24/05/2018, 15:42

Một cách tiếp cận “chủ ngữ” từ góc độ loại hình học

Đã có một số học giả nước ngoài có những nghiên cứu, mà theo chúng tôi, là có ảnh hưởng quan trọng đến việc miêu tả cú pháp tiếng Việt. Đó là Ch.Li, Sandra Thompson, Keenan, Jan Terje Faarlund… Áp dụng vào việc nghiên cứu chủ ngữ của tiếng Việt từ góc ...

Đã có một số học giả nước ngoài có những nghiên cứu, mà theo chúng tôi, là có ảnh hưởng quan trọng đến việc miêu tả cú pháp tiếng Việt. Đó là Ch.Li, Sandra Thompson, Keenan, Jan Terje Faarlund… Áp dụng vào việc nghiên cứu chủ ngữ của tiếng Việt từ góc độ loại hình học, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hướng đi của Terje Faarlund.

Trong một bài viết về loại hình học chủ ngữ (A typology of subjects), tác giả Jan Terje Faarlund (trường Đại học Trondheim) đã đề xuất một cách nhận diện các loại hình chủ ngữ. Theo đó, một loại hình chủ ngữ sẽ được nhận diện bởi một đối tượng thiết yếu trong câu và các tham số xung quanh nó. Đối tượng đó là danh ngữ.

Ngữ danh từ là một phần của hiện dạng (token) câu trong ngữ cảnh, thực hiện ít nhất 2 vai trò hoặc chức năng: chức năng diễn đạt ngữ nghĩa về sự kiện mà câu muốn nói đến, chẳng hạn như tác thể, bị thể ,v.v…, và chức năng dụng học về ngữ cảnh diễn ngôn, điều này phụ thuộc vào việc các sự kiện được nói đến trong câu đã được chỉ ra như thế nào trong các ngữ cảnh được nói đến trước đó. Để có thể giao tiếp thành công xét ở cấp độ diễn ngôn cũng như ở cấp độ câu, người nói phải có khả năng phân biệt được từng chức năng đó của ngữ danh từ. Những chức năng này được biết đến như là chức năng ngữ pháp, được định nghĩa về mặt ngôn ngữ là mang những đặc trưng hình thái cú pháp như dấu hiệu cách của từ (tiền tố, hậu tố), vị trí tuyến tính các thành tố. Một vấn đề quan trọng là làm thế nào để hòa hợp các đặc trưng ngữ học và dụng học của ngữ danh từ với những đặc trưng hình thái cú pháp thông qua ngôn ngữ.

Tác giả đã đề cập đến chức năng ngữ nghĩa chính và chức năng dụng học chinh, Đó là chức năng đặc thù của tác thể và chức năng có tính chất quy chiếu của những ngữ danh từ quan trọng nhất. Đặc điểm của chức năng ngữ nghĩa học cơ bản hay chức năng dụng học cơ bản hoặc cả hai chức năng này là chúng đều được diễn giải trong một phạm trù gọi là “chủ ngữ”. Chủ ngữ là một ngữ danh từ có thể được nhận biết qua vị trí đứng trong câu hoặc qua tính hình thái.

Do tất cả các ngôn ngữ đều có trật tự tuyến tính của các thành tố nên các thành tố cấu tạo đều có những vị trí riêng của mình. Ngòai ra, một vài ngôn ngữ còn tận dụng những dấu hiệu hình thái để thể hiện những chức năng tương ứng. Dựa trên cơ sở đó, hòan tòan có thể xây dựng được một loại hình với 2 tham số:

  • Thứ nhất, chúng ta có thể phân biệt được ngôn ngữ nào sử dụng dấu hiệu hình thái để thể hiện chức năng ngữ pháp và ngôn ngữ nào thì không sử dụng.
  • Thứ hai, trong số các ngôn ngữ sử dụng dấu hiệu hình thái, chúng ta có thể phân biệt ngôn ngữ nào sử dụng các cách thức khác nhau để diễn giải chức năng ngữ nghĩa và chức năng dụng học, còn ngôn ngữ nào thì chỉ sử dụng dấu hiệu hình thái để thể hiện hai chức năng này.

Hai tham số nói trên có thể tạo ra 3 kiểu ngôn ngữ phụ thuộc vào hệ thống diễn giải chức năng ngữ nghĩa và dụng học. Tác giả gọi lần lượt là kiểu A, kiểu B và kiểu C.

Là loại ngôn ngữ đánh dấu cách, theo đó chức năng ngữ nghĩa và dụng học được thể hiện theo nhiều cách thức khác nhau. Ví dụ, một ngôn ngữ đánh dấu cách có thể diễn giải chức năng ngữ nghĩa cơ bản (chẳng hạn chức năng của tác thể) bằng cách sử dụng chủ cách (nominative case) và chức năng dụng học cơ bản (chẳng hạn chức năng của chủ đề) bằng cách đứng ở vị trí đầu câu.

