩy được bản chất của bạn.  Ở xã hội ngày nay, những câu chuyện này xảy ra rất thường xuyên. Trong tác phẩm văn học, những tình tiết đáng chú ý của câu chuyện cũng là một minh chứng cho sự quan trọng của thực tiễn. Nhân vật  Chí Phèo của Nam Cao trong một tác phẩm cùng tên nhân vật đã cho thấy tình thương yêu ấm áp giữa người và người, một hành động xảy ra ngay trong thực tại mà không thể nào thay đổi như trong tư duy đã làm một con người sống dậy lần thứ hai- Chí. Theo dõi câu chuyện ta biết rằng, trong làng Vũ Đại, Chí được xem như một con quỷ dữ, chuyên sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ, luôn sống trong cơn say và vật và vật vờ không nhà không cửa. Thế nhưng, thực tiễn đã làm cho Chí sống dậy và trổi lên lòng khát khao được làm người lương thiện qua hành động chăm sóc ân cần của Thị Nở và bát cháo hành chứa chan tình người. Do vậy, Chí Phèo đã không hề sử dụng cái tư duy “say xỉn” của mình mà chính thực tiễn đã khiến phần người còn sót lại trong Chí sống dậy.

Như vậy, lời nói và suy nghĩ không bao giờ giúp mình khẳng định được giá trí bản thân, giúp nhận thức chính mình mà cần phải thực hiện bổn phận của con người. Trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân cần được” ra sức” để thực hiện. Ở mỗi cương vị, con người có trách nhiệm khác nhau. Liên hệ với bản thân học sinh, có thể thấy rằng, bổn phận của học sinh là phải biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thương yêu anh chị em trong gia đình, biết kính thầy yêu bạn. Đặc biệt, phải có trách nhiệm trong việc học tập và rèn luyện đạo đức thật tốt để góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tóm lại, câu nói của Gớt là một câu nói đúng đắn mà chính chúng ta cũng có thể trải nghiệm và chứng thực nó qua những thực tiễn trong đời sống. Tư duy là thiết yếu của con người nhưng sẽ quan trọng hơn nữa nếu con người biết vận dụng thực tiễn một cách tốt nhất để nhận ra được giá trị quý giá của con người. Hãy ra sức thực hiện bổn phận là cách tốt nhất đê làm được điều đó!

Nguồn: Phạm Tường Vi
0