13/01/2018, 16:29

Miêu tả hình ảnh người dũng sĩ – Văn hay lớp 6

Miêu tả hình ảnh người dũng sĩ – Văn hay lớp 6 Miêu tả hình ảnh người dũng sĩ – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Bình Định Lũ con trai chúng tôi ai cũng mong muốn mình sẽ trở thành một chàng dũng sĩ khoẻ mạnh, cường tráng với sức khoẻ vô địch giúp cho cái thiện chiến ...

Miêu tả hình ảnh người dũng sĩ – Văn hay lớp 6

Miêu tả hình ảnh người dũng sĩ – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Bình Định

Lũ con trai chúng tôi ai cũng mong muốn mình sẽ trở thành một chàng dũng sĩ khoẻ mạnh, cường tráng với sức khoẻ vô địch giúp cho cái thiện chiến thắng cái ác. Và tôi, tôi cũng mang trong mình mong muốn được tài giỏi, dũng mãnh như chàng Thạch Sanh trong truyện cổ tích.

Thạch Sanh vốn là thái tử con trai của Ngọc Hoàng phái xuống hạ giới đầu thai vào làm con của gia đình họ Thạch. Cha mẹ mất sớm, ngày ngày chàng phải đổi củi lấy gạo nuôi thân. Đến tuổi trưởng thành, Thạch Sanh có khuôn mặt rạng rỡ, nhân từ và thân hình vạm vỡ, cường tráng. Quanh năm, chàng chít trên đầu mình chiếc khăn vải nâu đã sờn rách. Chàng thường ở trần, đóng khố, đi chân đất. Nước da dãi dầu mưa nắng ánh lên một màu nâu bóng như đồng hun. Thạch Sanh đẹp như một pho tượng đồng đúc. vầng trán chàng cao làm nổi bật đôi mắt nâu sẫm ánh lên một ý chí, nghị lực phi thường và quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi. Gương mặt chàng sắt lại vì sương gió.

Các bắp thịt ở tay, ở chân nổi lên cuồn cuộn và rắn chắc như trắc, như gụ. Bờ vai chàng rộng, ngực nở hình vòng cung càng làm tôn lên vẻ đẹp cường tráng của một chàng dũng sĩ tài ba. Thạch Sanh được các thiên thần trên tiên giới xuống dạy cho rất nhiều phép thuật kì diệu.

Cho dù phép thuật cao cường, nhưng Thạch Sanh hằng ngày vẫn chăm chỉ, siêng năng, ngày ngày lên đường kiếm củi đi từ sáng sớm đến lúc tối mới về. Bờ vai trần màu đồng hun đỏ như gạch nung của chàng ngày ngày nhễ nhại mồ hôi. Vì tính nết thật thà, chất phác, Thạch Sanh từng bị Lí Thông lừa. Tuy thế, chàng vẫn lấy ân trả oán. Tính tình trọng nghĩa khinh lợi của chàng được mọi người rất yêu mến.

Thạch Sanh lập nhiều chiến công hiển hách. Chàng đã diệt trừ chằn tinh độc ác để cứu giúp dân lành. Bàn tay chắc khoẻ của chàng còn mang được cả cây cung vàng nặng cả trăm cân. Hơn thế nữa, chàng còn cứu cả công chúa và con vua Thuỷ Tề. Trận đánh của chàng với chằn tinh quả là nghiêng núi đổ hang. Chằn tinh to khoẻ cậy mình có phép thuật đã thổi ra lửa, dùng thân mình làm dây trói quấn quanh người Thạch Sanh. Nhưng nhanh như cắt, chàng đã vung búa để chống đỡ và hạ gục chằn tinh. Với cây cung vàng, Thạch Sanh đã bắn chết đại bàng khổng lồ và cứu được công chúa. Tuy cứu giúp được nhiều người nhưng Thạch Sanh không hề tham lam và màng danh lợi.

Chàng chỉ xin vua Thuỷ Tề cây đàn nhỏ bé. Chính cây đàn ấy và âm thanh của nó đã vượt qua song sắt nhà tù đến tai công chúa và chữa cho nàng khỏi bị câm. Tiếng đàn gửi gắm tấm lòng trong sáng và tình yêu tha thiết của chàng. Không chỉ lập những chiến công bằng sức khoẻ và sự mưu trí của mình, Thạch Sanh còn cảm hoá quân giặc bằng chính tấm lòng nhân hậu của mình. Nhờ niêu cơm thần của chàng đã khiến mười tám nước chư hầu phải quy hàng và kéo nhau trở về nước giữ yên bờ cõi nước nhà. Chính nhờ tài đức vẹn toàn dó, Thạch Sanh đã được cưới công chúa và vua nhường ngôi cho.

Thạch Sanh là hình tượng tiêu biểu cho vẻ đẹp của những người dũng sĩ mà người dân Việt Nam bao đời nay đều ước mơ. Chính vì vậy, hình ảnh Thạch Sanh luôn sống mãi trong tâm hồn chúng ta.