Cũng là loại ngôn ngữ mang dấu hiệu cách, tuy nhiên chúng khác so với kiểu A ở chỗ cả hai chức năng ngữ nghĩa và dụng học đều được diễn giải bằng những dấu hiệu hình thái.

Là loại ngôn ngữ không sử dụng dấu hiệu cách, kể cả những dấu hiệu có chỉ dẫn tham chiếu tới động từ. Loại ngôn ngữ này chỉ sử dụng mỗi trật tự tuyến tính của các thành tố để thể hiện chức năng ngữ nghĩa và dụng học.

Trong trường hợp có sự mâu thuẫn khi chỉ định hai chức năng trên, chẳng hạn trường hợp chủ đề bị thể (trong câu bị động), kiểu B và kiểu C sẽ đều phải sử dụng đến quy trình cú pháp hoặc hình thái để xử lý. Trong ngôn ngữ kiểu B, quá trình xử lý như vậy thường là quá trình thay đổi hình thái và chủ ngữ điển mẫu thường là ngữ danh từ chủ cách (nominative case) hoặc tuyệt cách

Tuyệt cách được thấy ở những ngôn ngữ khiển cách (ergative), khi chủ ngữ của câu có động từ vị ngữ nội động (intranstive) được đánh dấu về cách (case) giống với bổ ngữ của câu có động từ vị ngữ ngoai động (transitive).
(absolute case). Trong ngôn ngữ kiểu C, quá trình xử lý nói trên lại thường được xử lí một cách đặc thù như là quá trình thay đổi chức năng cú pháp và chủ ngữ điển mẫu là một cụm danh từ xét trên khía cạnh thành tố cấu tạo và/hoặc trật tự tuyến tính các thành tố. Ngôn ngữ kiểu A không chứa đựng sự mâu thuẫn nói trên và vì thế không cần đến quá trình xử lý ngôn ngữ như trên. Như vậy, một chủ ngữ điển hình thường là một ngữ danh từ chủ cách hoặc ngữ danh từ tuyệt cách (hay khiển cách – ergative case).

Dựa vào ba cách phân biệt đề cập ở trên, Jan Terje Faarlund dự đoán rằng sẽ hình thành nên 2 mối tương quan. Thứ nhất, hiện tượng hình thái-cú pháp, giống như quá trình thay đổi chức năng ngữ pháp, có thể thấy trong ngôn ngữ kiểu B và C. Nếu hiện tượng này cũng thấy trong ngôn ngữ kiểu A thì nó nhằm mục đích khác chứ không phải là để xử lý mâu thuẫn giữa chức năng nghĩa học và dụng học. Thứ 2, việc sắp xếp các đặc tính chủ ngữ tùy thuộc vào nét khác biệt của từng loại hình. Dựa theo kết quả nghiên cứu và bảng tiêu chí xác định chủ ngữ phổ quát của Keenan, Jan Terje Faarlund đã điểm lại một lọat những đặc trưng chủ ngữ và sắp xếp giữa hai nhóm (những chữ cái và con số nằm trong dấu ngoặc đơn là để chỉ danh sách liệt kê các đặc trưng chủ ngữ của Keenan).

Các đặc trưng chủ ngữ liên quan đến chức năng:

Hợp dạng với động từ (A.3.3) chỉ ra mối quan hệ giữa cụm danh từ với động từ, chứ không phải là với tham chiếu diễn ngôn.

Người nhận mệnh lệnh (C.2.2) phụ thuộc vào việc cụm danh từ chi phối động từ về mặt nghĩa hay không.

Mở rộng (A.3.16) tùy thuộc vào các chức năng được phân bổ bởi động từ chính và động từ phụ.

Lược bỏ đồng đều trong các thành phần bổ ngữ câu (A.3.4.2) tùy thuộc vào các chức năng được phân bổ bởi động từ chính và động từ phụ, tương tự với lối mệnh lệnh (xem ở trên): John persuaded Mary to leave/die (John ép Mary phải rời đi/phải chết)

Các đặc trưng chủ ngữ có tính tham chiếu:

Điều chỉnh phản thân (A.3.1.1) liên kết cụm danh từ này với một cụm danh từ khác bằng chỉ dẫn tham khảo đồng nhất, không phải là chức năng đồng nhất.

Sự kiện cực tả (A.3.12). Những cụm danh từ được đưa ra để tham chiếu thường đứng trước những cụm danh từ chuyển tải những thông mới.

Lược bỏ đồng tham chiếu qua liên từ kết hợp (A.3.4.3) liên kết cụm danh từ với cụm danh từ trong các câu khác nhau mà không có những hạn chế nghĩa đối với những động từ cùng diễn tả một sự kiện: John talked to Mary and then die (John nói với Mary rồi chết).

