Mẹo dùng nghệ đen trị chứng kém ăn
Nghệ đen có nguồn gốc từ miền Đông Bắc và Trung Ấn Độ. Ngày nay, cây nghệ đen xuất hiện khắp vùng châu Á bao gồm: Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc… Ở Việt Nam, nghệ đen trồng rộng rãi ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Nghệ đen thuộc họ ...
Nghệ đen có nguồn gốc từ miền Đông Bắc và Trung Ấn Độ. Ngày nay, cây nghệ đen xuất hiện khắp vùng châu Á bao gồm: Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc… Ở Việt Nam, nghệ đen trồng rộng rãi ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nghệ đen thuộc họ gừng, có mặt ở một số phương thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền với tên gọi là nga truật. Ngoài ra, trong dân gian chúng còn có một số tên như: nghệ tím, ngải tím, bồng truật, ngải xanh, bồng nga, bồng dược, nghệ đăm…Nghệ đen được đào lên và bào chế bằng cách rửa sạch đất, thái mỏng, phơi khô để sắc (nấu) uống hoặc phơi khô xay bột để dùng dần, có khi tẩm giấm, sao khô…
Củ nghệ đen thường được dùng để chữa một số bệnhvề tiêu hóa rất công hiệu.
Theo Đông y, nghệ đen có vị đắng, cay, mùi thơm hăng, tính ấm, vào kinh Can có tác dụng hành khí, thông huyết, tiêu thực, mạnh tì vị, kích thích tiêu hóa, tiêu viêm, tiêu xơ, chữa các chứng rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, kinh nguyệt không đều…Trong Trung Quốc bách khoa đại từ điển, nghệ đen được xem là chữa “bách bệnh”. Dưới đây là một số bài thuốc thường dùng.
– Chữa chứng kém ăn, chậm tiêu, đầy hơi, mệt mỏi, lạnh bụng, đại tiện phân sống, nấm mạn tính đường ruột: Nga truật 160g, cốc nha 20g, khiên ngưu (sao) 40g, hạt cau 40g, đăng tâm (bấc lung) 16g, nam mộc hương 20g, củ gấu 160g, tam lăng 160g, đinh hương 16g. Tất cả các vị tán thành bột mịn, hoàn thành viên cho dễ uống. Ngày uống 8-12g với nước sắc gừng (nướng chín).
– Bổ khí, dưỡng huyết, trị bệnh về khí huyết: Nga truật, bạch chỉ, hồi hương, cam thảo, đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung mỗi thứ 40g. Tất cả đem tán thành bột mịn, hoàn thành viên. Uống ngày 8-12g với nước ấm.
– Ăn uống không tiêu hay trướng bụng, ợ chua: Nga truật 12g, tam lăng 12g, trần bì (vỏ quýt), hương phụ, la bặc tử, sa nhân, thanh bì, chỉ xác mỗi loại 6g, hồ liên 4g, lô hội 2g, hồ tiêu 4g. Tất cả đem tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 4-8g với nước ấm.
– Trị đau bụng do bế kinh: Nga truật, xuyên khung, xích thược, quy vĩ, bạch chỉ, hương phụ mỗi loại 6g, thục địa 12g. Tất cả đem tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6-12g với nước ấm. Hoặc có thể sắc uống, đem những vị thuốc trên nấu với 600ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Ngoài ra, kinh nghiệm dân gian còn dùng nghệ đen tán thành bột uống với mật ong để chữa trị viêm loét dạ dày cũng có hiệu quả. Chúng còn được chiết xuất lấy dầu, được nghiên cứu hỗ trợ điều trị ức chế và phá tế bào ung thư gan…
Lưu ý: Do tác dụng hoạt huyết phá ứ rất mạnh nên nghệ đen không được dùng cho phụ nữ có thai và những người bị rong kinh.
Loài cây dễ trồng
Nghệ đen là loài cây thảo, cao 1-1,5m, thân rễ có vân ngang và khía dọc, mang những củ hình trụ, thân rễ còn mang củ hình trái xoan hoặc hình trứng, màu trắng, có cuốn dài và mảnh. Lá hình mũi mác, không cuống, có bẹ dài ở gốc, đầu nhọn có đốm tía dọc theo gân giữa ở mặt trên.
Nghệ đen thường mọc thành khóm, đôi khi trở thành quần thể trên đất ẩm, gần bờ suối trong thung lũng hay trên nương rẫy. Cây ưa sáng và chịu nóng. Vào giữa mùa xuân, từ thân rễ mọc lên nhiều thân khí sinh. Song trong khóm thường chỉ có một thân chính sinh ra từ thân rễ. Phần thân rễ này gọi là “củ cái”, chỉ tồn tại được 2 năm rồi tự thối rữa, để lại các phần thân rễ non hơn phát triển thành những “củ cái” mới. Có thể trồng nghệ đen bằng củ rễ vào mùa xuân, thu hoạch vào mùa đông. Khi thu hoạch, chọn củ non có mầm để làm giống.