24/05/2018, 15:41

Lời nói đầu - Hải Dương học đại cương - Phần 2

Do một số nguyên nhân, sách giáo khoa về hải dương học đại cương được xuất bản thành hai phần. Phần 1 “Hải dương học đại cương: Các quá trình vật lý” của tác giả V. N. Malinhin xuất bản năm 1998. Phần 2 “Hải dương học đại cương: Các quá ...

Do một số nguyên nhân, sách giáo khoa về hải dương học đại cương được xuất bản thành hai phần. Phần 1 “Hải dương học đại cương: Các quá trình vật lý” của tác giả V. N. Malinhin xuất bản năm 1998. Phần 2 “Hải dương học đại cương: Các quá trình động lực học”, của các tác giả V. N. Vorobiev và N. P. Smirnov, là phần kết thúc của giáo trình hải dương học đại cương. Cả hai tài liệu học tập đều được viết theo chương trình hiện hành của môn học được thông qua năm 1996.

Việc xây dựng chương trình môn học “Hải dương học đại cương” và sự hình thành môn học này ở Đại học Quốc gia Khí tượng Thủy văn Nga (trước đây là Trường Đại học Khí tượng Thủy văn Lêningrat) gắn liền với tên tuổi của các giáo sư Vsevolođ Vsevolođovich Timonov, người sáng lập ra Khoa hải dương học ở trường này, và Leoniđ Aleksanđrovich Giukov, tác giả cuốn giáo khoa đầu tiên và là một trong những cuốn giáo khoa tốt nhất về hải dương học đại cương xuất bản năm 1976.

Hơn hai mươi năm đã trôi qua, chương trình môn học đã biến đổi, đã có nhiều dữ liệu mới trên cơ sở những nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết về Đại dương Thế giới. Tuy nhiên, những cơ sở nền tảng của môn học vẫn như xưa. Vì vậy, trong khi chuẩn bị cuốn sách giáo khoa mới dựa trên những bài giảng của một trong các tác giả trong vòng bảy năm cho sinh viên Khoa hải dương học, thì cuốn sách giáo khoa của L. A. Giukov được sử dụng như một trong những nguồn văn liệu chính. Đồng thời, trong khi viết sách, ở mức độ nào đó cũng đã sử dụng những kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả khác, người đọc có thể thấy một số trong số đó ở danh mục tài liệu khuyến cáo dẫn ở cuối sách.

Phù hợp với sơ đồ kinh điển, việc trình bày các quá trình động lực học trong đại dương được bắt đầu từ nghiên cứu hoàn lưu nước trong đại dương, sau đó đến sóng và cuối cùng là thủy triều, và tuy rằng thủy triều cũng là quá trình sóng, nhưng nó khá đặc thù và được nghiên cứu riêng.

Chương cuối cùng của sách không đề cập trực tiếp đến việc nghiên cứu động lực học đại dương, nhưng nó rất liên quan tới động lực học. Bởi vì sự sống trong đại dương bị chi phối rất nhiều bởi các quá trình động lực. Vấn đề khai thác năng lượng từ đại dương cũng như vậy.

Tài liệu giáo khoa này thực chất là một dẫn đề tới giáo trình chuyên đề “Động lực học đại dương” và nó giúp khái quát một cách khá đầy đủ, hầu như toàn bộ bức tranh các quá trình động lực trong đại dương, nhưng không quá chi tiết hóa và quá nhiều những dẫn đề lý thuyết. Một sinh viên ham hiểu biết luôn có thể làm sâu rộng tri thức của mình thông qua đọc văn liệu của các nhà khoa học Nga, những người đã từng có đóng góp cơ bản cho sự nghiệp nghiên cứu động lực học đại dương như: Iu. M. Sokalsky, V. V. Suleikin, N. N. Zubov, V. B. Stokman, I. V. Monhin, B. A. Kagan, I. N. Đaviđan và nhiều người khác, cũng như các nhà hải dương học ngoại quốc nổi tiếng với một loạt sách đã được dịch sang tiếng Nga: Lamb A., Neuman G., Perri A., Volker Đ. v.v..

Cuối cùng, các tác giả bày tỏ cảm ơn tới giáo sư chủ nhiệm bộ môn “Động lực học đại dương” A. V. Nhekrasov, các giáo sư B. A. Kagan và V. N. Malinhin, các phó giáo sư L. N. Kuznhesova và P. L. Plink vì những nhận xét quý báu trong khi đọc duyệt bản thảo. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn những người phản biện: chủ nhiệm bộ môn hải dương học Đại học Tổng hợp Quốc gia Sankt-Peterburg V. V. Ionov, giáo sư V. R. Fuks, phó giáo sư V. V. Klepikov và chủ nhiệm phân ban “Tương tác đại dương và khí quyển” của Viện nghiên cứu khoa học Bắc Cực Nam Cực, giáo sư G. V. Alekseev về những nhận xét phê bình và góp ý mà chúng tôi đã tiếp thu.

Các tác giả cảm ơn giáo sư hiệu trưởng Đại học Quốc gia Khí tượng Thủy văn Nga L. N. Karlin đã luôn ủng hộ trong quá trình xây dựng bản thảo, chủ nhiệm ban biên tập - xuất bản I. G. Maksimova và biên tập viên O. Đ. Reinvers có nhiều công lao hiệu đính và chuẩn bị bản thảo tới xuất bản.

0