Đến lúc này chúng ta có thể phỏng đoán rằng trong ngôn ngữ kiểu A, chủ ngữ (ví dụ như cụm danh từ chủ cách) chủ yếu mang những đặc trưng liên quan đến chức năng, trong khi đó trong ngôn ngữ kiểu B và C thì chủ ngữ lại chủ yếu mang những đặc trưng có tính tham chiếu, hay nói cách khác là những đặc trưng về mặt dụng học.

Mối tương quan nói trên có thể được tóm lược trong bảng sau:

Kiểu A B C
Cách diễn giải Cả hai Cách Vị trí
Quá trình thay đổi chức năng Không
Đặc trưng chủ ngữ Chức năng Quy chiếu Quy chiếu

Quay trở lại với vấn đề tiếng Việt. Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập không biến hình, hoàn toàn không có dấu hiệu hình thái cách. Các ý nghĩa ngữ pháp được nhận diện nhờ trật tự từ và hư từ. Bởi vậy tiếng Việt thuộc loại hình C trong bảng phân loại trên. Việc nhận diện chủ ngữ tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ tiếng Việt nói chung thuộc loại hình nào có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định cú pháp tiếng Việt nên phân tích theo mô hình nào.

Nhận xét về sách ngữ pháp tiếng Việt, đặc biệt là sách giáo khoa về ngữ pháp, Giáo sư Cao Xuân Hạo đã đưa ra một sự đối chiếu rất mỉa mai: "Sách dạy tiếng Việt và tiếng Việt thật". Tác giả cho rằng một số sách ngữ pháp tiếng Việt là sản phẩm của sự vận dụng máy móc "Tiếng Tây như thế nào thì tiếng Việt tất nhiên cũng phải như thế". Do đó, "cách miêu tả hệ thống ngữ pháp tiếng Việt gần y hệt như ngữ pháp tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Nga". Tác giả đã nhấn mạnh: muốn miêu tả đúng hệ thống ngữ pháp tiếng Việt cần phải tìm ra những quy tắc thật sự có tác dụng đối với việc nói và viết đúng tiếng Việt. Để tìm ra quy tắc này không thể không chú ý tới đặc trưng loại hình học tiếng Việt. Vấn đề chủ ngữ là một trong những vấn đề ngữ pháp đã được tác giả xem xét từ góc độ loại hình.

Trong công trình nghiên cứu loại hình học liên kết cú pháp, PGS Nguyễn Hồng Cổn đã tổng kết 5 loại hình liên kết thành phần câu với cơ sở phân loại được xác lập dựa trên việc đánh dấu về mặt hình thái - cú pháp. Ba thành tố cú pháp của câu có liên quan với động từ vị ngữ (A, S, và O) (Loại hình đánh dấu cách – Typology of case marking – Comrie 1978, 1989, Dixon 1979, 1994, Song 2001), được xem xét để nhận diện đặc điểm loại hình liên kết thành phần câu (loại hình đánh dấu cách) là:

A: chủ ngữ của động từ ngoại động (~ tác thể : agent)

S: chủ ngữ của động từ nội động (~ nghiệm thể: experience)

O: bổ ngữ của động từ ngoại động (~ đối thể/bị thể: object/pacient)

Trên cơ sở đó có 5 loại hình liên kết hình thái cú pháp về thành phần câu như sau:

  • Liên kết chủ cách – đối cách: A = S ≠ O
  • Liên kết khiển cách – tuyệt cách: A ≠ S = O
  • Liên kết tam phân: A ≠ S ≠ O
  • Liên kết A P/S: A = O ≠ S
  • Liên kết trung hòa: A = S = O

Tiếng Việt thuộc loại hình liên kết trung hòa với đặc trưng: không có dấu hiệu cách phân biệt A, S, O. Thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, tiếng Việt sử dụng trật tự từ và hư từ để đánh dấu các liên kết cú pháp.

Khi không có dấu hiệu cách để phân biệt A, S, O, tiếng Việt sử dụng thông số loại hình học trật tự từ.

Hai kiểu trật tự từ được dùng làm thông số loại hình học là:

  • Trật tự các thành phần câu: Chủ ngữ (S), Vị ngữ (V), Bổ ngữ (O)
  • Trật tự các thành tố của ngữ: Trung tâm (head), các thành tố phụ (dependents).