Miêu tả hình ảnh người dũng sĩ – Bài làm số 2

Những câu chuyện cổ “Thạch Sanh”, “Thánh Gióng”,… đã để lại trong em ấn tượng rất đẹp về người dũng sĩ. Các anh là những chàng trai còn trẻ, thân hình rắn rỏi, mạnh mẽ. Ngày thường, khi giúp đỡ gia đình, các anh ăn mặc không khác người bình thường, cũng đóng khố, cởi trần để làm ruộng, đốn củi. Làn đa đỏ như đồng thau; những lúc cày cuốc, bắp chân, bắp tay nổi lên cuồn cuộn. Trên gương mặt luôn nở nụ cười tươi còn thánh thót bao giọt mồ hôi nóng hổi. Vậy mà khi ra trận, nhìn các anh dũng sĩ thật oai hùng! Các anh mặc quán áo giáp sắt, đội mũ sắt phủ kín từ đỉnh đầu đến gót chân, vững vàng như một pho tượng sắt. Dáng vẻ lực lưỡng, mạnh mẽ càng khiến các anh giống các thiên thần. Khi xung trận, anh rạp người trên mình ngựa. Những tiếng hét xung trận vang rền của anh khiến quân thù khiếp sợ, sự dũng mãnh của anh khiến cho chúng kinh hoàng.

Miêu tả hình ảnh người dũng sĩ – Bài làm số 3

Có lẽ ai đã đọc truyện đều nhớ đến cây đàn và niêu cơm đất thần kì. Nó đã trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh Thạch Sanh. Mỗi lần đọc xong truyện “Thạch Sanh”, gấp sách lại, em có cảm giác như nhân vật đang bước ra từ câu chuyện, gần gũi và chân thật. Đó là một chú Thạch Sanh cao lớn, vạm vỡ với những bắp tay cuồn cuộn. Thân hình cân đối, cường tráng càng làm tăng thêm vẻ đẹp. Thạch Sanh đóng một cái khố, trên đầu quấn một chiếc khăn nâu, vai đeo cung tên… đi từ trong rừng ra với những bó củi to trông như lực sĩ của rừng xanh.

 Chú Thạch Sanh mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Thạch Sanh không phải là con người bình thường mà là thái tử, con Ngọc Hoàng xuống đầu thai làm con của một đôi vợ chồng già ở Cao Bình. Nguồn gốc cao quí và khác thường ấy như điềm báo cho ta biết cuộc đời Thạch Sanh sẽ không phẳng lặng mà gặp nhiều thử thách, chông gai. Thạch Sanh là một chàng trai tốt bụng, chăm chỉ và tài giỏi. Thạch Sanh thật thà lắm nên bao lần bị Lí Thông lừa mà không hề hay biết. Ở cạnh Lí Thông gian xảo, chú đã sống chân thật hết mình, giúp hắn biết bao việc. Không chỉ có vậy, lúc nào chú cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn, chẳng từ nan. Thạch Sanh đã giết được chằng tinh không chỉ cứu được mẹ con Lí Thông mà còn giúp được dân làng thoát khỏi nanh vuốt độc ác của đại bàng khổng lồ … và hơn cả, Thạch Sanh đã đánh thắng được quân mười tám nước chư hầu bằng trí thông minh của mình mà không tốn một hòn tên mũi đạn. Những chiến công oai hùng đó của chú Thạch Sanh thật đáng ngưỡng mộ.

 Trải qua nhiều khó khăn, Thạch Sanh càng thể hiện được bản lĩnh, tài năng của mình. Chấp nhận đi canh miếu thờ, rồi gặp chằn tinh chú sẵn sàng chiến đấu mà không hề run sợ, thấy đại bàng bắt công chúa, Thạch Sanh dũng cảm lẫn theo dấu vết rồi xin xuống hang đánh đại bàng giải cứu. Khi bị vu oan tội ăn cắp của cải nhà vua và bị bắt vào ngục tối, Thạch Sanh mang cây đàn ra đánh, tiếng đàn đã đến được với công chúa, chú tự giải cứu được chính mình. Thử thách mười tám nước chư hầu đã thể hiện roc nhất tài năng cũng như tấm lòng nhân ái của chàng dũng sĩ. Niêu cơm thần kì đã giúp Thạch Sanh làm cho các binh lính tâm phục khẩu phục mà rút về. Trong niềm vui hân hoan chiến thắng ta càng thấy Thạch Sanh đẹp hơn bao giờ hết, vẻ đẹp hài hoà giữa ngoại hình với tâm hồn và tài năng.

 Anh hùng Thạch Sanh mãi là người dùng sĩ của các bạn nhỏ các thế hệ từ xưa cho đốn mãi về sau. Dù đọc bao câu chuyện cô tích khác nhưng hình ảnh chú Thạch Sanh vẫn mãi đọng lại trong tâm trí mọi người.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Giải thích câu nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó – Văn hay lớp 10
  • Miêu tả vẻ đẹp tiêu biểu của quê hương em – Văn hay lớp 6
  • Miêu tả ngôi nhà hoặc căn phòng em ở – Văn hay lớp 6
  • Thay mặt nhân vật En-ri-cô viết thư cho bố …- Văn hay lớp 7
  • Giải thích câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” – Văn hay lớp 7
  • Giải thích câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” – Văn hay lớp 8
  • Tả cây đa (hay cây xoan ) nơi vườn quê, làng quê – Văn hay lớp 2
  • Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) – Văn hay lớp 11
0