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu mới về loại hình cú pháp phân chia các ngôn ngữ thế giới thành ngôn ngữ “thiên chủ ngữ” và “thiên chủ đề” hoặc các ngôn ngữ “đối cách”, “khiển cách”, tác giả cho rằng sự đối lập ngôn ngữ “thiên chủ ngữ” và “thiên chủ đề” hay “đối cách” và “khiển cách” không phải là sự đối lập tuyệt đối (có – không) mà chỉ là sự phân loại theo mức độ. Nếu áp dụng các tiêu chí phổ quát hơn (theo lý thuyết điển mẫu) chứ không phải là các thuộc tính thuần túy hình thức (ảnh hưởng của quan điểm dĩ Âu vi trung) để nhận diện S và O, thì ngay cả các ngôn ngữ thiên chủ đề hay khiển cách cũng có các điển mẫu S và O (ví dụ trong tiếng Việt).

Những kết quả nghiên cứu trên đây của các tác giả đã định hướng rất rõ: cần xuất phát từ các đặc trưng loại hình học mà xây dựng một khung lý thuyết thích hợp để xem xét vấn đề chủ ngữ. Xét từ góc độ loại hình học, có thể giả định rằng, trong tiếng Việt tồn tại một khái niệm “chủ ngữ” với những đặc trưng nhất định, và những đặc trưng này chủ yếu mang tính tham chiếu (hay những đặc trưng mang tính dụng học). Trong một bài báo trước đây (Bước đầu áp dụng lý thuyết điển mẫu vào nghiên cứu thành phần chủ ngữ trong câu tiếng Việt – Tạp chí NN 11/2008), chúng tôi đã tổng kết và xác lập một bộ tiêu chí tạm gọi là “điển mẫu” cho chủ ngữ tiếng Việt như sau:

  1. Thành phần chính của câu song phần
  2. Về mặt ngữ pháp không phụ thuộc các thành phần khác của câu
  3. Là thành tố bắt buộc, không thể bị lược bỏ mà không ảnh hưởng đến tính trọn vẹn của câu
  4. Chủ thể ngữ pháp của vị ngữ
  5. Tạo ra cùng vị ngữ một kết cấu có khả năng nguyên nhân hóa.
  1. Có thể diễn đạt bất kì sự vật hữu sinh hay vô sinh, hiện tượng hay khái niệm, có tư cách là vật có đặc trưng do vị ngữ biểu thị
  2. Thường là chủ thể của hành động (chủ thể sở hữu, chủ thể tiếp nhận, chủ thể phẩm chất…). Chủ ngữ còn có ý nghĩa như một chủ tố, còn gọi là yếu tố trung tâm thu hút các yếu tố biên để làm thành nhóm chủ ngữ.
  3. Biểu thị kẻ được sai khiến trong câu mệnh lệnh
  4. Có vị trí như danh ngữ chỉ kẻ gây khiến trong những câu khiên động điển hình
  5. Sự vật khách quan là sở chỉ của chủ ngữ điển mẫu tồn tại không phụ thuộc vào hành động hay tính chất biểu thị ở vị ngữ.
  • Thường đứng đầu câu, trong những câu có nhiều thành phần phụ ở đầu câu thì đứng trước vị từ trung tâm
  • Biểu thị bằng danh từ, đại từ, động từ, tính từ, tổ hợp danh từ hoặc bất kì một từ có ý nghĩa từ vựng nào, theo sự phân biệt truyền thống giữa những thực từ (có ý nghĩa từ vựng) và hư từ (chỉ có ý nghĩa ngữ pháp).
  • Trong sơ đồ thành tố trực tiếp, chủ ngữ đứng trước bổ ngữ trực tiếp, được cấu tạo bởi thể từ hay ngữ thể từ không có giới từ

Xét từ góc độ loại hình học, các tiêu chí trên đều đáp ứng các tiêu chuẩn loại hình của tiếng Việt. Do tiếng Việt thực hiện chức năng dụng học cơ bản thông qua trật tự từ, nên cụm chủ ngữ được định nghĩa khá tốt theo vị trí và thành tố cấu tạo. Trong phần lớn các câu chủ động, chủ ngữ thường giữ vai trò ngữ nghĩa chính (ví dụ như tác thể). Và khi thực hiện một quy trình cú pháp (cải biến bị động), thì rõ ràng câu tiếng Việt vẫn có thể đáp ứng được.

Để xem xét kết quả của việc áp dụng bảng tiêu chí nhìn từ góc độ loại hình học nói trên, đồng thời áp dụng phương pháp của lý thuyết điển mẫu, chúng tôi đã khảo sát chủ ngữ của các câu đơn trong 3 truyện ngắn (Bản lĩnh đàn ông, Cái nón mê thủng chóp, Giấc mơ đến từ quá khứ) và 1 truyện dài (Cọng rêu dưới đáy ao). Để lập bảng thống kê phân loại, chúng tôi dựa vào một số tiêu chí:

  1. Chủ ngữ: xác định dựa trên bộ tiêu chí như trên.
  2. Vị ngữ và các thành phần phụ
0